Cuộc sống quanh ta

Đinh Dậu 2017: Triết lý - Quốc gia - Dân tộc

Triết lý—Quốc gia—Dân tộc có thể xem như ba đỉnh của tam giác, đồng cấu với tam giác Nhận thức—Tổ chức—Quan hệ. Một quốc gia thuộc tầm trung như Việt Nam, hãy lấy cảm hứng từ triết lý của thời đại, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, tổ chức ươm mầm, vun đắp có chọn lọc các giá trị để cố kết dân tộc. Hãy tự trọng khi xây dựng quan hệ với thế giới bên ngoài, hãy tự cường trong việc hàn gắn mọi vết nứt trong lòng quốc nội. Bởi vì nếu bên trong, “bầu bí” còn chưa thương nhau thì mọi cố gắng hội nhập sẽ gặp nhiều trở lực. Nội trị và Ngoại giao từ nay—xin được nhắc lại—là chiến lược tích hợp rất cần có sự đồng thuận của toàn dân tộc lẫn sự đồng điệu với thời đại.

Triết lý—Quốc gia—Dân tộc là các phạm trù nền tảng trong quan hệ quốc tế ở hầu hết mọi thời đại. Xu thế chống toàn cầu hóa và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cùng với sự lên ngôi của làn sóng dân túy đang ám ảnh cả Á lẫn Âu trong năm cũ. Sang năm mới, các nhà quan sát đang tập trung đánh giá, liệu Đinh Dậu này sẽ là năm mở đầu để dẫn đến những thay đổi lớn trên thế giới hay chưa.

Triết lý nào thay đổi?

Đinh Dậu có thể là năm xác định lại những đường nét lớn của thế kỷ 21? Hãy điểm qua một số điều chỉnh của các đối tác không chỉ quan trọng đối với Việt Nam, trong đó có Hoa Kỳ và Trung Quốc, để tìm câu trả lời. “Chủ nghĩa hayhọc thuyết Trump” (Trumpism)là một triết lý mới, xuất hiện sau mùa bầu cử ở Mỹ và chưa hề tồn tại trong bất cứ cuốn Từ điển nào xuất bản trước đấy. Bản thân tiền tố “Trump” như một danh từ riêng cũng mang các nội hàm đối nghịch: i) Đó là một từ cổ, với nghĩa ban đầu là âm thanh phát ra từ tiếng kèn trompet (the last trump hay the trump of doom là tiếng kèn báo ngày tận thế); ii) Nhưng trong các trò sát phạt đỏ đen, Trump là quân “át chủ bài” của cuộc chơi, còn ngoài đời thì đấy làngười thành công vượt sự đón đợi. Khi nâng hệ thống quan điểm của Tổng thống tân cử thành chủ thuyết hay triết lý (chủ nghĩa Trump), một giới tinh hoa nào đó ở Mỹ đã mặc định thừa nhận hệ thống quan điểm ấy vượt qua được hai công đoạn đầu trong khoa học tư duy (giai đoạn khảo cứu và giai đoạn tiếp cận logic), để xuất hiện như một trường phái tư tưởng cho kỷ nguyên tới đây của chính trị thế giới.

Học thuyết Trump có gì mới? Nhiều chỉ dấu cho thấy, về đối ngoại tới đây sẽ là cách tiếp cận “phi truyền thống”, không giống với chính sách của các chính quyền trước. Nó thực dụng và linh hoạt, chủ yếu dựa vào biến số, chứ không theo hằng số. Đối với Trung Quốc, Trump có thể sẽ điều chỉnh chủ trương “một nước Trung Hoa”. Chính sách này lỗi thời, vì Trung Quốc đã trỗi dậy đến mức thách thức lợi ích trực tiếp của Mỹ, của các nước láng giềng đồng minh của Hoa Kỳ. Trump cũng có thể hòa hoãn với Nga để vô hiệu hóa tập hợp Bắc Kinh—Mátxcơva. Về kinh tế, Trump tuyên bố sẽ đem lại việc làm trong các vùng mà công nghiệp chế biến đã bị lao động rẻ tiền ở Trung Quốc và các nước khác và đặc biệt là bị công nghệ mới đào thải. Về quân sự, Trump nhấn mạnh chủ trương phòng vệ, để các quốc gia khác tự lo cho chính họ. Khi bị hỏi có phải ông muốn giảm ảnh hưởng của NATO, Trump trả lời là không muốn thế, nhưng muốn Mỹ tiêu tiền ít hơn và các nước khác tiêu nhiều hơn.

