Cuộc sống quanh ta

Bảo tồn và xếp hạng

Đã hơn hai thập niên trở lại nay, nhằm thực hiện chiến lược “xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đạm đà bản sắc dân tộc”, việc bảo tồn di sản văn hoá rất được Đảng và nhà nước ta quan tâm.

Nhà nước đã có các chương trình mục tiêu về lĩnh vực công tác này, kể cả bảo tồn di sản văn hoá vật thể và phi vật thể. Nhận thức và chính sách đúng đắn này của nhà nước đã đem lại nhiều kết quả thiết thực, có ý nghĩa quan trọng, lâu dài. Nhiều di sản văn hoá được nghiên cứu lập hồ sơ và công nhận ở cấp quốc gia hay cấp tỉnh. Trong những năm gần đây, nhiều di sản văn hoá của nước ta cũng đã được UNECO công nhận là di sản Di sản văn hoá thế giới, Di sản tư liệu thế giới hoặc Kiệt tác truyền khẩu và và phi vật thể nhân loại hay ghi vào danh sách Di sản văn hoá kiệt tác truyền khẩu phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Việc các di sản văn hoá được xếp hạng di tích hay được UNESCO công nhận, ghi danh là nhằm tôn vinh giá trị các di sản văn hoá, tôn vinh tiền nhân và tạo cơ sở cho việc tăng cường công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di sản. Thực tiễn cho thấy việc nghiên cứu lập hồ sơ, công nhận xếp hạng hay đề cử lên UNESCO, được công nhận hay ghi danh đã có tác dụng tốt trong việc nâng cao sự hiểu biết, giáo dục ý thức tự tôn, bảo tồn ý thức dân tộc, văn hoá dân tộc cho đông đảo các tầng lớp nhân dân, động viên khuyến khích mọi người nỗ lực hơn trong công tác bảo tồn di sản và truyền thống văn hoá của quê hương, của dân tộc. Những nỗ lực đó đã góp phần tạo dựng nên sự khởi sắc, phong phú của đời sống văn hoá của các địa phương, của cả nước trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, bên cạnh nhiều cái được, đã bộc lộ nhiều điều bất cập, bất ổn, cả về nhận thức và thực hiện. Nhiều người, nhiều cơ quan, tổ chức, nhiều địa phương chưa nhận thức rõ rằng việc xếp hạng hay công nhân, ghi danh là một sự tôn vinh, vinh danh, ghi nhận các di sản để khuyến khích mọi nỗ lực của cộng đồng để bảo tồn và phát huy giá trị các di sản trong hiện tại và tương lai chứ không phải là cơ sở pháp lý để có nguồn lực đầu tư cho việc bảo tồn, phát huy. Không ít người vẫn còn nhầm lẫn khi cho rằng khi đã là di tích được xếp hạng cấp tỉnh hay cấp quốc gia thì tỉnh hay chính phủ sẽ đầu tư cho việc bảo tồn, tôn tạo; Là di sản được UNESCO công nhận hay ghi danh thì UNESCO phải có trách nhiệm đầu tư bảo tồn, tôn tạo… Từ nhận thức chưa đầy đủ này nên ở nhiều địa phương trong cả nước đã có hiện tượng chạy đua xếp hạng di tích. Nhiều di tích có giá trị lịch sử, văn hoá, nghệ thuật và vị trí trong đời sống tinh thần của cộng đồng rất khiêm tốn vẫn cố làm hồ sơ để được xếp hạng trong nền tâm lý hãnh diện làng xã và với hy vọng được nhà nước đầu tư. Để đáp ứng nhu cầu đó, không quá ít hồ sơ đã bị làm sai lệch so với giá trị thật của di tích., tạo nên giá trị ảo của di tích.
Vinh danh là cần thiết nhưng quan trọng nhất là phải thực hiện tốt việc bảo tồn và phát huy hiệu quả nhất giá trị của các di sản văn hoá vào đời sống của cộng đồng. Bởi vậy, song song với công tác nghiên cứu, các địa phương, các tổ cơ quan, tổ chức, các dòng họ cần tập trung nhiều nỗ lực, huy động nhiều nguồn lực, trí tuệ và vật chất, cho việc bảo tồn và phát huy tác dụng giá trị của các di sản văn hoá. Một di sản văn hoá được xếp hạng, được vinh danh nhưng không được bảo tồn, phát huy tốt thì tự nó sẽ bị biến thành phế tích. Một di sản chưa được xếp hạng, chưa được vinh danh nhưng được bảo tồn và phát huy tốt thì nó sẽ trường tồn trong đời sống cộng đồng.
Mọi giá trị văn hoá được khẳng định rõ ràng nhất, cụ thể nhất, sinh động nhất, thiết thực nhất trong đời sống của cộng đồng chứ không phải trong các hồ sơ nghiên cứu.
                                                                
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443150

Hôm nay

241

Hôm qua

2305

Tuần này

2963

Tháng này

218324

Tháng qua

112676

Tất cả

114443150