Cuộc sống quanh ta

Hội nhập quốc tế trong hoàn cảnh mới

Một Việt Nam hội nhập và mở cửa hãy mạnh mẽ tuyên bố trước thế giới: Sẵn sàng làm bạn với tất cả những nước không xâm phạm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lãnh hải; Sẵn sàng củng cố và phát triển quan hệ “đối tác chiến lược” với các nước giúp Việt Nam bảo vệ hiệu quả nhất “lợi ích quốc gia cốt lõi” của mình, nhằm phục vụ mục tiêu an ninh và phát triển.

Trong công thư ngoại giao đầu tiên gửi Tổng Thư ký Liên hợp quốc (12/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng tuyên bố: “Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực”. Đồng thời, ngay từ những năm tháng ấy Người cũng từng khẳng định: “Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình; sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường xá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế; chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc”[1]. Ngày nay, một trong mười nhiệm vụ chủ yếu nhằm tạo động lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà Đại hội XII của Đảng đang hướng tới là nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình và điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước[2].

Trở thành người chơi cờ

Thực hiện Nghị quyết của các Đại hội Đảng từ ngày Đổi mới, đặc biệt là các Nghị quyết của Bộ Chính trị về hội nhập kinh tế quốc tế (11/2001) và hội nhập quốc tế một cách toàn diện (4/2013)[3], công tác đối ngoại đã khai triển mạnh mẽ các chủ trương hòa bình và hữu nghị, hợp tác và phát triển trên căn bản đường lối độc lập-tự chủ. Kinh tế đối ngoại trên thực tế đã trở thành một trong những mũi chủ công. Trong những năm qua, Việt Nam đã và đang đàm phán 8 khuôn khổ thương mại tự do lớn (FTA). Đó là Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực Đông Á (RCEP); các nước ASEAN, ASEAN+; Khu vực Mậu dịch Tự do Châu Âu (EVFTA); Hàn Quốc; Chile; Liên minh Nga-Belarus-Kazakhstan. Ghi nhận kết quả của Hội nghị Bộ trưởng các nước đàm phán TPP vừa kết thúc hôm 31/7 ở Hawaii, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius nhận xét: “Việc Việt Nam tham gia vào TPP sẽ giúp nước này đạt được mục tiêu hội nhập quốc tế toàn diện. Trong tất cả các nước thành viên, Việt Nam ở vị thế được hưởng lợi nhiều nhất”.

BOX1  EVFTA: EU – Hiệp định Thương mại Việt Nam-EU

EU là đối tác thương mại thứ 2 và là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2014, kim ngạch Việt Nam-EU đạt 36,8 tỷ USD, tăng 9% so với 2013. Xuất khẩu sang EU đạt 28 tỷ USD (chiếm 20% tổng lượng xuất khẩu của ta) và nhập khẩu từ EU đạt gần 9 tỷ USD. EVFTA sẽ là cú hích cho xuất khẩu của đôi bên. Sau khi Hiệp định được ký kết, khoảng 65% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU được miễn giảm thuế. Về đầu tư, các đảm bảo môi trường đầu tư thông thoáng sẽ giúp thúc đẩy luồng vốn chất lượng cao. Tính đến hết 2014, có 23/28 nước EU đầu tư vào Việt Nam với hơn 2.000 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 37 tỷ USD.

Nhận xét trên đây được củng cố thêm với kết luận của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson là việc Việt Nam tham gia TPP sẽ thúc đẩy GDP tăng trưởng đáng kể. Tuy nhiên, giới hoạch định chính sách ở Việt Nam chia sẻ với các quan ngại có cơ sở của các chuyên gia: bên cạnh việc khẳng định mặt thuận để đi vào các thị trường Âu-Mỹ-Nhật, ngay từ bây giờ, chúng ta phải chuẩn bị đối phó với sự xâm nhập của hàng ngoại ngay trên thị trường nội địa. Khi sản phẩm Việt bị giá rẻ của hàng Trung Quốc, Thái Lan cạnh tranh từ phía dưới, còn phía trên lại bị lấn át bởi chất lượng hàng Âu, Mỹ, Nhật…, thì lợi thế cạnh tranh càng ngày càng thu hẹp đối với mọi doanh nghiệp trong nước. Đáng quan tâm nhất tới đây là lĩnh vực nông nghiệp. Cho đến nay, nông nghiệp, trong đó thủy sản được đánh giá là khu vực có thế mạnh, tiếp đến là trồng trọt và chăn nuôi được xếp ở các vị trí tiếp theo. Tuy nhiên, cả ba ngành này đều chịu tác động trực tiếp của các cuộc đàm phán liên quan đến nội dung thuế quan,đầu tư và lao động, trong đó bao gồm cả thuận lợi lẫn khó khăn.

