Văn hoá học đường

Sách giáo khoa thời hiện đại

Tuy giáo dục là lĩnh vực thay đổi rất chậm, nó cũng buộc phải chuyển mình trước những biến đổi vũ bão của thế giới bên ngoài, đặc biệt là trong công nghệ.

Hai yếu tố chính đang tác động vào sự thay đổi của sách giáo khoa (SGK) thời hiện đại là những thay đổi trong triết lý hay phương pháp giáo dục, và sự phát triển của trí thông minh nhân tạo.

Những đổi thay của giáo dục hiện đại

Nền giáo dục truyền thống nhằm vào truyền thụ kiến thức, còn giáo dục hiện đại nhấn mạnh việc hình thành năng lực. Giáo dục truyền thống dùng SGK như một bộ khung sườn kiến thức, coi trọng quy trình, và giả định là mọi học sinh đều có xuất phát điểm như nhau, đều đạt được một kết quả tối thiểu như nhau khi tốt nghiệp. Trong khi đó giáo dục hiện đại là một nền giáo dục dựa trên việc xây dựng các tiêu chuẩn cho việc học tập, còn quá trình học có thể được cá nhân hóa, phương pháp dạy và học có thể tùy chọn. SGK vì thế được xem là một nguồn tài liệu hỗ trợ cho quá trình dạy và học, có thể điều chỉnh và bổ sung bằng nhiều tài liệu và phương tiện khác nhau. Trong giáo dục truyền thống, thầy là người truyền giảng, trong giáo dục hiện đại, thầy là người tổ chức hoạt động học tập để học sinh tự khám phá, tự trải nghiệm, tự tìm kiếm tri thức, tự hình thành nhận thức và thái độ với cuộc sống.

Với những thay đổi đó, vai trò của SGK tuy vẫn cần thiết, đã không còn như xưa. Bản thân SGK cũng đang phải thay đổi để thích ứng với giáo dục hiện đại và để phù hợp với vai trò mới cũng như công nghệ mới.

Năm 2015, giới xuất bản sừng sỏ ở Mỹ đã họp nhau lại để thảo luận về những diễn tiến mới có ảnh hưởng tới việc xuất bản SGK những năm tới. Mọi người đều thừa nhận là kỹ thuật số và trí thông minh nhận tạo sẽ định hình lại cách viết, cách sử dụng SGK cho dạy và học, cách in ấn và phát hành sẽ thay đổi, nhưng thay đổi như thế nào là điều dường như chưa được rõ ràng.

Số hóa sẽ diễn ra như thế nào?

Điều dễ thấy và dễ làm nhất mà nhiều người đã đề nghị là phát hành bản mềm của SGK hiện tại. Bên cạnh chữ viết, tranh ảnh, hình vẽ, nó còn có thể tận dụng các video khiến nội dung sinh động hơn, hứng thú hơn. Ưu điểm của nó là giá rẻ và tiện dụng. Thay cho việc vác một cái cặp hàng chục cuốn sách in, học sinh có thể chỉ cần một cái ipad. Giá có thể rẻ hơn, vì hiển nhiên là chi phí in ấn, vận chuyển, phát hành sẽ giảm; nhưng nó cũng có thể không rẻ đi, vì tình trạng độc quyền của các nhà xuất bản và của SGK.

SGK là một hàng hóa đặc biệt mà người mua có rất ít quyền lựa chọn. Trước nay quyền lựa chọn đó nằm ở cấp Bộ. Đang có chủ trương “một chương trình, nhiều bộ SGK” nhằm đưa quyền lựa chọn này xuống cấp trường, và lý tưởng hơn là đưa xuống tới giáo viên. Nhưng học sinh, người cuối cùng phải trả tiền mua SGK thì ngay cả ở những nước phát triển cũng không có quyền chọn lựa, thường là họ phải mua sách do giáo viên chỉ định. Trong trường hợp độc quyền, các nhà xuất bản vẫn có thể bán giá cao để tăng lợi nhuận. Một ví dụ là hiện nay trên thế giới sách in đang chuyển sang sách đọc trên Kindle, và giá mua bản Kindle cũng không hề rẻ.

