Cuộc sống quanh ta

“Và cứ như thế cho đến vô cùng” [SUY NGẪM VỀ TỬ TẾ]

“Điểm chính của sự tử tế là khả năng đến với những người xa lạ mà không ác cảm với họ vì sự xa lạ đó, và không ngay từ đầu bắt họ từ bỏ nó hay chối từ những điều cấu thành sự xa lạ đó.” - Zygmunt Bauman

“Nhưng tạo hóa đã không sinh ra một loại sinh vật nào đau khổ hơn con người và khao khát sự tử tế hơn con người.” - Đạo diễn Trần Văn Thủy

Phê bình với thiện chí và ngôn ngữ bất bạo lực mà chúng ta đã bàn ở chương trước là những trụ cột đặt trên một nền tảng lớn hơn, trong một triết lý tổng quát hơn để định hướng cho quan hệ người với người trong xã hội. Nền tảng đó là sự tử tế, một khái niệm không thời thượng trong thời đại của cạnh tranh, của tốc độ và của nghệ thuật kiếm tiền. Nhưng chính vì thế mà nó quan trọng. Suy ngẫm về sự tử tế trong bối cảnh những năm tháng đen tối nhất của thời bao cấp, 30 nămtrước, bộ phim Chuyện tử tế của đạo diễn Trần Văn ủy đã làm rung động xã hội và chạm vào dây thần kinh của cả cộng đồng. Cho tới nay, bộ phim không hề mất đi tính thời sự của nó. Trong phim, tác giả kêu gọi chúng ta “đặt tử tế lên bàn thờ tổ tiên, hay trên lễ đài của quốc gia”. Thiếu nó, những “nỗ lực tột bậc” và “chí hướng cao xa” của một cộng đồng sẽ chỉ còn là “những điều vớ vẩn”.

KHÔNG CHỈ LÀ LÒNG TỐT

Nhưng tử tế là gì? Người tử tế là người như thế nào? Khái niệm tương đương của tử tế trong tiếng Anh không phải là kindness, lòng tốt, như người ta vẫn hay dùng khi dịch tiêu đề bộ phim của Trần Văn ủy, mà phải là civility. Rộng lớn hơn sự tốt bụng, nghĩa xa xưa của “civility” là “training in humanities”, tức là rèn luyện trong nhân văn. Nó có liên quan tới “citizen”, công dân, và liên quan tới “civilization”, văn minh. Nó không chỉ là lịch sự, nhã nhặn (như khi ông Obama cầm ô cho nữ nhân viên lúc trời mưa). Nó không chỉ là ứng xử có văn hóa, xếp hàng khi làm thủ tục ở sân bay, hay kiên nhẫn đợi đèn đỏ đếm ngược hẳn về số không (những dẫn chứng ưa thích khi người ta nói về người Việt xấu xí). Ở một ngữ cảnh rộng, nó là hành xử có trách nhiệm công dân. Trong một khía cạnh cụ thể, nó là khả năng vẫn tôn trọng người khác mặc dù bất đồng ý kiến.

Với Tomas Spath và Cassandra Dahnke, hai nhà giáo dục người Mỹ và sáng lập viên của một viện nghiên cứu vận động cho sự tử tế trong chính quyền, người tử tế là người khẳng định và quan tâm tới căn tính, nhu cầu và niềm tin củabản thân mình, nhưng không vì thế mà hạ nhục người khác. Không những là lịch sự và tôn trọng nhau trong bất đồng, tử tế là tìm chỗ đứng chung để đối thoại về những điểm khác biệt, là vượt qua thành kiến để lắng nghe, và hướng dẫn người khác cũng hành xử như vậy.

Để tử tế không đơn giản, nhất là tử tế với những người khác biệt sâu sắc với ta. Sự tử tế mang tính chính trị, Tomas Spath và Cassandra Dahnke nói tiếp, theo nghĩa nó là “điều kiện tiên quyết cho các hành động dân sự.” Ý nghĩa chính trị của nó nằm ở chỗ nó thương thuyết quyền lực giữa người với người sao cho ai cũng được lắng nghe, và không ai bị bỏ qua.

