Cuộc sống quanh ta

Lịch sử ơi, xin đừng đi ở ẩn!

Một học giả Nga – xô viết gần đây bảo tôi, nếu thế hệ hôm nay của Nga và Việt Nam học được cách “làm việc nhóm” của các chiến binh phòng không Việt Nam và chuyên gia Liên Xô trong thời chiến, chắc sẽ không phải phàn nàn là quan hệ hợp tác “chưa tương xứng với tầm vóc”.

Tôi vừa nhận được tin nhắn từ một học giả, một nhà sử học  Mỹ. Là tác giả của một cuốn sách có tên, tạm dịch là “Những góc khuất của chiến sử Việt Nam”, ông đang biên tập cho một tạp chí Lịch sử tiếng Anh. Gần dịp kỷ niệm lớn (không phải Đại lễ) của dân tộc, của Thủ đô Việt Nam, Ban biên tập của tạp chí nước ngoài ấy muốn có những bài mới, nhất là của các cựu chiến binh Việt Nam, viết về trang sử “máu và hoa” ấy của Việt Nam, đúng bốn thập kỷ trước!

Tôi từng muốn đăng một bài dịch tổng hợp từ sách của nhà sử học này về sự kiện Mỹ phong tỏa cầu cảng miền Bắc năm 1972, nhưng không thành. Hẳn vì bài chứa đựng những chi tiết, lấy từ lưu trữ quốc gia Mỹ về cách xử sự của hai đồng minh to thuộc phe XHCN? Cho dù bài vẫn cho thấy Việt Nam thời ấy “vững tay chèo”, vẫn “nhằm thẳng hướng mà đi”!

May mà tôivừa giúp một CCB Phòng không gửi bài được cho một tờ báo lớn, trong nước. Vị CCB này viết về một thời ông, cùng với một số người đồng chí khác, lăn lộn tổng kết các kinh nghiệm chiến trận chống một “bảo bối” (vũ khí hiện đại), trước đó được xem là bất khả xâm phạm của kẻ địch. Bài viết có đoạn, (sau nhiều lao tâm khổ tứ cả trên sách vở lẫn thực tế tác chiến trên chiến trường) “may mắn thay, đêm đó”, loại máy bay tối tân này của địch đã bị ta “bắn rơi tại chỗ, ở biên giới Việt - Lào – Thái Lan”. Khi đọc đến đoạn này, ông ngước lên nhìn tôi, hạnh phúc ngập tràn. “May mắn” đây không chỉ là đã đánh thắng địch. “May mắn” đây còn là nếu các ông không tìm ra được cách đánh, thì toàn bộ khối lượng vật chất, và nhân công đã được tiêu tốn trong “dự án” đánh địch này sẽ đè nặng lên sinh mệnh chính trị của chính các ông. Tôi có được cảm nhận này, vì từng nói chuyện với vị công trình sư của công trình đường ống dẫn dầu, vượt các tọa độ lửa, vào Nam từ cuối những năm 1960. Ông cũng thở phào, khi nói với tôi rằng các mất mát về nguyên vật liệu, và về người, trong cái “dự án khủng khiếp” (chữ dùng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi gặp nhà văn Virginia Moris) ấy, là ở dưới mức cho phép. Nếu thời ấy các ông không hoàn thành nhiệm vụ, hoặc để B – 52 ném bom gây nổ đường ống, các ông có thể bị đi tù do trách nhiệm vật chất và tinh thần.

Nếu học được bài học của các “dự án khủng khiếp” của thời chiến thắt lưng buộc bụng, một thời “chèn lưng cứu pháo”, chỉ về trách nhiệm trước nhân dân không thôi (chưa nói đến những kỳ tích về dũng cảm, sáng tạo), hẳn sẽ đỡ đi những thiệt hại vật chất, và niềm tin, trong hình hài đổ nát của những Vinashin, Vinalines...

Vậy mà vị CCB Phòng không nói trên lại hết lời cảm ơn Ban Biên tập tờ báo đã nhận đăng bài của ông, cho dù chính Ban Biên tập này đã gửi lời nhiệt liệt cảm ơn ông về tư liệu quý. Ai cũng ngạc nhiên. Còn tôi (lại tôi), chợt nhớ rằng, chính ông cùng một số chiến sĩ lão thành, là đồng tác giả của một cuốn sách giáo dục truyền thống, mà họ đã phải gom góp lương hưu để “bôi trơn” [...], cốt cho kịp ngày kỷ niệm. Để rồi đến sát ngày kỷ niệm ây, cuốn sách này “cháy chợ”, khi người ta ào ạt kiếm nó, để còn viết bài, còn phát biểu “ăn theo”...

Cũng còn một phương án nữa, ngược lại. Có lần khi còn ở Liên Xô cũ, tôi hỏi một CCB Phòng không xô viết, vì sao ông chưa tích cực viết về cuộc chiến tranh trên bầu trời Miền Bắc Việt Nam, mà ông từng tham gia với tư cách chuyên gia. Người lính già đầu bạc này bảo tôi: “Đừng vội, ở đây có những kẻ ‘đầu cơ’ những chiến thắng”....

“Làm sử” không  thể theo một cung cách “bao cấp” (ai đó nắm độc quyền), cũng như không thể làm “dịch vụ lịch sử” (phe phẩy nó). Phải để nó (sử liệu) được làm một phần chân chính của đời chúng ta (nếu chúng ta là nhân chứng), hoặc là một di sản hợp pháp từ cha ông. Một tài sản không đem ra “mua như tước, bán như cho”.

Thật vậy, có một giáo sư lịch sử trở thành Tổng tư lệnh từng nói “Lịch sử chỉ xảy ra một lần. Nhưng viết sử thì có thể viết nhiều lần và có nhiều người viết. Nhưng điều quan trọng là phải tôn trọng sự thật lịch sử.” Vâng, vì ta chỉ có một sự thật, không có hai, nên ta cũng có một lịch sử, không có hai. Lịch sử chân chính không có “người đóng thế”. Nếu chúng ta hoặc xem nhẹ nghiên cứu lịch sử, hoặc thương mại hóa nó, lịch sử sẽ... đi ở ẩn. Bằng lòng với tình trạng “sử ở trong dân”, sử sẽ mặc chúng ta trên đoạn trường, đi từ phá sản của những Vinashin đến những thâm thủng của Vinalines...

Cha anh chúng ta từng dũng cảm và thông minh đến mức nào, chắc không phải ai trong chúng ta cũng đủ tầm về quan điểm lịch sử, để phán xét. Nhưng hầu hết trong họ đã sống, chiến đấu, làm việc một cách lương thiện, trung thực, và có quyền phát biểu sự thật của mình. Họ được làm nên bởi lịch sử bi hùng của dân tộc ta, và đến những thời khắc “sơn hà nguy biến”, chính họ là những người làm nên lịch sử.

Còn chúng ta, sẽ không để lịch sử ẩn trong góc khuất? Và sẽ không tìm cho mình những “góc khuất”, của lịch sử?

                                                                                             

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441393

Hôm nay

2110

Hôm qua

2283

Tuần này

21297

Tháng này

216567

Tháng qua

112676

Tất cả

114441393