Văn hoá học đường

Nhà trường ấy, những gì chưa phôi pha

Trong ngôi đình dài và rộng của một làng thuộc huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, đang có lớp học dưới ánh đèn dầu. Vào đầu năm 1952 ấy, cuộc kháng chiến chống Pháp đã sang năm thứ sáu; vùng tự do không còn yên với máy bay địch; nhiều hoạt động công cộng phải chuyển về đêm. Các trường lớp phân tán vào các vùng quê. Mỗi học sinh tự sắm một bộ bàn ghế cá nhân có thể xếp gọn lại và xách đi –như của người bán kẹo kéo, cùng cái đèn dầu hoả con.

Lớp học đang nói tới đây hơi khác các lớp thông thường, chia ngồi hai bên châu đầu vào quãng trống ở giữa nghe giảng bài. Người đang đứng lớp trạc bốn mươi, to xương, trán vuông, gò má cao, mũi tẹt và  hơi hếch, nói giọng Nam bộ. Không đẹp trai, song dáng chững, lời giảng rất hấp dẫn. Ngoài sân đứng chật người đến nghe ghé, trẻ có, đứng tuổi có, những người ít nhiều có tri thức, cả cán bộ chính trị. Đang giảng về chủ nghĩa duy vật biện chứng. Hai tiếng “cộng sản” không còn lạ lẫm nữa; đảng cộng sản đã ra công khai dưới cái tên đảng Lao động Việt Nam từ năm 1951; song chủ nghĩa này, luận triết này thì chưa mấy ai hiểu dẫu có thể đã nghe và đã nói đến.

Đó là lớp học chung hai ban, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, của trường Dự Bị Đại Học (DBĐH), phân hiệu Một. Sau cải cách giáo dục năm 1950, từ hệ tiểu học + trung học phổ thông + trung học chuyên khoa chuyển sang hệ giáo dục phổ thông: cấp một + cấp hai + cấp ba, có chủ trương xây dựng bậc giáo dục đại học, bắt đầu từ trường dự bị đại học. Trường thu hút học sinh từ nhiều vùng của các liên khu. Đông nhất là của liên khu Bốn, kể cả số từ “Bình Trị Thiên khói lửa”. Số của liên khu Ba cũng đông đảo, chủ yếu là những học sinh từ các vùng “hậu địch” tản cư ra. Một số ít là từ liên khu Năm. Có mấy người được cơ quan ở Việt Bắc mà họ làm việc cử đến. Trường chia làm hai phân hiệu, một đặt ở Nghệ An, một đặt ở Thanh Hoá. Được nửa năm, thầy dạy môn vật lí phân hiệu Một “dinh tê”, môn này thiếu người phụ trách, phân hiệu Nghệ chuyển ra hợp nhất với phân hiệu Thanh.

Sĩ số toàn trường chừng hơn trăm người, trong đó không ít người là những cán bộ quân hoặc dân được cử đi học. “Áo ai màu bộ đội / Bước đi còn luyến điệu hành quân. / Dáng ai người cán bộ nhân dân / Trang sổ còn ghi công tác cũ”, -mấy câu trong một bài thơ trên tờ báo tường đầu tiên. Những người được cử đi học tất nhiên phải là đã từng học ở bậc Trung học (tú tài). Họ không, hoặc cực hiếm, thuộc thành phần cơ bản. Trong lí lịch cá nhân, chỉ duy nhất một người là thành phần công nhân nhưng là do được cải thành phần sau khi đã làm việc lâu năm trong nhà máy, xí nghiệp (theo qui định thì phải ít nhất từ ba năm trở lên mới được xét). Bấy giờ, trong mọi mặt hoạt động, thành phần công nông “lên ngôi”; những người “có chữ nghĩa” tham gia cách mạng thường là xuất thân tiểu tư sản và các tầng lớp trên, nông thôn hoặc thành thị, không còn được tín nhiệm và dễ thăng tiến như trước. (Việc cho đi học có khi là một cách giải nhiệm. Sau này, khi hoà bình được lập lại trên miền bắc, trường “bổ túc văn hoá công nông” mới thật sự là nơi ươm tài năng cho các thành phần cơ bản của cách mạng, nơi thoát thai không ít cán bộ cao cấp về sau, kể cả chức thủ tướng).

