Văn hoá học đường

Cây phong của thầy Đuy Sen- “Cây gậy” của thầy Dũng

Khi đạo thầy trò bị chính những người thầy hạ nhục thì phải chăng đã  đến lúc những cô trò nhỏ phải phòng bị trước chính những người thầy vừa hôm qua vẫn còn ngân nga giao giảng về đạo lý thầy trò, về “Cây phong của thầy Đuy Sen”?
Chỉ trong 4 ngày qua, có đến ba ông thầy lại bị…lên báo mạng. Một học viên, cũng đồng thời là thầy giáo, “tranh cãi nảy lửa”, “thách thức thầy giáo”. Một vị hiệu trưởng cãi chày cãi cối: Học sinh bị đánh là chuyện nhỏ. Và một giáo viên đưa nữ sinh vào nhà nghỉ.
Ở Hà Tĩnh. Trường Mai Thúc Loan. Trên đường đi học về, một nữ sinh lớp 10 bị đánh hội đồng đến chấn thương sọ não. Khi thông tin lọt ra báo chí, Hiệu trưởng trường Mai Thúc Loan đã “triệu tập” phụ huynh và tổ chức “tổng xỉ vả”, đồng thời thông báo quyết định đình chỉ học tập một tuần đối với nữ sinh nạn nhân vì cho rằng phụ huynh đã thông tin với báo chí, ảnh hưởng đến uy tín nhà trường. Vị hiệu trưởng sau đó lên báo cắn cảu: “Học sinh ngậu xị nhau là chuyện… bình thường, hơn nữa đây là vụ nữ sinh đánh ngoài nhà trường nên thuộc về công an điều tra, chúng tôi không liên quan”.
Câu chuyện học sinh, đúng hơn phải là các nữ sinh đánh nhau, theo kiểu hội đồng, với những lời hàng tôm hàng cá, và rất thông thường, kèm theo chuyện lột áo làm nhục, có lẽ giờ cũng bình thường. Nhưng câu chuyện “bình thường” của thầy hiệu trưởng khiến người ta nhớ lại chuyện Sở GD và ĐT Hải Phòng cấm học sinh không được ghi âm trong giờ học để che dấu những vụ đại loại “cô giáo chửi học sinh như hát hay” năm ngoái. Có một điều rất dễ nhận ra thông qua những câu chuyện này. Rằng nhà trường chứa đầy những hiện thực hoàn toàn không màu hồng, nó chỉ chưa vỡ ra bởi những nỗi sợ cả vô hình lẫn hữu hình: Học sinh sợ thầy giáo. Thầy giáo sợ ảnh hưởng đến danh dự của hai chữ “người thầy” trong nhà trường. Còn nhà trường thì sợ ảnh hưởng đến thành tích. Cũng có một câu chuyện rất rõ ràng thông qua những phát ngôn của “Thầy Hiệu trưởng”: Hóa ra, danh hiệu thi đua mà các trường có được lại dựa trên sự bưng bít. Hóa ra, sức khỏe, nhân phẩm của một nữ sinh không lớn hơn một thứ thành tích nhiều khi rất mờ mịt và chung chung của nhà trường.

