Văn hoá học đường

Học phí với Tự chủ đại học

VHNA: Học phí và Tự chủ đại học là chủ đề đã và đang được dư luận xã hội quan tâm nhiều, nhất là gần đây có ý kiến phải sử dụng học phí như một công cụ kỹ thuật để ngăn chặn tình trạng “học đại”. Vậy tự chủ đại học là gì? Và học phí có vai trò như thế nào trong cơ chế tự chủ của các trường đại học? Xin mời bạn đọc tham khảo ý kiến của Tiến sỹ Phạm Thị Ly - Ủy viên Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016 - 2021 về vấn đề này.

 

TS. Phạm Thị Ly

Tự chủ đại học, hay là quyền tự chủ của đại học, ở các nước Âu, Mỹ là chuyện đương nhiên, cả trường công lẫn trường tư. Nhưng ở Việt Nam chỉ mới bắt đầu được nói đến khoảng 10 năm trở lại, khi xuất hiện các trường đại học tư/dân lập/ngoài công lập. Tuy vậy, cách hiểu về tự chủ đại học vẫn còn khác nhau, ngay cả khi có văn bản của Bộ GDĐT. Từ đó cách vận dụng, cách “tự chủ” của các trường cũng khác nhau, kể cả về tổ chức lẫn đào tạo, và nhất là cách thu hút nguồn thu, đặc biệt là học phí.

Bà có thể cho chúng tôi biết tự chủ đại học ở các nước Âu - Mỹ là như thế nào? Mục tiêu của tự chủ là gì? Tự chủ cái gì? Cách họ tự chủ ra làm sao? Giữa trường công và trường tư có những điểm khác nhau như thế nào, nhất là mức độ và tính chất tự chủ?

Câu hỏi quá rộng, thật là rất khó để nói trong vài câu, nhất là nói một cách cụ thể. Nhưng có một điều chắc nhiều người đều nhận thấy, mà anh đã nói trong câu hỏi, là cách chúng ta vận dụng "tự chủ" có nhiều khác nhau giữa các trường ở VN, và đương nhiên là khác so với các nước Âu Mỹ.

Chúng ta tập trung chủ yếu vào tự chủ tài chính, và điều này cũng không phải là không có cơ sở, bởi vì ai nắm hầu bao thì sẽ quyết định mọi thứ. Mỹ có câu "money talks", tức là đồng tiền có ảnh hưởng lớn tới mọi hành động và quyết định của con người. Nếu không nắm được quyền tự chủ tài chính, thì không thể bàn tới bất kỳ thứ tự chủ nào khác, dù rằng tài chính chỉ là điều kiện cần, hoàn toàn không phải là điều kiện đủ để xây dựng thành công một trường ĐH hay một nền giáo dục ĐH.

Ví dụ cho điều này có rất nhiều. Chẳng hạn như, không ít người học hành, thậm chí làm việc ở các nước phương Tây, nhưng cách tư duy và xử sự cũng không khác gì những người được đào tạo trong nước. Cũng không ít người, đặc biệt là các bậc tiền bối của chúng ta, học hành trong những điều kiện thiếu thốn, vẫn trở thành những người có nhân cách đáng trọng và có những đóng góp quý báu cho xã hội. Nói cách khác, giáo dục không phải là một hàng hóa cứ trả tiền nhiều là có hàng tốt. Nó là một sản phẩm đặc biệt mà chất lượng của nó không chỉ phụ thuộc người bán, mà còn phụ thuộc vào chính người mua, và nhất là phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường: chừng nào thị trường còn nhu cầu bằng giả, thì trường dỏm vẫn có đất sống.

Vì thế, tiền rất cần, rất quan trọng. Nhưng cách kiếm ra tiền và cách sử dụng đồng tiền còn quan trọng hơn nhiều. Điều này đúng với cá nhân và cũng đúng với một trường ĐH, với cả xã hội.

Tự chủ ĐH do đó không phải là mục đích của ĐH mà là phương tiện để thực hiện các mục tiêu của nhà trường. Chính cái mục tiêu này mới chi phối cách người ta tạo ra nguồn lực và sử dụng nguồn lực của trường ĐH.

