Cuộc sống quanh ta

Sự vĩ đại

Khi tôi thấy ý kiến mọi người trong việc đánh giá một nhà văn hay một nhà khoa học, một quan đại thần danh tiếng hay một nhà hùng biện và chính luận xuất chúng khác xa nhau và sự khác nhau này lớn đến mức một số say sưa đề cao thần tượng đến tận mây xanh, còn một số khác coi đó là quỷ sứ, thì tôi biết rõ trước mắt tôi là một con người vĩ đại.

Sự vĩ đại đứng cao hơn nghệ thuật và tri thức, cao hơn pháp luật và quyền lực, cao hơn tước hiệu và của cải, bởi vì các nhà khoa học, các nghệ sĩ và những người danh tiếng thì có nhiều, còn những cá nhân vĩ đại thì rất ít gặp. Sự vĩ đại – đó là sức mạnh bẩm sinh của tinh thần mà không của cải nào mua được. Người đạt đến sự vĩ đại có một niềm tin chắc rằng mình khác biệt với những người trần khác về cả trái tim, trí tuệ, khuynh hướng tư tưởng và phương thức tư duy, rằng mình được cắt theo một thước đo khác những người khác và không nằm vừa trong khuôn khổ của các phe nhóm, giai cấp nào cả. Nếu tâm hồn có thuộc tính như thế, thì con người sẽ nhìn sự vật bằng đôi mắt của mình, lắng nghe bằng đôi tai của mình và đi theo con đường riêng của mình, và không một trí tuệ nào dù lớn đến đâu có thể gán ép cho hắn thái độ hay ý chí của họ, sự say mê của họ đối với một học thuyết tôn giáo nào đó hay sự ác cảm của họ đối với một bè phái nào đó. Khi tự tin vào chính mình hay khi quan sát sự thiếu tự tin của những người khác vào sức lực của họ, hắn tin chắc rằng tất cả đều phải phụ thuộc vào mình và chúng đồng tình với sự thống trị đó và đều cùng đi với mình tiến đến lý tưởng và mục đích. Mọi người nhìn thấy công trình của con người này thật biết bao kỳ lạ tuyệt vời, chúng khiến mắt nhìn sửng sốt và làm trái tim rung động tôn kính. Nếu đó là họa sĩ hắn sẽ tạo nên những hình tượng và hình thức mới, nếu là nhà văn thì sẽ điều khiển những niềm say mê và tình cảm của mọi người, nếu là nhà lập pháp thì sẽ phá bỏ các chuẩn mực giáo điều cũ và tạo nên những chuẩn mực mới, nếu là vị quốc vương thì sẽ ghi thêm vào lịch sử những trang vinh quang trước chưa từng có, nếu là vị thượng thư thì sẽ đưa ra những hình thức điều hành mới trước chưa từng nghe, nếu là nhà cầm quân thì sẽ giáng cho quân thù những đòn khủng khiếp kinh động đến trăng sao.

Sự vĩ đại là thế, con người vĩ đại là thế, và ai có khả năng đạt đến những hành vi như thế, người đó sẽ làm cho trí óc của mọi người nói chung cũng như của từng người nói riêng phải bối rối, sẽ khiến các quan điểm và khái niệm va chạm nhau, sẽ gây ra sự chia rẽ và bất đồng trong việc đánh giá các công trình của hắn và ý nghĩa của các công trình đó. Hắn sẽ được những người vốn bản chất ham mê cái mới và ưa thích cái khác lạ hân hoan tán thưởng, sự hân hoan này gây cho họ lòng thán phục những lời nói và cử chỉ của hắn, sự an nhàn và hoạt động của hắn, đưa đến một tình yêu quá mức, một lòng hâm mộ khắp nơi khắp chốn và niềm say đắm vô bờ bến. Nhưng điều đó lại khiến tâm hồn của những kẻ kình địch, những kẻ ghen tức và những kẻ truy đuổi tài năng của hắn ưu phiền ảm đạm. Cả tình yêu và lòng căm thù mãnh liệt tất yếu sẽ va chạm nhau trong những trận đụng độ gay gắt.. Trận đánh quyết tử giữa những kẻ yêu người ghét con người vĩ đại sẽ bùng ra. Những kẻ mong muốn tìm cách lay chuyển quyền lực của sự vĩ đại sẽ tấn công người đó, còn phía bảo vệ là những người khao khát muốn cho quyền lực của sự vĩ đại muôn đời vững chắc, giữa hai thế lực đó con người vĩ đại đứng nhìn ngắm tất cả bằng ánh mắt bằng lòng và vui sướng, không gợn chút buồn bã và đau đớn, bởi vì hắn biết rằng những tiếng la hét quanh mình – đó là tiếng kèn của sự vĩ đại và niềm vinh quang.

