Văn hoá học đường

Quan điểm giải trí trong giáo dục của John Dewey

J.Dewey (1859 - 1952) là người tích cực trong  phong trào cải cách giáo dục Mỹ đương thời, một nền giáo dục mang lại sức ép nặng nề cho người học với những nguyên tắc cứng nhắc, đó là nền giáo dục chưa hoàn thành được nhiệm vụ của mình. Ông đã đề xuất những nguyên tắc mới nhằm xây dựng nên một nền giáo dục tiến bộ. Một trong những nguyên tắc cơ bản đó là tưởng giải trí trong giáo dục.

Vấn đề giải trí trong giáo dục không phải là một tư tưởng mới trong giáo dục, nhưng ở J. Dewey thì cách vận hành của nó lại hoàn toàn mới. Ông chủ trương, giáo dục nhà trường phải tạo ra những hoạt động giải trí cho người học, nhưng đó không chỉ là những hoạt động mang tính ngẫu nhiên, tức thời mà đó phải là những hoạt động mang tính chủ động, có sự vận động của trí tuệ để trong học tập phải có giải trí và ngược lại.

Thực chất, tư tưởng của J. Dewey về giải trí trong giáo dục là giáo dục phải tạo ra một môi trường thoải mái cho người học, ở đó việc học không còn là vấn đề nặng nề mà trở thành như một nhu cầu. Để giáo dục trở nên năng động thì bản thân giáo dục phải tạo được sự hứng thú cho người được giáo dục. Kinh nghiệm cho thấy rằng, giáo dục trở nên có hiệu quả chỉ khi người học cảm thấy hứng thú trong nhà trường, tức học sinh tìm thấy niềm vui khi chúng tham gia vào nhà trường, đi học không còn là sự nặng nề, mang tính ép buộc với những nội quy và nguyên tắc mang tính áp đặt, ở đó việc học không chỉ dừng lại ở một sự chuẩn bị cho cuộc sống mà bản thân điều đó phải chính là cuộc sống của người học. Vì thế, giải trí trong giáo dục hay cụ thể hơn giải trí trong nhà trường là một công việc quan trọng, nó chia phối đến hiệu quả của giáo dục, đồng thời với đó, khi giải trí trong giáo dục được thực hiện tốt, “tức đi học là một niềm vui, khi ấy việc quản lý học sinh trong nhà nên bớt đi một gánh nặng và việc học tập trở nên dễ dàng hơn”(1).

Giờ ra chơi của một lớp học ở vùng rẻo cao Tương Dương - Nghệ An

Giải trí trong nhà trường được thực hiện là cơ sở để cho công việc đào tạo và quản lý học sinh của nhà trường trở nên bớt nặng nề và căng thẳng. Khi các hoạt động giải trí trở thành một phần của chương trình học chính quy, nhà trường sẽ tạo ra những động cơ cho học sinh chú tâm tới những hoàn cảnh mang lại tính giáo dục ở môi trường xã hội. “Nếu không có hoạt động nào đó kiểu như vậy, nhà trường không thể duy trì được tình trạng học tập bình thường và có hiệu quả; tức là nhờ có điều đó mà việc tiếp thu sự hiểu biết trở thành kết quả tự nhiên của hoạt động mang tính mục đích riêng của chính học sinh, thay vì là kết quả của một công việc của nhà trường”(2). Do vậy, nhà trường có trách nhiệm tạo một môi trường đó để tạo điều kiện cho người học tăng trưởng về tinh thần, đạo đức cũng như những kỹ năng xã hội khác. Giải trí trong nhà trường không nằm ở vấn đề là nhà trường tổ chức được bao nhiêu những hình thức giải trí mang tính học tập cho học sinh mà vấn đề nằm ở phương cách tổ chức như thế nào để tạo sự hứng thú cho học sinh, làm sao những hình thức tổ chức đó lôi kéo được nhiều người học tham gia, và sự tham gia đó không chỉ nằm ở tâm lý ham chơi mà ở đó là sự trau dồi kiến thức.

