Cuộc sống quanh ta

"Bây giờ hgay bao giờ?"

Đó là tên của một chương trình đã diễn ra tại trường THPT Quỳnh Lưu 2, Nghệ An vào ngày 07/5 về việc xóa bỏ bạo lực học đường, phân biệt đối xử trong trường học, đặc biệt là với các học sinh LGBT (đồng tính, song tính, chuyển giới). Trước đó, tại thành phố Vinh, NextGEN Nghệ An (nhóm hoạt động vì quyền của người đồng tính, song tính, chuyển giới  trong chương trình đào tạo lãnh đạo trẻ NextGEN Việt Nam ) cũng đã kết hợp với Viện Nghiên cứu  Xã  hội,  Kinh  tế và Môi trường  iSEE,  Tổ chức  Oxfam để tổ chức  Hội  thảo Trường  học Cầu  Vồng nhằm phổ biến cho các học sinh, phụ huynh những nội dung liên quan về cộng đồng LGBT và việc giảm  kỳ thị, bạo  hành, phân  biệt đối  xử cộng đồng  LGBT  ở các trường học. Đây là lần đầu tiên hội thảo trường học an toàn được tổ chức cũng như lần đầu tiên nội dung về LGBT đưa được đến với trường học tại Nghệ An. Đó thực sự là một bước tiến trên hành trình xóa bỏ định kiến giới và xây dựng một môi trường học đường thực sự bình đẳng, an toàn.

Hiện nay, tại Việt Nam, phân biệt đối xử, bạo lực học đường đang là một vấn đề nóng.Tuy nhiên, việc kỳ thị, phân biệt đối xử đối với những học sinh LGBT dường như vẫn chưa nhận được sự quan tâm xứng đáng.Nếu không muốn nói rằng câu chuyện này ở một số địa phương còn hết sức xa lạ và mới mẻ. Trong khi đó, một kết quả điều tra cho biết hiện nay tại Việt Nam, 44% các bạn LGBT bị kỳ thị tại môi trường học đường. Họ không chỉ bị chế giễu, trêu chọc, mà còn bị bắt nạt, cô lập hay xâm hại.Đáng ngại hơn, nhiều học sinh trong trường học vẫn cho rằng việc trêu chọc đó là bình thường và không nhận thức được những tác động xấu có thể gây ra đối với tâm lý những người thuộc cộng đồng LGBT. Hậu quả là nhiều học sinh bị tổn hại cả về mặt tinh thần và thể chất dẫn đến sa sút kết quả học tập, sống khép kín, nhiều trường hợp rơi vào trầm cảm và tự tử.

Không phải hành vi kỳ thị nào cũng bắt nguồn từ sự thù ghét, hiềm khích mà nhiều khi chỉ do chưa nhận thức đầy đủvà hạn chế trong tiếp xúc. Chính vì thế các chương trình nhằm phổ biến kiến thức, tăng cường hiểu biết và sự gắn kết giữa những người trong và ngoài cộng đồng LGBT đã ra đời.Trường học cầu vồnglà một trong những số đó. Hiện nay đã có các tài liệu như: Nuôi mầm bao dung trong học đường, Cùng con đến trường: Phụ huynh đồng minhcung cấp các kiến thức về LGBT; hướng dẫn các giáo viên, phụ huynh cách giáo dục, cách can thiệp khi có dấu hiệu bắt nạt, phân biệt; cách ngăn chặn bắt nạt và nuôi mầm bao dung trong môi trường học đường. Bà Lê Phan Anh Thư, Viện iSEE cho biết hiện nay, trên cả nước, các nhóm hoạt động vì LGBT xem việc đưa nội dung này vào các trường học là một trong những hoạt động trọng tâm. Ở Hà Nội, nhiều chương trình được tổ chức cho học sinh, sinh viên tại các trường trung học, Đại học, cao đẳng.Vừa qua, Thái Nguyên cũng đã có trường THPT công lập đầu tiên đưa nội dung LGBT vào sinh hoạt ngoại khóa. Tại Hải Phòng, tháng 4/2017 đã có buổi làm việc với báo giới để tuyên truyền rộng rãi kiến thức LGBT tới cộng đồng. Ngày 13/5 hàng năm, sự kiện BUBU Town cũng thu hút hàng nghìn bạn trẻ tham dự.

