Cuộc sống quanh ta

Lễ hội Làng Sen năm 2015: Càng chuyên nghiệp hóa càng thiếu hấp dẫn

Với chủ đề “Sáng mãi tên Người Hồ Chí Minh”, lễ hội Làng Sen toàn quốc năm 2015 được tổ chức tại Tp. Vinh (Nghệ An) từ ngày 12 đến ngày 19 tháng 5, với nhiều hình thức hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao. Qua 8 lần tổ chức quy mô toàn quốc tại Nghệ An, từ liên hoan tiếng hát Làng Sen đến lễ hội Làng Sen đều được chuyên nghiệp hóa, nhưng điều nghịch lý là càng chuyên nghiệp hóa càng thiếu hấp dẫn.

Về tham gia lễ hội Làng Sen kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh có 32 tỉnh, thành trong cả nước, trong đó 26 tỉnh tham gia liên hoan tiếng hát Làng Sen, 8 tỉnh tham gia Ngày hội văn hóa các dân tộc miền Trung  (2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đồng thời tham gia cả hai hoạt động này). Lực lượng mỗi tỉnh khoảng vài ba chục người gồm diễn viên, nhạc công, nhạc sỹ, biên đạo múa… và cán bộ của Trung tâm văn hóa thông tin tỉnh. Ở trung ương, Bộ văn hóa thể thao và du lịch huy động lực lượng gồm lãnh đạo Bộ (một đồng chí Thứ trưởng), lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị trực thuộc Bộ cùng  cán bộ chuyên môn vào trực tiếp tại Nghệ An để tổ chức lễ hội Làng Sen. Tỉnh Nghệ An huy động một lực lượng lớn gồm lãnh đạo và văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo và cán bộ, nhân viên Sở văn hóa thể thao và du lịch; lãnh đạo và cán bộ, nhân viên các đơn vị trong ngành văn hóa; các đơn vị công an cùng phối hợp tổ chức lễ hội Làng Sen. Lực lượng tham gia lễ hội Làng Sen ước tính khoảng trên 1.000 người, trong đó chỉ có một số vận động viên thể thao và nghệ nhân dân gian là quần chúng, còn lại là đội quân hoạt động văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp từ trung ương đến các tỉnh, bóng dáng người dân tham gia lễ hội hầu như không thấy. Với một đội quân chuyên nghiệp như vậy nên mọi hoạt động của lễ hội Làng Sen đều được chuyên nghiệp hóa và “hành chính hóa” đến mức không còn là lễ hội của nhân dân.

Mở đầu cho lễ hội Làng Sen vẫn là các nghi thức quen thuộc: lễ dâng hoa trước Tượng đài Bác Hồ, lễ diễu hành từ Tp. Vinh về quê Bác, lễ rước ảnh Bác từ quê ngoại đến quê nội, lễ dâng hoa dâng hương báo công với Bác tại nhà tưởng niệm Khu di tích Kim Liên. Ngoài ra, mỗi hình thức hoạt động trong lễ hội đều có lễ khai mạc, bế mạc rất trang trọng.

Đêm khai mạc lễ hội Làng Sen được tổ chức trang trọng và hoành tráng tại Quảng trường Hồ Chí Minh với lực lượng tham gia khoảng vài nghìn người (các đoàn về tham gia lễ hội, các thành viên ban tổ chức, khách mời và nhân dân các phường của Tp. Vinh). Đêm khai mạc được tường thuật trực tiếp trên sóng VTV1 và NTV. Chương trình nghệ thuật ca múa nhạc tổng hợp biểu diễn dưới chân Tượng đài Bác Hồ mang tính trình diễn, gồm các tác phẩm ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh được các nghệ sỹ chuyên nghiệp biểu diễn. Chương trình này do Bộ văn hóa thể thao và du lịch chuẩn bị từ Hà Nội đưa vào  phục vụ lễ hội Làng Sen.Xem chương trình trên sóng truyền hình, nhiều người dân thắc mắc: “Tại sao không có một tiết mục nào là dân ca ví, giặm”. Người dân thắc mắc bởi sự kiện nổi bật của năm 2015 là dân ca ví, giặm được UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Vậy mà, các nhà thiết kế lễ hội Làng Sen đã quên mất di sản cội nguồn của văn hóa xứ Nghệ.

