Văn hoá học đường

Khi nào chúng ta đã quên mục đích thực sự của sự học?

Hãy dừng cái việc hợp nhất giáo dục với tính khả dụng trên thị trường lao động làm một – mục đích của giáo dục phải là làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên giàu đẹp hơn.Là điều đáng thất vọng khi chúng ta thấy buộc phải nhấn mạnh đến lý do kinh tế hơn là bảo vệ giáo dục bởi tự thân nó.

“Hỏi ông ta về Iraq ấy”, một khán giả nói với người sẽ chủ tọa cuộc tranh luận giữa Tony Blair và George Osborne. Thậm chí ngay khi phát ngôn ở một cuộc hội họp quốc tế hào nhoáng, như bây giờ ông thường xuyên tham dự, Blair không thể thoát khỏi quá khứ của mình. Cuối tuần qua ở Dubai, tuy nhiên, ông vui lòng trở lại một khía cạnh của nó. Người chủ tọa ở Diễn đàn Kĩ năng và Giáo dục Toàn cầu [Global Education and Skills Forum] tránh nói về những cuộc chiến gần đây mà thay vào đó yêu cầu ông nhắc lại slogan nổi tiếng nhất của ông như một con vẹt đang trình diễn. Blair nở một nụ cười đã thành thương hiệu và nói một cách lịch thiệp: “Giáo dục, giáo dục, giáo dục.” [“Education, education, education.”]

Ủng hộ cái tuyên bố về những ưu tiên của ông không chỉ đơn giản là cường điệu, đầy những nhà giáo dục và những người nổi tiếng ủng hộ nó ở cái gọi là “Diễn đàn Giáo dục Davos.” Giáo dục rõ ràng là một chuyện tốt, nhưng chúng ta sẽ không cho thấy được tầm mức của chính mình nếu chúng ta khẳng định giá trị của nó mà chẳng cần nghĩ ngợi gì nhiều. Nếu chúng ta không dừng lại và tra vấn giáo dục có ý nghĩa gì thì những người đưa ra câu trả lời sai lầm sẽ tẩu thoát với những nhầm lẫn của họ.

Trong vòng hai ngày có mặt ở Diễn đàn này, tôi kinh ngạc bởi một giả thuyết hư ngụy làm tiền đề cho những biện hộ cho giá trị của giáo dục, đặc biệt là trong giáo dục các môn nghệ thuật và nhân văn. Nó ở trong những nhận xét của Blair, xem giáo dục là cần thiết cho một xã hội để có tính sáng tạo, điều cần thiết để duy trì vị trí của nó ở thế một quốc gia phát triển hàng đầu. Nó là khi George Osborne ủng hộ một nền giáo dục trọn đời để đáp ứng nhu cầu về con người nhằm mục đích “trang bị lại” và được “lập trình lại” trong một thế giới thay đổi-nhanh chóng. Nó ở trong những nhận xét của một số người cùng tham gia hội thảo với tôi, những người nói về việc các môn nghệ thuật và nhân văn sẽ cải thiện thành tích trong các môn học khác và chuẩn bị cho trẻ em bước vào cuộc sống nghề nghiệp như thế nào.

Không cần những kỹ năng tư duy phê phán cao cấp để nhận ra tiền đề ẩn giấu ở đây. Giáo dục hiện nay thường được ủng hộ và biện hộ trên cơ sở khả năng của nó để chuẩn bị cho con người bước vào thế giới lao động. Các môn nghệ thuật dạy sự sáng tạo, triết học dạy tư duy phê phán, lịch sử dạy sự đồng cảm, thể thao dạy sự tận hiến, và tất cả những điều này là tốt bởi vì chúng là những kĩ năng có thể dời đổi được, là thứ mà có thể biến thành tiền được.

Ba chữ E của Blair có thể được thay thế bởi bộ ba [chữ E] khác, slogan của Diễn đàn: Giáo dục, Bình đẳng, Việc làm [Education, Equality, Employment]. Người cấp tiến cánh tả đặt trọng tâm vào cái thứ hai, người cánh hữu ủng hộ thị trường tự do thì hướng về cái thứ ba, nhưng cả hai đều xem giáo dục chủ yếu như một công cụ để đạt được những mục tiêu kinh tế.

Thậm chí người đoạt Giải Giáo Viên Toàn cầu với trị giá giải thưởng 1 triệu đô, được trao vào buổi bế mạc lộng lẫy, cũng bị lôi vào diễn ngôn này. Andria Zafirakou “tự hào” một cách đúng đắn “là một giáo viên dạy thủ công và mỹ thuật” như cô nói trong phát biểu nhận giải. Cô hẳn nhiên là một giáo viên tận tâm và xuất sắc, làm việc tại một trong những khu vực hỗn tạp nhất ở London, thường dạy những trẻ xuất thân từ gia đình thiếu thốn hoặc trục trặc. Cô phàn nàn rằng “các môn nghệ thuật phải đấu tranh để giành chỗ trong chương trình giảng dạy và nguồn tài trợ” và thường là môn đầu tiên bị cắt bỏ. Nhưng thậm chí cô không biện hộ cho giáo dục ở cái thế, tự thân nó là một điều tốt. “Với những học sinh của tôi, các môn nghệ thuật cung cấp nơi trú ẩn,” cô nói. “Một nơi chúng có thể thể hiện bản thân một cách an toàn và kết nối với bản ngã của mình.”