Tôi không muốn nói rằng các quan điểm, hành vi và ước vọng của con người đó bao giờ cũng hoàn toàn đúng đắn. Có thể có những người khác tinh thần yếu đuối hơn và trí tuệ nghèo nàn hơn, nhưng lại suy nghĩ lành mạnh và chân thực hơn. Nhưng tôi muốn nhận xét rằng chỉ những cá nhân vĩ đại mới thúc đẩy được nhà văn viết, nhà triết học tư duy, nhà hùng biện phát biểu, trái tim của những người bình thường – yêu thương và căm ghét.

Một số người yêu quý Ali (1) đến quên mình, số khác căm thù ông đến điên cuồng. Một số gọi Ali Ber (2) và Omar (3) là những quốc vương mộ đạo, số khác thì không tin vào sự thành tâm và chân thực của họ. Mukhiad-Dil Ibnan-Arabi (4) sống giữa những người tôn ông là một cực của thế giới, còn những người khác coi ông là quốc vương của bọn dị giáo. Một số tín đồ Hồi giáo đề cao Ibn Rusd (5) và gọi ông là nhà triết học của đạo Hồi, số khác thì chửi mắng tới tấp và khạc nhổ vào mặt ông ngay tại giáo đường. Một số tôn xưng tác giả công trình “Sự hồi sinh của các khoa học tôn giáo” (6) là người luận chứng cho đạo Hồi, số khác thì xé nhỏ cuốn sách của ông và vãi tung trước gió. Một số hâm mộ al-Maarri (7), số khác tức tối căm thù ông. Số thứ nhất hôn lên mỗi dấu chân ông, số thứ hai kéo lê ông qua những đường phố đông người. Socrat đã uống cạn chén thuốc độc khi một số người nhìn ông với nụ cười trên môi, còn nước mắt của những người khác cay đắng rơi xuống. Những lời của al-Mutanabi (8) vừa là nguyên nhân sự vinh quang của ông (một nhà thơ vĩ đại nhất!) vừa là nguyên nhân sự bị phỉ báng của ông (một nhà giả danh tiên tri lớn lao nhất!). Một số nâng Shakespeare lên đỉnh cao của sự hoàn thiện của con người khi gọi tài năng của ông là tài năng thời đại, số khác dìm ông xuống bậc thấp nhất khi cho đó là kẻ bắt chước thảm hại. Những người hâm mộ Napoléon hân hoan liệt ông vào hàng các vị thánh, còn kẻ thù và địch thủ thì căm tức ông không nguôi. Khi còn sống và sau khi chết cả Luther và Calvin, Gallile và Voltaire, Nietzsche và Tolstoy đều đã uống cạn đến giọt cuối cùng chén tình yêu và căm thù.

Chẳng phải mỗi người trong số họ đều đã vươn tới bệ đài của tình yêu vô tận và đã phải chuốc lấy những căm thù hung bạo đó sao - bởi vì họ là những con người xuất chúng và không thể có ý kiến thống nhất về họ, họ đi theo những con đường chông gai riêng của mình? Bởi vì ý kiến của mọi người khác xa nhau đến thế chỉ có trong việc đánh giá những cá nhân vĩ đại.

Sống sẽ vô nghĩa nếu con người lựa chọn cho sự sinh tồn của mình trong thế giới này một đường hầm tăm tối bắt đầu bên chiếc nôi và kết thúc ở nấm mồ. Giống như giun bọ, rắn rết và các loài bò sát khác, những kẻ đó đi hết cuộc đời mình một cách âm thầm, mờ nhạt. Còn một cuộc sống thật sự thì khiến thái dương phập phồng, hơi thở gấp gáp, cái nhìn say đắm, lời nói bốc lửa, nó thức tỉnh ngòi bút còn thiếp ngủ, đốt lên ngọn lửa trong những trái tim lương thiện và sự căm tức hằn học trong tâm hồn những kẻ ganh ghét. Những cá nhân vĩ đại sống lâu hơn người thường, dù cuộc đời của họ ngắn ngủi, còn số phận của họ thì thật đáng thèm muốn dù họ đi qua thế gian chẳng bao ngày.