Trọng tâm của lễ hội Làng Sen năm nay vẫn là liên hoan tiếng hát Làng Sen, diễn ra liên tục trong 2 ngày 2 đêm (17 và 18 tháng 5) tại Nhà văn hóa lao động tỉnh. Liên hoan lần này thu hút 26 đoàn nghệ thuật quần chúng đến từ các tỉnh, thành trong cả nước, với hơn 800 diễn viên, nhạc công, cán bộ nghệ thuật và cán bộ chuyên môn của Trung tâm văn hóa thông tin các tỉnh. Với chủ đề “Sáng mãi tên Người Hồ Chí Minh”, 153 tiết mục tham gia liên hoan hầu hết đều là những bài hát ca ngợi Bác Hồ. Tất cả các chương trình đều được dàn dựng theo phong cách nghệ thuật chuyên nghiệp, không còn sự hồn nhiên cảm động toát lên từ các tiết mục văn nghệ quần chúng. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, gọi là các đoàn nghệ thuật quần chúng nhưng số diễn viên văn nghệ quần chúng thuần túy rất ít, hầu hết  diễn viên các đoàn đều đã qua đào tạo tại các trường văn hóa nghệ thuật, là cán bộ nghệ thuật hoặc hạt nhân văn nghệ của các Trung tâm văn hóa thông tin tỉnh. Trực tiếp dàn dựng các chương trình là những nghệ sỹ chuyên nghiệp hoạt động ở các địa phương. Quy chế quy định không được đưa diễn viên chuyên nghiệp vào các đoàn nghệ thuật quần chúng, nhưng một số tỉnh đã “bí mật” đưa diễn viên chuyên nghiệp đi tham gia liên hoan. Với sự tham gia của các nhạc sỹ, biên đạo múa, nghệ sỹ, diễn viên, nhạc công chuyên nghiệp đã biến liên hoan tiếng hát Làng Sen thành một cuộc thi thố tài năng nhiều hơn là để thể hiện tình cảm đối với Bác Hồ như những lần liên hoan đầu tiên đã diễn ra đầy cảm động. Kết thúc liên hoan, 10 đoàn nghệ thuật quần chúng được Ban tổ chức tặng Huy chương vàng toàn đoàn (trong đó có đoàn Nghệ An), 16 đoàn còn lại được tặng Huy chương bạc. Trong tổng số 153 tiết mục có 35 tiết mục được tăng Huy chương vàng, 62 tiết mục được tặng Huy chương bạc, còn 56 tiết mục không được tăng Huy chương chủ yếu là do không thể hiện đúng chủ đề của cuộc liên hoan (không phải là bài hát ca ngợi Bác Hồ).

Một hoạt động đáng chú ý của lễ hội Làng Sen năm nay là Ngày hội văn hóa các dân tộc miền Trung tổ chức tại Trung tâm văn hóa thông tin tỉnh Nghệ An. Ngày hội này thu hút sự tham gia của 8 tỉnh (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận) với 300 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên thể thao của 14 dân tộc. Ngày hội văn hóa các dân tộc được tổ chức với nhiều hình thức: trưng bày không gian văn hóa (dưới hình thức các gian hàng trưng bày sản phẩm văn hóa và đặc sản của các địa phương); biểu diễn các hình thức văn nghệ dân gian các dân tộc; trình diễn sắc phục các dân tộc, trích đoạn các nghi thức dân gian; tổ chức các trò chơi dân gian và các môn thể thao dân tộc (ném pao, đẩy gậy). Ngày hội văn hóa các dân tộc có 3 giải thưởng: Quảng Nam giải A, Nghệ An giải B, Quảng Ngãi giải C.

