Cuộc sống quanh ta

Khái niệm trao quyền

Khái niệm “trao quyền” hay “empowerment”  được đề cập đến từ cuối thế kỷ XX, trong nhiều lĩnh vực, từ giáo dục tới y tế, trong  các vấn đề lớn như vấn đề chống nghèo hay quản lý quốc gia.

Trao quyền cho trò

Bàng bạc qua các lý thuyết giáo dục hiện nay, một khái niệm nổi bật: trao quyền cho trò – trò đóng vai tích cực chủ động trong quá trình học, trong tiếp cận tri thức, trò làm chủ tri thức để phát triển, để khẳng định bản thể của mình. Trò có thể không giống anh hay giống chị – dù nhiều chúng khi có cùng chung một số điểm tương đồng (kính trọng lẫn nhau, luân lý, đạo đức, …).

Cho mỗi bài học thì trò mang vốn khả năng và gia tài mình sẳn có để tiếp cận cái mới, để triển khai và cập nhật vốn liếng của mình để từ đó học làm người – một người có hiểu biết, có suy nghĩ chứ không phải là một người ngu dốt.

Khái niệm trao quyền cho trò không phải là một chữ rỗng, một khẩu hiệu. Ttrao quyền cho trò  dựa trên những cơ sở triết lý vững chắc. Trường học lập ra là để giúp thế hệ trẻ có cơ hội học để hiểu biết, để làm người, để sống cùng nhau. Trò là lý do cho trường hiện hữu.

Trao quyền cho trò cũng rất thiết thực. Đó là cách tốt nhất để đạt tới mục đích “dạy học” – chữ dạy học ở đây được để trong dấu ngoặc vì dần dần, với trào lưu giáo dục mới trường không là nơi thầy dạy trò mà là nơi trò học với sự tiếp tay của thầy – thầy là  người giúp trò đi tới đích.

Khi áp dụng  khái niệm trao quyền cho trò, chương trình học, phương pháp sư phạm, cách thi cữ, … đều phải đổi khác. Chương trình học sẽ phải tùy theo ý hướng, kinh nghiệm sống, nhu cầu, … của trò. Phương pháp sư phạm sẽ là những phương pháp tích cực với cái chính là sự góp phần của trò. Thầy ở đó để khuyến khích trò tìm tòi, học hỏi.  Thi cữ không còn là chế tài mà sẽ là cách đánh giá quá trình tiếp thu của trò hầu bổ túc những điều trò chưa nắm vững, …

Ngày nào còn dạy kiểu ròng truyền kiến thức, còn đánh giá-trả bài (évaluation-restitution), còn liên hệ quyền lực giữa thầy và trò, … thì xin đừng hỏi tại sao sinh viên thiếu kỹ năng sau khi tốt nghiệp, tại sao chúng thiếu sáng tạo, tại sao nước nhà phát triển chậm. Vì giáo dục kiểu từ chương học thuộc lòng là giậm chân tại chỗ vì ta bắt học trò vẫn mãi … trung thành với sách vở của thánh hiền, với lời “kinh thánh” của thầy giáo.

Trao quyền cho người bệnh

Trong đại đa số các trường hợp, liên hệ giữa y bác sĩ và bệnh nhân cũng là một liên hệ quyền lực, người bệnh là người thụ ơn và hoàn toàn tùy thuộc bác sĩ.

Từ xưa tới gần đây, bác sĩ được xem như một … phù thủy, có quyền định đoạt về sự sống còn của người bệnh. Bác sĩ chờ đợi ở người bệnh một sự tuân thủ tuyệt đối. Chữa bệnh là đặc quyền của thầy thuốc. Người bệnh chỉ cằn nhắm mắt nghe lời.

Thế nhưng người bệnh là người biết rõ mình nhất vì căn bệnh hoành hành trên thân xác họ từng giờ từng ngày. Họ dốt về Y khoa thật nhưng họ biết chỗ nào họ đau, họ bị mất sức như thế nào, … Muốn chữa bệnh thì cần sự hợp tác của họ. Hơn thế nữa, được trao quyền định đoạt, người bệnh sẽ phấn đấu, sẽ “chiến đấu” tích cực hơn – Ta biết là yếu tố tâm lý quyết định rất nhiều trong quá trình lành bệnh.

Cũng như người đi học tích cực tiếp thu tri thức, người bệnh phải được giải thích tận tường để họ chống chọi với bệnh tật. Họ có quyền chọn phương thức thích hợp nhất với họ, thậm chí có quyền, một lúc nào đó, đòi được an tử,  Bác sĩ chỉ là người cung cấp phương tiện chữa trị.

