Văn hoá học đường

Nghĩ về nghề giáo và đạo đức nhà giáo

Khi người viết bài này lớn lên, và ngay cả bây giờ, vẫn được nghe những người cao tuổi trong làng kể về những ngày đi học. Theo những gì được kể lại, thì hồi các cụ đi học, tinh thần học tập, cũng như sự dạy dỗ của các cụ đồ nhà ta là hết sức nghiêm khắc. Học trò phạm lỗi bị đánh, bằng roi, mà là roi gân bò. Ấy vậy mà các cụ nhà mình, những người phải chịu một nền giáo dục nghiêm khắc, nhiều khi nghiệt ngã ấy, sẽ là rường cột của nước nhà, là những người tham chính, điều hành đất nước, hoặc ít nhất lại trở thành những ông đồ nghiêm khắc để có những người trò tài năng.

Vào một ngày tết nọ, một nhóm học trò của Chu Văn An, do Phạm Sư Mạnh dẫn đầu, đến để chúc tết thầy. Chu Văn An, sau khi cảm ơn học trò, đã dẫn cả đoàn người rồng rắn đến nhà một công cụ đã ngoài tám mươi, tai đã nghễnh ngãng. Chu Văn An cung kính: “Lạy thầy ạ”. Cả đoàn học trò nhất loạt kính lễ. Cụ già nghễnh ngãng ấy chính là ông đồ khai tâm của đại danh sư họ Chu.

Một câu chuyện rất nhỏ nhưng qua đó chúng ta thấu hiểu được vì sao Chu Văn An lại là thầy học của rất nhiều các nhà khoa bảng danh tiếng, các đại thần là rường cột của nước nhà, và vì sao ông lại chính là người làm cái điều chưa từng có trong tiền lệ là dâng sớ xin vua Trần chém bảy tên lộng thần (Điều này sau này được lặp lại bởi Nguyễn Bỉnh Khiêm: dâng sớ đòi chém mười tám tên lộng thần, và Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng là thầy học của nhiều bậc danh sĩ, kì tài).

Thời hiện đại ở Việt Nam cũng không hiếm những người thầy mà nhân cách, tài năng của họ luôn luôn là tấm gương sáng cho học trò noi theo. Và noi theo những tấm gương sáng ấy, không ít người lại đã thành đạt trên nhiều lĩnh vực công tác.

Nhưng vì sao càng ngày càng hiếm vắng những tấm gương nhà giáo khiến người ta có thể tin tưởng được?

Đến đây lại phải nhắc đến câu chuyện đau lòng, và mặc dù đau lòng nhưng vẫn phải nhắc, thậm chí tất cả đều phải lấy đó làm bài học khắc cốt ghi tâm.

Thời hiện đại, có một giai đoạn đã nỗ lực đoạn tuyệt với truyền thống, bất chấp tất cả miễn sao đạt được mục đích khẳng định sự tồn tại độc tôn của cái mới. Trong khi chúng ta bài trừ tất cả những cái gọi là lạc hậu, bảo thủ, kìm hãm sự phát triển, thì chúng ta vô tình hắt đi tất cả với tâm niệm diệt tận gốc những di họa của đời trước. Chúng ta đã quên rằng tất cả đều bắt đầu từ truyền thống, nhất là những gì thuộc về truyền thống. Trong khi bài trừ Nho giáo, bài trừ phong kiến, chúng ta đã quên mất rằng Nho giáo khi nhập vào Việt Nam thì, bên cạnh việc tiếp nhận những gì phù hợp với tâm lí, tình cảm dân tộc, người Việt cũng đồng thời điều chỉnh những cái còn xa lạ nhưng chứa yếu tố cần để đạt mục đích bình ổn xã hội trong khuôn khổ đạo đức nhân văn của họ. Trên thực tế, trật tự “quân - sư - phụ” của Nho giáo dường như không hề xa lạ với truyền thống tôn sư trọng đạo đã găm vào kí ức dân tộc Việt Nam bằng những sáng tạo dân gian kiểu “muốn sang thì bắc cầu kiều/ muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy” hay “mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”. Trong những nỗ lực phủ nhận quá khứ, chúng ta đã vô tình đồng thời phủ nhận truyền thống tôn sư trọng đạo ấy, và chắc chắn đấy là một trong những căn nguyên khiến tình cảm thầy trò ngày một phai nhạt, theo đó, người thầy tự cảm thấy mình không còn cần là tấm gương cho ai nữa! Và đạo nghĩa sư đồ không còn là một trong những yếu tố gìn giữ cho cuộc sống được cân bằng, tốt đẹp.

