Văn hoá học đường

Trò chết vì hiếu động hay vì thầy thiếu kinh nghiệm?

TPO cho biết, trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) tổ chức cho 96 học sinh các khối 7, 8, 9 có thành tích học tập tốt trong học kỳ I vừa qua đi tham quan chiến khu Rừng Sác, kết hợp tắm biển tại huyện Cần Giờ, TPHCM. Khoảng 11 giờ trưa 29/12, khi cùng tắm với 2 giáo viên trong đoàn thì 7 học sinh bị sóng cuốn và tử vong.

Theo thông tin từ công an huyện Cần Giờ, kết luận ban đầu về nguyên nhân dẫn đến tai nạn thảm khốc trên là do các em quá hiếu động, đi vào khu vực nguy hiểm nhiều ghềnh đá (TPO). Thế nhưng, dư luận lại đặt câu hỏi: Do các em quá hiếu động hay do người lớn quá non nớt, nghèo nàn về kinh nghiệm sống?

Thử hỏi, ở lứa tuổi từ 12 đến 14 như các em, có mấy nam sinh không hiếu động? Vấn đề quan trọng là ở chỗ, trình độ tổ chức, ý thức trách nhiệm và vốn sống của những giáo viên phụ trách, quản lý các em khi tắm biển ra sao.

Được biết, đối diện hiện trường là chốt bảo vệ - cứu hộ của khu du lịch và cách đó không xa có những bãi biển rất "lành". Tại sao trước đó thầy, cô không hỏi những người trên chốt bảo vệ hoặc những người dân quanh đây để tìm bãi an toàn cho học sinh tắm? Tại sao khi xẩy ra thảm họa lại không báo ngay cho những người bảo vệ, cứu hộ du lịch khu vực này? Trong điện thoại di động, mỗi giáo viên của đoàn có lưu giữ số máy của bộ phận bảo vệ, cứu hộ và công an ở khu vực đó không?

Sự thật đau lòng này chứng tỏ, khi quyết định "kết hợp tắm biển", nhà trường chưa lường hết những rủi ro cùng với phương án giải quyết sự cố hữu hiệu để bảo đảm an toàn tính mạng cho 96 học sinh mà 96 gia đình phụ huynh đã ủy thác cho lãnh đạo trường.

Việc nhà trường tổ chức cho học sinh giỏi tham quan chiến khu Rừng Sác là việc làm đáng hoan nghênh, nhưng việc "kết hợp tắm biển", nhất là đối với những em lứa tuổi thiếu niên, thì cần phải hết sức nghiêm túc suy nghĩ để rút ra những bài học đắt giá và đau lòng. Không phải ngẫu nhiên mà khi nghe tin sét đánh này, nhiều người cho rằng trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm "dại", vì đã cho học sinh tham gia một trò chơi ... dễ chết nhất!

Trong tất cả các hình thức "dã ngoại" thì tắm sông, tắm biển là nguy hiểm nhất, "phiêu" nhất.Một cặp vợ chồng đưa hai đứa con đi tắm biển, cha nào con nấy, mẹ nào con nấy, thế mà sau một thoáng cha lặn con hụp, khi cha ngoi lên thì con đã chìm nghỉm mất rồi! Sa chân một li, trôi đi một dặm. Ân hận bao nhiêu cũng đã muộn màng. Biển sâu thăm thẳm, biển rộng mênh mông, tìm đâu ra con nữa! 1 cha quản 1 con mà còn khó đến thế huống nữa là 2 giáo viên  quản (mà chắc gì đã có ý thức quản) 13 học sinh.

Thực tế cho thấy, nhiều năm lại đây, ở bậc đại học, mặc dù người học đã ở độ tuổi trưởng thành nhưng hầu hết các trường vẫn nói không với việc tổ chức cho sinh viên đi tắm biển. Với họ, an toàn là trên hết. Chẳng trường nào vui khi có 1 (chứ không phải 7) sinh viên chết. Niềm vui của 100, 1000,... sinh viên không đổi đắp được nỗi buồn vô tận của một người mẹ mất con. Chỉ có những người trong cuộc mới thấm thía hết cái nỗi đớn đau quằn quại dai dẳng suốt đời đến mức đứt gan xé ruột ấy!

Xét cả lý lẫn tình, trong những giờ phút tang thương này cũng như lâu dài về sau, dù tổn thất lớn đến mấy thì cũng chẳng có bậc phụ huynh nào nỡ bắt đền lãnh đạo trườngTHCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, vì với thầy cô, đây là một vòng tang quá lớn của trường và không ai muốn thế. Tuy nhiên, nỗi đau của thầy cô là "nỗi đau tập thể", vì ở ta, xưa nay trách nhiệm như trên gọi là "trách nhiệm tập thể". Chỉ có 7 người mẹ và 7 người cha - 7 gia đình của 7 sinh linh bé nhỏ mới đích thực hứng chịu vẹn nguyên nỗi đau ngút trời này./.  

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434754

Hôm nay

225

Hôm qua

2349

Tuần này

21404

Tháng này

211802

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434754