Trình độ học sinh không đồng đều. Về học lực, do chênh nhau giữa các lớp chuyên khoa, giữa các trường, giữa học sinh được học liên tục với những cán bộ dân sự, quân sự được cử đi học. Về chính trị, rõ ràng có sự khác biệt giữa học sinh “chân trắng” và người từng là cán bộ. Số trước phải tự lo chi phí học tập (chủ yếu là tiền ăn, còn ở thì dựa vào dân, -miễn phí); số sau được nhà nước phụ cấp. Tuy vậy, họ sống chan hoà; nếu có sự “lên mặt” nào đó thì cũng ngầm và hiếm. Hiếm, nhưng đã xẩy ra một chuyện hơi bất ngờ song không đáng lạ, -ít ra là xét theo mắt nhìn ngày nay. V.P.H. vốn là cán bộ vùng Bình Trị Thiên, một người hoạt bát cả trong nói năng, một đảng viên sôi nổi, không hiểu sao có hiềm khích với N.Đ.Bạt, bạn cùng lớp khoa học xã hội. Một lần, Bạt bảo thẳng với H. ngay trong buổi họp tổ: “Tôi ghét anh lắm”. H. đáp: “Vậy thì tôi cũng ghét anh. Mà tôi đã ghét thì ghét đến nơi đến chốn”. Dường như lời doạ này có hiệu lực sau đó không lâu. Nhà trường dành một ít suất học bổng cho những học sinh nghèo. Buổi đó, rất nhiều người phải vừa đi học vừa đi làm “gia sư” để được nuôi cơm. Biết số suất học bổng rất hạn chế nên có mấy người bất đắc dĩ mới làm đơn đề nghị, Bạt trong số này. Bạt thuộc lớp trước tôi đến mấy năm. Anh từng nổi tiếng học giỏi ở trường côn-le (collège) Vinh trước Cách mạng; rồi nhà sa sút phải bỏ học giữa chừng, sau Cách mạng điều kiện dễ hơn mới đi học lại. Nhà trường uỷ cho hiệu đoàn học sinh chọn lựa. Cuộc họp toàn học sinh để bình xét do H. điều khiển. Bạt bị gạt (cũng khó nói cho hẳn hoi là do H.). Rồi Bạt thôi học, không rõ từ lúc nào, và chắc là còn có những nguyên nhân khác.

Các tổ chức của đảng Lao Động VN trong trường hoạt động mạnh, bao quát, chặt chẽ, “lãnh đạo”, theo rõi rất sát, nhất là về tư tưởng. Nòng cốt của hiệu đoàn học sinh là “đoàn trườmg” (tổ chức “đoàn thanh niên lao động”, -trước đó mang tên “đoàn thanh niên cứu quốc”, sau này mang tên “đoàn thanh niên cộng sản”, là cánh tay phải đồng thời là lực lượng hậu bị của Đảng) được “quản” rất nghiêm ngặt; chỉ gồm những đoàn viên được kết nạp trong trường. Những đoàn viên từ trước đều không được thừa nhận. Hẳn người ta cho rằng những cơ sở đã kết nạp họ làm à uôm. Hơi kì là các đảng viên “từ trước” thì chẳng sao, vẫn tiếp tục sinh hoạt đảng như thường (Sau này, trong một dịp được dự ghé một cuộc họp đảng, tôi thấy người ta kiểm điểm “phô” ra không ít trường hợp kết nạp đảng cũng “à uôm”). Các tổ chức đảng không trưng ra như về sau, song ai cũng biết. Các đảng viên cũng tỏ ra hoà đồng. Trong sinh hoạt thường ngày không có sự ngăn cách. Nhưng sự “phân biệt đối xử” có khi biểu lộ ra hơi kì. L. là một đảng viên không đẹp gái, sức học cũng bình thường, vào loại “con nhà”. Cô và N., bạn học cùng khoá, một anh chàng đẹp trai, học rất khá nhưng còn “chân trắng”, yêu nhau. Nhưng rồi mối lương duyên không thành; chi bộ đảng không chấp thuận. Về sau, cô yêu H., đảng viên cùng lớp. Họ cưới nhau khi vừa tốt nghiệp Sư phạm cao cấp (sau này, cả ba đều là giáo sư).

Có một “sự kiện” đáng ngẫm kiểu “bao giờ cho đến ngày xưa!”. Một hôm, toàn thể sinh viên được mời dự cuộc họp bất thường. Hiệu đoàn trưởng (và hẳn cũng là một lãnh đạo chủ chốt tổ chức đảng LĐ trong trường, một người mà trước khi về học DBDH đã từng giữ một cương vị khá cao trong đảng tương đương “tỉnh uỷ viên”, -gọi tắt “uỷ viên ban chấp hành tỉnh đảng bộ”) đứng ra tuyên bố xử kỉ luật một lãnh đạo chủ chốt của hiệu đoàn (chắc cũng là một trong những lãnh đạo tổ chức đảng, bởi từng là huyện uỷ viên của đảng trước khi về học DBDH) về tội “hủ hoá” (định tư thông với chị chủ nhà nhưng bị phản ứng). Sau này, những “tội” loại đó của các vị lãnh đạo từ thấp đến cao chỉ là “muỗi” thường được lờ đi hoặc xử lí (qua loa) nội bộ, nếu không có chuyện đấu đá nhau. Đến các tội tày trời còn “chìm xuồng” nữa là!