Trên thực tế, cũng như kinh nghiệm lịch sử, nghề giáo, hay giáo dục chính là điểm nút quan trọng cho sự vận hành một bộ máy xã hội. Có lẽ sẽ không có gì quá đáng khi nói rằng nhìn vào một nền giáo dục sẽ phần nào đoán biết được tình hình một đất nước. Giáo dục không trực tiếp sản xuất ra tiền bạc, không trực tiếp giữ gìn an ninh, bảo vệ luật pháp, nhưng nó là cỗ máy cái giúp cho toàn guồng máy xã hội vận hành trơn tru, nhẹ nhàng hơn. Một nền giáo dục tốt thì sẽ có nhiều nhân tài khiến cho đất nước phát triển; một nền giáo dục được chăm sóc sẽ khiến các giá trị đạo đức được đảm bảo và các tệ nạn, tội phạm dĩ nhiên sẽ giảm thiểu… Ngay cả những người đứng đầu một nhà nước, một đơn vị, nếu được hưởng thụ một nền giáo dục tốt, cũng sẽ có những tư cách chính khách khác hơn so với những người không được may mắn phải chịu thứ giáo dục què quặt. Trước đây, những giá trị đó đã từng được ghi nhận, nên đã có một thời, nghề giáo, ngoài việc là một nghề kiếm sống như bao nghề khác, còn có một ý nghĩa khá đặc biệt: giáo dục, đào tạo, góp phần hình thành nhân cách con người, và người ta đã không tiếc dành cho nghề này những mĩ từ để ca ngợi, tôn vinh.

Nhưng điều đáng buồn là trong những năm gần đây, nghề giáo hầu như đã không còn những giá trị của riêng nó. Nghề giáo đã trở thành, đơn giản, là một nghề kiếm sống như bao nghề khác, người giáo viên cũng như anh công nhân, chị nông dân, người khuân vác hay quét rác (khi nói điều này tôi không có ý phủ nhận tính cao quý của những nghề khác, mà nghề quét rác, theo tôi, cũng thuộc những nghề cao quý nhất, nhưng với một nghĩa khác xa với nghề giáo). Sự thảm hại của nghề giáo, cũng là sự thảm hại của đạo đức nói chung, đã thể hiện cách đây mấy chục năm trong một kiểu châm ngôn: “nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa, chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Nhân đây cũng thấy thêm, trong hành trình của sự xuống cấp giá trị, nghề giáo không đơn độc, cạnh nó còn là y dược (nhất, nhì ở đây không được tính theo giá trị đạo đức, mà theo mức thu nhập). Tuy nhiên, đấy là chuyện có lẽ để bàn trong một dịp khác. Trở lại, tôi nhớ không nhầm thì câu nói trên đã xuất hiện trước khi chúng ta vận hành cơ chế thị trường. Từ đó có thể thấy rằng, câu chuyện sự xuống giá của ngành Sư phạm, của đạo đức học đường không phải hoàn toàn do cơ chế thị trường. Điều đó rất cần sự giải đáp từ các nhà quản lí, hoạch định chính sách và tất cả những người còn có lương tâm, trách nhiệm với giáo dục, với Tổ quốc.

Đã là nghề, nghĩa là kiếm sống, nghĩa là kiếm tiền, mà theo cách nói dân gian, là “kiếm gạo”, “kiếm cơm”… vậy là hòa cả làng. Chính bởi cái hòa cả làng đáng sợ ấy mà giáo dục cũng xuống cấp một cách đáng sợ, đạo nghĩa thầy trò cũng xuống cấp một cách đáng sợ.

Khi đã là nghề kiếm tiền thì mục đích chính rõ ràng là kiếm tiền. Và trừ một số có lẽ không nhiều, ngày nay những người đứng trên bục giảng đã không cưỡng nổi ma lực của đồng tiền (điều này có lẽ cũng không nên đổ lỗi tất cả cho họ, một bộ phận làm sao chống nổi xu thế của thời cuộc?). Câu chuyện về các lò luyện thi, chuyện dạy thêm học thêm đã bàn nát mấy chục năm nay chẳng qua chỉ là một trong những biểu hiện hết sức phong phú của sự thống trị của cơ chế tiền bạc trong câu chuyện đạo đức sư phạm. Thực ra thì, việc luyện thi, phụ đạo xét đến cùng là chuyện hết sức cần thiết nhằm nâng cao năng lực cho học sinh, nhằm mở cho họ cánh cửa bước vào con đường tri thức và công danh, từ đó mà cống hiến cho xã hội; và nhà giáo, nhân đó cũng có cơ hội khẳng định bản lĩnh, tài năng và cống hiến, tâm huyết của mình, sau khi đã gạt ra ngoài các vấn đề của cơ chế thị trường và câu chuyện căn bệnh thành tích mấy lâu nay đang khiến dư luận rất quan tâm. Việc mở các lò luyện thi, việc dạy thêm học thêm cũng chẳng có gì phải băn khoăn nếu đấy là một kiểu kiếm thêm thu nhập mà không đi ngược với trách nhiệm, lương tâm nhà giáo. Tuy nhiên, tình hình thực sự lại không được như mong muốn. Cho đến ngày nay, hình như Bộ Giáo dục - Đào tạo vẫn tỏ ra bất lực trước hiện tượng có thể coi là vấn nạn này. Hiện nay, các trung tâm luyện thi hình như đang có xu hướng chuyển về các trường trung học phổ thông. Tại đây, nhất là những trường lớn, có truyền thống, ngày nay đã hình thành những trung tâm luyện thi gồm những giáo viên giỏi, với mức học phí khá cao và học trò theo học lúc nào cũng đông như hội, mỗi thầy dạy chừng vài ba ca, ngoài giờ dạy chính thức trên lớp, là chuyện bình thường, với mức thu nhập có thể trên triệu đồng/ngày. Thậm chí, không ít thầy cô sẵn sàng bỏ ra vài năm nghiền ngẫm, “tậu” vài “mớ” học sinh giỏi, hoặc đại học, với mục đích chính lại là tạo dựng thương hiệu, để từ đó trở thành cỗ máy kiếm tiền. Người viết bài này có quen biết một số giáo viên giỏi, sau mấy năm gặp lại, thấy bạn mình phờ phạc, tìm hiểu mới biết là do… dạy thêm. Và đôi khi giật mình mà tự hỏi: không hiểu họ kiếm nhiều tiền vậy để làm gì? Liệu rồi những con người ấy, ít năm nữa có còn sức lực, tâm huyết để theo đuổi nghề nghiệp nữa hay không. Điều đáng lo, đáng buồn là đội ngũ những người này chủ yếu là giáo viên trẻ hoặc rất trẻ. Vì câu chuyện tiền bạc, các “nhà” luyện thi cũng không ngại sử dụng các “tuyệt chiêu”. Có một “chiêu” khá “tuyệt” được vài giáo viên sử dụng là tính buổi thu tiền trước, học trò sau khi nộp tiền cho thầy, chẳng hạn, 30 buổi, muốn học hay không tùy ý.