Ở nhà thương, bên này, có nhiều thí dụ về quyền của người bệnh, quyền đượclựa  chọn:

. để trị  tuyến giáp thì có thể dùng xạ trị hay mỗ cắt bỏ chỗ u

. chứng ngừng thở lúc ngủ cũng có thể dùng ngoại khoa mũi họng hay dùng máy trợ thở dưới cao áp

. cai nghiện rượu cũng có nhiều phương thức, từ thuốc tới thôi miên

...

Chữ “chống chọi với bệnh tật” bao gồm sự chống chọi của bệnh nhân và các phương thức trị bệnh của bác sĩ. Bác sĩ và bệnh nhân là hai người đồng hành. Hai người này có một đối tượng thù địch chung. Đó là bệnh tật. Liên kết sức mạnh của hai người, người bệnh và người trị bệnh, họ sẽ mạnh hơn, sẽ diệt đối tượng thù địch dễ hơn.

Trao quyền cho người bệnh còn giúp họ biết cách tránh tái phát. Vì người bệnh có thông tin nên cẩn mật hơn. Trao quyền cho người bệnh từ đó trực tiếp giúp công tác phòng bệnh. Các nghiên cứu cho thấy là chỉ cần khoảng 5 năm áp dụng việc trao quyền này, sẽ nhận thấy những kết quả đầu tiên trên bình diện sức khoẻ cộng đồng (dân tình có vệ sinh thường thức tốt hơn, số bị  lệ thuộc độc tố hay nghiện ngập giảm đi, trung bình thời gian để lành bệnh nhanh hơn, …).

Tức là có lợi cho tất cả mọi người.

Trao quyền cho người nghèo

Đây là chuyện “được” cứu trợ và “tự” cứu trợ. Bên ta thì nói nôm na là chuyện “giúp con cá và giúp cho cái cần câu”.

Trao quyền cho người nghèo để khuyến khích họ tìm cách phấn đấu để cuộc sống khá hơn. Với điều kiện là phải lắng tai nghe họ phát biễu về những nhu cầu của họ, khi họ phát biểu. Và cung cấp ít nhất là một phần, những phương tiện để thoát nghèo.

Cách đây 5 năm, ĐH Quốc Gia Singapore cũng đã đặt tựa cho nghiên cứu về người nghèo ở Hànội “Empowering Hanoi’s poor” – Trao quyền cho người nghèo ở Hà nội –

http://issuu.com/nuslkyschool/docs/atm_18

một bản dịch tiếng Việt ở đây:

/van-hoa-va-doi-song27/cuoc-song-quanh-ta46/nghien-cuu-ve-nguoi-ngheo-o-ha-noi

Tức là muốn biết về người nghèo ở Hà nội thì phải đi hỏi trực tiếp họ, cho họ có tiếng nói, để biết hoàn cảnh, điều kiện sống, những khó khăn, … Chứ nếu không, những kiểu chính sách ban bố hay quyết định từ các cơ quan công quyền sẽ có nhiều khả năng không thích hợp.

Thí dụ điển hình về trao quyền cho người nghèo? – Phụ cấp, cho bất cứ ai, cũng có mức lợi tức tối thiểu để sống (cụ thể ở Bỉ là 900 euros mỗi tháng).

Trao quyền cho thành viên yếu trong gia đình

Ở đây, sự việc kín đáo hơn. Nhưng trong bốn bức tường của các nhà riêng, nhiều trường hợp bạo lực trong gia đình vẫn còn tồn tại – bất công trong việc phân chia việc nội trợ, bạo lực tâm lý, bạo lực ngôn từ, đánh mắng, … vẫn còn hiện hữu mà rất ít người tố cáo.

Trao quyền cho phụ nữ, trao quyền cho trẻ em, … trở thành cần thiết. Những câu như “xuất giá tùng phu” hay “yêu cho roi cho vọt” đã hoàn toàn thuộc về quá khứ.

Trao quyền cho công dân

Cũng rất cần. Chính sách tập trung nào cũng có giới hạn. Người quản lý tập trung có thể lạm dụng quyền của mình.

Lời chót?

Xin đừng chống đối khái niệm trao quyền. Thời nô lệ, liên hệ chủ-tớ, người thống trị- kẻ bị trị hay những hình thức bất bình đẳng khác, … đã xa rồi. Từ từ ta phải chấp nhận và thực hiện những liên hệ ngang hàng giữa người với người. Trừ phi là ta muốn đi ngược trào lưu.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441396

Hôm nay

2113

Hôm qua

2283

Tuần này

21300

Tháng này

216570

Tháng qua

112676

Tất cả

114441396