Trước khi nói về việc học phí có vai trò gì, cần làm rõ thêm về khái niệm "miễn phí". Chúng ta thường hiểu "miễn phí" có nghĩa là "không phải trả tiền", nhưng đáng lẽ phải hiểu đầy đủ hơn là "không trả trực tiếp mà là trả dưới những hình thức khác". Bởi vì đã có câu "trên đời chỉ có một thứ duy nhất miễn phí là miếng phô mai trong cái bẫy chuột". Tất nhiên đó chỉ là một cách nói, có thể hơi quá, nhưng phản ánh một sự thật: trường ĐH không thể hoạt động mà không có tiền, nếu chúng ta không tự tay móc tiền túi ra để trả thì có nghĩa là có ai đó (chủ yếu là nhà nước) đã thò tay vào túi chúng ta lấy tiền ra để đóng giùm. Trước đây thầy Phạm Phụ có nói một ý có thể làm nhiều người sốc: chính sách học phí thấp/miễn học phí chính là lấy tiền của người nghèo để bao cấp cho người giàu. Nhà nước bao cấp cho các trường ĐH bằng tiền thuế của người dân, nghĩa là nếu bạn làm thợ khuân vác, chưa bao giờ được học ĐH và con cái bạn thì phải ra đường kiếm sống từ nhỏ, không có cơ hội được học ĐH, bạn sẽ vẫn phải góp một phần tiền (qua các loại thuế trực thu hay gián thu) để nuôi các trường ĐH.

Tôi không nói việc đó là hoàn toàn sai. Nếu các trường ĐH tạo ra sáng tạo khoa học kỹ thuật làm thay đổi cuộc sống, thì bạn cũng được hưởng lợi cho dù bạn không được học ĐH. Ví dụ, nhờ tiến bộ công nghệ mà những thứ tiện nghi xa xỉ chỉ giành cho giới thượng lưu xưa kia, ngày nay đã rẻ hơn rất nhiều, ai cũng có thể sở hữu. Cho dù người ta làm ra những thứ đó để kiếm lợi cho bản thân họ, thì thực tế là bạn cũng được hưởng lợi. Nhưng nói ra điều đó là nhằm làm rõ khái niệm "miễn phí" để không ai mơ hồ hay kỳ vọng những thứ không tưởng.

Vai trò của Nhà nước đối với hệ thống đại học tư như thế nào ở Mỹ và châu Âu?

Hệ thống ĐH tư ở Mỹ phát triển hơn so với châu Âu. Ở châu Âu thì ĐH tư chỉ mới phát triển không lâu và không phải là dòng chủ lưu. Ở Mỹ, ĐH tư đã có truyền thống lâu đời. Hầu hết các ĐH danh tiếng cũng đều là trường tư, và chủ yếu là các trường không vì lợi nhuận. Nếu không kể việc cấp nguồn ngân sách, thì vai trò của nhà nước không có khác nhau nhiều đối với các ĐH công và tư.

Giáo dục (kể cả công và tư, và ở bậc ĐH) là trách nhiệm của chính quyền các tiểu bang, không phải liên bang. Trách nhiệm đó chủ yếu là xây dựng trường sở, phát triển chương trình học, xác định các yêu cầu nhập học và tốt nghiệp.

Bộ Giáo dục Hoa Kỳ thành lập năm 1867 (tuy đã qua nhiều lần đổi tên) nhằm thu thập thông tin về các trường và về quá trình giảng dạy, để giúp cải thiện chất lượng. Đến năm 1980 nó mới được chính thức công nhận là cơ quan cấp Bộ, tức là trong cơ cấu của chính quyền liên bang. Sứ mạng của nó là thúc đẩy chất lượng kết quả học tập của người học nhằm chuẩn bị cho cạnh tranh toàn cầu, bằng cách bồi đắp, xây dựng sự ưu tú và bảo đảm công bằng về cơ hội tiếp cận giáo dục.

Bộ thực hiện sứ mạng, vai trò đó thông qua dẫn dắt các cuộc nghiên cứu và thảo luận trong cả nước về việc làm thế nào cải thiện chất lượng giáo dục, cũng như qua việc đưa ra những chương trình tài trợ hoặc cho vay để bảo đảm cho ai cũng có cơ hội được học. Không hề có chuyện quy định chi tiết việc này thì được làm việc kia thì không, tuyển sinh thì theo quy trình nào, chỉ tiêu bao nhiêu, điểm nào thì đỗ, giảng viên thì trả lương ra sao, điều kiện nào thì vào biên chế, vân vân. Tất cả những việc đó là quyền quyết định của các trường, kể cả trường công lẫn trường tư.

