Cuộc sống quanh ta

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với công cuộc Đổi mới ở Việt Nam

Đồng chí Nguyễn Văn Linh được xem là người mở đường, và là nhạc trưởng trong công cuộc đổi mới nền kinh tế Việt Nam giữa thập kỷ 80. Trên cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (1986 - 1991), Nguyễn Văn Linh nổi tiếng với bút danh N.V.L (Với ý nghĩa là “Nói Và Làm”) đã có một loạt bài báo “Những việc cần làm ngay” bàn về những việc cần phải chấn chỉnh trong xã hội nước ta lúc bấy giờ. Trải qua 70 năm hoạt động cách mạng được Đảng và Nhà nước giao nhiều trọng trách khác nhau, qua từng chặng đường đến Đại hội Đảng toàn quốc lần VI, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương (BCHTW); đồng chí để lại nhiều dấu ấn về sự đổi mới mà sử sách và hậu thế thường nhắc đến.

Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh tên thật là Nguyễn Văn Cúc (Mười Cúc), sinh ngày 1/7/1915, tại làng quê Yên Phú, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Năm 1929, Ông tham gia phong trào Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng, sau một năm hoạt động bị địch bắt, kết án tù chung thân đày đi Côn Đảo. Đến năm 1936, Ông được thực dân Pháp trả tự do. Về đất liền ông liên lạc ngay với tổ chức rồi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và bầu làm bí thư Thành ủy Hải Phòng. Năm 1939, Ông được Trung ương cử vào tham gia Thành ủy Sài Gòn, để hợp nhất hai tổ chức Việt Minh ở Nam Bộ: Bộ Việt Minh Sài Gòn và Ủy ban Việt Minh Chợ Lớn, lập ra Thành ủy lâm thời thành phố Sài Gòn - Gia Định. Đầu năm 1941, Ông được điều động ra Trung kỳ, chuẩn bị lập lại xứ ủy nhưng đến Vinh thì bị địch bắt, kết án 5 năm tù và một lần nữa Ông lại bị đày ra Côn Đảo.

Cách mạng Tháng tám thành công, Trung ương điều động đồng chí Nguyễn Văn Linh vào hoạt động chiến đấu ở Nam bộ và gắn bó cuộc đời hoạt động cách mạng của mình với đồng bào miền Nam suốt hai cuộc kháng chiến, giải phóng dân tộc. Ông đã được Đảng lần lượt giao các trọng trách: Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn (1946-1947), Bí thư Đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định, quyền Bí thư xứ ủy Nam bộ (1957-1960). Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (1960), Ông được bầu vào Ban Chấp hành TW Đảng và được chỉ định làm Bí thư TW cục miền Nam. Năm 1976, Ông là Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh. Tại Đại hội Đảng khóa IV và khóa V, Ông được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng và đảm nhiệm các chức vụ: Trưởng ban Cải tạo xã hội chủ nghĩa Trung ương, Trưởng ban Dân vận và Mặt trận Trung ương, Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam. 

Trước công cuộc đổi mới, với cương vị Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, Ông luôn khuyến khích tìm tòi, dám “xé rào”, cổ vũ nhân dân, nhất là các doanh nghiệp dũng cảm, sáng tạo, thay đổi cách nghĩ, cách làm khi cơ chế, chính sách vĩ mô chưa kịp thay đổi. Những mô hình mới tại TP. Hồ Chí Minh và một số địa phương phía Nam tìm tòi thử nghiệm đã giúp Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị quyết định xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, thực hiện cơ chế mới, mở ra công cuộc đổi mới - một bước ngoặc có ý nghĩa lịch sử cho cách mạng Việt Nam.

Tháng 12/1986, đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành TW Đảng tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI – đại hội mở đầu thời kỳ đổi mới. Trong bối cảnh trong nước và quốc tế cực kỳ phức tạp và khó khăn chồng chất; đất nước bị bao vây cấm vận, khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng, lạm phát lên cao, đời sống của nhân dân hết sức khó khăn, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng bị giảm sút. Ở Liên Xô và Đông Âu vấn đề cải tổ đã phạm những sai lầm về chiến lược, CNXH đứng trước nguy cơ sụp đổ, thoái trào. Trong bối cảnh đó, đồng chí Nguyễn Văn Linh cùng Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã vững tay chèo lái con thuyền cách mạng, nêu cao quyết tâm, kiên trì đổi mới toàn diện cả về kinh tế, tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị. Tập trung xây dựng, củng cố, chỉnh đốn Đảng; chống những tư tưởng sai trái trong Đảng và âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; góp phần giữ vững ổn định chính trị-xã hội, tạo tiền đề vững chắc cho sự nghiệp đổi mới tiếp tục phát triển.

Đặc điểm nổi bật nhất trong cuộc đời của đồng chí Nguyễn Văn Linh là phong cách làm việc dân chủ, tỉ mỉ, sâu sắc và sáng tạo. Trước mỗi hiện tượng mới từ thực tế cuộc sống, đồng chí thường đến cơ sở, gặp cán bộ lãnh đạo và nhân dân, khơi gợi để mọi người phát biểu, đề xuất. Mỗi khi ban hành một chính sách mới, đồng chí đều xuất phát từ thực tiễn sinh động, tình hình cụ thể của đất nước. Trước mỗi vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, đồng chí đều lấy thực tiễn để kết luận. Đồng thời, nhắc nhở các cấp ủy đảng và cán bộ các cấp phải bám sát cuộc sống, tổng kết thực tiễn để không ngừng góp phần hoàn chỉnh chủ trương, đường lối đã đề ra. Đồng chí căn dặn cán bộ, đảng viên: Mọi vấn đề đều có thể tranh luận quyết liệt nhưng đã quyết thì phải theo đa số, rồi thực tiễn sẽ là người phán xét. Chính đường lối đổi mới của Đảng ta cũng đã hình thành, hoàn thiện, phát triển từ việc tổng kết thực tiễn sáng tạo của nhân dân các địa phương, cơ sở.

Đồng thời, với việc đổi mới đường lối của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã sớm nhìn ra nạn tham nhũng, quan liêu, lãng phí, bè phái, cục bộ... dễ trở thành nguy cơ đe dọa sự ổn định, tồn vong của chế độ ta. Chính vì vậy, những bài báo đồng chí đã chỉ ra “những việc cần làm ngay” đăng trên báo ký tên N.V.L vào những năm giữa thập kỷ 80 là một luồng gió mới, khơi dậy phong trào đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, sai trái. Đó là tầm nhìn xa cảm nhận được nguy cơ xã hội của đồng chí thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến nhân dân, bảo vệ lợi ích chính đáng hợp pháp và quyền làm chủ của nhân dân. Đó còn là thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta là không cho phép bất cứ cá nhân, tập thể nào vi phạm quyền làm chủ của nhân dân lao động.

Sau Đại hội toàn quốc lần thứ VII của Đảng (6.1991), trên cương vị là cố vấn Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí vẫn tiếp tục có những đóng góp quan trọng, đầy tâm huyết vào việc thực hiện, hoàn thiện và bổ sung đường lối đổi mới của Đảng. Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, chúng ta học tập và noi gương đồng chí về lòng trung thành với lý tưởng cộng sản, kiên trì mục tiêu cách mạng, năng động, sáng tạo trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện, nhất là về tinh thần đổi mới; phát huy dân chủ, gắn bó máu thịt với nhân dân; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị “về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chỉ Minh”; kiên quyết thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng, xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441355

Hôm nay

272

Hôm qua

2283

Tuần này

21259

Tháng này

216529

Tháng qua

112676

Tất cả

114441355