Giải trí trong giáo dục không chỉ mang lại cho người học sự hứng thú trong học tập, mà qua đó người học còn hình thành cho mình những khuynh hướng tính cách phù hợp với xã hội. Thông qua giải trí, mà nhà trường giúp cho người học trở nên năng động trong hoạt động, sự năng động đó chỉ đạt được khi những hoạt động đều được học sinh xác định một cách rõ ràng về tính mục đích, vì vậy điều căn bản là phải đưa những hình thức giải trí trở thành một môi trường sống của người học. Khi giải trí trong nhà trường được thực hiện một cách tự nhiên sẽ làm cho môi trường nhà trường và môi trường xã hội trở nên gần nhau hơn và bổ trợ cho nhau nhiều hơn, bởi “những việc làm bên ngoài nhà trường là sự rèn luyện rõ ràng và có giá trị đối với trí tuệ và đạo đức”(3), tuy nhiên “không được quên rằng, kết quả có tính giáo dục do giải trí và làm việc trong những điều kiện bên ngoài nhà trường đem lại, là một sản phẩm phụ”(4) đối với sự tăng trưởng mang tính giáo dục của người học.

Hoạt động giải trí trong nhà trường cần phải xác định rằng, đó không phải là hoạt động nhất thời, không xác định hay không hướng tới tương lai. Giải trí thực sự phải cho người học thấy được những mục đích nằm ngay trong những hoạt động của họ, tức rằng giải trí bao giờ cũng có một mục đích, hiểu theo nghĩa của một ý tưởng điều khiển để đem lại mục đích cho những hành động kế tiếp nhau. Bởi “khi một người nhìn thấy trước được những kết quả hoàn toàn xa vời nhưng có một tính chất rõ ràng, và người đó phải nỗ lực kiên trì để đạt được những kết quả đó, khi ấy giải trí biến thành công việc”(5). Điều đó đòi hỏi người học phải có sự chú ý liên tục nhiều hơn, và phải lựa chọn những biện pháp thực hiện thông minh hơn, điều này cực kỳ quan trọng trong việc hình thành nên những khuynh hướng làm việc sau này của người học. Nếu một hoạt động nào đó của người học, dù là giải trí, nhưng mang tính áp đặt từ bên ngoài, ép buộc thì không mang lại sự thỏa mãn, cũng như sự hứng thú cho người học, nó chỉ là một hoạt động để tránh hình phạt hoặc để đạt một phần thưởng tức thời nào đó mà thôi, những hoạt động kiểu này nếu duy trì cho người học quá lâu sẽ mang lại những hậu quả không mong muốn cho giáo dục và những người được giáo dục và nếu “học sinh không nhận ra đúng lúc rằng kết quả thực hiện của nó là không thỏa đáng, và bằng cách ấy nó kích thích thực hiện các bài tập để sau đó hoàn thiện năng lực, thì đó là lỗi của người thầy giáo”(6).

Về bản chất, giải trí trong giáo dục phải mang lại sự hứng thú cho người học trong từng hoạt động mà họ tham gia, qua đó biến nó trở thành một tất yếu, một chức năng trong cuộc sống của mỗi cá nhân, có vậy học sinh mới không tìm đến những thú tiêu khiển phản văn hóa lúc rảnh rỗi. Giải trí trong giáo dục phải trở thành một hình thức tái tạo năng lượng cho người được giáo dục, khi giáo dục cung cấp cho người học những cơ hội được hưởng những hình thức giáo dục lành mạnh sẽ giúp cho người đó phát triển về mặt nhân cách, đạo đức và sức khỏe; ngược lại nền giáo dục sẽ gặt hái những điều xấu xa với những tệ nạn về mặt đạo đức của học sinh. Bởi “Nếu giáo dục không cung cấp cơ hội cho giải trí lành mạnh và sự rèn luyện khả năng tìm kiếm và tìm thấy sự giải trí, thì các bản năng bị cấm đoán sẽ tìm ra đủ những lối thoát để thỏa mãn một cách bất hợp pháp, đôi khi là công khai, đôi khi chỉ giới hạn trong sự đam mê của trí tưởng tượng(7)". Như thế, giải trí trong giáo dục không chỉ là công việc trước mắt về mặt sức khỏe, tinh thần cho học sinh mà ở đó còn là sự chuẩn bị cho tương lai với những khuynh hướng vận động đảm bảo sự phát triển toàn vẹn cả về trí tuệ và đạo đức của người học.

---------------------

(1) John Dewey, Dân chủ và giáo dục, Nxb tri thức, Hà Nội, 2008, tr.233

(2) (3) (4) (5) (6) (7) Sđd, tr.234, tr.234, tr.235, tr.244, tr.236, tr.245


 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434980

Hôm nay

2251

Hôm qua

2349

Tuần này

21630

Tháng này

212028

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434980