Trong thời điểm chuyển giao chính quyền ở Mỹ, Bắc Kinh toan tính gì? Khi Obama đang ở đỉnh cao quyền lực thì Tập Cận Bình luôn tìm cách để làm giảm đến mức tối đa giá trị những sáng kiến của Washington, song khi quyền lực của Obama ở buổi hoàng hôn thì Trung Nam Hải lại quyết khai thác các giá trị di sản của Obama để phục vụ cho mưu đồ chiến lược của mình. Chỉ riêng đối với vấn đề Biển Đông, triết lý của Trung Quốc vẫn như cũ. Việc Trung Quốc chiếm giữ bất hợp pháp một thiết bị lặn của Mỹ tại vùng biển quốc tế dịp cuối năm ngoái chỉ là một phản ứng trong chiến lược lớn hơn nhiều mà Trung Quốc theo đuổi trong thời gian tới nhằm thôn tính toàn bộ Biển Đông. Các hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy, Trung Quốc đã xây dựng hàng loạt đường băng và củng cố các cơ sở hạ tầng phục vụ cho các máy bay quân sự tại ba hòn đảo nhân tạo là Vành Khăn, Su Bi và Chữ Thập, nơi cách đây vài năm chưa từng là đảo. Sau phán quyết của Tòa Thường trực Trọng tài (PCA), Trung Quốc chuyển sang sử dụng “mồi nhử” kinh tế và ngoại giao, kêu gọi hợp tác với một số nước trong khu vực trong khi vẫn giữ nguyên áp lực lên một số nước chưa chịu khuất phục. Và như để trả đũa những nước này, Bắc Kinh đã tăng cường sự hiện diện ở Hoàng Sa hay đẩy mạnh tuần tra ở Trường Sa, kêu gọi nhà thầu bên ngoài vào khai thác tài nguyên trong khu vực. Theo những hình ảnh vệ tinh vừa được công bố, Trung Quốc đã hoàn thành xong việc lắp đặt các hệ thống vũ khí trên cả 7 đảo mà nước này đã cưỡng chiếm và bồi đắp ở Trường Sa.

Lợi ích quốc gia trên hết

Theo Trung tâm nghiên cứu an ninh và địa-chính trị trên thế giới (Stratfor), cán cân quyền lực ở Đông Nam Á đang âm thầm dịch chuyển theo hướng có lợi cho Trung Quốc và có lẽ không một quốc gia nào cảm nhận điều bất lợi ấy đối với mình rõ như Việt Nam. Trung tâm nghiên cứu này cũng cho rằng Việt Nam cố gắng mềm mỏng hơn trong những lời chỉ trích Trung Quốc và tiếp tục các bước đi hàn gắn với Bắc Kinh. Thay vì đối đầu trực diện, Hà Nội đã bắt đầu theo đuổi các tuyên bố chủ quyền lãnh hải một cách tế nhị và liên minh với các đối tác mạnh hơn, để ngỏ các khả năng kháng cự cũng như sẵn sàng phòng thủ. Tổ chức này cũng cho rằng không giống như các quốc gia khác, Việt Nam không thể hoàn toàn phủ nhận hay chấp nhận sức mạnh gia tăng của Trung Quốc trên biên giới phía Bắc. Stratfor dẫn việc Philippines và Malaysia “hồ hởi gia nhập các cơ chế xử lý tranh chấp cũng như các khối thương mại do Trung Quốc dẫn đầu”, hay việc “Nhật Bản và Singapore mạnh mẽ ủng hộ vai trò của Washington ở khu vực”. Trong khi đó, Việt Nam thường phải khôn khéo cân bằng quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, nhưng trong bối cảnh khu vực phải thích nghi với các thực tế chính trị mới, Hà Nội ngày càng khó thực thi chiến lược đó.

Theo giới quan sát, ở Đông Nam Á, tới đây, Nhật sẽ có vai trò giống như là Mỹ đã từng đóng. Các nước khu vực hầu hết đều không muốn nhờ cậy Trung Quốc về an ninh. Nếu có nước nào bị bắt buộc phải làm thế là vì, họ không có sự lựa chọn khác. Và khi Nhật Bản tiến lên một bước trong vị thế lãnh đạo khu vực, các nước Á châu ủng hộ ngay. Đấy là nhận xét của GS. Pongsudhirak, một trong những tác giả của bản báo cáo từ Quỹ châu Á (Asia Foundation) về “Quan điểm đối với vai trò của Mỹ ở khu vực”. Thái Lan và Philippines đã “giãn dần” quan hệ đồng minh với Mỹ, vì họ thất vọng vào Mỹ và tìm đến Trung Quốc. Chính sách “tái cân bằng” của chính quyền Obama phát ra những tín hiệu về sự chuyển dịch quyền lực về kinh tế, chính trị và chiến lược hướng về châu Á—Thái Bình Dương. Tuy nhiên, theo báo cáo, trong khi châu Á hy vọng rằng Mỹ sẽ tiếp tục đảm bảo an ninh và đóng góp vào sự thịnh vượng kinh tế của khu vực thì đang có những mối lo ngại rằng chính quyền tiếp theo ở Mỹ sẽ lưỡng lự trong vai trò lãnh đạo.