Một tâm lí nữa của những giáo viên giỏi là thích được dạy ở những trường lớn, trung tâm, chuyên. Một mặt, là bởi khát vọng được ra “biển lớn”, nhưng mặt khác là ở đấy có nguồn thu hấp dẫn từ phụ huynh, học sinh qua các lớp học thêm, những ngày lễ tết (thường học trò các lớp chọn, trường chuyên là con em các gia đình có điều kiện). Vậy nên không lạ gì khi các trường ở vùng xa trung tâm đang mòn mỏi dần với hiện tượng “chảy máu chất xám”.

Ở bậc đại học, nạn chạy điểm, mua bán điểm cũng đã được nói nhiều, và thậm chí đã có những giảng viên phải trả giá cho việc “bán điểm”. Điều này, dĩ nhiên cũng không thể đổ tất cả lỗi lên đầu cán bộ giảng dạy. Trong một xã hội mà bằng cấp là tiêu chí hàng đầu để đánh giá giá trị của một con người, của một lao động đến dự tuyển (trừ những chuyện tiêu cực, mua bán), thì mong được một tấm bằng sáng sủa là điều dễ hiểu, là điều thuận với quy luật. Nhưng để thuận được với quy luật, người ta lại sẵn sàng đi ngược với đạo đức, với đạo đức học đường. Tôi vốn là người lạc quan, không mấy tin vào việc sinh viên sẵn sàng cho “tình” lấy điểm, nhưng hình như điều đó cũng là một xu hướng “thời thượng”. Người học ngày nay không mấy chú trọng đến hàm lượng kiến thức thâu nhận được trong một giờ học, vốn tri thức tích lũy trong quá trình học, mà chủ yếu hướng đến mục đích có được con điểm đẹp bằng mọi giá. Trong các chuyên đề tự chọn ở học chế tín chỉ, một giảng viên dạy giỏi, tâm huyết, nhưng trách nhiệm, chặt chẽ trong việc chấm điểm đánh giá học trò, sẽ không được sinh viên chọn học nếu bên cạnh là một giảng viên sẵn sàng cho, thậm chí không phải cho, mà là bán điểm cho họ. Đứng trước tình thế ấy, những giảng viên trung thực, còn lương tâm trở thành kẻ thiệt đơn thiệt kép: mất khoản tiền thừa giờ (hoặc, thậm chí phải nạp tiền bù giờ, nếu thiếu), mất khoản bán điểm. Có người chậc lưỡi: thì bán, có cầu ắt có cung, đấy là quy luật, vả chăng, cũng là một cách làm phúc. Có trường hợp giáo viên chấm môn bắt buộc thì rất chặt, buộc học trò phải làm động tác ngoài chuyên môn để có điểm, nhưng môn tự chọn thì chấm thật lỏng để mua chuộc học trò. Đấy cũng là một thủ đoạn sinh ra từ chính thực tiễn sinh động. Điểm, đấy là một chuyện đáng bàn, nhưng phía sau đó là gì nếu không phải là người ta đã tạo ra một lực lượng lao động trí trá?


 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441820

Hôm nay

2220

Hôm qua

2317

Tuần này

21724

Tháng này

216994

Tháng qua

112676

Tất cả

114441820