Cuộc sống quanh ta

Vài hồi ức về Lưu Quang Vũ

Xin nói ngay từ đầu: tôi không phải là bạn của Lưu Quang Vũ mặc dù tôi quen biết khá nhiều người thân và bạn bè của Vũ. Những điều được tạm gọi là hồi ức (xen lẫn những nhận xét hồi cố) nêu ra sau đây, chỉ là ghi lại những cảm nhận của một người trong cùng thế hệ Lưu Quang Vũ về một số luận bàn đương thời xung quanh con người và tác phẩm của tác giả này.

Điều trước tiên, một nhận xét mà những ai quan tâm đến đời sống văn nghệ ở miền Bắc hầu như đều thừa nhận là, so với các thế hệ sáng tác trước và sau mình, sự xuất hiện thế hệ làm thơ viết văn của Lưu Quang Vũ hầu như là sự kiện được dư luận xã hội đương thời ở miền Bắc cảm nhận một cách rất rõ rệt. Đây là điều hơi đặc biệt, bởi không phải sự xuất hiện thế hệ nào trên văn đàn cũng được nhận ra tức thời, mặc dù trên thực tế, hầu như bất cứ thời điểm nào cũng có thêm một ai đấy đặt bước chân vào văn chương, dù rụt dè hay bạo dạn. Từ 1954 đến 1960, lực lượng người viết văn tại miền Bắc đương nhiên có sự bổ sung và mất mát, nhưng công chúng dường như chỉ cảm thấy rõ rệt sự xuất hiện trong văn chương của lớp người viết sinh ra vào những năm 1940s, rõ nhất là những nhà thơ trẻ. Cho đến gần đây nhiều người vẫn quen gọi thế hệ này là “lớp nhà thơ chống Mỹ”, một cách gọi ngày càng tỏ rõ tính ước lệ, do gắn với sự cảm nhận “tại chỗ”, đương thời. Tôi đã có một bài viết dự hội thảo về sự xuất hiện lớp nhà thơ này, và sự nổi tiếng, sự ghi nhận tức thời về sự xuất hiện thế hệ nhà thơ này ở đời sống văn nghệ miền Bắc đương thời được tôi tạm giải thích bằng “độ rỗng về thông tin” (1) của cấu trúc dư luận công cộng ở miền Bắc những năm khá khép kín ấy.

Tôi theo dõi báo chí văn nghệ, ghi nhận được, bài thơ Lưu Quang Vũ đăng lần đầu trên tuần báo Văn nghệ là bài “Thư của một bạn trẻ mới tòng quân” (VN, 2.7.1965). Vũ chưa có thơ góp mặt trong tập Sức mới (Nxb. Văn học, 1965), sưu tập (thậm chí là tuyển tập!) đầu tiên của lớp nhà thơ này, với sự giới thiệu của bậc đàn anh (gọi là bậc thầy cũng đúng!) Chế Lan Viên. Năm 1966 Vũ có một loạt bài thơ đăng báo Văn nghệ, Văn nghệ quân đội (Gửi tới các anh; Lá buởi lá chanh; Qua sông Thương; Phố huyện; Áo…). 
Cuối năm ấy, trên Tạp chí Văn học của Viện Văn học có bài của nhà phê bình Hoài Thanh viết về thơ Lưu Quang Vũ (Hoài Thanh: “Một cây bút trẻ nhiều triển vọng”, Tạp chí Văn học, s. 12/1966). Năm 1968 Vũ có nửa tập “Hương cây” in chung với Bằng Việt (Hương cây. Bếp lửa, thơ Lưu Quang Vũ, Bằng Việt, Nxb. Văn học, 1968), ngoài ra Vũ còn có một số truyện ngắn đăng báo, trong đó “Thị trấn ven sông” được tặng giải 3 cuộc thi truyện ngắn của tuần báo Văn nghệ. Đó là những thành công đáng mơ ước trong con mắt các bạn trẻ viết văn cùng thời.