BOX2:VCUFTA: Hiệp định Việt Nam – Liên minh Hải quan

Dự kiến, việc tạo ra FTA này cho phép đến năm 2020 thương mại giữa ba nước của LMHQ với Việt Nam vượt 10 tỷ USD. Nội dung Hiệp định bao gồm: Thương mại hàng hóa, Quy tắc xuất xứ, Phòng vệ thương mại, Thương mại dịch vụ, Đầu tư, Sở hữu trí tuệ, Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), Công nghệ điện tử trong thương mại, Cạnh tranh, Pháp lý và Thể chế. Phía LMHQ dành cho Việt Nam ưu đãi thuế quan, tạo cơ hội xuất khẩu đối với các nhóm hàng Việt Nam có lợi ích cơ bản như nông sản, thủy sản và hàng công nghiệp như dệt, may, da giày và đồ gỗ.

Một trong những điểm nhấn của thời kỳ hội nhập toàn diện là quá trình triển khai đồng bộ hoạt động đối ngoại của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội, ở cả cấp độ song phương lẫn đa phương. Các chuyến thăm chính thức mùa hè vừa qua của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại CHND Trung Hoa (tháng 4/2015) và Hoa Kỳ (tháng 7/2015) được dư luận trong và ngoài nước đánh giá là những dấu mốc quan trọng trong từng cặp quan hệ song phương. Trong chuyến thăm Hoa Kỳ cách đây hơn 3 năm (tháng 7/2013) Chủ tịch Trương Tấn Sang và Tổng thống Barack Obama đã long trọng tuyên bố xác lập quan hệ “Đối tác toàn diện” giữa hai nước. Các chuyến thăm Bắc Kinh và Washington vừa qua có thể có những mục tiêu và lộ trình khác nhau, nhưng cả hai chuyến thăm ấy có chung một ý nghĩa “chồng lấn”, đó là những nỗ lực nhằm kiến tạo động lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới[4].

Ngày 4/7/ 2015, nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao Mekong-Nhật Bản, trong không khí tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Shinzo Abe đã đạt nhất trí cao về những phương hướng lớn và các biện pháp cụ thể để làm sâu sắc hơn nữa quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng” Việt-Nhật. Thủ tướng Abe hoan nghênh chuyến thăm Nhật Bản vào tháng 9/2015 sắp tới của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và ông cũng đã nhận lời sớm thăm lại Việt Nam. Lần đầu tiên, Việt Nam ủng hộ “Chủ nghĩa hòa bình tích cực” của Nhật Bản vì mục tiêu an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới. Hai bên chia sẻ quan ngại sâu sắc của các nhà lãnh đạo Mekong-Nhật Bản, của cộng đồng quốc tế về tình hình Biển Đông thời gian gần đây, đặc biệt là những hoạt động lấn biển, xây đảo quy mô lớn[5] (của Trung Quốc). Bằng tất cả các chuyến thăm cấp cao có ý nghĩa nói trên, một quốc gia tầm trung như Việt Nam, từ chỗ bị coi như một quân cờ trên bàn cờ cấp vùng và quốc tế, từ nay sẽ có cơ hội để trở thành “người chơi cờ”, tích cực và chủ động tham gia vào các công việc trong khu vực cũng như trên toàn cầu.

