Văn hoá học đường

Ngày khai giảng: Quan trọng hàng đầu là đừng giết chết cảm xúc của con trẻ!

Trong phong tục cổ truyền của Việt Nam, việc chuẩn bị cho trẻ trước khi bắt đầu bước vào con đường học vấn được đặc biệt quan tâm.  Khi trẻ lên  5-7 tuổi, bố mẹ sẽ chọn ngày lành tháng tốt để tiến hành lễ khai tâm (khai mở trí tuệ). Đây là một nghi lễ hết sức quan trọng để xin trời, đất, tổ tiên phù hộ cho con mình thông minh, sáng suốt; sự nghiệp học hành, đường công danh sau này được thuận lợi. Sau lễ cáo gia tiên tại gia, người cha dẫn con sang nhà thầy đồ và tiến hành Lễ cáo tiên sư (Thánh sư), bái sư nhập môn. Khi các nghi lễ được tiến hành xong, đứa trẻ sẽ bắt đầu buổi học đầu tiên. Các nghi thức này được tiến hành một cách nghiêm túc, có ý nghĩa hết sức trọng đại và là dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời của mỗi người. Trong hồi ký của mình, nhiều vị giáo sư, nhà nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam như GS. Đặng Thai Mai, NNC Vũ Ngọc Phan…vẫn nhắc lại những ngày đầu tiên ấy đầy trang trọng.

Ngày nay, rất nhiều học sinh hoặc thờ ơ, hoặc không thích và sợ ngày đến trường. Lễ khai giảng với các em không còn ý nghĩa quan trọng và lưu lại sâu đậm như trước nữa. Việc tham gia ngày khai trường mang tính hình thức nhiều hơn là có ý nghĩa thiêng liêng đối với trẻ.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng học sinh không háo hức tham dự ngày khai giảng nhưng tựu trung lại có thể bởi ba lí do chính sau đây:

Thứ nhất, do áp lực học tập quá lớn. Ngày nay, với một khối lượng kiến thức khá nặng, những áp lực về thành tích khiến cho việc học trở thành nỗi ám ảnh của không ít trẻ em. Ngay từ bậc mẫu giáo, việc lo được cho trẻ vào trường đã là cả vấn đề nan giải chứ chưa nói đến quá trình học tập sau này. Từ lớp một các em học sinh đã phải học một chương trình học nặng nề. Tất cả những điều đó khiến trẻ không thích đến trường và sợ khoảnh khắc bắt đầu bước vào năm học.

Thứ hai, do học sinh đã được học khá lâu trước ngày khai giảng và thời gian nghỉ hè thực tính rất ít. Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2015 – 2016, ngày tựu trường sớm nhất là 01/08, muộn nhất là vào 25/08. Ngày khai giảng cả nước là 05/09. Tại Nghệ An, ngày tựu trường của học sinh giáo dục phổ thông là 14/08, của mầm non và giáo dục thường xuyên là 19/8. Ngày bắt đầu học kì I của bậc THCS, THPT là 24/08 và của mầm non, tiểu học là 05/09. Phải chăng có nhiều mốc khởi đầu như thế là không cần thiết? Hiện có nhiều ý kiến xung quanh việc có nhất thiết khai giảng phải là ngày đầu tiên đi học hay không. Thiết nghĩ, trước khi đứng về bên nào chúng ta cần nhìn lại ý nghĩa của ngày khai giảng. Khi trả lời được: Khai giảng thực chất để làm gì?, chúng ta sẽ không còn phải tranh cãi về việc này nữa. Quan niệm của tác giả bài viết này là khai giảng sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu đó không phải là ngày mở đầu cho năm học. Và quan trọng nhất là dù mốc thời gian nào, tên gọi ra sao cũng phải để học sinh có được cảm xúc thực sự trong ngày đầu tới trường.

Thứ ba, do cách thức tổ chức lễ khai giảng. Các buổi lễ khai giảng hiện nay diễn ra với nghi thức rườm rà, quá nhiều bài phát biểu của lãnh đạo các cấp và học sinh tham gia một cách thụ động. Chủ trương tổ chức ngày khai giảng còn được chia ra phần lễ và phần hội song không có đủ tính hấp dẫn và sự thiêng liêng. Trước ngày diễn ra lễ khai giảng chính thức, học sinh phải tiến hành tập duyệt khá nhiều để đảm bảo ngày lễ được diễn ra suôn sẻ. Các trường hiện nay bố trí khai giảng còn phụ thuộc vào lịch của lãnh đạo. Những điều này dẫn đến việc học sinh chỉ tham dự ngày lễ như một việc bắt buộc phải làm và diễn lại những gì đã được tập.

Tất cả những nguyên do trên đang khiến cho ngày khai giảng không còn là một ngày trọng đại, thiêng liêng đối với học sinh. Điều này tưởng chừng không để lại hậu quả quá nghiêm trọng song xét trên góc độ tâm lý học đó là cả một vấn đề lớn. Việc quan trọng hình thức và thành tích đang đè nặng lên vai của các thế hệ con em những áp lực tâm lý. Nếu không tạo được niềm yêu thích, say mê và tự giác trong học tập cho các em sẽ khiến các em dần trở thành những cỗ máy, hoạt động một cách thụ động và ép buộc. Từ đó có thể tác động tiêu cực vào tâm lý, tình cảm của con trẻ và dần hình thành nên những tính cách không tốt. Giaó dục chỉ chú trọng kiến thức mà không quan tâm đến nhân cách, tâm hồn sẽ dẫn đến phát triển không toàn diện. Câu chuyện ngày khai giảng chỉ là một trong số rất nhiều những dẫn chứng cho thấy chúng ta chưa quan tâm đến vấn đề này đúng mức. Ngày nay, xã hội đang phàn nàn quá nhiều vào việc thế hệ trẻ sống vô cảm, thờ ơ song lại không nhìn lại cách chúng ta giáo dục và bồi đắp tình cảm cho chúng đã đúng hay chưa.

Ngày 12/08/2015, trong Hội nghị tổng kết năm học 2014- 2015 của giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phát biểu về vấn đề tổ chức lễ khai giảng với mong muốn không để các cháu nhỏ khổ sở vì các nghi thức mà phải tổ chức vì các cháu. Ngay sau đó, hàng loạt các báo đã dậy lên những bài viết về việc phải thay đổi cách tổ chức khai giảng, thời điểm tổ chức..v..v Thực chất, câu chuyện này đã là nỗi bức xúc từ lâu và có hệ quả nghiêm trọng hơn những gì ta thấy. Để giải quyết căn nguyên vấn đề có nhiều việc cần làm hơn là chỉ dừng lại ở thời điểm, cách thức tổ chức./.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441348

Hôm nay

265

Hôm qua

2283

Tuần này

21252

Tháng này

216522

Tháng qua

112676

Tất cả

114441348