Chủ trương mở trường Dự bị Đại học được nói rõ trong diễn văn của bí thư liên khu uỷ đảng Lao động VN tại lễ khai giảng, song cũng chỉ được hiểu chung chung là đào tạo nhân tài tương lai. Chừng cũng định “nhìn xa” như Bắc Triều Tiên, ngay trong chiến tranh cử hàng nghìn học sinh đi du học chuẩn bị cho công cuộc xây dựng đất nước sau này. Tuy nhiên, với Việt Nam ngày ấy nếu có định làm như vậy thì cũng chỉ của ai đó, dường như của thứ trưởng bộ Giáo dục Nguyễn Khánh Toàn mới được Trung ương cử sang, chứ chưa là chủ trương chính thức. Vả chăng, điểm lại thì rõ ra, như đã nói, phần lớn học sinh của trường đều thuộc “thành phần lớp trên”. Trường mở được ít lâu thì không khí đấu tranh giai cấp dần mở ra ở “vùng tự do” (vùng thuộc chính phủ kháng chiến). Do vậy, qua hai khoá trường DBDH, -trường chỉ tồn tại đến khi hoà bình lập lại trên miền Bắc-, số học sinh được cử đi xuất ngoại có thể đếm trên đầu ngón tay. Có người được cử đi học ở Liên xô (xưa), đã đến Bắc kinh đang còn chờ tàu liên vận thì bị gọi về vì “phát hiện ra khai man lí lịch”.

* * *

Giám đốc trường là thầy Đặng Thai Mai, phó là các thầy Nguyễn Thúc Hào và Trần Văn Giàu.

Thầy giám đốc Đặng Thai Mai tốt nghiếp trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương thời thuộc Pháp khoá đầu tiên. Ông được biết đến nhiều qua cuốn Văn học khái luận, in năm 1944. Bề ngoài, ông có vẻ không cởi mở lắm nhưng thực tình ông có phong thái dung dị. Nhà riêng của thầy ở vùng đồi núi huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An. Bấy giờ các cơ quan của liên khu Bốn đóng lẫn trong vùng dân cư phía bên kia sông Lam, nên trong thời gian chuẩn bị mở trường có khi ông làm việc tại nhà. Hôm tôi đến nộp đơn xin học, ông đang đọc cho cô con gái thứ hai viết thư trả lời cơ quan nào đó. Tôi hỏi ý kiến thầy nên học khoa nào, bởi thú thật tôi chưa nghĩ đến nghề ngỗng sau này ra sao. Thấy tôi học được các môn, ông bảo: “Nước ta rồi đây cần nhiều người làm về khoa học tự nhiên …”. Tôi nghĩ bụng ông chuyên về văn học mà khuyên như vậy, nên tôi không còn phân vân nữa.