Theo Stephen Carter, giáo sư luật của Đại học Yale, Mỹ, người viết nhiều về tôn giáo và luân lý, thì “tử tế là tổng của tất cả các hành vi hy sinh mà ta làm để cuộc sống chung với người khác dễ chịu hơn.” Cách nhìn này cũng giải thích vì sao lại khó khăn để tử tế. Với cá nhân, tử tế không đem lại lợi lộc gì trước mắt, ngoài cho lương tâm của anh ta. Theo ngôn ngữ kinh tế, nó là một khoản đầu tư vào tương lai, với hy vọng rằng người đầu tư sẽ nhận lại được sự tử tế từ người khác, và sự tử tế qua lại này sẽ khiến cho cuộc sống chung trở nên dễ thở hơn. Điều này đòi hỏi sự kiên nhẫn và niềm tin. “Cả nước muốn sự tử tế. Nó không tốn kém gì. Không cần tài trợ từ nhà nước, không cần pháp chế vào cuộc. Nhưng sao chúng ta không có nó?” Nhà báo Judith Martin bình luận. “Câu trả lời là do chúng ta không muốn kiềm chế bản thân. Ai cũng muốn người khác lịch sự với mình, nhưng lại muốn được tự do bất lịch sự với người khác.”

Để có thể là nền tảng của các hành động dân sự, tử tế không thể chỉ nhẹ nhàng và dịu dàng, nó còn phải bao hàm mộttriếtlýsốngmạnhmẽ,dũngcảmvàquyếtliệt.Trongcuốn Tử tế: Ứng xử, đạo đức và quy ước của dân chủ, Stephen Carter đưa ra một loạt các nguyên tắc để cho một cuộc sống tử tế. Sau đây là năm nguyên tắc rút ra từ các đề xuất của ông.

“ÔNG GIÚP TÔI, TÔI LẠI GIÚP NGƯỜI KHÁC”

Ta có trách nhiệm tử tế với người khác, bất kể ta có ưa họ hay không. Chúng ta vốn thích cho rằng mình là người đàng hoàng, nhưng nhiều khi chúng ta chỉ chọn tử tế với người ta ưa. Nhưng sự tử tế của ta không được đo bởi cách ta cư xử với người thân, người giàu có, quyền thế, giỏi giang, người được xã hội trọng vọng, mà được đo bởi cách ta đối xử với người nghèo, người bị thiệt thòi, người bị hắt hủi.

Ở một mức cao hơn, Stephen Carter cho rằng tử tế yêu cầu chúng ta hy sinh cho những người lạ, không chỉ cho những người chúng ta quen biết. Điều này đặc biệt thách thức trong bối cảnh văn hóa Việt Nam vốn đặt quan hệ huyết thống hay quê quán lên trên, nhưng nó thực sự là xương sống của cuộc sống hiện đại, khi vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, xung quanh bạn chủ yếu là những người xa lạ. Tử tế chính là thứ có thể khiến tập hợp những kẻ xa lạ trong một thành phố lớn trở thành một cộng đồng.

Tử tế có hai phần: rộng rãi, kể cả khi nó tốn kém, và tin tưởng, kể cả khi có rủi ro. Người Việt vốn được coi là hào phóng với bạn bè và họ hàng, nhưng sự rộng rãi dường như dừng lại ở đó. Niềm tin vào người khác, hay là vốn xã hội,một tài nguyên quan trọng của bất cứ cộng đồng nào, đang ở trong một khủng hoảng lớn. Sự hoài nghi và những tranh cãi bất tận về động cơ và lòng tốt của người lái xe tải cứu sống 30 hành khách trên một xe khách mất phanh trên đèo Bảo Lộc là một minh chứng buồn cho sự khủng hoảng này.

Tin vào sự tử tế thì sẽ nhận được sự tử tế. Ta tử tế thì người khác tử tế theo. Ta tin người khác thì họ sẽ tin lại. “Nghĩ tốt về người khác là một việc nên làm, và là một cách giữ được sự trong trắng lành mạnh trong cuộc sống của ta.” P. M. Forni, giáo sư của Đại học Johns Hopkins và người sáng lập Dự án Tử tế ở trường, viết trong cuốn Chọn sự tử tế: 25 quy ước của hành xử ân cần. “Khi chúng ta mặc định người khác là tốt, chân thật và nhạy cảm, chúng ta khuyến khích họ trở nên như vậy.”