Những người quen với cách quản lý chặt chẽ "chỉ được làm đúng theo quy định và hướng dẫn chi tiết" sẽ tự hỏi: Như thế có mà loạn à? Tưởng tượng nếu Việt Nam mà cũng "tự do" như thế, thì chuyện gì sẽ xảy ra?

Mối lo ấy vừa đúng vừa sai. Đúng là bởi vì đã có quá nhiều ví dụ thực tế cho chúng ta thấy "tự chủ" có thể dẫn đến tùy tiện, vô nguyên tắc, thiếu trách nhiệm và bất công như thế nào. Sai là bởi vì ở Việt Nam cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có một cơ chế về trách nhiệm giải trình thật sự hữu hiệu để cân bằng với quyền tự chủ của các trường, và nếu có một cơ chế như thế thì hoàn toàn có thể thực hiện tự chủ ĐH với ý nghĩa tích cực nhất của nó.

Nguồn thu của các đại học ở Mỹ, tư và công, chủ yếu từ nguồn nào?

Nguồn thu là điểm phân biệt chính giữa ĐH công và ĐH tư ở Mỹ. Trường công nhận kinh phí chủ yếu do chính phủ cấp, còn trường tư thì dựa vào học phí, hiến tặng, và các nguồn tư nhân khác, ví dụ như các hợp đồng nghiên cứu hay hoạt động dịch vụ, thể thao, v.v. Sinh viên trường công vẫn phải đóng học phí, nhưng thường là thấp hơn so với trường tư, đặc biệt là người học trong tiểu bang sẽ đóng mức thấp hơn so với người từ tiểu bang khác hay nước khác.

Cách tính và cách thu học phí của các trường đại học ở Mỹ, hoặc châu Âu? Cái khác cơ bản so với VN ta là gì?

Học phí ở Anh và Pháp nói chung rất thấp ở trường công, hầu như chỉ có ý nghĩa tượng trưng. Trường tư như đã nói, không nhiều, cũng không phải là dòng chủ lưu. Đức cho đến nay về cơ bản vẫn miễn học phí ĐH. Ở Mỹ, học phí ĐH đã không ngừng tăng trong mấy thập kỷ qua, có nhà nghiên cứu đã tính ra là nó tăng gấp 8 lần so với mức tăng của lạm phát. Nhưng ngay cả như thế thì học phí cũng chỉ là một phần trong ngân sách của trường, tất nhiên tỉ lệ nhiều ít là tùy từng trường. Một phần lớn đến từ các nguồn hiến tặng (endowment), một cơ chế khá đặc thù của Mỹ, khích lệ những người giàu có cho tiền các trường ĐH. Số tiền đó thường được đổ vào các quỹ đầu tư, và lợi nhuận từ đó có thể bổ sung cho hoạt động của trường. Số tiền hiến tặng là tiền không bị đánh thuế, do vậy, về mặt nào đó nó cũng có thể coi là một phần của nguồn lực công.

Cái khác cơ bản so với Việt Nam là gì? Một, các trường VN hầu như không có tiền hiến tặng (vì sao như thế là một câu chuyện dài khác) mà phụ thuộc hoàn toàn vào học phí. Hai, Việt Nam có chính sách cho vay học phí, và một điều rất đáng biểu dương là chính phủ cho sinh viên vay bất kể học trường công hay trường tư. Nhưng số tiền cho vay rất nhỏ so với nhu cầu, không như ở Mỹ, bởi vì quả thật là chúng ta chưa có cơ chế thu hồi nợ vay có hiệu quả.  Ba, các trường ĐH tư ở Mỹ chủ yếu vẫn là các trường không vì lợi nhuận, tức là nó không thuộc sở hữu cá nhân, không bị áp lực kiếm lãi, chia lời cho cổ đông.

Đã từng làm việc nhiều năm trong hệ thống đại học ở VN, theo bà, chính sách học phí ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo như thế nào? Nâng mức thu học phí có phải là biện pháp để phân luồng đào tạo, để ngăn cản làn sóng học đại học hiện nay?