Còn nhớ, một ngày đầu tháng 10/1967 tại một sườn đồi trong huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên, nơi đặt “giảng đường” đại học sơ tán thời chiến, chúng tôi xúm nhau đọc số báo Văn nghệ từ Hà Nội vừa gửi lên, đã thật thích thú với bài thơ “Vườn trong phố” của Lưu Quang Vũ. Nhân bài thơ này, bạn yêu thơ còn được biết thêm: nhân vật được gọi là “em” mà tác giả bài thơ dành tặng, chính là nữ diễn viên Tố Uyên từng nổi tiếng với phim truyện “Con chim vành khuyên”. Trong hình dung của bạn yêu thơ thời ấy, tác giả Lưu Quang Vũ chẳng những rất thành công về thơ, về văn chương, mà lại còn có một hạnh phúc riêng cũng rất đáng ước ao!

Trong số sinh viên cùng khóa với tôi (khoa Ngữ văn, Đại học tổng hợp Hà Nội, khóa 9: 1964-1968) có một số bạn làm thơ (Trúc Thông, Ý Nhi, Trần Mạnh Thường…); trong những câu chuyện thường ngày, bên ngoài chứ không phải bên trong giờ học, thì các thông tin và trạng thái nền thơ hiện tại, nhất là thơ trẻ, luôn luôn là câu chuyện cửa miệng. Nói như cách nói ngày nay, chúng tôi thường xuyên truyền cho nhau các thông tin mới tìm được nghe được, cho nên qua cái không gian thông tin của sinh viên cùng khóa, chúng tôi có thể nắm khá rõ lai lịch, nội dung thơ đã đăng của hàng chục nhà thơ lớp trẻ. Thời gian chúng tôi học đại học (1964-1968) cũng là thời gian Lưu Quang Vũ vào quân đội (binh chủng phòng không-không quân) làm thơ viết văn và thành công trong hoạt động văn học. Thế nhưng đã không có ai trong chúng tôi dự đoán được những tai ương có thể xảy đến với Vũ trong những năm tiếp theo.

Năm 1970, khi đã ra trường và vì chính mình vấp một tai nạn nhỏ nên tình cờ tôi biết chút ít cảnh ngộ riêng của Lưu Quang Vũ.

Sự thể là tôi được Bộ ĐH-THCN phân công về một ngành (tạp chí H.) mà tôi không thích gắn bó đời mình, lại cũng trái với chuyên ngành tôi được đào tạo; tôi bèn “quậy” khiến họ trả tôi về lại Bộ ĐH-THCN như “một sinh viên chống lại việc phân công ra trường”. Tôi tự tìm đến nhà xuất bản N. xin việc, được lãnh đạo ở đây trực tiếp ra đề thử việc và đồng ý tiếp nhận, thế nhưng rốt cuộc họ lại thôi không dám nhận, vì nơi cũ (tạp chí H.) can thiệp, yêu cầu Bộ ĐH-THCN phải đưa tôi đến công tác một nơi nào ở bên ngoài thành phố Hà Nội! Tôi nhớ bà giám đốc xuất bản nọ có cho tôi biết: anh Lưu Quang Vũ cũng đã tới đây xin việc và rốt cuộc chúng tôi cũng không dám nhận anh ấy! Chỉ do vậy, tôi mới biết nhà thơ cùng thời nổi tiếng của chúng tôi đã lâm một cảnh ngộ thật sự khó khăn như tôi! Xin nhớ: những năm 1970s ấy, các thông tin về cá nhân không thể có trên báo chí, chỉ may mắn hoặc tình cờ biết được qua những dịp cá biệt như vậy thôi.

Chỉ rất lâu về sau, do bạn bè kể lại, được báo chí thời hậu bao cấp và nhất là báo mạng thời @ lan truyền, người ta mới biết: năm 1970, Lưu Quang Vũ ra khỏi quân đội, hôn nhân tan vỡ; anh phải làm nhiều nghề khác nhau để nuôi mình và nuôi con, khi thì đi chấm công cho một đội cầu đường, khi thì vẽ pa-nô, áp-phích, vào làm ở xưởng cao-su ngành đường sắt (nơi ông Tạ Đình Đề là giám đốc), làm nhân viên hợp đồng cho nhà xuất bản Giải phóng (trước 1975 cơ quan này đóng trong khuôn viên trường Mỹ thuật ở phố Yết Kiêu, Hà Nội). Năm 1978, Lưu Quang Vũ được nhận vào làm biên tập viên tạp chí Sân khấu của Hội nghệ sĩ sân khấu VN.

