Cuộc sống quanh ta

Đôi dòng về sự tái tạo liên hệ xã hội

Bạo lực càng ngày càng lan rộng. Người với người như hết tình nghĩa và hết nhân đạo. Cứ như đàn thú dữ, nổi giận là cắn xé nhau.

Trường phái Chicago đã nghiên cứu về nguyên nhân của bạo lực. Sau trường phái Chicago, Marcel Bolle de Bal, một nhà xã hội học Bỉ, nói về sự tái tạo liên hệ xã hội.

Khởi thủy khái niệm tái tạo liên hệ được đề ra năm 1963 bởi Roger Clausse (1) như một nhu cầu tâm lý xã hội – tái tạo liên hệ xã hội để trả lời sự cô đơn của các cá nhân trong xã hội. Roger Clausse chỉ bàn đến nhu cầu tái tạo liên hệ xã hội như một nhu cầu thông tin.

Trong những năm sau 1968, khái niệm này được đào sâu bởi Marcel Bolle de Bal (2),tái tạo liên hệ xã hội từ đó bao gồm thêm ý nghĩa của hiện tượng, mục đích, sự hội nhập trong một hệ thống tổ chức.

Khái niệm bao gồm ba khía cạnh: xã hội học, tâm lý học và triết học.

Dưới khía cạnh xã hội học, đó là sự thiết lập những liên hệ mới trong xã hội, lấp bù chỗ trống gây ra bởi những nguyên do đủ loại – Điển hình nhất là thí dụ của những người từ quê ra tỉnh,  từ nông thôn ra thành thị để sinh nhai, mất liên hệ xóm làng, ở tỉnh thành, lạ nước lạ cái, không họ hàng thân thuộc, nhu cầu thiết lập những liên hệ xã hội mới thành cần thiết.

Về tâm lý học, sự tái thiết lập liên hệ là để trả lời một nhu cầu hiện hữu. Con người là một con vật sống trong xã hội và cần liên hệ xã hội. Cần người cảm thông.

Nhưng không chỉ liên hệ với người khác, khái niệm tái liên hệ còn bao gồm, trên bình diện triết học, sự tái liên hệ với vũ trụ, với tôn giáo và đạo đức vì bất cứ xã hội nào cũng cần một hệ thống tổ chức siêu hình như một loại xi măng, những điểm chung, để gắn liền các thành viên khác nhau, các thế hệ khác nhau, chặt chẽ liên hệ giữa người với nhau. Tối cần cho sự trường tồn của tập thể.

.....................

(1) CLAUSSE R., Les Nouvelles, Synthèse critique, Centre National d’Études des Techniques de Diffusion Collective, Bruxelles, Éditions de l’Institut de Sociologie, 1963.

(2) BOLLE DE BAL M., Voyage au cœur des Sciences Humaines, De la reliance , Paris, Editions L’Harmattan, 1996.

Addendum

1. Mời xem thêm khái niệm mất liên hệ xã hội (bài song ngữ Pháp-Việt):

http://huynhmai.org/2015/04/08/la-deliance-su-mat-lien-he-xa-hoi/

2. Những thí dụ về tái tạo liên hệ xã hội?

Ở trời Âu, dân tình cũng khổ sở vì là … nạn nhân của sự mất liên hệ xã hội. Có thể nói là nhiều khi người với người chỉ tiếp xúc với nhau qua sự phân công xã hội – qua vai trò của mình – chứ hoàn toàn không có nhân nghĩa, tình cảm. Thế nên, từ từ, các xí nghiệp tổ chức những sinh hoạt mà ta gọi là team building –  giúp thắt chặt đoàn kết trong nhóm sản xuất – . Ở khu phố thì dân chúng tổ chức những bữa ăn gọi là “lễ người láng giềng” để mọi người có dịp gặp nhau trao đổi chuyện đời, tìm hiểu nhau hơn, hầu khi tối lữa tắt đèn, …Rộng hơn nữa, giới trẻ có ý thức xã hội lập ra những kiểu nhà “hợp cư” trong đó các thế hệ chung sống với nhau, người già có thể giúp trông hay chơi với  trẻ con còn người trẻ có thể giúp người cao tuổi khi họ có vấn đề. Chứ không có kiểu “nhà ai nấy ở” như ta vẫn thấy ở các chung cư…

3. Sự tái tạo liên hệ xã hội giúp giữ thăng bằng cấu trúc tổ chức và sinh hoạt. Vì thiếu liên hệ sẽ dẫn đến thiếu kiểm soát xã hội – contrôle social –  và gây nẩy sinh ra những déviances hay lệch chuẫn. Bạo lực là một thí dụ cho lệch chuẫn.

 Kiểm soát xã hội là tất cả những phương thức chế tài, tích cực (khen thưởng) cũng như tiêu cực (trừng phạt), mà xã hội dùng cốt để các thành viên tuân thủ hay chấp hành luật lệ của xã hội.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441310

Hôm nay

227

Hôm qua

2283

Tuần này

21214

Tháng này

216484

Tháng qua

112676

Tất cả

114441310