Không bột thì chắc chắn không gột nên hồ. Nhưng có bột người ta vẫn có thể làm ra cái bánh không thể nào nuốt nổi. Một trường hợp minh họa cho cái ý thứ nhất, là trường Hoa Sen (HSU) khi mới chuyển thành ĐH. Mức tăng học phí khá sốc so với mặt bằng chung lúc đó đã giúp HSU có cơ sở khang trang hơn và nhất là có thể trả một mức lương hấp dẫn thu hút nhiều giảng viên là những người được đào tạo từ phương Tây trở về, nhờ đó tạo ra một môi trường làm việc khác hẳn với các trường công, và cải thiện chất lượng thấy rõ. Ví dụ cho trường hợp thứ hai, ĐH Đông Đô đã cấp bằng cử nhân cho 193 trường hợp không hề vào học hoặc không đủ điều kiện để cấp bằng, đương nhiên là có đóng tiền và số tiền không nhỏ.

"Nâng mức thu học phí để ngăn cản làn sóng vào ĐH để học đại" là một cách nói rất dễ bị phản ứng, bởi vì coi học phí là rào cản "học đại" chẳng khác nào coi "học đại" là đặc quyền của con nhà giàu. Chỉ người nghèo là không thể vào ĐH mà thôi. Nếu ngăn chặn "học đại" là mục tiêu, thì nâng học phí là giải pháp tồi tệ nhất, so với những giải pháp chính đáng hơn nhiều: siết chặt quy trình tuyển chọn/đào tạo và tiêu chuẩn học thuật để tốt nghiệp.

Tuy vậy, có một sự thật khó nuốt đàng sau câu nói đó, cần suy nghĩ. Ai cũng mong muốn vào ĐH để có cơ hội tốt hơn khi vào đời. Mong muốn đó chính đáng, nhưng nếu nghĩ sâu hơn thì sẽ thấy vấn đề phức tạp hơn thế. Bằng ĐH sở dĩ cho người ta cơ hội tốt hơn khi vào đời, là vì các công việc tốt đều đòi hỏi bằng ĐH và không phải ai cũng có nó. Nó càng hiếm thì cơ hội do nó tạo ra càng nhiều, và ngược lại. Nếu ai cũng có bằng ĐH thì bằng ĐH không còn phân biệt được người có đào tạo, có kỹ năng cao và người không có những kỹ năng đó nữa và do đó cơ hội mà nó tạo ra cũng không còn. Đó là điều đã, đang, và sẽ tiếp tục xảy ra, đặc biệt là khi chất lượng đào tạo bị xói mòn, do nhiều nguyên nhân.

Vì thế mà Apple, Google, IBM, và 12 công ty lớn khác, sau này có thêm Tesla, đã bắt đầu tuyển dụng các vị trí chuyên môn kỹ thuật mà không yêu cầu phải có bằng ĐH. Khi thị trường lao động hoạt động một cách lành mạnh, thì câu hỏi đối với các nhà tuyển dụng không phải là "bạn có bằng gì?" mà là "bạn làm được những gì?". Thậm chí câu hỏi "bạn đã biết những gì?" không quan trọng bằng câu hỏi "bạn có khả năng học những gì?". Điều này giải thích tại sao kỹ sư Dương Đình Thái đã được Google tuyển dụng khi còn chưa tốt nghiệp ĐH.

Bệnh viện không phải chỉ cần bác sĩ mà còn cần y tá, lao công. Nhưng việc thu hút người vào học các trường nghề gặp khó khăn ở nhiều nước, không chỉ Việt Nam. Chỉ có nước Đức khá thành công trong việc đó, và chúng ta rất cần tìm hiểu tại sao. Miền Nam trước đây đã thu hút người vào trường nghề, trung cấp kỹ thuật bằng cách chẳng những không thu học phí mà còn cấp học bổng. Nhưng ngay cả như thế thì nó cũng chưa phải là một giải pháp tốt, vì nó đã định hình khả năng lựa chọn tương lai dựa trên khả năng tài chính thay vì lẽ ra phải dựa vào phẩm chất và thiên hướng.