Tôi chỉ được học với thầy Mai bài mở đầu môn triết (sau đó chuyển cho thầy Giàu) và vài lần nghe thuyết giảng nhân dịp gì đó. Thầy giảng hơi khô, không hấp dẫn lắm nhưng hàm súc, đôi khi pha nét dí dỏm trong câu nhận định trang nghiêm. Người ta biết ông uyên thâm văn hoá đông tây, kim cổ; và tôi cũng nghĩ thế, qua những gì đọc được, trước hết là qua những tác phẩm ông dịch hay giới thiệu Lỗ Tấn, Tào Ngu. Nhưng đôi khi, dù với tầm nghĩ của một thanh niên học sinh tuổi đôi mươi, tôi thấy thầy cũng hơi “ngay thật”. Lần ấy, trong diễn từ đọc dịp kỉ niệm tác phẩm “AQ chính truyện” của Lỗ Tấn, ông nói chủ đề của truyện là “ông AQ”, một cố nông, muốn làm cách mạng nhưng bọn tầng lớp trên không cho … Tôi nghe có gì khiên cưỡng. Có lẽ nhận định của ông hơi “thời sự”; -bấy giờ vai trò “quân chủ lực cách mạng” của nông dân, nhất là bần cố nông, đang được đề cao, cùng đường hướng “phát động quần chúng giảm tô và cải cách ruộng đất” đã manh nha đâu đó. Lần khác, vào lúc đã chớm cuộc đấu tranh giai cấp ở nông thôn. Chưa công bố nhưng những cuộc họp riêng nông dân đã xếp loại những ai là phú nông, địa chủ, gọi gộp lại là “bọn phú địa” (dĩ nhiên có qui sai, nhất là sau này đến hồi tiến hành cải-cách-ruộng-đất). “Khúc dạo đầu” là việc truy thu thuế nông nghiệp nhằm vào những nhà coi là khá giả. Những cuộc họp toàn dân cả xóm bắt đối tượng đứng ra cho dân “bình nghị”, thực chất là ép nhận mức phải đóng mà “các ông bà nông dân đã tính sát đúng rồi”. Đôi nơi, đã có mòi quá khích: nhục mạ, đấu tố những chuyện chẳng liên quan gì đến thuế má. Có nơi, chăng ngang đường những khẩu hiệu đại loại “Đả đảo tên phú địa X ngoan cố!” như ở cạnh xã tôi. (“X” là cô gái chưa chồng. Cô thừa hưởng của cha mẹ mất chưa lâu một số ruộng đất phát canh thu tô hoặc tự cày cấy có mướn ngưòi làm giúp). Nhà thầy Mai cũng “được” xếp vào loại phú địa; nhưng ông là “cán bộ thoát li”, là đại biểu quốc hội, nên bà vợ phải gánh trách nhiệm. Bà được “mời” ra dự cuộc họp xóm để nghe bình về mức thuế “truy nộp”. Tôi từ quê ở Hà Tĩnh ra Thanh để học tiếp, sau nghỉ học kì, ghé vào thăm thầy. Ông hỏi tình hình ở quê tôi rồi lắc đầu thở dài: “Họ làm lung tung, quá đáng! Phải phản ánh cho quốc hội can thiệp mới được”. Như đã nói, tôi chỉ là một cậu học trò lơ ngơ chuyện chính trị, nhưng trong tôi nảy ra hai ý phân vân. Một, sao ông không nói chuyện này với con rể (V.N.G.) đang thuộc hàng lãnh đạo tối cao có uy tín? Hai, ai cũng biết quốc hội ta chỉ thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, làm sao có thể can thiệp được? [Dù sao, cũng thấy ngày ấy giải quyết việc không dựa vào “nhất thân, nhì thế, tam tiền, tứ chế” như về sau!]

* * *

Buổi ấy, việc mở trường DBDH là một sự kiện thu hút sự chú ý không chỉ của giới học đường. Thêm thu hút là một tên tuổi, không phải tên tuổi chính khách, không phải tên tuổi học giả. Một lần, trước cử toạ là những cán bộ và giới nhân sĩ trí thức liên khu Bốn, nhà văn hoá Hải Triều, người từng nổi danh trong cuộc tranh luận trên báo chí trước Cách mạng về “nghệ thuật vị nhân sinh” và “nghệ thuật vị nghệ thuật” với nhóm Hoài Thanh-Lưu Trọng Lư-Lê Tràng Kiều, đứng lên giới thiệu: “Lâu nay người ta bảo tôi nói giỏi, nay xin nhường lời cho người nói giỏi hơn. Cô em họ tôi ở Huế biết tiếng ông từng viết thư cho tôi ao ước được một lần trong đời nghe ông diễn thuyết”. Đó là Trần Văn Giàu. Đúng ra, ông đã từng nổi tiếng: bí thư xứ uỷ Nam bộ của đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo khởi nghĩa tại Sài Gòn năm 1945, lãnh đạo mở đầu cuộc kháng chiến Nam bộ; đại diện nhân dân Việt Nam trong phong trào Liên Á với vai trò phó chủ tịch của tổ chức này mà Nêru, thủ tướng Ấn Độ, làm chủ tịch; … ; nhưng nổi tiếng hơn cả lại là tài diễn thuyết. Đúng vậy. Đề tài nói chuyện lần ấy là một vấn đề khá khô khan: khoa học và chính trị. Mở đầu, diễn giả bàn về tính qui luật. Ông ngoảnh về phía người chủ trì vừa giới thiệu mình cưòi hóm hỉnh: “Anh Hải Triều ạ, tôi và anh cũng như chủ nghĩa tư bản bắt đầu xuống dốc rồi. Giá như cô gái Huế nọ trông thấy bộ mặt hiện nay của tôi thì chắc cổ chẳng ao ước nghe tôi nói nữa đâu. Vậy mà chúng ta chẳng thể quay ngược qui luật để được trẻ trở lại, như chủ nghĩa tư bản vậy”. Trần Văn Giàu là vậy, ông có cách nói khiến cho những vấn đề khô khan, khó hiểu trở nên nhuần nhị, dí dỏm, có hình tượng. Cho nên chẳng lạ khi người ta đứng đông phía ngoài lớp học chăm chú nghe ông. Còn học sinh thì khỏi nói. Với riêng tôi thì như được mở đầu óc. Tôi đã từng nghe người ta định nghĩa, nửa đùa nửa thật, rằng triết học là món “phải đọc rất nhiều mà hiểu rất ít, càng đọc càng rối”. Nay thì thấy triết học chẳng phải là món ăn thượng lưu, chẳng phải là cái tháp ngà bí hiểm, càng chẳng phải là con ngoáo ộp. (Thật ra, chúng tôi chỉ mới “nhập môn” triết học, và cũng chỉ mới ngấp nghé một rìa khoảnh nhỏ trong khu rừng triết đại ngàn!).