Ít nhất thì đây không phải những lợi ích kinh tế cạn cợt. Nhưng trước khi miêu tả những lợi ích xã hội này cô đã nói rằng “những môn nghệ thuật dạy học sinh cách để tư duy sáng tạo, điều đó có ý nghĩa quan trọng đối với những công việc bọn trẻ sẽ làm sau khi tốt nghiệp. Chúng giáo dục sự bền bỉ và sự kiên trì ấy có thể đền đáp [công sức đã bỏ ra].” Khi thậm chí một người đam mê môn giảng dạy của mình như Zafirakou mà cảm thấy buộc phải nhấn mạnh đến lý do kinh tế đối với các môn giáo dục nghệ thuật, thì câu chuyện đã đi theo chiều hướng rất sai lầm.

Tôi không cho rằng những gì mà người Mỹ gọi là giáo dục nghệ thuật tự do không tốt cho tính khả dụng trên thị trường lao động của bạn. Tôi cũng không quá cao thượng để tin chuẩn bị cho trẻ em bước vào thế giới thực tế không phải vai trò quan trọng của nhà trường. Tuy nhiên, đây không thể là mục tiêu tiên quyết của giáo dục, là thứ mà chúng ta phải luôn lấy nó để đo thành quả của giáo dục.

Một thực tế không thể bàn cãi là chúng ta giàu có về mặt kinh tế để chúng ta có thể sống tốt hơn, chứ không phải sống tốt hơn nghĩa là trở nên giàu có hơn về mặt kinh tế. Những mục đích tối thượng của chúng ta là những cuộc sống hưng thịnh và những xã hội thịnh vượng và thước đo của những điều này không phải chỉ số GDP. Một trong thiểu số phát ngôn điều này một cách rành mạch ở Diễn đàn đã phát biểu nó từ mộ phần. Hơn một lần các diễn giả đã trích lời cựu tiểu vương Dubai và là vị tổng thống đầu tiên của Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất, Zayed bin Sultan Al Nahyan, ở vào cái năm mà sẽ là 100 năm ngày sinh của ông: “Sự thịnh vượng và thành công của một dân tộc được đo bằng chất lượng giáo dục của họ.”

Cái thực tế là giàu có về mặt vật chất khiến sự thành công và thịnh vượng như thế có thể đạt được một cách rộng rãi và dễ dàng hơn rất nhiều cũng không thay đổi điểm căn bản. Ngay cả khi những phương tiện nào đó là cần thiết để đạt được mục đích, thì phương tiện không thể bị nhầm thành cứu cánh.

Mục đích nguyên ủy của giáo dục và các môn nghệ thuật là khiến chúng ta trở thành người một cách trọn vẹn hơn, để giúp chúng ta sống nhiều hơn chỉ là những động vật bị mắc kẹt trong vòng quay ăn uống và sinh sản. Việc học tập cả đời có ý nghĩa, bởi nó tiếp tục làm giàu con người chúng ta, chứ không phải vì nó làm tăng số dư ngân hàng của quốc gia. Đó là lý do tại sao việc môn âm nhạc dạy riêng bị xóa bỏ gần như hoàn toàn là một bi kịch, chứ không phải bởi vì đồng thời với nó là sự mất đi của “những nền công nghiệp sáng tạo.” Tôi chắc chắn rằng nhiều – có lẽ là hầu hết – chúng ta vẫn tin vào điều này, gồm cả Zafirakou và những người tổ chức của Diễn đàn. Nhưng không hiểu sao chúng ta mất tự tin để nói ra điều đó một cách mạch lạc, sợ bị coi thường như những kẻ mơ mộng hão huyền trong mắt những người dường như “thực tế” hơn. Nhưng nếu chúng ta thôi không lên tiếng mà thay vào đó ủng hộ nền giáo dục nhân văn dựa trên những nền tảng vị lợi nông cạn, chúng ta đã thành kẻ thua cuộc vì chúng ta đã chơi theo những luật lệ của những tay kiểm toán [bean-counters].

Đoàn Huyềndịch

Dịch từ bài viết When did we forget the real purpose of learning?, của tác giả Julian Baggini đăng trên trang: w.w.w.prospectmagazine.co.uk, ngày 19 tháng 3 năm 2018.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114440695

Hôm nay

2290

Hôm qua

2309

Tuần này

2599

Tháng này

215869

Tháng qua

112676

Tất cả

114440695