Cuộc sống quanh ta

Nam Việt Nam: mổ xẻ một sụp đổ

Lời tòa soạn: Báo Bưu điện Washington (The Washington Post) số ra 19/4/1975 đã nêu nguyên nhân tan rã của ngụy quân, ngụy quyền 10 ngày trước khi Sài Gòn thất thủ[1]. Các tác giả Rowland Evans và Robert Novak cho rằng số phận  của chính quyền Thiệu đã bị định đoạt bởi các quyết định quân sự sai lầm của họ giữa tháng 3/1975. Bản dịch này chỉ có ý nghĩa tham khảo, cung cấp một cách nhìn, một nhận định về nguyên nhân sụp đổ của chế độ Sài Gòn trước ngày kết thúc cuộc chiến từ phía bên kia chiến tuyến.

Washington– Một mổ xẻ bới các “phẫu thuật viên” cao cấp “tử thi” của chế độ Thiệu dưới đây sẽ chỉ ra không phải những “dê tế thần” bị kết án vội vàng, mà chính tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, và nhất là những sai sót ngớ ngẩn trên chiến trường, cùng với sự giảm sút đột ngột của viện trợ Mỹ đã kết hợp với nhau tạo nên một bi kịch không thể đảo nghịch.

Mổ xẻ này không thực hiện bởi các nhân viên sứ quán Mỹ ở Sài Gòn – những người hợp tác chặt chẽ với Thiệu, mà bởi những quan chức ở Washington – những người không quan tâm đến uy tín của Thiệu, và đã sang Nam Việt Nam khi chính quyền Việt Nam cộng hòa (VNCH) suy sụp. Câu chuyện của họ đã được kiểm định kỹ về độ chính xác, sẽ giúp giải thích vì sao những người lính VNCH, từng chiến đấu cứng cỏi ở Xuân Lộc và những nơi khác, lại bỏ chạy trong hỗn loạn tháng vừaqua. Câu trả lời là: không phải thiếu sự dũng khí, không ái quốc, hay do huấn luyện, mà là do sự kém tài thao lược của giới tướng lĩnh, một điều còn trở nên yếu kém hơn dưới sức ép của sụt giảm mạnh viện trợ Mỹ.

Bị mất sự ủng hộ từ Washington, chống đối phương là Bắc Việt được  Moscow tài trợ,  VNCH cuối cùng đã sụp. Nhưng những sự kiện khủng khiếp xảy ra giữa tháng 3 đã đẩy nhanh quá trình sụp đổ đã chất chứa nhiều năm, theo hướng tàn phá bội phần các chính sách của Mỹ.

Việc phe cộng sản đánh tan sư đoàn 23 VNCH chiếm Ban Mê Thuột tại Tây Nguyên với Thiệu đã biến thành kịch bản bị thất thế về quyền bính. Ông ta ra lệnh cho quân của mình rút khỏi các căn cứ đã bị đặt vào tình thế dễ bị tấn công. Trái với dư luận, lúc này Thiệu đã không hấp tấp ra mệnh lệnh.

Ngày 13/3, trung tướng Ngô Quang Trưởng, tư lệnh Quân đoàn I ở phía bắc lãnh thổ VNCH bay tới Sài Gòn để hội kiến tổng thống. Thiệu ra lệnh cho Trưởng rút lui, bỏ ngỏ Huế nếu cần thiết, nhưng phải trụ được ở Đà Nẵng. Trưởng nhận lệnh, nói thêm rằng ông ta vẫn cố giữ Huế, nếu có khả năng.

Ngày 14/3, Thiệu triệu tập một cuộc họp cấp cao về biện pháp chiến tranh tại căn cứ Cam Ranh, không cho sứ quán Mỹ biết. Năm viên tướng tham dự: Thiệu, thủ tướng Trần Thiện Khiêm, Tổng tham mưu trưởng Cao Van Viên, và trung tướng Đặng Văn Quang, cố vấn quân sự của tổng thống, và thiếu tướng Phạm Văn Phú, chỉ huy Quân đoàn 2, có sở chỉ huy tại Pleiku, nằm giữa Cao nguyên Trung phần (Tây Nguyên).

Theo chiến lược phòng thủ mới của Thiệu, phải bỏ Pleiku và Kontum – trên vùng cao nguyên, nhưng không nghĩa là tháo chạy (all the way) về Sài Gòn. Kế hoạch này dĩ nhiên nhằm tập hợp lại đội hình để phản kích lấy lại Ban Mê Thuột, tìm cách chặn đứng cuộc tiến công của cộng sản (lúc đó còn) mang tính thăm dò (hesistant). Có điều khi đưa ra ý bỏ mặc Pleiku và Kontum (cho đối phương chiếm), sự không đánh giá đúng tầm quan trọng lịch sử (của Tây Nguyên) đã hiển hiện. Tuy vậy, bốn trong số năm người dự cuộc họp trên vẫn nghĩ việc thoái lui này phải diễn ra trong suốt hai tuần lễ còn lại của tháng 3.