Tôi sinh ra khi nước nhà đang đắm chìm trong vòng nô lệ ngoại bang. Tuổi nhỏ của tôi đã biết căm kẻ cướp nước; đã biết thực chất của việc quân Nhật “trao trả độc lập” cho Bảo Đại sau khi loại thực dân Pháp. Do vậy, tôi đón chào Cách mạng tháng Tám, tôi ngưỡng mộ Việt Minh từng “lập chiến khu Việt Bắc gồm bảy tỉnh” để đánh Pháp Nhật. Nhưng tôi không “khoái” cộng sản, có lẽ khẩu hiệu “đào tận gốc, trốc tận rễ” nghe ghê ghê. Những bài giảng về duy vật biện chứng và duy vật lịch sử mở ra cho tôi, và các bạn học của tôi, hướng suy tư mới, rộng rãi, rạch ròi, “thẳng tiến”. Nó truyền niềm tin vào cách mạng, vào chủ nghĩa cộng sản. Một tháng “chỉnh huấn chính trị” ít lâu sau xác lập thêm niềm tin đó.

Hai tiếng “chỉnh huấn” nghe như có phép màu biến đổi tư tưởng người ta, thay đổi đường đời của người ta, làm cho vững vàng hơn, trong sáng hơn, tin tưởng hơn, … Sinh hoạt chính trị mới này khởi đầu từ Việt Bắc, “thủ đô” của công cuộc kháng chiến. Nghe nói rất có tác dụng. Có cán bộ “có cỡ” chỉnh huấn xong đã tự kết liễu đời mình vì phạm nhiều lỗi lầm quá. Qua chỉnh huấn, tổ chức được kiện toàn; con người được trưởng thành thêm. V.v… Chúng tôi có phần háo hức bước vào chỉnh huấn. Tuy không “ghê gớm” như hình dung, song sau chỉnh huấn cũng có “sáng” hơn. Có lẽ do môi trường của chúng tôi, hoặc do thành phần chỉ đạo, hoặc do tiến hành buổi đầu mà cuộc chỉnh huấn diễn ra “phải chăng”, không có không khí đấu tố như ở nhiều nơi sau đó. [Khi chỉnh huấn tiến hành “đại trà” trong ngành giáo dục, có cảnh “dở bi dở hài” như ở trường cấp ba P.Đ.P. Một cậu học sinh bị đấu vì một “từ xuyên tạc” lúc hát bài “Bất li khai đảng cộng sản”, -bài hát nhập của Trung Quốc. Trong đoạn câu “đảng của giai cấp tiên phong”, cậu ta đã hát “giai cấp” thành “giai sắc” (ý tục), chắc là do tếu thôi. Nhiều ý kiến của bạn học phê phán tư tưởng, ý thức chính trị, kể cả sỉ vả. “Đặc biệt” là của một cô bạn cùng lớp lên chỉ mặt phán gọn: “Anh là đồ chó ăn cứt”(!) –cậu ta từng ngoảnh mặt trước tấm tình của cô.]

Diễn biến của cuộc kháng chiến càng củng cố niềm tin của chúng tôi, một niềm tin gần như tuyệt đối. Hễ của phe xã hội chủ nghĩa là tốt, là hay; hễ dính dáng đến đế quốc tư bản là xấu, là đáng ghét. Một lần, đang giảng về phạm trù “tự do-dân chủ”, thầy Giàu xen vào một chuyện vui. Hai anh lính, một của Liên Xô, một của Mĩ, gặp nhau ở vùng giáp ranh Đông và Tây Beclin, tranh luận “bên nào dân chủ hơn”. Anh lính Mĩ thách: “Ngay bây giờ tôi có thể đáp máy bay về nước đến thẳng toà Bạch Ốc gặp tổng thống Mĩ bảo: Truman! Ông là con bò! Anh có dám làm tương tự không?” Anh lính Liên Xô đáp: “Xong ngay! Bây giờ tôi cũng có thể đáp máy bay về nước đến thẳng điện Kremli gõ cửa phòng đồng chí Stalin; đồng chí ấy mở cửa cho tôi, tôi sẽ nói: Thưa đồng chí Stalin,  tổng thống Mĩ Truman là con bò!”. Chúng tôi cười phá lên thích thú; không nghĩ rằng: dẫu là chuyện cười, phi thực tế, nhưng vô tình lại ngầm hàm ý một thực tế chi phối chính người “sáng tác” ra câu chuyện, nếu ngẫm kĩ.  

