Cuộc sống quanh ta

Giếng

Giếng nằm ở bìa làng, nơi ngã tư nhiều khách vãng lai. Giếng không chỉ dùng cho người làng, dường như còn dùng cho ai đó lại qua có thể ngồi trên nền đá nghỉ ngơi khi gối mỏi chân chồn hay uống ngụm nước đỡ lòng khi khô khát. Giếng vừa đủ cho chúng tôi một đáy trời thơ; giếng đủ cho chúng tôi đong những nỗi niềm của một đời lầm lạc.

Tuổi thơ tôi hoang dại vạ vật nơi bờ giếng với ánh chiều lửng lơ sau ngọn tre xơ xác, khi những đàn ông, đàn bà và con trẻ xách những vàu mo xô chậu áo quần đến tắm giặt trong một khung giờ không ước hẹn và không tồn tại trong hương ước; trong những đêm ánh trăng lẫn ánh đèn dầu và các chị phường nón tụ tập xua đi cái mỏi mệt, cái đói nghèo để thi thoảng một câu hò cất lên phấn khởi và não nề; trong tiếng chửi ai oán của ai đó một lưng chừng hoàng hôn tê tái. Ở đây tôi đã chứng kiến những giọt lệ u buồn của thiếu nữ, nụ cười móm mém của người già và cả tiếng kêu ngơ ngác của con bê lạc mẹ.

Người tôi nhớ nhất bên bờ giếng này là cố Đống. Cố Đống là bố của ông Đống và là ông nội của thằng Khôi - thằng bạn mà mãi mãi tôi không còn gặp lại. Học xong lớp 12 hệ bổ túc văn hóa, nhà nghèo, ruộng ít, nó bỏ làng đi biệt xứ. Sau này nghe nói nó đã tìm cách sang Nga, rồi sang Đức và chết thảm với nỗi tủi nhục của một thanh niên lưu lạc. Lũ em gái lê thê của thằng Khôi không đứa nào học nổi cấp ba. Làng tôi hồi đó thế, như nhiều làng quê khác, nhiều người nghèo khó, nhiêu người ít học, nhiều người tủi nhục. Thanh niên lớn lên vào Sài Gòn làm thợ may, lên Tây Nguyên cuốc cỏ cà phê, cỏ cao su... Đứa tu chí thì ít năm sau trờ về giắt lưng chút vốn con con, cưới một cô vợ be bé, mải mê với đồng ruộng rồi cuối ngày lại thẫn thờ nhìn ra con mương nhỏ xinh trước nhà mà sống nốt quãng ngày còn lại của một đời vô vị. Đứa bất hạnh hay lêu lổng thì mấy năm sau vẫn bặt tăm. Tuổi nọ tiếp tuổi kia, thanh niên đi đến vắng làng. Một dạo làng chỉ còn người già trẻ em bất lực nhìn bọn trộm chó hành hoành. Dấu vết phường nón vui nhộn chỉ còn trên khóe mắt miên man cay xè của những người đàn bà đứng tuổi sấp mặt trên sáu thước rưỡi ruộng mang máng nhớ một thời xuân sắc. Thằng Khôi không thích ông nội. Bố thằng Khôi cũng thế. Chúng tôi thì ngược lại. Cố Đống có cả một kho tiếu lâm mà mỗi khi kể chỉ thấy mấy chị cười ré lên, đấm lưng nhau thùm thụp với đôi má ửng ánh ráng chiều. Mỗi lần ra giếng, cố thường bảo chúng tôi kì lưng hộ. Tấm lưng già mà bóng nhẫy, trơn truội, mênh mang. Chúng tôi không những không từ chối mà còn tranh nhau hầu cố, không phải bởi thương quý gì, mà chỉ vì được cố chiếu phim cho xem. Chiếu phim ở đây là cố thay đồ tại chỗ. Một lũ con nít cả trai lẫn gái trân trân nhìn vào chỗ xám nâu dặt dẹo của ông lão tám mươi...

Tôi thích nhất cố Ngườn, một người đàn bà già nua bé nhỏ như bước ra từ cổ tích. Không ai biết cố từ đâu đến, chỉ biết cố Thau người làng tôi đã hai vợ mà không có con trai, nhặt cố về từ một lần buôn chuyến đường xa để kiếm đứa nối dõi. Cố Ngườn đẻ con trai thật, đặt tên là Vu (chuyện này được kể trong bài vè của làng hẳn hoi). Ông Vu sinh mùa lụt năm Nhâm thìn. Người ta bảo những đứa trẻ hiếm muộn mà sinh trong gian nan thường có số làm quan. Ông Vu "làm quan" đến bí thư Đoàn thanh niên xóm, sau làm Thư kí đội sản xuất, rồi làm Chủ nhiệm hợp tác xã. Những người có học hay mỉa mai gọi ông là lí trưởng. Bọn thanh niên thì gọi ông là Vu mèo trắng cho giống tên một tướng cướp trong Người không mang họ. Sau này ông Vu mất chức vì tham nhũng hay nhìn trộm phụ nữ gì đó thì người ta gọi ông là Lí cựu. Lí cựu lùn tịt, hồi trẻ là nhân vật của một bài vè do anh trai tôi làm để chế giễu thói tự cao vô lối của một cán bộ đoàn cấp xóm. Tôi còn quý ông chú họ của tôi. Ông chú tội nghiệp của tôi giỏi chữ Nho, hồi Cải cách bị quy là Quốc dân đảng vì bị vu oan tội đốt chuồng xí của một gia đình cố nông nào đó [...].