Nhưng số hóa không phải chỉ có thế. Nếu chỉ có thế thì về bản chất nó không khác với SGK truyền thống. Điểm quan trọng nhất của SGK thế hệ số là bản chất cá nhân hóa nhờ sự tham gia của trí thông minh nhân tạo. SGK truyền thống trình bày kiến thức theo một kiểu nhất định không đổi như thể là tất cả mọi người học đều có khả năng tiếp thu, tính cách, mối quan tâm, đặc điểm khí chất y như nhau. Trong khi đó SGK thế hệ số là một chương trình phần mềm, một ứng dụng có thể thích nghi với những cách tiếp thụ tri thức/thông tin rất khác nhau của từng người học. Nó là một hình thức của giáo dục có tương tác. Trí thông minh nhân tạo ngày nay đã có thể tự học, tức là tự tích lũy dữ liệu và phân tích dữ liệu để đưa ra các giải pháp phù hợp, vì thế nó sẽ “trình diễn” những phiên bản khác nhau với từng người học khác nhau, tùy vào những thông tin về người học mà nó thu lượm được trong quá trình tương tác. Nó sẽ “phản ứng” với những đáp ứng của người học, và tự điều chỉnh nội dung, cách thức cho phù hợp. Nó hành động gần giống như một giáo viên.

 

Một bộ SGK như thế đã ra đời năm 1999 như một thử nghiệm với môn Toán. Nó có tên là  ALEKS, kết quả 20 năm nghiên cứu của các nhà khoa học nhận thức, nhà toán học và kỹ sư. Nó có thể dạy học và đánh gái kết quả học tập các môn toán, kế toán, thống kê và hóa. Nó dùng dữ liệu thu được từ người học để chế tác ra bộ câu hỏi dựa trên những gì người học khó tiếp thu nhất. Nó có thể đánh giá trình độ của cả lớp nhanh hơn bất kỳ giáo viên nào trong lịch sử. Sau 1 thập niên vận hành, nó được người khổng lồ trong ngành xuất bản là  McGraw Hill mua lại năm 2013.

 Bộ SGK thử nghiệm trên đây đã dược dùng 2 ngày trong tuần để kết hợp với cách dạy truyên thống của giáo viên. Kết quả có vẻ khả quan. Tuy vạy người ta đang tự hỏi: liệu sẽ có một ngày nó hoàn toàn thay thế cho con người?

Và vai trò của giáo viên

Câu hỏi đặt ra là, với SGK thế hệ mới này, thì vai trò của giáo viên sẽ thay đổi như thế nào? Liệu vai trò đó sẽ trở thành không còn cần thiết, hay là sẽ vẫn có những khía cạnh mà ngay cả SGK với trí thông minh nhân tạo cũng không thể thay thế?

Không khó trả lời câu hỏi này nếu chúng ta nhìn vào việc giáo dục như một quá trình hỗ trợ người học trưởng thành về mọi mặt. Trường học không phải chỉ là nơi học kiến thức. Trường học là nơi chúng ta học cách chung sống với người khác, làm việc cùng với người khác. Đó là lý do trường học vẫn đang và sẽ tiếp tục cần thiết trong nhiều thế kỷ nữa dù rằng ngày nay vô vàn kiến thức ta đã có thể tự học.

Giáo viên vẫn sẽ là người thiết kế quá trình học tập của học sinh. Nhưng quan trọng hơn, giáo viên giúp học sinh khám phá cái tôi của họ bằng sự hỗ trợ tinh thần, bằng sự thừa nhận khả năng/tiềm năng của họ, Giáo viên còn là một tấm gương nhân cách, điều này rất quan trọng đối với cấp tiểu học và trung học.

Như vậy, SGK thế hệ mới sẽ là một trợ lý đắc lực của thầy cô giáo, làm giảm nhẹ gánh nặng truyền thụ kiến thức của người thầy, để họ tập trung vào những yếu tố khác còn quan trọng hơn của giáo dục.

Còn nhiều yếu tố khác để cân nhắc. Có những nghiên cứu đã cho thấy trẻ em không nên dán mắt vào màn hình quá 2 tiếng mỗi ngày, nếu không nó sẽ dẫn tới nhiều hệ quả tiêu cực cả về sự phát triển thể chất và tâm lý. Cuối cùng thì, SGK, cho dù có là sản phẩm của trí thông minh nhân tạo, cuối cùng vẫn chỉ là phương tiện trong tay con người, tốt hay xấu là do cách chúng ta sử dụng nó.

 

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441517

Hôm nay

2234

Hôm qua

2283

Tuần này

21421

Tháng này

216691

Tháng qua

112676

Tất cả

114441517