Thời gian, thực tiễn cuộc sống, biến động lịch sử sẽ “soi” niềm tin này. Nhưng đấy là chuyện mãi về sau.

Cứ như tiếng tăm thì thầy Giàu “ghê” lắm, nhưng thật ra ông sống khá “bình dân”. Chúng tôi cho là ông bị “đày” sang ngành giáo dục, khi đang làm giám đốc đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam. [Như là “thông lệ”, hễ ai, bất kể cán bộ cỡ nào, “vướng thành phần (giai cấp)” hay “bị thất sủng chính trị” thì được chuyển qua ngành giáo dục]. Dẫu vậy, vẫn thấy ông vui với công việc, tận tâm, hoà đồng, không có chút dấu hiệu bất như ý nào. Sau này, đọc hồi kí của ông và của vài người có liên hệ với ông, được biết trong một thời gian dài ông vẫn canh cánh những nỗi oan khuất cho tới gần cuối đời mới được giải toả. Tuy nhiên, dưới vẻ an nhiên, -tuồng như cam chịu-, ông vẫn “tự tin” lắm. Một lần, có học sinh dựa vào một câu của một tác giả danh tiếng Jean gì đó, tôi không còn nhớ, để nêu thắc mắc, ông chỉ vào ngực mình cười: “Jean ấy nói thế nhưng Jean Giàu bảo rằng …”. Lần khác, một sinh viên sư phạm hỏi về một ý trong một bài viết cũng đã lâu của một lãnh đạo cao cấp VN có uy tín, ông bảo: “Nhắc lại làm gì cái câu mà tác giả của nó cũng muốn quên đi”. Chúng tôi rất ít biết những chuyện đời của ông, những công việc đã qua của ông. Chỉ một lần vui chuyện, ông kể về hội nghị Liên Á. Tổ chức này tập hợp những nước mới giành được độc lập hoặc đang đấu tranh giải phóng dân tộc ở châu Á, tựa như “hội nghị Á Phi” hay “phong trào các nước không liên kết” (toàn thế giới) sau này, hoặc có thể coi như là tiền thân. Hội nghị họp ở Ấn Độ. Phái đoàn của nước Việt Nam đang kháng chiến (chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà) gồm Trần Văn Giàu và bác sĩ Luân. Hồi bấy giờ đế quốc Pháp đang sa lầy trong cuộc chiến hòng chiếm lại Đông Dương, nhất là tại Việt Nam, bèn bày trò trao trả độc lập cho Bảo Đại (Vĩnh Thuỵ) lúc ông vua thất thế này đang nằm co ở Hồng Công. Chính quyền Bảo Đại cũng cử một nữ đại diện đến dự hội nghị. Đến lượt phát biểu, người này duyên dáng bước lên diễn đàn, bên ngoài bộ y phục sang trọng khoác một tấm choàng quí phái có đuôi kéo lê phía sau. Khi cái đuôi ấy lướt qua, bác sĩ L cho một chân dẫm nhẹ. Bà kia tiến lên thì tấm choàng dần tụt ra. Đang ngồi ở bàn chủ tịch đoàn, thầy Giàu đứng lên trỏ tay: “Các vị hãy xem mặt nạ độc lập của chính quyền Bảo Đại kìa!”. Nữ diễn giả đứng sững không thốt được lời nào và … rút lui. Chính ở hội nghị này Trần Văn Giàu được bầu làm phó chủ tịch Liên Á. Cũng mãi sau này, chúng tôi mới được biết giai thoại về “nàng Kiều Nguyệt Nga hiện đại” của ông. Gần như ông xa gia đình suốt. Thế nhưng trong những tháng năm sống độc thân, ông không để lại tai tiếng gì về mặt tình ái. Hồi có phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm, một học trò cũ của ông viết trên Đất Mới, tập san của mấy cựu học sinh DBĐH, rằng Trần Văn Giàu ở trường Dự bị Đại học và Sư phạm Cao cấp cũng (chuyên quyền) như Stalin trong phe xã hội chủ nghĩa(!). Chắc thầy Giàu cũng không ngờ mình lại được “tôn” lên đến vậy! Nói cho ngay, chẳng phải ông là tác nhân chính của việc hình thành “ý thức hệ cách mạng vô sản” cho các lớp học trò ông buổi ấy, dù những bài giảng của ông có tác động khai tâm hoặc củng cố và nâng cao. Do vậy, về sau trong đám học trò cũ của ông không ít người bị “giằng xé” này nọ song họ vẫn quí ông.