Để ứng phó với các biến động có thể ập đến bất ngờ, nếu Việt Nam vẫn giữ tư duy cũ và cách làm cũ, các chủ trương hiện nay về ngoại giao và an ninh sẽ khó phát huy được hiệu quả trong hoàn cảnh mới. Chính sách “giữ cân bằng mang tính cơ học” từ trước đến nay sẽ trả giá nếu giữa Trung Quốc và Mỹ xuất hiện tình huống đổi chác hay những cuộc đi đêm như đã từng xẩy ra trong lịch sử. Chính sách “ba không” sẽ bế tắc nếu có hữu sự ở Biển Đông hay trên các tuyến biên giới, cả phía Bắc lẫn phía Tây Nam (xem kỹ Tuyên bố chung nhân chuyến thăm của Thủ tướng Hun Sen tại Hà Nội 20-21/12). Trong cục diện phức tạp và hiểm nguy như hiện nay, chủ quyền quốc gia và độc lập dân tộc giờ đây chỉ có thể gắn với hội nhập quốc tế một cách toàn diện (Nghị quyết 22 của Bộ Chính Trị ngày 10/4/2013 đã chỉ rõ). Để tránh tình thế “tứ bề thọ địch”, không chỉ do các nước lớn chèn ép mà bị ngay chính các nước nhỏ, từng có quan hệ đặc biệt, qua mặt, thì phải chủ động hội nhập sâu rộng với “bên thứ ba” như là một tập hợp lực lượng mới ở cả khu vực lẫn toàn cầu. Các kết nối về ngoại giao và an ninh giữa Nhật Bản – Ấn Độ – Ốtxtrâylia là cơ hội mà Việt Nam đã và cần phải tham gia sâu rộng hơn nữa.

Dân tộc phải trưởng thành

Cả Á lẫn Âu đang sục sôi thay đổi. Bảy năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhiều nền kinh tế vẫn chưa hồi phục. Nền kinh tế châu Âu tiếp tục đi xuống, với “đường đứt gãy” từ nước Ý đe dọa tạo ra cơn địa chấn khắp “lục địa già”. Niềm tin vào các thể chế đều có nguy cơ lụi tàn ở cả Á lẫn Âu và quan hệ giao thương giữa các nước có nguy cơ bị xói mòn, khi các nhà xuất khẩu rời bỏ các thị trường truyền thống. Sự lan rộng của chủ quyền quốc gia có thể là một hướng đi tích cực, nếu điều đó dẫn đến xu hướng mà kinh tế gia Larry Summers từ Đại học Harvard gọi là “chủ nghĩa dân tộc có trách nhiệm”. Các chính phủ khu vực đồng tiền chung Euro sẽ cần phục vụ công dân của họ hơn là các ý tưởng trừu tượng về châu Âu và trưởng thành với các nguyên tắc của hòm phiếu và thị trường. Không thể giải quyết những vấn đề mới bằng cách bám vào các phương pháp cũ. Đó là chân lý trong kỷ nguyên tư duy đột phá. Tuy nhiên, từ thời “mưa Âu, gió Mỹ” này, mỗi khi nhớ về thế đứng chông chênh của cách mạng Việt Nam thuở còn trong trứng nước, chúng ta không thể không nhắc lại một tinh thần đầy minh triết, khi Nghị quyết của ĐCS Đông Dương thời ấy (2/1951) xác tín: ngoại giao của ta có tính dân tộc và dân chủ.

Ngày nay, muốn tôn vinh các giá trị dân tộc không thể thiếu môi trường dân chủ. Ngoại giao và nội trị giờ đây là hai mặt của một đồng tiền, là các thành tố tích hợp trong một chiến lược phát triển tổng thể. Bài học quốc gia khởi nghiệp của Israel (start-up nation) là gì nếu không phải là hệ sinh thái khởi nghiệp chỉ có thể ươm tạo và nở rộ trong một môi trường dân chủ và tự do, theo Eryadi K. Masli, giảng viên tại Đại học Swinburne (Áo). Trước đây, thế giới không mấy chú ý đến thị trường khởi nghiệp tại Việt Nam, nhưng hiện tượng Flappy Bird đang dần thay đổi quan điểm này. Con người Việt Nam thông minh, nếu có môi trường pháp lý phù hợp thì dòng vốn của các quỹ đầu tư có thể giúp Việt Nam sớm trở thành điểm đến cho các công ty khởi nghiệp. Các nhà startup không phải là cộng đồng sinh ra để “bú mớm”. Họ chỉ có thể lớn lên trên nền của môi trường tự do và sáng tạo trong lòng một quốc gia—dân tộc trưởng thành.