Niềm tin vào cái thiện của người lạ có thể được thể hiện qua một nụ cười. Hãy thử, và lần tới bạn sẽ nhận thấy khuôn mặt của người kia dãn ra, có thể thoáng một chút ngạc nhiên, và họ mỉm cười lại. “Nụ cười đáp trả đó báo hiệu một sự dễ chịu đang trỗi dậy bên trong họ, được kích hoạt bởi nụ cười của ta,” nhà thơ và nhà tâm lý học Bonaro Overstreet viết. “Anh ta mỉm cười vì nụ cười của ta khiến anh ta cảm thấy xứng đáng được nhận nụ cười. Chúng ta đã chọn anh ta trong một đám đông, đã trao cho anh vị thế riêng biệt.”

Tử tế yêu cầu chúng ta lắng nghe người khác với ý thức rằng có thể họ đúng và ta sai. Tử tế đòi hỏi một sự khiêm tốn. Người tử tế ý thức được rằng họ không sở hữu chân lý và biết hết mọi thứ dưới gầm trời, do đó họ lắng nghe với tâm trí tìm ra nhiều nhất những cái có thể đúng, những thứ bắt ta phải suy nghĩ, thay vì cố gắng tìm cái sai của người khác. Và người tử tế có sự dũng cảm để thừa nhận với bản thân và với người khác là mình đã sai. “Hãy hỏi, đừng phán xét,” P. M. Forni khuyên. Hỏi là cách tốt nhất để lắng nghe người khác. Phán xét cản trở quá trình lắng nghe.

Khi có bất đồng ý kiến, chúng ta không che giấu nó, nhưng giải quyết nó trong tinh thần tôn trọng nhau. Tử tế cho phép, thậm chí có lúc yêu cầu ta phê bình người khác, nhưng hành vi phê bình luôn luôn phải đúng mực và tôn trọng. Ở chương trước chúng ta đã nói tới nghệ thuật phê bình người khác cũng như cách đón nhận phê bình. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh tới vế đầu của nguyên tắc: nhiều lúc, sự tử tế đòi hỏi ta lên tiếng. Trong Chuyện tử tế, đạo diễn Trần Văn Thủy buồn rầu tự chất vấn bản thân và đồng nghiệp. Họ “hèn vì nghĩ nhiều mà không dám nói ra”, vì mắc phải một thói quen cố hữu “chỉ mong sao làm vừa lòng bề trên”. “Bề trên của chúng tôi khen, thì chúng tôi sung sướng. Bề trên chúng tôi chê, thì chúng tôi buồn rầu.” Trần Văn Thủy tự thú.

Toát ra từ nguyên tắc này là tinh thần khoan dung. Không có khoan dung, cộng đồng sẽ phân cực và xung đột, không tiến tới được các lời giải nhận được sự đồng thuận của các bên liên quan. Tử tế không những là chấp nhận quyền tồn tại của những người khác mình, tôn trọng họ, mà còn là coi họ ngang hàng mình trước tạo hóa. Stephen Carter cho rằng nó là chất bôi trơn của một nền dân chủ. Không có tử tế thì không có đối thoại văn minh, không có đối thoại văn minh thì không có dân chủ. Bạn không nhất thiết phải đồng tình hay ủng hộ người khác, thậm chí không phải gần gũi hay yêu quý anh ta, nhưng bạn hãy đối xử với anh ta theo cách mà bạn muốn anh ta đối xử với bà ngoại của bạn.

Khoan dung là tôn trọng các quyết định người khác chọn cho cuộc sống của họ. Âm nhạc họ nghe, sách họ đọc, quần áo họ mang, đời sống hôn nhân và quan hệ tình dục họ muốn. Khoan dung không có nghĩa là bạn phải ủng hộ hay chia sẻ niềm tin, lối sống, sinh hoạt văn hóa của người khác. Bạn có thể phản đối chúng, cách xa chúng, nhưng bạn hãy cho chúng có quyền được tồn tại. Khoan dung là mảnh đất để tự do biểu đạt nảy nở, tự do biểu đạt là mảnh đất để sáng tạo và dân chủ nảy nở. Bạn có thể cảm thấy bị khó chịu khi nghe một ca sĩ hát quốc ca theo cách của cô ấy, nhưng khi bạn yêu cầu các biện pháp hành chính để trừng phạt cô ấy, để không cho cách hát đó có quyền tồn tại, bạn đã muốn luật hóa cách cảm nhận âm nhạc của bạn, coi nó là cách được phép duy nhất. Lúc này, bạn đi theo con đường của một nhà độc tài phong kiến, khi ông ta thay mặt pháp luật quẳng anh hề mà ông cho rằng pha trò nhạt vào ngục.