Tại Nghệ An, dù chưa có những thống kê đầy đủ về vấn đề bạo lực, phân biệt kỳ thị với những học sinh LGBT trong trường học nhưng qua các buổi sinh hoạt, chia sẻ tại nhóm LGBT Nghệ Tĩnh ghi nhận có hiện tượng này. Ví dụ, có học sinh chuyển giới nam bị chọc ghẹo trong trường THPT tại Quỳ Hợp, một học sinh đồng tính nam bị chọc ghẹo, sàm sỡ tại một trường THPT ở Hưng Nguyên. Hiện có khoảng 30 em, ở độ tuổi 16 đến 18 sinh hoạt trong nhóm LGBT Nghệ An, bao gồm cả một số em dị tính ủng hộ cộng đồng. Ngoài tổ chức các buổi offline phổ biến, NextGEN Nghệ An còn tích cực liên hệ với các tổ chức trong nước, đề xuất các dự án mảng giáo dục gửi nhà tài trợ để có thể đưa nhiều hoạt động về các trường học tại địa phương. Nhóm cũng đang liên hệ mạng lưới giáo viên ủng hộ các bạn học sinh, sinh viên là người LGBT tập trung ở một số tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Thành công đầu tiên là triển lãm “Bây giờ hay bao giờ?” đã được tổ chức trong lễ chào cờ đầu tuần tại trường THPT Quỳnh Lưu 2. Dự án trên được khởi xướng bởi bạn Nguyễn Bằng Giang, sinh viên tại Hà Nội và đã được tổ chức ở nhiều trường trên cả nước nhằm xóa bỏ phân biệt, kỳ thị với cộng đồng LGBT, hướng đến một môi trường học đường bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. Khi tổ chức tại THPT Quỳnh Lưu 2, các giáo viên, học sinh không chỉ quan tâm tới những thông tin đưa ra mà còn giao lưu, hỏi đáp sôi nổi.Bộ ảnh triển lãm để lại nhiều ấn tượng đối với người xem.Sau chương trình, giáo viên trong trường đã chia sẻ mong muốn có nhiều chương trình hơn để thúc đẩy sự phát triển trí tuệ, nhân cách cho các em học sinh.Có được thành công đó, các bạn trẻ trong cộng đồng LGBT cũng như những người hoạt động vì cộng đồng này tại Nghệ An đã phải nỗ lực rất lớn vì thực tế việc tiếp cận với các trường học để đưa nội dung này vào còn khá khó khăn. Các bạn đã từng làm việc/đề xuất với trường THPT dân tộc nội trú, THPT Phan Bội Châu, trường Đại học Y khoa Vinh, ĐH Vinh nhưng chưa được phép tổ chức. Sở dĩ chương trình có thể diễn ra được tại Quỳnh Lưu là vì nhóm đã nhờ một giáo viên ở Thái Nguyên (nơi từng tổ chức thành công chương trình) liên hệ với giáo viên dạy văn của trường THPT Quỳnh Lưu 2 vận động, xin phép trước.

Thiết nghĩ, đã đến lúc chúng ta nên tạo điều kiện để các chương trình như trên được tổ chức trong trường học bởi đó không chỉ đơn giản là việc tuyên truyền vì quyền lợi của cộng đồng những người đồng tính, song tính, chuyển giới mà còn là vấn đề giáo dục về sự tôn trọng khác biệt, bao dung trong trường học; về việc không vô tình làm tổn thương người khác bằng lời nói, hành động thiếu hiểu biết; là cách để minh chứng rằng giáo dục là bình đẳng và của tất cả mọi người. Nó ảnh hưởng rất lớn đến nhân cách và sự phát triển toàn diện của thế hệ trẻ.

Nếu từng tham gia những buổi giao lưu, trò chuyện với cộng đồng LGBT; từng nghe hay chứng kiến những nỗi đau, sự vô vọng của các em khi bị kỳ thị, bị cha mẹ chối bỏ, khi không dám công khai giới tính của mình; từng thấy những giọt nước mắt của các em có lẽ ta sẽ không còn thờ ơ được nữa. Đúng thế, nếu hôm nay chúng ta không lên tiếng bảo vệ những con người đó thì còn chờ đến bao giờ? Nếu bây giờ chúng ta không để tâm giáo dục thế hệ trẻ để các em biết mở rộng lòng mình trước những người thiệt thòi hay yếu thế hơn mình thì bao giờ ta mới có một môi trường học đường cũng như một xã hội thực sự tốt đẹp, an toàn, lành mạnh và công bằng?

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443281

Hôm nay

2172

Hôm qua

2305

Tuần này

21094

Tháng này

218455

Tháng qua

112676

Tất cả

114443281