Một trong những điểm son của cao trào startup vừa qua chính là cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – TECHFEST 2016 diễn ra cuối năm ngoái tại Hà Nội. Ngày hội lớn của startup ấy đã có sự tham gia của lãnh đạo chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, các nhà đầu tư thiên thần, các doanh nghiệp, các startup và hàng nghìn lượt khách tham quan. Vietnam Silicon Valley (VSV) đã góp phần vào thành công của TECHFEST bằng việc tham gia triển lãm trưng bày sản phẩm, gặp gỡ kết nối với các nhà đầu tư và cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp. Hai giải thưởng cao nhất của Bộ Khoa học và Công nghệ được đi tham quan học tập tại Thung lũng Silicon (Mỹ) thuộc về hai startup của VSV là “Hachi” và “Táy Máy Tò Mò”. Trong 8 startup tham gia cuộc thi đã có 6 startup nhận được giải thưởng. Theo bà Thạch Lê Anh, Chủ nhiệm VSV, với những kết quả từ cuộc tìm kiếm tài năng startup, các nhà khởi nghiệp sau quá trình đào tạo, huấn luyện tại VSV đã lớn mạnh hơn rất nhiều, đủ sức cạnh tranh với các đồng nghiệp đến từ trong và ngoài nước. Chiến thắng của các startup ấy đã khẳng định thành công của VSV trong việc phát triển cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam.

Trên con đường trở nên dân tộc trưởng thành, nhiều nước trong khu vực từng nhìn nhận Singapore như một quốc gia có quyết tâm vươn lên với ý chí tự chủ và tự cường. Hai chính sách căn bản của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu từ giai đoạn lập quốc được cho là nền tảng đem lại chính sách đối ngoại độc lập. Thứ nhất,  không chọn tiếng Hoa mà chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ phổ biến. Thứ hai, thiết lập ngay quan hệ ngoại giao với nước Mỹ (năm 1965), nhưng gần ba thập kỷ sau, mới thiết lập bang giao với Trung Quốc (năm 1990). Singapore là một quốc đảo, 75% dân số là người gốc Hoa khi tách khỏi Malaysia. Nếu chọn tiếng Hoa làm ngôn ngữ phổ biến trong giao tiếp xã hội thì cũng là một sự hợp lý lúc bấy giờ. Nhưng ông Lý Quang Diệu đã chọn tiếng Anh, nên vị thế của cộng đồng người Hoa đối với Singapore không còn là nhân tố độc tôn nữa. Điều đó cho thấy quốc gia này lựa chọn hướng đi độc lập với Trung Quốc. Và bang giao với Mỹ là một trong những mối quan hệ quốc tế đầu tiên và quan trọng nhất của Singapore ngay từ thời lập quốc. Một quốc gia, không kể lớn hay nhỏ, như Singapore, được thế giới kính nể, coi là một dân tộc đã trưởng thành, nhờ những quyết định thông minh trong những thời khắc lịch sử.

*

Vẫn biết mọi lý thuyết dù hay mấy cũng chỉ là màu xám, vấn đề là cây đời… Nhưng trên mỗi chặng đường phát triển, không thể thiếu hình hài của một triết lý tối ưu như cách thức để ứng phó linh hoạt trong thời buổi cả quốc tế lẫn quốc nội đều diễn ra những thay đổi đến chóng mặt. Triết lý—Quốc gia—Dân tộc có thể xem như ba đỉnh của tam giác, đồng cấu với tam giác Nhận thức—Tổ chức—Quan hệ. Một quốc gia thuộc tầm trung như Việt Nam, cần sớm vượt thoát làn ranh ý thức hệ, lấy cảm hứng từ triết lý của thời đại, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, tổ chức ươm mầm, vun đắp có chọn lọc các giá trị để cố kết dân tộc. Hãy tự trọng khi xây dựng quan hệ với thế giới bên ngoài, hãy tự cường trong việc hàn gắn mọi vết nứt trong lòng quốc nội. Bởi vì, nếu bên trong, “bầu bí” còn chưa thương nhau thì mọi cố gắng hội nhập sẽ gặp nhiều trở lực. Nội trị và ngoại giao từ nay—xin được nhắc lại—là chiến lược tích hợp rất cần có sự đồng thuận của toàn dân tộc lẫn sự đồng điệu với xu thế thời đại./.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434890

Hôm nay

2161

Hôm qua

2349

Tuần này

21540

Tháng này

211938

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434890