Kể lại khái quát về đoạn đời Lưu Quang Vũ từ 1970, một bạn thân của anh, nhà phê bình Vương Trí Nhàn viết: 
“Những phiền toái đã đến với Vũ khá nhanh chóng, những phiền toái do lỡ lầm hư hỏng của chính anh gây ra cũng có, mà do cái ngặt nghèo của hoàn cảnh cũng có. Tôi không nhớ thật rõ, nhưng hình như ngay vào khoảng đầu những năm 70, khi Vũ mới 22-23, trong đầu óc một số chúng tôi, cái hình ảnh mơ mộng của một nhà thơ được ái mộ nơi anh đã nhoà đi gần hết. Thay vào đấy là hình ảnh một kẻ long đong giữa cuộc đời vô định. Những hoang tưởng ngớ ngẩn đã đẩy Vũ đến chỗ vượt ra khỏi những quy định thông thường mà một người làm thơ trẻ phải tuân thủ. Và Vũ bị trả giá đích đáng. Báo chí không in thơ Vũ nữa. Vũ rơi vào tình thế cô độc, hầu như lạc lõng giữa dòng người sôi nổi. Một điều khốn khổ nữa là chính lúc ấy, cái gia đình riêng của Vũ cũng rạn vỡ. Nếu hồi trước với Lưu Quang Vũ, ngày nào cũng là ngày vui, sau khi đèo người vợ mới cưới đi làm, chàng thi sĩ trẻ rẽ vào một quán cà phê sang trọng, ngồi làm thơ, đến giờ lại rẽ lên Xưởng phim đón vợ về, thì về sau, tất cả đã thay đổi. Nơi người ta thường gặp anh là những quán nghèo “quán cà phê dưới gầm cầu xe lửa”, người con gái đi bên cạnh anh là một cô bạn gầy guộc “em gầy như huệ trắng xanh”, cô gái như hiện thân của cuộc đời vất vả phiền phức mà Vũ không thể lìa bỏ”. (2)

Thử xem lại những thống kê đăng tải trên một số tờ như Văn nghệ, Văn nghệ quân đội, có thể thấy, từ 1969 đến 1975, Lưu Quang Vũ có rất ít bài đăng, có năm có một hai bài thơ, có năm hầu như không có gì. Có lẽ các tòa soạn đã ngầm thực hiện những chỉ thị từ đâu đó, nhằm cảnh cáo những cây bút bị xem là hư hỏng hoặc có dấu hiệu vượt ra ngoài những chủ đề đã được ngầm chỉ định. Nhân đây ta nên nhớ đến bài “Một vài suy nghĩ về dòng thơ trẻ trên miền Bắc hiện nay” (Văn nghệ, s. 374, ngày 11/12/1970) của Hoàng Trung Thông, khi ấy là vụ trưởng Vụ Văn nghệ Ban Tuyên giáo trung ương; nội dung bài viết ấy, tác giả đã đi nói chuyện tại nhiều nơi trên miền Bắc. Bài báo này đánh dấu một chủ trương “uốn nắn” dòng thơ các tác giả trẻ, những người bị nhắc tới, nêu tên hoặc không nêu tên, không chỉ có Lưu Quang Vũ mà còn gồm cả Nguyễn Duy, Phạm Tiến Duật, Ngô Văn Phú, v.v. Thành ra, sự trắc trở trong đời sống và đời văn của Lưu Quang Vũ những năm 1970s không chỉ là lầm lỡ hay sai sót cá nhân mà còn cộng hưởng số phận cả một lớp người viết trẻ.

Giữa năm 1977, tôi trở về làm việc tại Hà Nội sau 7 năm phải đi dạy học cách trung tâm Hà Nội 60km; điều tình cờ là nơi tôi làm việc – nhà xuất bản Tác Phẩm Mới của Hội nhà văn Việt Nam, lại có những đồng nghiệp là người thân của Lưu Quang Vũ (bà Khánh mẹ Vũ, cô Thịnh em dâu Vũ, và Xuân Quỳnh vợ Vũ). Chạm mặt nhau tại 65 Nguyễn Du là khá thường xuyên, thế nhưng sau cái gật đầu chào hỏi thường là ai đi việc nấy. Có lẽ tôi và Vũ chỉ duy nhất nói chuyện với nhau một lần. Tôi sẽ kể ở đoạn sau.