Sự vĩ đại giống như chân lý, cả kẻ thù lẫn bạn bè đều phục nó. Người sáng tạo cũng như kẻ phá hoại đều phải chịu đựng sức nặng của nó. Ở đâu anh thấy một đoàn bạn bè, ở đấy anh thấy một đám kẻ thù. Chỗ nào anh thấy những kẻ thù chống đối nhau thì nên biết rằng: chỗ đó sự vĩ đại đang lên ngôi báu lớn lao của mình, vượt cao hơn tất cả.

Sự vĩ đại, đó là ngôi đền được dựng lên trên những nền móng xây bằng tình yêu và hận thù của người đời. Ngôi đền đó sẽ đứng vững vàng, chắc chắn tại chỗ chừng nào những nền móng của nó còn được giữ nguyên. Nhưng khi một nền móng bị sụp lở thì nền móng kia cũng không trụ lại được và chúng sẽ kéo theo toàn bộ tòa nhà đổ sập.

Anh chớ vội hân hoan mừng rỡ khi mọi người đồng thanh bày tỏ tình yêu của mình với anh, bởi vì họ chỉ thống nhất trong tình yêu đối với con người bất lực và nhỏ mọn, con người trung thành với họ bằng cả tâm hồn, trí óc, tình cảm và thân thể giống như con chó đáng thương canh nhà cho chủ. Đánh nó – nó cam chịu, xách tai – nó kêu ăng ẳng, tỏ vẻ âu yếm vẫy gọi – nó chạy đến bên, quát nạt – nó cụp đuôi.

Và anh chớ vội hân hoan khi mọi người đồng thanh căm ghét anh, bởi vì họ chỉ thống nhất trong lòng căm thù của mình đối với những kẻ độc ác và tồi tệ, những kẻ không yêu ai và không ai yêu cả.

Anh hãy lấy làm kinh ngạc, khi ý kiến của mọi người về anh khác nhau, khi họ không thống nhất đánh giá các công trình và toàn bộ hoạt động của anh. Đó chính là những dấu hiệu của sự vĩ đại và thuộc tính của những cá nhân vĩ đại.

Hãy là vị tướng quân giữa trận tiền của những đạo quân kẻ yêu người ghét, chứ đừng là người chiến binh đem máu mình tưới cho gốc cây mà dưới bóng của nó vị tướng quân hiển hách đã dựng nên nghiệp lớn.

Hãy là nhà hùng biện và chính luận mà giọng nói vang khắp mọi góc hành tinh, chứ đừng là ngọn gió mang giọng nói đó đến những nơi mọi người đều quên lãng, đều không hay biết.

Hãy là cái chồi non bừng nở mà những hạt cát phải nhường chỗ cho nó mọc lên, chứ đừng là hạt cát bị chà đạp, dày xéo dưới chân.

Hãy là người làm chủ tâm hồn mọi người khi anh cảm thấy tràn đầy sức lực, còn nếu bất lực thì nên lo lấy tâm hồn của mình. Anh sẽ không đạt đến sự vĩ đại, nếu làm chiều lòng những người vĩ đại, cúi rạp mình trước họ hay tỏ thái độ thù địch của mình với họ - bằng cách đó anh chỉ có thể trở thành một tên tay sai thảm hại, còn họ sẽ là những vị chúa tể hùng mạnh.

(Ngân Xuyên dịch theo bản tiếng Nga trong sách “Văn xuôi lãng mạn Arập thế kỷ XIX – XX”, Nxb “Văn học nghệ thuật”, Leningrad, 1981. Bản dịch đã đăng trên tạp chí Cửa Việt (Hội văn nghệ Quảng Trị) số 16/1992.)

Mustafa al-Manfaluti (1876-1924) là nhà văn và nhà khai sáng Arập nổi tiếng. Ông nổi lên từ năm 1907 khi bắt đầu công bố một loạt bài viết dưới tên gọi chung “Quan điểm”.

Chú thích:

1. Ali, quốc vương Arập 656-661
2. Ali Ber, quốc vương Arập 632-634
3. Omar, quốc vương Arập 634-644
4. Mukhiad-Dil Ibnan-Arabi, nhà triết học thần bí Arập (1165-1240)
5. Ibn Rusd, nhà triết học và y học Arập (1126-1198)
6. Công trình của Agadali, nhà triết học và thần học Arập (1058-1111)
7. al-Maarri, nhà thơ và nhà tư tưởng Arập (979-1058)
8. al-Mutanabi, nhà thơ Arập (915-965)

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434920

Hôm nay

2191

Hôm qua

2349

Tuần này

21570

Tháng này

211968

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434920