Cuộc sống quanh ta

Quan huyện, tỉnh cứ đủng đỉnh lệ làng?

Xưa, cha ông than mãi hoài cái chuyện “phép vua thua lệ làng” bởi luật, lệ của nhà nước phong kiến không đủ sự rạch ròi và chế tài nghiêm khắc để phân định, phân biệt “quyền” của địa phương so với trung ương. Vả lại, nhà nước phong kiến phương Đông có một “thuộc tính” đặc thù là cho phép các địa phương... lộng hành vừa phải(!), nhằm bảo đảm, gia cố sự trung thành trong cái mê cung các tình thế muốn mà không được: Thông tin bằng đường bộ, nước xa chẳng chế ngự được lửa gần. Thời nay, cứ nghĩ là bây giờ khác xưa; nhưng xem ra, qua những vụ việc mà báo chí vừa cho biết, các quan chức tỉnh, huyện của ta hình như vẫn cứ tin rằng, nếu họ muốn, vẫn chẳng có gì khác lắm so với hàng trăm năm trước?

Cả ba chuyện động trời đều được báo chí thông tin trong mấy ngày gần đây.

Một, từ tỉnh Hà Nam. Ông chủ tịch tỉnh Hà Nam Nguyễn Xuân Đông không cần biết đến lệnh của Chính phủ, của Bộ GTVT về việc cấm tiệt xe quá tải, không chỉ một lần: Hai lần liên tiếp ông thản nhiên “ban phát” đặc ân cho xe tải trọng hàng chục tấn nghênh ngang qua cái cầu chỉ chịu được... 3,5 tấn; có nghĩa là lạm quyền cả chục lần so với quy định ATGT (Vietnamnet, 11.4.2015, 02:00 GMT+7)!

Hai, tạm biệt Xứ Bắc với cái mê cung tình tính tang, tang tính tình đã được “truyền thống hóa”, vào đến miền Trung thấy ngay ông chủ tịch tỉnh Quảng Bình coi kỷ cương, phép nước giống như chuyện... gia đình? Ông hô biến phi quy hoạch thành quy hoạch nhanh, gọn cả một cái nghĩa trang có “nguồn cội” bắt đầu từ gia đình mình để hợp thức hóa chuyện phong thủy sao cho có lợi nhất với suy nghĩ của ông?

Ba, rời miền Trung, chạm đến cái cửa ngõ Nam Bộ là tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu: Năm 1992, ông phó chủ tịch tỉnh Nguyễn Văn Hàng ký quyết định thu hồi đất của dự án thành lập Làng Cô nhi Nghĩa Ân sau khi Thủ tướng Chính phủ đã cách chức ông... từ 3 ngày trước? Hai mươi ba năm trôi qua, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn cứ thu hồi đất để ban phát cho dự án mới, mặc dù theo Viện KSNDTC, “nếu cần thiết phải đình chỉ hoạt động của làng cô nhi này, thì tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phải báo cáo với Chính phủ và những tổ chức liên quan cấp Chính phủ”(Motthegioi, 08:51,10.4.2015).

Tỉnh làm tới được thì huyện cũng theo luôn: UBND huyện Long Thành không bồi thường tiền san lấp mặt bằng, bằng cách lấy các lấy Nghị định Chính phủ ban hành năm 2014 và Luật Đất đai năm 2013 để giải quyết vụ việc san lấp mặt bằng từ năm... 1992? Chẳng lẽ UBND huyện không biết rằng, bất kỳ công văn, văn bản luật pháp nào nào của bất kỳ nhà nước nào cũng chỉ có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành?

Ba vụ việc tạm gọi là điển hình trên đây phản ánh một thực trạng khó chấp nhận của nền hành chính hiện nay: Tỉnh, huyện bất chấp nguyên tắc tổ chức nhà nước, tự cho mình mặc nhiên có cái quyền như... vua một cõi, ưa chi làm nấy.

Hệ lụy của “phản ứng dây chuyền” thật là nguy hại: tỉnh làm tới được thì việc chi cấp huyện phải làm lui? Cấp huyện giải thích văn bản sai để áp dụng thi hành cho đúng với cái... sai, sao có thể trách cấp xã, phường mai này tự tung, tự tác?

“Trên bảo dưới không nghe” hầu như đã trở thành thành ngữ từ hàng chục năm nay; giờ đây đã biến tướng thành vô số hình loại theo cách nhìn mà không chộ, biết mà không hiểu. Nói chính xác, cố ý làm trái đã có hình dạng như một thứ bệnh khó chữa, khó lành...

Khi bàn về chuyện luật và vận dụng luật pháp vào cuộc sống, xã hội; có quan chức nói rằng trường đại học luật mới mở năm 1979 nên sự bất cập giữa luật và đời là chuyện... bình thường? Cứ cho rằng 34 năm sau khi Nước VNDCCH thành lập mới mở trường luật là một sự trễ tràng đi nữa thì cũng không thể “vận dụng” một cách tùy tiện theo kiểu ai khéo lách thì lọt, ai khéo nói thì khỏi lo, khéo nằm co thì ấm.

Cần nhấn mạnh rằng sự vô kỷ luật, phi nguyên tắc là một “món hàng” dễ hỏng, một căn bệnh hay lây: Chỉ cần thiếu nghiêm khắc, không kịp thời chấn chỉnh cái sai ở một khâu nào đó, cả bộ máy sẽ phát tán sự vi phạm đến mức khó lường...  

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441654

Hôm nay

254

Hôm qua

2317

Tuần này

21558

Tháng này

216828

Tháng qua

112676

Tất cả

114441654