Văn hoá học đường

Muôn nẻo cái học ngoài chính thống

Do những thiếu sót của hệ thống giáo dục chính thống, từ những học sinh – sinh viên cho đến các bậc phụ huynh đều hoang mang tìm đủ các phương pháp học, các trung tâm, các sách hướng dẫn kỹ năng… những mong xây dựng cho mình một tay nghề để có thể vững bước vào đời. Tuy nhiên, khi bước chân ra khỏi hệ thống giáo dục chính thống, một người muốn tìm cho mình một hướng học tập đúng đắn cũng không dễ dàng gì. Họ phải đối mặt với rất nhiều câu tự vấn bản thân và đặc biệt là phải biết “đãi cát tìm vàng” giữa biết bao nhiêu lời quảng cáo hấp dẫn từ các trung tâm giáo dục tư nhân.

Thiếu tư duy – khiếm khuyết quan trọng nhất

Ở các bậc học phổ thông từ cấp 1 đến cấp 3, giáo trình học trong sách giáo khoa không phải là quá vô dụng. Một học sinh có tư duy và chịu khó học hỏi có thể “giắt lưng” được kha khá kiến thức nền tảng ở rất nhiều lĩnh vực, dù chỉ là ở khía cạnh lý thuyết. Tuy nhiên vấn đề của chương trình học ở bậc phổ thông đó là các kiến thức nền tảng này không được trình bày một cách hợp lý, dễ hiểu đối với học sinh; và cũng không tạo được cho học sinh một thói quen tự tư duy mà chỉ biết làm theo các mẫu bài tập. Vì thế, chương trình học trong nhà trường tưởng như thừa thãi nhưng lại thiếu đối với người đi học. Bởi lẽ, bước quan trọng nhất là kỹ năng tư duy đã bị bỏ qua trong nhà trường. Trong khi ấy, kỹ năng tư duy là một kỹ năng rất cần thiết để học sinh có thể tự đọc sách, tự học để hiểu hơn về bản chất của từng loại kiến thức được cung cấp trong sách giáo khoa và tự tìm tòi để mở rộng vốn hiểu biết.

Ở cấp đại học, vấn đề thiếu kỹ năng tư duy càng bộc lộ rõ. Chúng ta sẽ không đề cập đến những sinh viên rất xuất sắc trong chuyên môn, mà chỉ để cập đến đại đa số. Các sinh viên vẫn học ở trường đại học theo lối được học từ cấp phổ thông, tức là chép lại y nguyên những gì được ghi trong giáo trình và lời thày cô giảng trên lớp. Những sinh viên này không có thói quen tự tìm kiếm và xử lý thông tin, hay nói một cách khác là thiếu các kỹ năng tư duy căn bản. Dần dần, càng học sâu họ sẽ càng cảm thấy kiến thức được học trong nhà trường là vô dụng, dù rằng không phải toàn bộ chương trình học đều như vậy mà chỉ là họ không có khả năng tiếp nhận thông tin vì thiếu tư duy mà thôi.