Đấy là thời gian Vũ đã có cuộc sống ổn định. Gia đình nhỏ Lưu Quang Vũ-Xuân Quỳnh, được lập nên giữa sự phản đối khá gắt, rốt cuộc đã khiến bố mẹ Vũ và cơ quan bạn bè công nhận. Vũ có nơi làm việc chắc chắn ở tạp chí Sân khấu. Trong nghề viết thì lúc này Vũ không chỉ làm thơ viết truyện, viết phê bình sân khấu, mà còn bắt đầu tiếp nối nghề của cha, nhà viết kịch Lưu Quang Thuận (1921-1981). Điều mà mọi người nhận thấy trong thái độ đối với nghề văn ở Vũ lúc này là sự nghiêm chỉnh, đúng hơn, một thái độ thực tế, xem đây là nghề nghiệp nuôi sống mình và gia đình mình. Những bài thơ mang tâm sự ngao ngán, thất vọng, ngờ vực… được gác lại trong sổ tay, trong bản thảo; còn các truyện ngắn, các bài thơ gửi đăng báo thì đều có giọng điệu phù hợp, đều đặt vừa trong giọng điệu chung, những bài viết về sân khấu thì tỏ rõ thái độ xây dựng thực tế đối với một khu vực nghệ thuật còn tạm thời chưa bị các phương tiện nghe nhìn hiện đại tranh giành công chúng. Để làm nghề thì người viết lúc ấy phải thích nghi với khuôn khổ một nền văn nghệ có kiểm duyệt, có vùng cấm. Không phải ngẫu nhiên Vũ chuyển trọng tâm ngòi bút sang sân khấu, và không phải tình cờ mà kịch bản đầu tiên có ngòi bút Vũ can dự và được dựng diễn lại là “Sống mãi tuổi 17” (đương thời còn được gọi là “Tuổi trẻ Lý Tự Trọng”; vì vở diễn tỏ ra… dở quá, đạo diễn Phạm Thị Thành nhờ Vũ cứu nguy, nhân việc này, Vũ bắt đầu tham dự hoạt động sân khấu!).

Những năm 1980s Vũ là nhân vật số 1 của nền sân khấu Việt Nam, là cây bút hàng đầu tạo nên một mùa vụ sân khấu sôi động khắp mấy đô thị lớn trong nước, có lẽ là mùa vụ lớn cuối cùng, trước khi các phương tiện nghe nhìn hiện đại xuất hiện tại đất này tranh giành hết công chúng.

Tôi nhớ lại chút ít về lần trò chuyện hầu như duy nhất của tôi với Vũ. Đó là vào khoảng tháng 5/1986, cơ quan tôi tổ chức cho cán bộ nhân viên đưa người nhà cùng đi nghỉ ở Bãi Cháy. Quỳnh là cán bộ biên tập nhà xuất bản nên đã đưa cả 5 thành viên nhà Quỳnh-Vũ cùng đi. Thời ấy xe từ Hà Nội đi sớm cũng phải đến chiều tối mới tới được Bãi Cháy. Người đông, xe chật nên mấy người trai trẻ như tôi và Vũ đều đứng ở cuối xe. Vì vậy, giữa chúng tôi có những trò chuyện mà tôi còn nhớ được vài điểm. Vũ đã nổi tiếng từ những năm 1960 nên dĩ nhiên tôi biết Vũ là ai, nhưng Vũ cũng đã kịp biết tôi như một người viết phê bình. Vũ bảo: hồi mới xuất hiện, bọn mình chỉ biết có một lớp trẻ làm thơ, bây giờ thấy còn có lớp trẻ viết phê bình nữa. Nhân đó Vũ nhắc đến Vương Trí Nhàn, một người viết phê bình mà Vũ quen biết từ lâu, lại đã cùng nhau cộng tác viết báo làm sách (chuyến ấy Vương Trí Nhàn không đi Bãi Cháy vì đang chuẩn bị bay sang Moskva làm việc tại nhà xuất bản Cầu Vồng). Vũ và tôi đều kêu ca với nhau chuyện viết phê bình ít khi được đăng đều đều, lại thường bị nhuận bút thấp. Nhân đấy Vũ nói đến sân khấu. Vũ bảo: viết phê bình thì khó bán cho ai chứ làm sân khấu thì bọn tôi còn bán được cho chị em chợ Đồng Xuân! (ý “chị em chợ Đồng Xuân” là nói công chúng thị dân của sân khấu thời ấy, bên cạnh công chúng cán bộ nhà nước). Đại khái câu chuyện chúng tôi xoay quanh việc kiếm sống khó khăn của nghề viết. Chuyến ấy Vũ đi cùng gia đình nhưng còn kết hợp làm việc với một vài đơn vị sân khấu nữa, nên ở chặng về Vũ đi xe khác.

