Cuộc sống quanh ta

Giật mình sau..."Tháng ăn chơi"

Tháng Giêng kết thúc.Sau một tháng “tất bật”, và có thể nói là “chạy sô” tham dự các lễ, lễ hội; từ đồng bằng, lên miền núi, xuống miền biển trên địa bàn tỉnh Nghệ An; không biết có mấy ai nhìn lại và nhận ra điều gì đó? Tất nhiên, tôi không nói đến những buổi họp tổng kết công tác tổ chức lễ hội, những buổi giao ban rút kinh nghiệm mà là một điều gì đó trong tư duy của mỗi người.Lẽ dĩ nhiên, đi hội thì bao giờ cũng vui và cả…mệt nữa.Mệt vì mật độ dày đặc các sự kiện và quãng đường di chuyển.Nhưng nếu là người có trách nhiệm với việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá thì chắc chắn sẽ phải có nhiều cảm xúc hơn thế.Với tôi, dù không tham dự hết tất thảy các sự kiện văn hoá, lễ, lễ hội diễn ra trong tháng Giêng trên địa bàn tỉnh nhưng khi nhìn lại cũng đủ khiến…giật mình. Giật mình không phải vì nuối tiếc một tháng ăn chơi, hội hè đã qua đi. Giật mình không phải bởi thời gian trôi nhanh thế mà giật mình bởi “những điều trông thấy”…

Chuyện lãng phí hay tốn kém thời gian, tiền bạc không phải là điều gì mới mẻ, lâu nay nó đã được nhắc tới nhiều, song lần nào đi, chứng kiến lễ, lễ hội tôi đều không khỏi giật mình. Người đi lễ sẵn sàng chịu chi không nhỏ để cầu an, cầu tài lộc đầu năm đã đành; các bên liên quan, tổ chức lễ, lễ hội cũng tốn kém. Đó là chi phí đi lại, tổ chức.Từ việc dựng sân khấu, âm thanh anh sáng đến chi phí cho các tiết mục biểu diễn. Đó là chi phí cho các đoàn đại biểu về tham dự.Những bữa cơm thịnh soạn, khách sạn hoành tráng cho hàng trăm đại biểu dự lễ khai mạc ngắn ngủi.Dù người ta có nói đó là kinh phí xã hội hoá, là của bên này bên kia bỏ ra đi chăng nữa thì rút cục cũng là tiền của của nhân dân. Trong khi đó, cái chi ấy nhân dân được hưởng bao nhiêu?Tiền ấycó chi vì dân? Hay sự hiện diện của đại biểu là niềm vinh hạnh của nhân dân?!

Điều thứ hai khiến tôi giật mình có lẽ là ở sự mê tín đến mù quáng của người dân hiện nay.Những ngày đầu năm, các đền, chùa đông nghẹt người.Đến đâu cũng thấy người ta thắp hương nghi ngút, sì sụp khấn vái, xin quẻ, xin xăm, cầu an, giải hạn. Người xếp hàng dài, chen lấn, xô đẩy nhau để xin cho được chút lộc mà không biết ý nghĩa, giá trị thực của nó. Tôi tự hỏi từ bao giờ người dân mình lại trở nên cả tin, mù quáng đến vậy?Đáng lẽ khi xã hội càng phát triển, thì đời sống càng văn minh, nhận thức của con người ngày một cao. Vậy mà thực tế hiện nay, người ta ít tìm hiểu kiến thức để nắm được tinh thần của các tôn giáo, tín ngưỡng, hiểu được lịch sử văn hoá của đền, chùa mình đến…Điều duy nhất họ quan tâm khi tới đây chỉ là cầu được cho mình, cho gia đình tài lộc, may mắn. Chính sự mù quáng, tư tưởng đó của người tham gia, một phần khiến cho tình trạng các lễ hội trở nên lộn xộn, biến tướng. Tuy nhiên có một câu hỏi đặt ra là: Vậy vai trò của các cơ quan quản lý văn hoá ở đâu?Liệu chúng ta có thực sự vô can?Phải chăng bởi xã hội đang thiếu vắng niềm tin? Phải chăng bởi con người đang ngày càng xuống cấp về đạo đức, vụ lợi hơn? Phải chăng chúng ta đã giáo dục, tuyên truyền không đúng hướng, chưa đến nơi đến chốn nên mới dẫn đến sự mù quáng và xu hướng ngày càng mê tín này?Chúng ta không thể chỉ đổ lỗi cho tư duy, nhận thức hay tâm nguyện của nhân dân.Người làm văn hoá phải có trách nhiệm hướng cho người dân đến những giá trị tốt đẹp, đến một môi trường văn hoá, văn minh.