Tại Trung tâm văn hóa thông tin tỉnh còn có triển lãm chuyên đề “Hành trình theo chân Bác” do Trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật và Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam phối hợp tổ chức. Triển lãm mỹ thuật nhiếp ảnh do Cục mỹ thuật nhiếp ảnh và triển lãm tổ chức, gồm 125 tác phẩm mỹ thuật và nhiếp ảnh được chọn lọc từ 1.200 tác phẩm tham gia trại sáng tác toàn quốc với chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tại triển lãm này, có 11 tác phẩm  mỹ thuật và 10 tác phẩm nhiếp ảnh được trao giải thưởng, đều là những tác phẩm gây được ấn tượng. Để tạo không khí cho lễ hội, 125 tác phẩm tranh cổ động khổ lớn (2m x 3m) về đề tài Bác Hồ đã được trưng bày trong không gian ngoài trời tại Quảng trường Hồ Chí Minh, Nhà văn hóa lao động tỉnh và một số tuyến đường Tp. Vinh.

Ngoài các hoạt động chính trên đây, lễ hội Làng Sen còn có một số hoạt động khác: tại Trung tâm điện ảnh đa chức năng có tuần phim về Bác Hồ; giao lưu các nghệ sỹ, diễn viên đoàn làm phim về Bác Hồ được tổ chức tại Đại học Vinh và huyện Nam Đàn; tại Bảo tàng Nghệ An có trưng bày chuyên đề “Tình cảm nhân dân Việt Nam và thế giới đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh”, tại Tp. Vinh và xã Kim Liên có giải thi đấu bóng chuyền tỉnh Nghệ An; huyện Nam Đàn tổ chức “Hội trại thanh niên làm theo lời Bác”. Hai đoàn nghệ thuật quần chúng của tỉnh Nakhonphanom (Thái Lan), tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) đã đến dự lễ hội Làng Sen. Theo chương trình, 2 đoàn biểu diễn giao lưu tại Tp. Vinh, thị xã Cửa Lò, huyện Nam Đàn và một số huyện khác.

Có thể nói, lễ hội Làng Sen năm nay khá phong phú về hình thức hoạt động. Nhưng quan sát công chúng và nhân dân đến với lễ hội, thấy một bức tranh tẻ nhạt, một cảm giác không thể buồn hơn. Người viết bài này đã kiên trì ngồi xem gần hết các chương trình tham gia liên hoan tiếng hát Làng Sen. Ngước lên sân khấu thấy chương trình nào cũng hoành tráng nhưng ngoảnh lại hội trường thấy sao mà trống trải. Ban ngày còn có các sinh viên mặc áo xanh tình nguyện và các em học sinh quàng khăn đỏ được huy động đến làm “khán giả”. Còn ban đêm, ngoài Ban giám khảo và một vài vị trong Ban tổ chức, chỉ lèo tèo dăm bảy người đến ngồi xem một lúc rồi lặng lẽ ra về. Đêm cuối cùng khép lại cuộc liên hoan, tôi cùng một anh bạn (là nhạc sỹ) cán bộ Sở văn hóa đã về hưu ngồi ở hàng ghế đầu, quay lại đếm khán giả thấy vẻn vẹn đúng 7 người kể cả trẻ em. Vậy mà các đoàn khi kết thúc chương trình đều trịnh trọng: “Kính chúc ban tổ chức, ban giám khảo, các đồng nghiệp và quý vị khán giả hạnh phúc, chúc liên hoan thành công rực rỡ”. Tôi và anh bạn ngồi xem diễn viên các đoàn biểu diễn hết mình mà thấy thương đến… tội nghiệp. Không hiểu vì sao tại liên hoan này,  diễn viên các đoàn không hề ngồi xem chương trình của đơn vị bạn, đoàn nào cũng biểu diễn xong là đi, bỏ lại hội trường trống vắng. Có lẽ các đoàn tranh thủ về dự liên để đi tắm biển Cửa Lò, tham quan quê Bác hoặc đi xem thành phố Vinh. Theo sự phân công của Ban tổ chức, các đoàn chia nhau đi biểu diễn phục vụ tại quê Bác, thị xã Cửa Lò và một vài huyện khác. Nhưng tại các điểm biểu diễn này cũng rất ít người xem, trong đó có những người được huy động đến làm “khán giả”. Có người nhận xét: các chương trình nghệ thuật tham gia liên hoan tiếng hát Làng Sen, nếu cách đây khoảng vài chục năm sẽ thu hút đông đảo khán giả, còn bây giờ không còn phù hợp với thị hiếu.