Nhắc lại cuộc trò chuyện trên đây, tôi muốn đề cập một loại nhận xét khác, vào chính những năm mà kịch Lưu Quang Vũ chiếm lĩnh toàn bộ sân khấu Việt Nam. Đó là nhận xét này: kịch Lưu Quang Vũ quả thật có công chúng đông đảo, nhưng trí thức thì không xem được (và xem không thấy được)! Chính tôi đương thời cũng chia sẻ nhận xét này. Tôi nhớ là lúc xảy ra cái chết rất đau lòng của Vũ cùng Quỳnh và đứa con chung, khi nhắc với nhau về kịch Lưu Quang Vũ, ít nhất tôi và bạn tôi là nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân cũng vẫn tin vào nhận xét trên đây. Tất nhiên có thể chúng tôi sai. Tôi nhận thấy trong số 50 vở kịch Vũ đã viết, có lẽ chỉ có Hồn Trương Ba, da hàng thịt là chạm được đến cái triết lý về sự thống nhất bản nguyên của cá thể người, thân xác nào linh hồn ấy, không thể tháo dỡ lắp ráp phi tự nhiên được.

Tôi đặt số đông những vở kịch đề tài đương đại của Vũ vào mảng sáng tác văn học và sân khấu mang tính phản biện xã hội (thời đó chưa dùng từ này) những năm 1980s. Ở sân khấu, bên cạnh nhiều vở của Vũ (Tôi và chúng ta; Lời thề thứ 9; Bệnh sĩ; Khoảnh khắc và vô tận; Ông không phải bố tôi, …) là một số vở của Xuân Trình. Ở văn học thì nổi bật là mấy tác phẩm của Nguyễn Mạnh Tuấn (Đứng trước biển, 1982; Cù Lao Tràm, 1985). Đặc điểm của loại sáng tác này là vừa nương theo (truyền đạt, minh họa) cái nhìn chính thống, vừa gài vào đó những ý mang tính thảo luận, phản biện, đôi khi nhân danh những mảng miếng hài hước châm biếm kiểu tuồng chèo. Điều này đôi khi dẫn tới chỗ, giới lãnh đạo chính trị cũng hưởng ứng tác phẩm, diễn giải nó theo hướng thuận lợi cho “nghề” cai trị của mình, trong khi số đông công chúng lại thích nhấn nhá những “nốt” phản biện tuy ngắn nhưng rất đáng đồng tình, và nhất là những tiết đoạn hài hước cười cợt vốn chứa đựng sức giải tỏa tâm lý đáng kể. (Thậm chí Cù lao Tràm còn dẫn tới xung đột, tranh cãi giữa mấy nhà tuyên huấn trung ương như Hà Xuân Trường, Hoàng Tùng với giới tuyên huấn Tp.HCM., mượn lời các tác giả như Lê Khắc Thành, Nguyễn Ngọc Lượng, Phùng Quý Nhâm).(3)

Thiết nghĩ, nghiên cứu nội dung xã hội các tác phẩm văn nghệ trong thời bao cấp, trong xã hội chuyên chế cực quyền nói chung, thì không thể không chú ý đến tương ứng giữa “minh họa” với những nốt phản biện mà tác giả khéo léo cài vào tác phẩm.