Nếu phải lựa chọn giữa hai khả năng: phổ cập đại học toàn dân, trong đó hầu hết người có bằng ĐH chỉ biết nhắc lại lý thuyết như vẹt, không thực sự hiểu sâu biết rộng và có một nền tảng tư duy vững chắc; và tập trung nguồn lực duy trì một hệ thống ĐH tạm gọi là "tinh hoa", nghĩa là bảo đảm tạo ra những người có năng lực vượt trội, có thể sáng tạo và dẫn dắt xã hội trong mọi lĩnh vực, thì chúng ta nên chọn khả năng nào? Liệu một hệ thống "tinh hoa" có tạo ra bất công, "con vua thì lại làm vua", và ngăn chặn cơ hội thay đổi cuộc đời của những người sinh ra trong gia cảnh khó khăn? Nếu phải lựa chọn giữa việc cầm tấm bằng cử nhân đi chạy xe Grab với việc dành bốn năm quý giá của cuộc đời học lấy những thứ thật sự cần (mà những thứ đó rất có thể nhà trường không dạy), có thể giúp bạn khởi nghiệp, tự làm chủ công việc của mình, bạn sẽ chọn con đường nào? Dĩ nhiên không phải ai có bằng cử nhân cũng đi chạy xe Grab, nhưng thành công của những người đó, chắc chắn không phải chỉ do tấm bằng mang lại.

Như Thomas Sowell đã nói: "There is no solution, only trade-off" (Không có giải pháp nào (cho mọi vấn đề), chỉ có sự đánh đổi (cân nhắc được và mất) mà thôi).

Theo bà, tiếp cận câu chuyện/vấn đề học phí như thế nào là phù hợp và hài hòa trong bối cảnh hiện nay, không chỉ là kinh tế mà cả phương diện nhân văn lẫn mục tiêu chính trị của nền giáo dục, của thể chế?  

Nên định hình khái niệm Tự chủ đại học và nội dung của nó như thế nào cho phù hợp với nền giáo dục ĐH VN hiện nay?

Tự chủ không thể tách rời trách nhiệm giải trình. Đây là điểm trọng yếu tạo ra sự khác nhau giữa cách mà chúng ta thực thi tự chủ so với các nền ĐH lâu đời. Các xã hội dân chủ phát triển đã đạt đến thịnh vượng nhờ có cơ chế "check and balance" (kiểm tra và cân bằng). Các trường ĐH cũng vậy: quyền tự chủ được cân bằng với trách nhiệm giải trình. Câu hỏi là giải trình với ai, như thế nào?

Như ở VN hiện nay, thì Luật GD ĐH hơn 20 ngàn từ, chỉ có tất cả 110 từ liên quan trực tiếp đến trách nhiệm giải trình. Trong thực tế thì Bộ GD ĐT hoặc cơ quan chủ quản là nơi nắm giữ/quản lý việc thực hiện trách nhiệm giải trình của các trường, thông qua các văn bản hướng dẫn chi tiết và qua việc bổ nhiệm/công nhận hiệu trưởng. Các cơ chế khác là hội đồng trường, kiểm định chất lượng và công khai thông tin. Ngoài kiểm định chất lượng là lĩnh vực có nhiều thành tựu đáng kể (do bản chất thiên về kỹ thuật/chuyên môn của nó), các cơ chế khác còn nhiều lúng túng, bất cập.

Trở lại câu chuyện học phí, chúng ta không có nghiên cứu hay dữ liệu khả tín nào cho biết con số tổng thu hiện tại của các trường ĐH từ tất cả các nguồn và số tiền đó đã được sử dụng như thế nào, cho nên rất khó để nhận định, và có lẽ không cần thiết tiếp cận vấn đề bằng cách can thiệp vào cách sử dụng nguồn lực của các trường. Mỗi trường có thể có con đường đi riêng, có những mục tiêu dài hạn và ngắn hạn khác nhau, và cần khích lệ sự đa dạng đó để phục vụ cho những nhu cầu cũng rất đa dạng của xã hội. Hai việc nhà nước cần làm nhất là: (1) Tạo ra những thiết chế công khai và minh bạch thông tin, khi bảo đảm được sự minh bạch đó một cách thực chất, thì hãy để người học lựa chọn và chịu trách nhiệm về quyết định của họ; (2) Tạo ra những chương trình quốc gia nhằm cung cấp các học bổng tài năng hoặc khoản vay ưu đãi cho những người có khả năng trí tuệ nhưng thiếu nguồn tài chính để theo đuổi việc học.

 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114442788

Hôm nay

2302

Hôm qua

2299

Tuần này

2601

Tháng này

217962

Tháng qua

112676

Tất cả

114442788