Vậy mà thay vào đó, một số người tỏ ra đầy hân hoan khi đánh giá nhờ lễ hội, tâm linh mà du lịch đầu năm có xu hướng tăng so với năm ngoái. Các điểm đến như Đền Cờn, chùa Đại Tuệ, đền Hoàng Mười,… đông nghịt khách cả trong và ngoài tỉnh. Đó cũng là điều khiến tôi giật mình. Có thể thấy, xu hướng hiện nay, đầu năm người dân thường kéo đi hành hương, lễ chùa, đền cầu may nên các hãng lữ hành đã khai thác triệt để tour du lịch tâm linh. Chính tư duy làm du lịch chi phối mà chúng ta đã và sẽ tiếp tục sai phạm nếu không dừng lại để nhìn nhận vấn đề.Trong bài viết trước đây về du lịch tâm linh[1], tôi đã chỉ rõ khái niệm và bản chất của loại hình du lịch này nên xin không nhắc lại ở đây; chỉ muốn một lần nữa nhấn mạnh rằng: Về bản chất, Du lịch tâm linh (Spiritual tourism) thực chất là một loại hình du lịch văn hóa, lấy yếu tố tâm linh làm cơ sở và cũng là mục tiêu. Chúng ta không thể vì lợi nhuận mà tác động làm biến tướng, méo mó các giá trị văn hoá tâm linh.Nói cách khác, không nên lấy tâm linh để kinh doanh.Cách làm này chẳng khác gì lợi dụng lòng tin, sự mù quáng của người dân cả. Có thể thấy những lùm xùm trong dịp sau Tết tại Nghệ An đều xuất phát từ chính tư duy nóng vội khai thác cho du lịch. Những dòng người chen lấn, xô đẩy trong lễ phát “Thẻ ấn -Quang Trung linh từ” (ngày 01/02/2017); tắc đường dài hàng km trong lễ khai bút đầu Xuân tại chùa Đại Tuệ (05/02/2017), hay việc dâng bánh chưng 7 tạ lên mộ Hoàng Thị Loan, dâng bánh 5 tạ tại chùa Đại Tuệ,…đều đang minh chứng cho điều đó. Đáng buồn hơn, khi trả lời với báo chí, ông Hoàng Trung Châu, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nghệ An nói về việc dâng bánh chưng lên mộ bà Hoàng Thị Loan: “Mục đích thứ hai là từng bước tạo ra sản phẩm du lịch mới, du lịch tâm linh đầu năm để thu hút thêm khách du lịch về với quê Bác Hồ.”[2]Chắc chắn, việc tổ chức phát thẻ ấn tại Đền thờ Hoàng đế Quang Trung cũng xuất phát từ tư duy này. Điều đó khiến Nghệ An đã phải đối mặt với không ít phản ứng từ dư luận cả nước trong thời gian qua. Nếu chúng ta không lắng nghe để sớm thay đổi mà vẫn khăng khăng giữ suy nghĩ trên khi làm du lịch và văn hoá thì chắc chắn chúng ta sẽ còn chứng kiến nhiều sai phạm đáng buồn trong tương lai.

Điều giật mình sau cùng có lẽ chính là thái độ của một số cơ quan chức năng.Dường như họ còn thờ ơ, thiếu trách nhiệm. Trách nhiệm ở đây không phải là việc lo đón tiếp chu đáo, tổ chức thật hoành tráng các lễ, lễ hội diễn ra mà là trách nhiệm với di sản, với giá trị văn hoá và với nhân dân. Với hàng chục cơ quan báo chí trong tỉnh và trung ương thường trú tại địa phương, không tính đến những báo ít dám phản biện, thì đến nay đã có không biết bao nhiêu bài phản ánh về sự lãng phí, tốn kém, về cách làm chưa đúng, về những sai phạm liên quan song tình hình không thay đổi là mấy. Nếu không có niềm tin vào báo chí thì khi liên tục tham gia, kiểm tra các lễ, lễ hội trên địa bàn, chúng ta chắc hẳn cũng nhận thấy các giá trị văn hoá đang được khai thác không đúng cách; các lễ hội đang dần đánh mất đi bản sắc của nó bằng chính cách tổ chức của ta; hay chí ít cũng thấy mệt mỏi ra sao khi phải tổ chức chỉ để hoàn thành đầu công việc.

“Tháng ăn chơi” đã kết thúc nhưng mùa lễ hội sẽ vẫn còn rộn ràng trên xứ Nghệ. Chúng ta sẽ lại tham gia, quan sát và cả kiểm chứng điều tôi nói trên đây. Dẫu cho đến khi viết những dòng cuối của bài này, tôi vẫn không tin ý kiến của mình được lắng nghe, tiếp nhận một cách thiện chí nhưng tôi hy vọng nó sẽ để lại ở đâu đó, trong ai đó, dù nhỏ nhoi thôi, một chút giật mình.



[1] Du lịch tâm linh là gì?, VHNA số 306, phát hành ngày 10/12/2015.

[2]Ông Hoàng Trung Châu trả lời Phỏng vấn trong bài báo “Nghệ An sẽ không dâng bánh chưng 700kg Tết 2018”, http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/tin-moi-nghe-an-se-khong-dang-banh-chung-700kg-tet-2018-354869.html

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434871

Hôm nay

2142

Hôm qua

2349

Tuần này

21521

Tháng này

211919

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434871