Quân đội Sài Gòn rút lui hoảng lọan tại chiến trường Tây Nguyên

Người thứ năm, tướng tư lệnh Quân đoàn 2 Phạm Văn Phú, có một lý lịch dài và oai phong – là một trong hai viên sĩ quan Việt trong quân đội Pháp tại trận Điện Biên Phủ 1954 thảm khốc (đối với phương Tây). Nhưng Phạm Văn Phú khớp với cung cách quen thuộc của quân lực VNCH: tư lệnh cấp các sư đoàn hạng nhất không thể đảm đương nổi tính phức tạp trong chỉ huy đơn vị cấp quân đoàn. Điều đang làm Phạm Văn Phú nổi trội là ông ta trở thành người chỉ huy tồi nhất của cuộc chiến tranh dài ngày này.

Trở về Pleiku hôm 14/3 đã muộn, Phú, theo một cách không thể hiểu được, ra lệnh rút quân ngay trong đêm đó mà không có bước chuẩn bị gì. Nếu là trước đây, các cố vấn Mỹ hẳn đã kìm tướng Phú lại, và lên sa bàn trận phản kích Buôn Mê Thuột. Nhưng những cố vẫn Mỹ đã rút đi sau khi Hiệp định Paris được ký năm 1972 (một Hiệp định cho phép 140 ngàn quân Bắc Việt Nam vẫn ở lại).

Bỏ lại những phương tiện quân sự đáng giá hàng triệu USD, quân của Phú khởi hành từ đầu đông của đường 19B, và tỉnh lộ 7B – con đường dẫn xuống địa ngục. 7B là con đường không được sửa chữa, không có cầu, khiến cho một đống hỗn độn xe vận tải chèn lấn nhau, cố vượt khúc cạn trên sông. Đoàn quân rút chạy xen kẽ khoảng 200 ngàn dân sự tị nạn, đã bị phục kích ở Cheo Reo bởi sư đoàn 220 của Bắc Việt Nam. Kết quả là càng thêm hỗn loạn, bị tiêu hao, và tiếp tục cuộc chạy rút chạy thảm khốc này, còn vượt lên trên cả trận Caporreto (cuộc lui quân khốc hại của quân Ý trong Thế chiến thứ nhất), và cần một Hemingway (tác giả kiệt tác Giã từ vũ khí nói về chiến tranh Thế giới thứ nhất) nữa, để đặc tả.

Thảm họa trên đường 7B nhanh chóng loang ra. Tại vùng phía Bắc của VNCH, tướng Trưởng sợ bị cách ly (khỏi phần lãnh thổ còn lại), đã ra lệnh rút lui khỏi Huế. Nhưng tới lúc này, tổng thống Thiệu đã hoảng loạn. Bất chấp cuộc họp hôm 13 tháng Ba với tướng Trưởng, Thiệu lệnh cho quân Sài Gòn quay trở lại. Đảo ngược hướng hành quân, quân Sài Gòn va phải những đoàn người di tản, rồi lại đổi hướng lần nữa (theo dòng người xuống phía Nam). Cho tới lúc này, sư đoàn 1 tinh binh của Ngô Quang Trưởng đã tan rã đến mức việc phòng thủ Đà Nẵng trở nên không thể. Kết quả từ cuộc rút quân hấp tấp khỏi Pleiku, đã phải trả giá tổng cộng bằng 5 sư đoàn bộ binh, nửa phía bắc của Việt Nam Cộng hòa, và dĩ nhiên là sự tồn vong của VNCH nữa.

Bài viết có tính mổ xẻ này nhằm cung cấp bài học quý. Nó chứng thực tổng thống Ford đúng khi không xếp đống những chê trách lên đầu Thiệu, như ý muốn của một số cố vấn Tổng thống. Cái mà quân lực VNCH cần không phải là sự tuân phục Tống thống hay sự tán thưởng một nền lãnh đạo kém cỏi, mà là một khả năng thao lược tàm tạm của những viên tướng.

Và mặc dù Quốc hội Mỹ có thể không cho là như thế, đã thấy rõ liên hệ không thể tránh khỏi giữa việc viện trợ Mỹ sút giảm một cách rõ rệt với thảm họa hiện nay ở Nam Việt Nam.

Ngay cả khi viện trợ ở mức khả dĩ được nối lại để Sài Gòn có thể phiên chế lại được 5 sư đoàn, ngõ hầu ổn định trở lại tình hình chiến sự, điều được hy vọng nhất hiện nay là, tạo được một quãng thời gian dành cho một cuộc di tản có trật tự cho lãnh đạo Sài Gòn và lập một chính phủ mới, dù hiệp thương rồi sẽ dẫn tới sự cai trị không tránh khỏi của phe cộng sản. Cuộc chiến lâu năm, đắt giá kinh khủng này đã thất bại vào Ngày Ides theo Lịch  La Mã cổ đại (15 tháng 3 hàng năm) rồi. Và dù luận tội thế nào đi nữa, thì những người lính bộ khổ cực biết bao năm nay của VNCH không thể bị đổ lỗi.

                                                                                    Lê Đỗ Huy (dịch)

 

 


[1]Vietnam: Autopsy of the Collapse

http://www.fordlibrarymuseum.gov/library/document/0067/7773923.pdf

https://news.google.com/newspapers?nid=336&dat=19750421&id=fb9YAAAAIBAJ&sjid=W4ADAAAAIBAJ&pg=2735,5158554&hl=en

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443313

Hôm nay

2204

Hôm qua

2305

Tuần này

21126

Tháng này

218487

Tháng qua

112676

Tất cả

114443313