Văn hoá học đường

Khi thầy cũng say

Nay lâu, ở các trường đại học, hiện tượng thầy say không phải là hiếm. Nguyên do là nhiều thầy giáo qúa buông thả trong cách sinh hoạt. Những vị này uống bia như uống nước lã. Trung bình mỗi ngày họ phải có ít nhất một lần lai rai ngoài quán, chưa kể tiếp khách khứa ở nhà và ngày hai bữa cơm lúc nào cũng bia. Có những thầy đi dạy, mỗi lần giải lao phải lên căngtin hoặc ra quán làm cho được mấy ngụm bia, xong, lấy tay quẹt vài cái rồi vào lớp tiếp tục giảng. Một số giảng viên nghiêm túc thường tiếp sinh viên, hướng dẫn đề tài, tổng luận, khóa luận, luận văn tốt nghiệp ở văn phòng khoa hay ở nhà, nhưng có không ít người tất cả những công việc đó đều làm ở quán. Nghĩa là, với những nhà giáo này, ai muốn tìm thì ra quán, đi đâu cũng gặp thầy nhậu, đến đâu cũng thấy "thầy một bên và ...bia một bên"!

Cái dở của người Việt mình (và đáng trách là trong đó có nhiều giảng viên đại học) là đã nhậu thì phải nhậu cho đã. Mà cái "mốc" của đã là phải say. Say thì mệt. Thế nên thời gian nhậu, thời gian say, thời gian lấy lại phong độ bình thường để làm việc sau khi tỉnh,... lãng phí biết bao nhiêu! Có thầy đã lãng phí cả một thời trai trẻ; thậm chí có thầy đã để cho rượu, bia thanh lý cả đời mình.
Tôi có hai người bạn, vừa là đồng nghiệp vừa là đồng hương, "thông minh vốn sẵn tính trời", mười mấy năm đầu viết lách, dạy dỗ thành công lắm, bạn bè và sinh viên nể trọng lắm. Thế nhưng sau một thời gian dài làm bạn với bia, rượu, bị chúng đầu độc, tỉnh ít say nhiều, đầu óc mụ mẫm, bệnh tật hoành hành, tác phong nhếch nhác, sinh hoạt bê tha không ai chấp nhận nổi, cuối cùng buộc phải rời bục giảng về vườn khi tuổi đời còn cách tuổi về hưu khá dài.
Năm năm nay, các trường đại học công lập đào tạo theo hệ tín chỉ. Thời tín chỉ thầy dạy ít và trò học cũng ít. Một học phần trước đây 45 tiết bây giờ chỉ còn 30 tiết và thực tế trên lớp nhiều giáo viên chỉ dạy khoảng 20 tiết. Thời gian còn lại để trò tự học và thầy nghiên cứu. Ngoại trừ các "giảng viên thập cẩm", điếc dạn súng, dạy một tua 5, 6, thậm chí 7, 8 giáo trình (như giáo viên tiểu học), hay những giảng viên khoa Lý luận chính trị dạy ít môn nhưng nhiều lớp, hiện nay ở các trường đại học, hàng năm đa phần giáo viên rất khó đủ giờ chuẩn. Nghĩa là thời gian để họ đầu tư vào chuyên môn, tập trung vào công việc nghiên cứu khá nhiều. Thế nhưng, có nhiều khoa của các trường đại học vùng, sau gần nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành, sinh viên vẫn phải đọc giáo trình của các trường lớn, trong thư viện vẫn chỉ có lèo tèo mấy công trình, giáo trình được lưu hành trong phạm vi quốc gia; mặc dù khoa nào dường như cũng có phó giáo sư hoặc tiến sĩ; mặc dù ai cũng biết rằng cùng với giảng dạy thì nghiên cứu khoa học là một trong hai chức năng chính và là tiêu chí quan trọng để phân biệt giáo viên đại học với giáo viên phổ thông!
Điều này có nhiều nguyên nhân. Nhưng thiển nghĩ, nếu như các thầy bớt say, nếu như các thầy bớt sa đà nơi quán sá, vung phí qúa nhiều thời gian vào những cuộc chơi bời nhậu nhẹt vô bổ, toàn tâm toàn ý dành thời gian, tâm lực đi sâu vào lĩnh vực chuyên môn của mình thì chắc chắn tình hình sẽ không đáng buồn đến mức như vừa nói trên./.
                                                                 Huế, 02/10/2012.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114442814

Hôm nay

210

Hôm qua

2318

Tuần này

2627

Tháng này

217988

Tháng qua

112676

Tất cả

114442814