Văn hoá học đường

Giáo dục và sự hồn nhiên

Giáo dục là môi trường tuyệt vời đối với tất cả. Giáo dục đưa chúng ta tiếp cận các lẽ sống, từ đó hình thành ý thức về sống đẹp. Có vẻ như, từ lâu, 2 từ “sống đẹp” ở nhiều môi trường đã trở thành xa xỉ, trong khi nó là một trong những giá trị của đức tin.

Hồn nhiên là bản chất, hồn nhiên là gốc của con người. “Nhân chi sơ tính bản thiện”, ấy cũng là hồn nhiên. Dưới nhãn quan của nhiều nhà giáo dục, lâu nay nền giáo dục chúng ta có vẻ như đang chạy theo những ham muốn và tham vọng. Chính vì thế nó đã phần nào giết chết sự hồn nhiên trong đôi mắt học trò. Áp lực bài học, áp lực thì giờ, áp lực thi đua, điểm chác và cao hơn hết thảy, mọi thứ học trò hoạt động ở trường chưa hướng đến một triết lí giáo dục nhất quán, thu phục lòng người, nhất là giáo dục sau THPT. Nếu giáo dục chỉ định hướng tư duy, chú trọng thúc đẩy lí tính phát triển, mà mục tiêu là tạo ra những cá nhân thành đạt và danh giá thì đấy vẫn còn là một nền giáo dục đang thiếu khuyết. Nền giáo dục thực sự phải là nền giáo dục vì đại đồng, ôn hòa và cho tất cả. Mỗi cá nhân đi học là một chủ thể được thụ hưởng giá trị tinh thần của cộng đồng và tự bồi đắp cho mình những xúc cảm, những giá trị chân chính. Giá trị đó là gì, rất rộng rãi: là tình thương người, sự vô tư hào hiệp, niềm tin, là hướng tới mục tiêu cao hơn bằng nỗ lực chân chính… Ấy vậy mà, lâu nay, với sự tác động từ nhiều phía, từ nhiều môi trường, nền giáo dục chúng ta đang tác động một cách thiên lệch tới đức tính hồn nhiên của người học. Điều này làm tình trạng bình thường – vốn là bản chất của giáo dục, ở nhiều nơi, nhiều cấp bị ảnh hưởng. Trạng thái bình thường này chính là sự phát triển trong điều kiện giáo dục hết sức tự nhiên, phi lợi nhuận và ít đề cao việc đạt được mục đích bằng mọi cách. Ở đó, đức tin về đức hạnh và trí tuệ của chính mỗi cá nhân được xem là động lực để xây dựng nhân cách và chiến thắng mọi khó khăn, đạt kết quả học tốt.

Xin nói rõ hơn về bản chất của sự hồn nhiên. Hồn nhiên có quan hệ sâu sắc tới đức tin, ý chí. Sự hồn nhiên giúp học trò phát triển lành mạnh, có khi tin những điều tốt đẹp, tin cô Tấm thảo hiền, tin sẽ trở thành nhà khoa học, người giáo viên nhân dân, chứ không phải hồ nghi rằng… học rồi cũng chẳng để làm gì khi mà anh trai của mình vừa tốt nghiệp đại học vừa thất nghiệp, tốn cơm… Đức tin và trí tuệ chính là rường mối của con người, là cốt lõi của nhân cách. Nếu nền giáo dục (và có sự cộng tác đắc lực của gia đình) thúc đẩy sự không ngoan theo kiểu linh hoạt và làm hao hụt đức tin của người theo học, thì đấy là một thất bại của giáo dục, cho dù chúng ta có đào tạo nên những cá nhân nổi trội đi nữa. Xin nhắc lại rằng, giáo dục không phải là cho một cá nhân, dầu là kiệt xuất mà giáo dục chính là sự thụ hưởng của xã hội, là giá trị của tất cả. Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên, các nhà cải cách xã hội và cải cách giáo dục đều gặp nhau ở tư tưởng, nếu muốn xây dựng xã hội dân chủ trước hết phải dân chủ trong giáo dục. Dân chủ trong giáo dục phải được nhìn trong tương quan các mối quan hệ: thầy – trò, trò – trò, phụ huynh – học trò, người thầy và các tương tác xã hội … Suy cho cùng, có xử lí tốt các mối quan hệ này thì sự hồn nhiên của học trò trong giáo dục mới được kích thích và phát triển. Và, đấy chính là con đường phát triển bình thường của nền giáo dục hiện đại.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114442769

Hôm nay

2283

Hôm qua

2299

Tuần này

2582

Tháng này

217943

Tháng qua

112676

Tất cả

114442769