Liên hoan Tiếng hát Làng Sen dù sao còn có đêm tổng kết khá đông vui, bởi tất cả diễn viên các đoàn đều đến đông đủ để nghe thông báo giải thưởng với những tràng vỗ tay và tiếng reo mừng khi đoàn mình được nhận Huy chương vàng. Còn các hoạt động khác của lễ hội đều vắng bóng công chúng. Triển lãm mỹ thuật nhiếp ảnh trang trọng là thế nhưng lễ khai mạc chỉ khoảng vài chục người đến dự chủ yếu để chụp ảnh. Càng buồn hơn là khi trao giải thưởng, chỉ có các tác giả mỹ thuật lên nhận giải, còn tất cả các tác giả nhiếp ảnh trúng giải đều không thấy một ai. Các gian trưng bày của Ngày hội văn hóa các dân tộc gần như không có người đến xem chứ chưa nói mua hàng. Các chương trình biểu diễn văn nghệ dân gian, trình diễn nghi thức và sắc phục dân tộc, trò chơi dân gian…người đến xem cũng chỉ thấy màu áo xanh tình nguyện. Triển lãm “Hành trình theo chân Bác” được Bảo tàng văn hóa các dân tộc tổ chức khá công phu nhưng trưng bày trên tầng hai quá nóng bức nên không ai dám lên xem. Tuần phim kỷ niệm các ngày lễ lớn được chiếu miễn phí tại Trung tâm điện ảnh đa chức năng cũng thưa vắng người xem mặc dù các hình ảnh quảng cáo trước rạp rất hấp dẫn.

Công sức và tiền của bỏ ra cho lễ hội Làng Sen không hề nhỏ. Trong 32 đoàn về dự lễ hội, chỉ duy nhất có đoàn Tp. Hồ Chí Minh đi máy bay, còn các đoàn khác đều hành trình trên những chiếc xe ca nhiều chỗ ngồi, vượt qua những chặng đường dài vất vả. Có những đoàn phải vượt qua hàng nghìn cây số như Cần Thơ, Đồng Tháp, Tây Ninh, Bình Thuận, Bình Phước, Ninh Thuận ở phía nam; Đắc Lắc, Đắc Nông, Gia Lai ở Tây Nguyên; Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Yên Bái ở phía bắc. Tất cả các đoàn đều phải tự lo phương tiện và nơi ăn nghỉ, Ban tổ chức chỉ hỗ trợ mỗi đoàn 15 triệu đồng (trung ương 5 triệu, Nghệ An 10 triệu). Kinh phí các tỉnh đầu tư cho mỗi đoàn để xây dựng chương trình, lo phương tiện và nơi ăn nghỉ phải hết hàng trăm triệu đồng. Nếu tính kinh phí của Bộ văn hóa thể thao và du lịch, của tỉnh Nghệ An và của các tỉnh bỏ ra cho lễ hội Làng Sen phải hết nhiều tỷ đồng. Nhưng nếu đặt câu hỏi: lễ hội Làng Sen đem lại giá trị gì cho người dân thì thật khó trả lời.

Khép lại bài viết này xin nêu một vấn đề đã được nhiều người đề nghị: hãy trả lại lễ hội Làng Sen cho nhân dân, hãy đưa lễ hội Làng Sen về chính nơi cội nguồn sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh. Làm gì có chuyện Nhà nước đầu tư cho hàng triệu người dân về thắp hương giỗ tổ Hùng Vương, dự lễ khai Ấn đền Trần, tham quan chùa Bái Đính hay đi trẩy hội Chùa Hương. Với lễ hội Làng Sen, nếu Nhà nước cứ tiếp tục đầu tư cho một đội quân chuyên nghiệp đứng ra tổ chức thì lễ hội càng không có công chúng, và nhân dân sẽ đứng ngoài cuộc.       

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441319

Hôm nay

236

Hôm qua

2283

Tuần này

21223

Tháng này

216493

Tháng qua

112676

Tất cả

114441319