Vì môi trường hòa bình

Chiến lược an ninh của Việt Nam lâu nay là “ba không”[6]. Không chống lại nước thứ ba nghĩa là các quan hệ đối tác của Việt Nam không phải thiết kế để tấn công nước khác. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không có nghĩa là Việt Nam không có quyền tự vệ, không có quyền tìm kiếm bạn bè để tăng cường khả năng phòng thủ. Việc Trung Quốc xây đảo, chiếm biển hơn một năm qua là nằm trong một kế sách kiểu “cờ vây”. Đặc điểm của kế sách này là các hoạt động nằm dưới ngưỡng xung đột để phía ta không có lý do trực tiếp cản phá. Để đối phó, Việt Nam phải tính bài binh bố trận thế nào để vô hiệu hóa các âm mưu “đảo hóa” cũng như dự báo trước các hành động tới đây của Trung Quốc trên Biển Đông. Hãy nghe ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bác bỏ đề nghị đóng băng các hoạt động khiêu khích trên Biển Đông hiện nay: “Có gì để đóng băng? Mỗi quốc gia có một cách nhìn khác nhau. Tiêu chuẩn nào để đóng băng? Ai sẽ phán xét các quá trình hoạt động đóng băng là gì?”[7]

Xem thế để thấy Trung Quốc vẫn tiếp tục phớt lờ luật pháp quốc tế. Vì vậy, muốn bảo đảm môi trường hòa bình, rõ ràng Việt Nam cần phải tính đến các chủ trương an ninh mang tính linh hoạt cao. Để đối phó với việc Trung Quốc đã ngang nhiên thay đổi hiện trạng về địa lý và an ninh trên Biển Đông, giờ đây, Việt Nam phải tính chuyện cả phòng thủ lẫn ngăn chặn, vận động dư luận khu vực, dư luận quốc tế không để Trung Quốc lấn chiếm tiếp tục và không để Trung Quốc dùng các căn cứ trá hình kiểm soát hay khống chế các đảo của Việt Nam. Không một nhiệm vụ nào trong các nhiệm vụ cấp bách này chúng ta có thể thực thi đơn độc, một mình. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Việt Nam từng có các phương thức tập hợp lực lượng như “hai phe bốn mâu thuẫn” hay “ba dòng thác cách mạng”. Nhưng rồi do những đảo lộn nhanh chóng của tình hình, tất cả các phương thức ấy được thay thế bằng đường lối “đa dạng hóa, đa phương hóa” và “hội nhập toàn diện” theo Nghị quyết của các Đại hội Đảng sau Đổi mới và các Nghị quyết 07, 22 của Bộ Chính trị. Hệ thống “đối tác chiến lược” hay“đối tác toàn diện” đang được kiến tạo thực chất là sự phản ánh xu thế tiến tới các hình thức liên minh “mềm”, tận dụng tối đa nhân tố thời đại để mở ra bước đột phá trong kỷ nguyên “phẳng hóa” của thế giới.

Chính sách hội nhập của Việt Nam thời gian tới tiếp tục hướng vào ba nhóm mục tiêu cơ bản là phát triển, an ninh và nâng cao vị thế quốc tế của đất nước. Cụ thể là: Củng cố môi trường hòa bình, tranh thủ tối đa các điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước nhanh và bền vững, nâng cao đời sống nhân dân; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ và bảo vệ vững chắc Tổ quốc; quảng bá hình ảnh đất nước, bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc; tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước; góp phần tích cực vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới[8]. Vềtrọng tâm đối ngoại đa phương đến năm 2020, BộNgoại giao đã đềxuất một sốnhiệm vụlớn là: Tích cực chuẩn bị, đăng cai tổchức thành công các hoạt động đa phương lớn, tạo dấu ấn của Việt Nam; chủđộng đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế; đóng góp xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, củng cốvà phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực.

Chủ trì phiên họp toàn thể của Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế nhằm tổng kết hoạt động hội nhập quốc tế và đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho những năm tới, từ tháng 3/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu rõ: Trong bối cảnh khoa học, công nghệ phát triển nhanh chóng như vũ bão, cả thế giới là một thị trường; xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng và các quốc gia buộc phải hội nhập, không thể cưỡng lại được, mà có cưỡng lại thì chỉ thất bại, buộc phải hội nhập; các quốc gia đều phải quan tâm chăm lo tốt hơn cho an sinh và phúc lợi xã hội… Từ đó, yêu cầu đặt ra của đất nước là phải tiếp tục tích cực, chủ động hội nhập sâu rộng hơn nữa trên các lĩnh vực, trong đó lấy hội nhập kinh tế làm trung tâm; chủ động hơn trong tham gia, định hình luật chơi chung nhằm phục vụ tốt nhất cho lợi ích quốc gia cả trước mắt và lâu dài[9].