Thầy Giàu, một công tử giàu đi du học để được sang, nhưng thay vì mảnh bằng cao học danh giá như đã hứa với nhà vị hôn thê ông đã mang về bản án tù mà ông bố vợ tự hào chấp nhận (ai bảo địa chủ “không thể yêu nước”?!). Do lòng yêu nước, ông đã hi sinh nhiều thứ. Vấn đề “ý thức hệ” là chuyện khác. Không may, hay là may, ông sớm bị thất thế …

 * * *

Trong số người buổi đầu đứng ngoài nghe thầy Giàu giảng triết học Mác xít có nhà giáo Cao Xuân Huy, người được coi là một học giả hơi “khác đời”. Cụ Huy, như người ta gọi hồi ấy, cũng tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Đông Dương như cụ Mai.Cụ nổi tiếng là theo thuyết “vô vi”.

Lần nọ, tôi đến thăm một thầy giáo cũ, thấy thầy đang ngồi đãi cơm một cụ già ngoài năm mươi. Cụ già ngồi trên giường con, còn thầy cũ của tôi thì ngồi ghé trên một chiếc ghế đặt cạnh. Thầy xới một bát cơm vơi vơi kính cẩn đưa cho khách. Cụ già chụm tay đỡ bát cơm đưa cao dứ dứ như ước lượng và nói bằng tiếng Pháp: “Ca vaut trois bols!” (Thế này bằng ba bát!), chừng cụ có ý bảo xới đầy quá. Thầy giáo cũ của tôi giới thiệu đấy là thầy của ông. Bấy giờ tôi mới tường người được coi là đồ đệ Lão Trang. Người ta kể một số chuyện “vô vi” của cụ, thường là để mua vui không ác ý. Chẳng hạn mẩu chuyện sau đây. Hôm đó, cụ đang ngồi đọc sách trong sân nhà; một người ăn mày vào, đến gần cụ ngỏ lời xin bố thí. Cụ như mải đọc, chẳng ngửng lên. Người kia chờ một lúc, thấy chủ nhà cứ chăm chú vào cuốn sách bèn rút một cái quần mới tinh đang phơi trên dây gần đó rồi đi ra. Chừng tháng sau, cụ cũng đang đọc sách trong sân thì hắn ta lại đến xin, cụ vẫn không ngửng lên, hỏi: “Cái quần hôm nọ bán ăn hết rồi à?”. Tôi lúc đó đang định thi vào trường DBDH, trong các môn thi có môn triết học. Nhân dịp, tôi hỏi: “Thưa cụ, thi môn triết thì cần lưu ý những điểm nào ạ?”. Cụ hỏi lại: “Thế anh đã học những gị?”. Thật tình, lúc đó tôi có biết mô tê gì về triết học đâu, nên đáp bừa: “Thưa, duy tâm và duy vật ạ”. “Ờ, thì đấy, cần lưu ý đấy”. Rồi cụ gật gù: “Mà duy vật và duy tâm nào có gì phân biệt rõ đâu!”. Thầy giáo cũ của tôi tiếp lời: “Thưa thầy, con thấy quả như thế. Trong cuốn Vũ trụ quan của Trần Văn Giàu có đến bốn điểm có thể bác lại ngay được”. Mấy năm trước, ông thầy cũ của tôi hay phán ra những lời có màu “duy vật”, “cách mạng”; chính ông đưa khoe bài thơ Đường luật ông làm tặng thầy cũ có câu kết: “Lão Trang xin để mặc thầy thôi!” Lúc này, tôi nghĩ bụng: bây giờ có lẽ thầy lại “Mác-Lênin  xin để mặc người thôi!”.

Ít lâu sau, tôi gặp lại “cụ Huy” ở trường Dự bị đại học. Thầy được phân công dạy tiếng Pháp. Một lần, giảng về từ “matière” (vật chất), thầy nói, tất nhiên là bằng tiếng Pháp, rằng người ta không thể hiểu matière là gì; chẳng hạn, -thầy gõ gõ vào cái cột đình-, ta biết cái cột này bằng gỗ, song bản chất gỗ là gì, không thể hiểu như trong khoa học tự nhiên. Lũ học trò chúng tôi cũng giở trò “tranh luận”, dù nói tiếng Pháp bập bõm. Đại loại:

-Thưa thầy, thế có phải theo thuyết bản thể (noumaine) của Kant không? …

-Thưa thầy, vậy là “bất khả tri luận”, …

Cụ bỗng (như là) nổi giận: -Tôi có nói chuyện triết học với các anh không? Mà các anh học triết ở đâu? với ai? trong bao lâu? được mấy chữ?

Sau buổi dạy, cụ bảo một cậu học sinh thân từ trước bằng tiếng Việt: “Học trò đâu lại giở lí sự ra!”.