Ta nên đến với những người sống cùng ta với sự kinh ngạc và lòng biết ơn. Tôi cho rằng đây là điều quan trọng nhất, và thần kỳ nhất. Mỗi con người là một vũ trụ. Bên trong cậu thanh niên xăm trổ đầy người kia có thể chứa đựng một tiểu thuyết quan trọng về thân phận con người mà ta không biết.

Nhìn lại cuộc đời mình, Albert Schweitzer, thầy thuốc và nhà thần học Đức, người đã dành 50 năm chữa bệnh cho người dân Gabon, một đất nước nằm ở miền Tây Trung Phi và nhận giải thưởng Nobel Hòa bình năm 1952, nhận ra rằngmột trong những cảm nhận dẫn đường của ông là “nhận thức rằng thế giới này bí ẩn ngoài khả năng diễn giải”.

Sự khác biệt lớn nhất giữa tinh thần Phục hưng ở châu Âu và thời Trung cổ trước đó nằm ở niềm tôn trọng sâu sắc sự kỳ diệu của con người. Các bức chân dung của những cá nhân bình dị, các bức tượng khỏa thân là minh chứng cho niềm tôn kính này, cái mà trước đó chỉ được dành cho Chúa trời.

CUỘC ĐỜI KHÓ NHỌC, NHƯNG KHÔNG PHẢI LÀ KHÔNG THỂ KHAM NỔI

Tưởng như không ăn nhập, nhưng khá thú vị là tám quy tắc cho một cuộc sống tử tế của P. M. Forni bắt đầu bằng một lời khuyên không liên quan tới tương tác giữa ta và người khác, mà chỉ dành cho bản thân ta: “Hãy sống chậm lại và có mặt ở khoảnh khắc hiện tại của cuộc đời bạn.”

Nhưng đúng là vậy. Bạn sẽ khó mà tử tế được khi bạn sống vô thức, bạn vác cái xác của mình đi lang thang từ ngày này qua ngày khác. Không ý thức được về bên trong mình thì cũng không ý thức được về các lời nói và hành vi của mình hướng tới người khác.

Cuộc đời khó nhọc, nhưng nó không phải là không thể kham nổi. Cuộc đời trở nên dễ thở hơn, thậm chí đáng sống, khi chúng ta có người khác. Tử tế, đặc biệt từ những người xa lạ, giúp chúng ta bớt cô đơn, đem lại cho chúng ta sự ấm áp và niềm an ủi để đi qua cuộc đời. Tử tế không đắt đỏ, mặc dù có tiền cũng không mua được nó. Nó giống như âm nhạc, nó không làm ta no, nhưng không có nó cuộc đời sẽ khô héo. Với John A. Hall, tử tế là một phẩm giá cần thiết giúp chúng ta “tìm đường trong một thế giới của đau đớn.”

Một hành vi tốt bụng có thể làm thay đổi cuộc sống của một cá nhân mà ta không ý thức được. Điều đó không chỉ xảy ra trong Những người khốn khổ: ông cha xứ đã cảm hóa Jean Van Jean khi nói với cảnh sát Javert rằng anh không phải kẻ ăn cắp. Tôi đã từng ngạc nhiên khi có người nói rằng lời nói của tôi đã giúp họ rất nhiều trong một tình huống khó khăn. Lúc đó tôi mới nhận ra tôi vẫn nhớ như in cử chỉ giúp đỡ tôi nhận được từ những người xa lạ, mà tôi chắc rằng họ đã quên từ lâu.

Những khoảnh khắc này, những “động tác bé nhỏ, vô danh, bị lãng quên của lòng tốt và tình thương” này, Karen Amstrong trích lại một bài thơ của Wordsworth, lại tạo nên phần đẹp đẽ nhất của cuộc sống tốt.

Với đạo diễn Trần Văn Thủy, thậm chí chúng còn giúp chúng ta vượt qua cái chết. “Tâm hồn con người nặng gấp trăm lần thể xác - Nó nặng đến nỗi một người không mang nổi. Bởi thế, người đời chúng ta chừng nào còn sống hãy gắng giúp nhau để cho tâm hồn trở nên bất tử.” Ở đầu phim Chuyện tử tế, ông để một đồng nghiệp sắp lìa đời nói với bạn bè như vậy. “Ông giúp cho tâm hồn tôi sống mãi, tôi giúp người khác, người ấy lại giúp người khác nữa, và cứ như thế cho đến vô cùng”. 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434716

Hôm nay

2336

Hôm qua

2310

Tuần này

21366

Tháng này

211764

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434716