Trong đối ngoại đa phương, từ nay, phải chuyển mạnh từ tư duy gia nhập, tham gia, sang chủ động và tích cực đóng góp, đề xuất các sáng kiến; tăng cường cách tiếp cận đa ngành; chú trọng nội hàm phát triển bền vững. Khẳng định những kết quả đạt được trong hoạt động hội nhập quốc tế thời gian qua đã góp phần tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước, nhiều ý kiến phát biểu tại phiên họp đề xuất cần kết hợp chặt chẽ hơn nữa giữa đối ngoại song phương và đa phương, cũng như nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong hội nhập quốc tế. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt yêu cầu tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa hoạt động hội nhập quốc tế về chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng nhằm tăng cường sự ủng hộ, sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa Việt Nam và các đối tác; góp phần xây dựng môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển cũng như tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với hoạt động bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

*

28/8/2015 là kỷ niệm ngày thành lập ngành Ngoại giao. 70 năm trước đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã đặt nền móng đầu tiên cho nền ngoại giao hiện đại của Việt Nam. Sau ba thập kỷ Đổi mới, một trong những thách thức đối với công cuộc hội nhập vẫn là việc tiếp tục triển khai chính sách đối ngoại “mở cửa”, nhất là chủ trương Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước. Bởi một lẽ giản dị, những nước nhỏ và trung bình bao giờ cũng cần những người bạn lớn. Xưa cũng như nay, một quốc gia-dân tộc ở vào thế bất lợi cần xây dựng các quan hệ có chất lượng chiến lược với các quốc gia-dân tộc thuận lợi hơn để bảo vệ giang sơn bờ cõi là việc làm chính đáng, không ai có quyền phê phán. Quyền lợi quốc gia, sinh mệnh dân tộc là vấn đề tối thượng. Từ các chuyển biến lớn trong quan hệ Việt-Mỹ, Việt-Trung gần đây đến chính sách “bất chiến tự nhiên thành” của Trung Quốc trên Biển Đông trong hai năm qua; từ tình hình biên giới Việt-Trung đến biên giới Tây-Nam; đặc biệt là để ứng phó với các “con đường tơ lụa” trên đất liền và trên biển hiện nay của Bắc Kinh, Việt Nam càng phải kiên định đối với chính sách hội nhập và mở cửa. Ngay từ khi vừa giành được độc lập (9/1945), chính phủ Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã tuyên bố “sẵn sàng có quan hệ thân thiện với các nước tôn trọng nền độc lập của Việt Nam”[10]. Một Việt Nam hội nhập và mở cửa ngày nay hãy long trọng tuyên bố trước thế giới: Sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước không xâm phạm độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải; Sẵn sàng củng cố và phát triển quan hệ “đối tác chiến lược” với các nước giúp Việt Nam bảo vệ hiệu quả nhất “lợi ích quốc gia cốt lõi” của mình./.

BOX3:Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)

GDP bình quân đầu người của các nước TPP phát triển là hơn 30.000 USD. GDP bình quân đầu người của các nước RCEP thấp hơn, ở mức 5.800 USD.Cả hai hiệp định có quy mô gần tương đương. Các thành viên TPP chiếm 32% GDP của thế giới và 26% thương mại toàn cầu trong khi các nước RCEP chiếm 24% GDP thế giới và 28% thương mại toàn cầu. Mỹ là động lực chính của TPP, trong đó đáng chú ý là TPP không bao gồm Trung Quốc, trong khi RCEP do ASEAN khởi xướng với sự hỗ trợ tích cực của Trung Quốc, không bao gồm Mỹ.


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb. CTQG, Hà Nội. 2002, tr. 470

[2] Dựthảo các văn kiện trình Đại hội XII của ĐẢng, tháng 12/2015

[6] Chính sách quân sự "ba không" của Việt Nam: i) không liên minh quân sự, ii) không có căn cứ quân sự nước ngoài ở Việt Nam và iii) không sử dụng quan hệ song phương nhằm chống lại nước thứ ba.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441541

Hôm nay

2258

Hôm qua

2283

Tuần này

21445

Tháng này

216715

Tháng qua

112676

Tất cả

114441541