Không nhận thức được cái thiếu ấy, các học sinh – sinh viên tìm ra bên ngoài, tham gia các khóa học và mua các sách kỹ năng, học làm giàu… những mong chúng sẽ hỗ trợ cho mình trong quá trình làm việc và trong cuộc sống. Tuy nhiên, càng học thì họ càng thấy mông lung. Thứ thuyết phục họ tiếp tục tham gia những lộ trình học kiểu này đó chính là cách truyền thông rằng người đứng lớp là một nhân vật thành công hay người viết sách là một chuyên gia thành đạt và giàu có. Phải thừa nhận, các lớp kỹ năng cung cấp cho người học một số thủ thuật, thế nhưng người học trở thành các “tay mơ khôn lỏi” chứ không phải người chuyên nghiệp. Ví dụ như, một tay mơ khôn lỏi có thể biết rất nhiều ứng dụng và thủ thuật trong thiết kế mẫu hình ảnh quảng cáo, nhưng không biết các kiến thức hội họa và nguyên tắc mỹ học, vì thế nên các mẫu thiết kế của tay mơ ấy không đẹp một cách ấn tượng, không có phong cách, và đôi khi còn lố bịch. Đây có lẽ là tình trạng thường thấy ở các mẫu hình ảnh quảng cáo thường thấy ở Việt Nam. Người thiết kế tay mơ ấy đã không hề biết đến các kiến thức nền tảng về phối màu và tạo hình – những điều tối thiểu mà một nhà thiết kế chuyên nghiệp phải biết. Tương tự như vậy, người ta có thể học  cách viết sao cho phù hợp với thị hiếu, giât tít sao cho lôi cuốn, xào xáo thông tin giấu nguồn, nhưng một người viết không biết các nguyên tắc cung cấp thông tin trong từng loại văn bản, không giỏi từ vựng, và không hiểu rõ chủ đề mình định viết thì không khác nào “thùng rỗng kêu to”. Trong “cái học” đang thịnh hành hiện nay, lối học “tay mơ khôn lỏi” này đang chiếm đa số và đang khiến các nghề nghiệp ở Việt Nam tiếp tục nhân rộng các sản phẩm hoặc mô hình dịch vụ kém chất lượng. 

Gian nan đi tìm cái học thực chất

Với những bạn trẻ sớm nhận ra thiếu sót của mình, họ sẽ có nhu cầu muốn học một cách nghiêm túc để có một nền tảng kiến thức tốt, đủ giúp học làm việc và hiểu hơn về cuộc sống. Nếu họ không lựa chọn đi du học thì ở trong nước họ sẽ gặp không ít khó khăn, dù rằng du học chưa chắc đã bù lấp được cho họ những khiếm khuyết.

Lý do đầu tiên gây ra tình trạng khó khăn đó là các chuyên gia trong từng lĩnh vực ngày càng ít đi, ở một số lĩnh vực đặc biệt có thể sẽ không có chuyên gia trong nước. Vậy thì “tầm sư học đạo” dường như đã là một giấc mơ xa vời. Hơn nữa, một người đi học thiếu tư duy, thiếu kiến thức nền tảng sẽ không phân biệt được người thày nào là cần cho mình và người thày nào chỉ phất lên nhờ truyền thông đánh bóng hay một thương hiệu được chính thống hóa. Ngay cả những chuyên gia có kiến thức sâu rộng cũng không dễ dàng gì để hướng dẫn các bạn trẻ vẫn còn ngơ ngác, thiếu căn cơ, nền tảng. Một giáo sư rất giỏi về lĩnh vực nghiên cứu văn học Việt Nam chẳng hạn đương nhiên sẽ thích thú hướng dẫn một sinh viên có sẵn nền tảng chứ không muốn mất thời gian vào việc nâng cao mặt bằng đại đa số những người đang học về nghiên cứu văn học Việt Nam. Chúng ta không thể trách họ, nhưng chúng ta có thể lo ngại về một tương lai thiếu chuyên nghiệp của các ngành nghề.

Thứ hai, lượng sách vở và tài liệu chuyên ngành ở Việt Nam không nhiều và thường lạc hậu so với thế giới, đó là chưa kể đến chất lượng dịch chưa cao. Bởi thế, người muốn học hỏi tốt thường phải biết từ một ngoại ngữ trở lên. Đây cũng là điều không dễ. Thứ ba, những sao lãng từ môi trường sống bên ngoài cũng ngày một gia tăng, khiến cho các bạn trẻ khó tập trung hơn vào việc học.

Tóm lại, người học sẽ còn gian nan và mơ hồ khi những lối dạy học không đề cao tư duy, không cung cấp những kiến thức nền tảng và những phương pháp tự học cho học sinh – sinh viên. Với tình trạng này còn tiếp diễn, chúng ta sẽ phải đối mặt với một tương lai mà xã hội đầy rẫy những “tay mơ khôn lỏi” nhưng thiếu chuyên nghiệp.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434886

Hôm nay

2157

Hôm qua

2349

Tuần này

21536

Tháng này

211934

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434886