Văn hoá học đường

Thầy giáo và thầy giáo vụ

Vài thập kỷ nay, tôi may mắn có dịp được đi dạy thuê cho một vài cơ sở giáo dục đại học ở các thành phố lớn nên được tận mắt chứng kiến khá nhiều chuyện không vui chung quanh mối quan hệ giữathầy giáo thầy giáo vụ. Kỷ niệm để lại "ấn tượng" sâu đậm và khó quên nhất là lần một vị giáo sư đầu bạc đang say sưa giảng bài trên lớp thì một người tuổi đời còn khá trẻ đến đứng ngay trước cửa phòng vừa giơ tay huơ huơ ra hiệu cho sinh viên chú ý vừa nói: "Thầy nhắc mọi người tí nha: Ai chưa nạp học phí thì lên văn phòng gặp tài vụ nạp ngay!". Xong, anh ta lại lịch bịch bước sang lớp bên cạnh và tiếp tục điệp khúc đó cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ thông báo cho sinh viên tất cả các phòng.

Tới phòng nào anh ta cũng thản nhiên cắt ngang lời giáo viên đang giảng, và, không một tiếng thưa khi đến, chẳng một lời chào khi đi. Trước cảnh tượng ấy, giảng viên thì tặc lưỡi, lắc đầu, còn sinh viên lại quá ngao ngán và xấu hổ về cách ứng xử thiếu văn hóa xã giao, thừa bất lịch sự của một ông thầy giáo vụ!

Vẫn biết, với cách suy nghĩ thiển cận của một bộ phận nhỏ giáo vụ ở các cơ sở đào tạo hiện nay thì thỉnh giảng chỉ là một loại "lính đánh thuê". Song điều làm mọi ngườì băn khoăn là ở chỗ, tại sao ngay trong một môi trường giáo dục lại có hiện tượng phản giáo dục, chướng văn hóa đáng buồn đến vậy? Phải chăng căn nguyên chính là do thiếu vắng sự quan tâm nhắc nhở, uốn nắn của gia đình, cơ quan và sự sai lệch, non kém trong cách nhận thức, tu dưỡng của cá nhân?

Về phía gia đình, từ xưa đến nay thì thưa, chào bao giờ cũng là một trong những bài học vở lòng thiêng liêng nhất mà cha mẹ, ông bà và người thân dạy cho con trẻ từ lúc còn chập chững. Văn hóa "đi thưa, về chào" vì thế mà ăn sâu vào tiềm thức của mỗi con người Việt Nam, trở thành nếp nhà và là một trong những dấu ấn đậm nét của văn hóa gia phong. Những người đến tuổi trưởng thành song vẫn không biết thưa, chào lúc gặp gỡ, tiếp xúc với người khác, nhất là đối với những bậc thuộc lớp tuổi cha, chú mình thì nguyên nhân một phần là do từ nhỏ họ "bị" sống trong một gia đình thiếu sự quan tâm nhắc bảo, dạy dỗ của người lớn.    

Về phương diện tập thể - xã hội thì thưa, chào là nghi thức đầu tiên và không thể thiếu trong quan hệ giao tiếp. Đó là nét đẹp về phẩm chất của những con người có gia giáo, biết tôn trọng người khác và do đó biết tôn trọng mình khi giao lưu, hòa nhập với các thành viên khác trong cuộc sống đa dạng và muôn vẻ của cộng đồng.

Ở nước ta, hầu hết các nhân viên giáo vụ, đặc biệt là giáo vụ của các trung tâm, đều không được đào tạo dù chỉ với thời gian rất ngắn về kiến thức chuyên môn môn, nghiệp vụ, nói chi đến chuyện bồi dưỡng về kĩ năng giao tiếp hay cung cách ứng xử. Vì thế, trong quan hệ với đối tượng phục vụ là người dạy và người học, lắm lúc họ bị hụt hẫng, mơ mơ hồ hồ không nhận thức được mình đang ở đâu?

Nhiều người suốt đời làm giáo vụ nhưng lại không sao định hình nổi "Thầy giáo vụ là gì?". Thế nên mới có chuyện, có những giáo vụ trẻ, lần nào xe đến đưa đón giảng viên đi dạy cũng cắp cặp nhảy tót lên ngồi chễm chệ trên ghế đầu tiên, mặc cho thầy, cô giáo già chen chúc nhau ở phía sau. Họ coi đó là động thái bình thường. Bởi theo cách ngộ nhận đại sai của họ thì ngoài thực tế, thỉnh giảng và giáo vụ đều được sinh viên gọi là thầy, nghĩa là thầy giáo thầy giáo vụ đều làthầy như nhau (cũng giống như cá rôcá rô phi đều là cá!) nên hòa cả làng. Từ đó, trước giáo viên, đôi khi họ tỏ thái độ xấc xược; còn trước sinh viên, nhất là sinh viên những lớp phi chính qui mở xa trường, ít có điều kiện hiểu biết về môi trường đại học, họ lại thường ra vẻ uy nghi, bệ vệ làm như mình là người nắm trong tay quyền quyết định số phận không chỉ người học mà cả người dạy. Họ không hiểu rằng, thầy trongthầy giáo người đàn ông làm nghề dạy học, (phân biệt vớicô giáo - người phụ nữ làm nghề dạy học). Cũng có khi từ thầy này được dùng để gọi chung những người làm nghề dạy học, tức bao gồm cả thầy giáo lẫn cô giáo, như thầy trong hai câu tục ngữ Việt "Một chữ là thầy, nửa chữ là thầy" và "Không thầy đố mày làm nên".

Còn từ thầy trongthầy giáo vụ lại là cách gọi tôn những người làm giáo vụ, tức gọi tôn những người đàn ông làm nhiệm vụ điều hành, quản lí, phục vụ việc dạy và học ở các cơ sở giáo dục (trường học, trung tâm, học viện,...). Như vậy, chữ thầy ở đây mang một nội hàm khác và ứng với nội hàm ấy là một ngoại diên khác, tức chỉ những người đàn ông mà nghề nghiệp của họ không phải là dạy học và đa phần trong số họ cũng không hội đủ điều kiện để dạy học. Họ là thầy giáo vụ, cô giáo vụ chứ không phải là thầy giáo, cô giáo, ngoại trừ số rất ít những giáo viên kiêm giáo vụ.

Thầy giáo hay thầy giáo vụ đều là người. Con người là vô giá và văn hóa ứng xử là một trong những nét đẹp nhân cách sáng láng trong những thực thể vô giá ấy./.

                                                                                                                                                                              

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434729

Hôm nay

2349

Hôm qua

2310

Tuần này

21379

Tháng này

211777

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434729