Tất nhiên, khi tác phẩm dành được sự yêu mến, hưởng ứng từ công chúng đông đảo, thì chính sự kiện này đã là một hiện tượng cần được phân tích cẩn trọng. Không dễ dàng để công chúng tán thưởng thứ nghệ thuật chỉ hoàn toàn minh họa những chủ trương hay ý tưởng của giới cầm quyền. Tất nhiên không phải bao giờ công chúng cũng sáng suốt mọi bề, không phải họ không thể bị lợi dụng bởi những tư tưởng mỵ dân. Nhưng một khi số đông công chúng tỏ ra đồng lòng thích thú một tác phẩm nghệ thuật dường như minh họa những chủ trương chính thống, thì bên trong tác phẩm kia chắc hẳn còn có những gì đó đã có thể khiến họ cảm mến và đồng tình, ít ra là trong giới hạn những điều kiện cuộc sống cụ thể ở thời điểm đó.

Có một sự việc gây cho tôi ấn tượng khá mạnh. Ấy là ít lâu sau đám tang gia đình Quỳnh-Vũ, một lần, ngồi với một số anh em tại văn phòng hội sân khấu, anh Xuân Trình đưa ra cho chúng tôi xem một tờ giấy khá lạ, như cỡ tờ giấy A4 bây giờ, trên mặt giấy là những hàng chữ ngoằn ngoèo rất khó đọc. Anh Xuân Trình bảo đấy là một tờ ghi sổ tang tại đám tang Quỳnh-Vũ, người ghi là một nhân vật cao cấp: Đào Duy Tùng. Anh Xuân Trình có mặt tại chỗ khi ông Đào đang ghi, thấy tay ông run lật bật như tay người bị parkinson, dù ông không mắc chứng ấy. Ông Đào nói với anh Xuân Trình (khi đó là Tổng biên tập tạp chí Sân khấu): Tôi xúc động quá anh ạ!

Vị cán bộ cao cấp kia quá xúc động vì cái tai họa quá tàn khốc đối với một gia đình văn nghệ sĩ, ‒chắc hẳn là thế. Những ai có dự đám tang Quỳnh-Vũ hẳn đều ghi nhận: đấy là đám tang to nhất, đông nhất tại Hà Nội thời gian ấy, dành cho một văn nghệ sĩ, từ đó tới nay chưa có đám nào sánh được. Rất đông người đi đưa tang không phải là bạn bè trong giới văn học hay sân khấu, mà đơn giản chỉ là những khán giả thính giả từng xem từng nghe các vở diễn tác phẩm của Lưu Quang Vũ. Rất có thể, một cách vô tình, cái cách biểu lộ sự hâm mộ, sự quý mến, trân trọng một văn nghệ sĩ của đám đông công chúng đã khiến vị cán bộ cao cấp ngạc nhiên đến mức bất ngờ.

Không rõ hiện giờ ở hội sân khấu còn lưu giữ được tờ giấy nói trên hay không? Tôi nghĩ, đó là một hiện vật nói được rất nhiều điều.
Hà Nội, 4.7.2018
 

Chú thích:
(1) Xem: “Hình thành, định hình, trưởng thành, phân hóa (Mấy nét về lớp nhà thơ xuất hiện ở miền Bắc Việt Nam những năm 1960-1970)”; trong sách: Từng đoạn đường văn, tiểu luận, phê bình của Lại Nguyên Ân, Nxb. Hội nhà văn, 2016, tr. 272-283.
(2) Vương Trí Nhàn: “Lưu Quang Vũ và một mảng đời, một mảng thơ thường bị quên lãng”; trong sách: Cây bút đời người, tập chân dung văn học, Nxb. Hội nhà văn, 2007; bản trên mạng:https://vuongtrinhan.blogspot.com
(3) Xem: Dư luận về tiểu thuyết Cù lao Tràm trong sách: Văn học 1975-1985. Tác phẩm và dư luận, (Vân Trang, Ngô Hoàng, Bảo Hưng sưu tầm và biên soạn. Nxb. Hội nhà văn, 1997, tr. 371-414.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434880

Hôm nay

2151

Hôm qua

2349

Tuần này

21530

Tháng này

211928

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434880