Với những vụ đánh nhau, lột quần lột áo quay video liên tiếp xảy ra. Và nhất là với “những phát ngôn của thầy Hiệu trưởng”, có một câu hỏi mà sẽ không ít phụ huynh phải đặt ra: Liệu con cái họ có an toàn khi “tới trường”. Rất khó để trả lời khi mà học sinh bị đánh đến chấn thương sọ não vẫn là “chuyện nhỏ”. Rất khó để tin khi mà các thầy Hiệu trưởng sẵn sàng trừng phạt nạn nhân chỉ vì phụ huynh chót đưa ra báo chí.
Cũng là câu chuyện giảng đường, tuần rồi, dư luận phát sốt sau khi báo chí đăng tải đoạn clip học viên cao học vung tay chỉ mặt cãi nhau tay đôi, thậm chí thách thức thầy giáo trước cả lớp bằng một lối ứng xử mà người ta chỉ thấy ở ngoài chợ. Trả lời báo chí sau đó, “thầy giáo nạn nhân” cho biết ông thực sự sốc nặng. Trong rất nhiều câu mạt sát mà “vị” học trò đeo kính trắng lẳng vào mặt thầy giáo, có một câu rất đáng để suy nghĩ. “Thầy không có quyền, không có quy chế nào để thầy đuổi tôi ra ngoài, tôi đóng tiền tôi học…”.
Các thầy giáo có quyền buồn, có quyền bị tổn thương, có quyền đặt câu hỏi: Tại sao lại có thể có một thứ học trò uống rượu say, nghe điện thoại và “dùng tiền” để bật thầy giáo tanh tách như thế?
Nhưng đám học trò cũng có quyền đặt câu hỏi như vậy bởi điều thực sự khiến học trò khăn quàng đỏ gây sốc là vị học viên cao học thách thức thầy giáo nọ cũng là một thầy giáo, cũng đang đứng trên bục giảng. Không hiểu “ông”- vẫn phải xin viết ra đây chữ “ông”- sẽ phản ứng thế nào khi, ngay ngày mai, một học trò uống rượu, nói chuyện điện thoại và vung tay chỏ mặt ông “Gì thì thầy cũng phải biết điều chứ…Tôi đóng tiền…”.
Thưa Thầy, nếu như Thầy đối xử với Thầy giáo của mình bằng giọng lưỡi “hàng tôm hàng cá” thì làm sao Thầy có thể đòi hỏi sự kính trọng ở những học trò!?
Sau vụ “Thầy Sầm Đức Xương” rất nhiều người Thầy cảm thấy xấu hổ, nhất là khi chứng kiến câu chuyện thầy Sầm đòi “cởi quần trước tòa” để chứng minh “bị bệnh tiểu đường, viêm tinh hoàn, bộ phận sinh dục bị teo nhỏ như của một đứa trẻ lên ba, 3 năm trở lại đây không còn khả năng quan hệ tình dục”. Sự đồi bại là từ dùng để chỉ việc ông ngủ với học trò của mình. Còn việc ông đòi cởi quần, đòi tòa phải xem “bộ phận sinh dục” của mình thì dường như vượt quá rất nhiều giới hạn của sự nhục nhã. Nhiều người rất muốn tin “trường hợp thầy Sầm” sẽ là cuối cùng. Nhiều người hy vọng, những Thúy, những Hằng sẽ là những nạn nhân bé bỏng nhất, đáng thương nhất. Nhưng dường như sự thật không phải bao giờ cũng giống với hy vọng.
Hôm qua, lại thêm một vụ “Giáo viên đưa nữ sinh vào nhà nghỉ bị bắt”. Nói chính xác hơn, là một vụ “thầy giáo “luyện văn” với học trò trong nhà nghỉ” bị bắt khẩn cấp vì có hành vi giao cấu với trẻ em. Theo đơn tố giác, em Trần Thanh T, học sinh lớp 9 của trường THCS Khánh Hòa được tuyển vào đội học sinh giỏi khối 9 của trường và được thầy Dũng trực tiếp bồi dưỡng. Vào khoảng giữa tháng 3, lấy lý do công việc, thầy Dũng chở nữ sinh T vào một nhà nghỉ ở huyện Trần Đề cách trường 15km để quan hệ tình dục. Vài tuần sau đó, ông thầy 30 tuổi, có vợ cũng là giáo viên trong trường- tiếp tục chở T vào một nhà nghỉ khác ngủ qua đêm. Khi mọi chuyện vỡ lở, gia đình nữ T đã làm đơn tố cáo gửi cơ quan công an. Thầy giáo này đã trốn khỏi địa phương và bị bắt giữ khi trở về nhà vào ngày 21-4.
Nhất tự vi sư, bán tự vi sư. Nhưng không thể hiểu khi “ở trên giường”, ông sẽ gọi cô trò lớp 9 kia là gì? Sẽ nói gì trong câu chuyện đàn ông- đàn bà với học trò của mình?
Rất có thể, trong lời khai tại cơ quan điều tra, người thầy này sẽ nại cớ thầy và trò “có tình cảm”. Hoặc học “người tiền nhiệm Sầm Đức Sương” chối phăng rằng “Là một nhà giáo, tôi không bao giờ làm cái việc đồi bại là ngủ với học sinh của mình”. Thậm chí, “xin cởi quần”. Khi đã dám làm một việc đồi bại là dẫn học trò của mình, trong trường hợp này còn chưa thành niên- đi làm chuyện người lớn thì có lẽ người thầy này sẽ không từ bất cứ lý do gì để chối tội.
Những người thầy phải trả giá trước pháp luật, với một hành vi vi phạm pháp luật. Nhưng còn một điều khác- đạo thầy trò- là thứ không thể trả với bất cứ giá nào, dù bằng những án tù.
Khi đạo thầy trò bị chính những người thầy hạ nhục thì hóa ra những nỗi lo toan của phụ huynh là có thật. Có khi nào những cô trò nhỏ phải phòng bị trước chính những người thầy vừa hôm qua vẫn còn ngân nga giao giảng về đạo lý thầy trò, về “Cây phong của thầy Đuy Sen”, về những Antưnai bé bỏng, mồ côi nhờ có thầy mà trở thành viện sĩ?!
Thế nào cũng có người nói đó là thiểu số. Cũng mong điều đó chỉ là sự thật. Thì đây, vẫn có những người thầy 16 năm tận tụy chèo đò đưa học trò, nhấn mạnh là miễn phí, qua sông. Hay đây nữa: Thầy giáo chống nạng, chứ không phải chống nạnh, lên bục giảng. Hiềm một nỗi, những người thầy tận tụy ấy, giờ mới chính là những thiểu số.
Có người sẽ cho đây chỉ là những nhát cắt mục ruỗng của đạo đức xã hội. Nhưng đây chính là một lát cắt vào khối u di căn. Bởi có khi chỉ một nhát cắt thôi, lòng tin sẽ là thứ bị hoại tử.

Nguồn: Đào Tuấn Blog

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114442890

Hôm nay

286

Hôm qua

2318

Tuần này

2703

Tháng này

218064

Tháng qua

112676

Tất cả

114442890