Sáu tuổi, tôi biết tiêm trầu cho mẹ mang đi làm hoặc tiếp khách. Mỗi khi cố Ngườn đến, tôi lấy trầu mời và được cố đọc cho bao nhiêu là thơ. Thơ đây không phải cố nghĩ ra, mà là thơ lượm lặt dân gian. Cố thuộc nhiều đến nỗi gặp bất cứ tình huống nào cố cũng tìm được một câu phù hợp để đọc. Ví dụ khi tôi mời trầu: "Bạn quen ăn miếng trầu tay/ Nhược bằng bạn lạ phải bày trầu cơi"; "Bạn quen ăn miếng trầu bài/ Nhược bằng bạn lạ trầu gài trầu têm". Khi anh tôi cạo râu: "Anh về câu rạo anh đi/ Mai sau trải lẹ em thì kết duyên"(1). Một anh trong làng, sau này là anh rể tôi, mỗi khi đi hò thường cõng cố Ngườn đi để gà bài. Mà cố đã gà là thắng. Cánh đồng trước nhà tôi ngăn cách hai làng. Đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng mênh mông bát ngát. Những đêm trăng cao gió lộng, thanh niên hai làng đứng hai bờ hò đối. Có nhiêu buổi hò khiến người ta nên vợ nên chồng. Cũng có buổi kết thúc bằng những câu đại loại như thế này, nếu một bên bí: "Hò chi hò dại hò thàm/ Bẻ que chuồng lợn chống hàm cha mi lên"(2), "Đêm khuya tủ mủ tù mù/ Người khôn thì ngủ người ngu đi hò" v.v.. và cuối cùng là đánh nhau. Đánh nhau nhưng không mấy khi có người trọng thương, vì hồi đó chỉ tay đấm chân đá, chưa biết dao gậy súng ống văn minh như bây giờ. Kẻ chiến thắng có thể mấy ngày nhấm nháp niềm vui mà không biết rằng đấy chỉ là sự hoan hỉ tội nghiệp của những con thú yếu. Tuổi thơ tôi lớn lên trong từng giọt mát lành của giếng. Tuổi thơ tôi lớn lên trong lời ru của mẹ (cũng giống như hàng tỉ người đã sống hoặc đã chết trên thế gian này), trong ca dao, tục ngữ, trong truyện cổ từ miệng của những người già, những buổi xem tập vở, diễn vở của phường tuồng và tự hào vì mẹ tôi là nhân vật chính như Trưng Trắc (mà bét cũng là Trưng Nhị), Ngọc Hoa, Cúc Hoa... Mười tuổi, tôi đọc thơ Nguyễn Trãi. Tôi không ngờ chính thứ tuổi thơ tưởng êm đềm ấy sẽ đưa tôi vào sóng gió, biến tôi thành ngu ngơ trước những đen bạc của lẽ đời, đã xui tôi vào những giấc mộng viển vông vô nghĩa. Tôi thậm chí đôi khi còn ngu ngốc hình dung mình là con ngựa trắng không dây cương trên thảo nguyên mông mênh nắng gió và nhiều thứ khác đại loại thế. Hình như tất cả những đứa trẻ sớm tiếp xúc với cổ tích cao dao sau này lớn lên thường hay ngộ nhận, nhạy cảm, nhàu nát, nông nổi và dễ tổn thương.

Tôi rời khỏi nhà đúng hai mươi năm. Những lần trở về vội vã không cho tôi nhiều thời gian trải lại những thơ ấu u buồn. Tôi cũng không hy vọng sau này sẽ nhìn thấy nó trong những đứa con yêu quý của tôi. Làng tôi, cũng như trăm nghìn làng khác trên đất nước này đang học cách khoác lên mình bộ đồng phục nông thôn mới với cả núi nợ nần, đường bê tông, rào xi măng kiên cố. Không một bóng cây. Đường làng dương như chỉ dành riêng cho mấy đứa choai choai phóng xe điên dại với lơ phơ những quả đầu nhuộm tím vàng xanh đỏ. Những bờ dậu, lũy tre trở thành cái gì xa xỉ và vô tăm tích. Giếng vắng teo không còn ai mong nối sợi gầu dài. Giếng không còn đong nổi một cách cào rụng vu vơ...

Tháng Chạp, Bính thân

               T.N

                Chú thích:

                (1). Cách nói lái của người Nghệ Tĩnh: "câu rạo": cạo râu, "trải lẹ": trẻ lại

                (2). Hàm: cằm, chống hàm: chống cằm, mi: mày. Câu này có nghĩa là: bẻ que ở chuồng lợn chống cằm cha mày lên.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441353

Hôm nay

270

Hôm qua

2283

Tuần này

21257

Tháng này

216527

Tháng qua

112676

Tất cả

114441353