Chúng tôi vẫn kính trọng thầy, coi cụ như một người cha nghiêm, hơi trái tính, nhưng vô tâm.

Gần hai năm sau, khi ấy đang học Sư phạm cao cấp, tôi đến nhà thầy trọ mượn một ít tài liệu về triết (thật ra, vì lí do khác, vui vui …), thầy đưa cho một tài liệu ông vừa dịch của Trung Quốc, bảo: “Cái này họ phê phán bất khả tri luận hay lắm”. Tôi kể lại với thầy Giàu, ông có vẻ thích thú: “Ông ta dành mười năm để đánh đổ Mác, nay đã ngộ ra”. Có thể vào lúc đó thầy Huy ít nhiều bị chủ nghĩa Mác thuyết phục, nhưng rồi, trở về thủ đô không lâu, ông không còn mặn mà nữa.

* * *

Thời kháng chiến chống Pháp, vùng tự do gần như bị bưng bít với thế giới bên ngoài. Sau chiến thắng biên giới năm 1950, thông được với Trung quốc. Song le, nước “bạn” này cũng đang trong tình trạng trì trệ và cũng đang bị bao vây, chỉ liên hệ được với Liên-xô. Mà đất nước xô viết thì bị chiến tranh tàn phá nặng nề đang lo khôi phục và xây dựng lại. Vả chăng họ cũng gần như biệt lập với thế giới phương Tây. Do vậy, tài liệu giảng dạy rất thiếu thốn, nhất là về khoa học tự nhiên, thường là dựa vào những gì còn lưu giữ được từ thời Pháp thuộc, năm 1945 trở về trước. (Thực ra, từ năm 1940, khi nước Pháp bị Đức chiếm đóng, mọi liên hệ từ Đông Dương với “nước mẹ” đã hầu như bị cắt đứt). Kể ra thỉnh thoảng cũng thông được với thế giới phương Tây qua sách báo lọt ra từ vùng địch tạm chiếm, qua đài phát thanh các nước mà không phải ai cũng có máy thu để nghe, qua số ít ỏi người đi ra nước tư bản hoặc từ đấy về. Còn nhớ lần kĩ sư Lê Viết Hường đến nói chuyện. Ông này học về chế tạo máy bay ở Pháp đã quay về với kháng chiến qua ngả đường Liên xô (xưa). Ông cho biết một số tin tức về khoa học kĩ thuật, về máy bay phản lực đang được nghiên cứu chế tạo, về chất lượng máy bay của Pháp và của Liên xô, … Chúng tôi thích thú nhất là chuyện Pháp chưa làm được máy bay lên thẳng (cho bay thử nó cứ quay mòng mòng)! Ông nói qua về triển vọng của đất nước, trong đó có một ý ông phát biểu mà không cười: Sau này ta chẳng cần chế tạo mà có thể đem một số sản vật ta sẵn như tắc kè đổi lấy máy bay(!). Nghe cũng khoái, mặc cuộc sống kháng chiến gian khổ.

Phụ trách môn toán là thầy Nguyễn Thúc Hào, môn vật lí là thầy Phó Đức Tố. Cả hai đều từng du học ở Pháp và có bằng cử nhân. Thời Pháp, cả hai ông đều dạy Sơ học cao đẳng (Phổ thông cấp hai hay Trung học cơ sở ngày nay), sau được nâng lên dạy Trung học. Đúng chuẩn thì muốn dạy Trung học (Phổ thông cấp ba hay Trung học phổ thông ngày nay) chính qui phải có bằng Thạc sĩ, chẳng dễ kiếm (không phải bằng “thạc sĩ” ta gọi bây giờ).

Thầy Hào người thấp nhỏ, tác phong điềm đạm, nghiêm. Trước đó, ông được giao phụ trách một lớp Toán đại cương (math. général) cho những ai đã đậu tú tài muốn học lên, do bộ Giáo dục chủ trương. Thầy giảng gọn, khúc chiết, rất ít khi lặp lại. Lúc ấy, ông chừng bốn mươi tuổi mà vẫn tranh thủ những dịp nghỉ đạp xe về thăm nhà cách trăm rưởi cây số. Tổng kết khoá học, thầy thuyết trình về “Toán học và Duy vật biện chứng” với lời kết: “Như vậy, với các bạn và, -thầy hướng về thầy Giàu đang ngồi dự ở dưới- cả đồng chí Giàu nữa, ai bảo toán học là khô khan!”. Về Hà Nội, thầy dạy đại học Sư phạm và tham gia viết sách giáo khoa. Ông được phong giáo sư lứa đầu tiên cùng với các thầy Mai, Giàu, Tường, …

Thầy Tố tầm thước, đậm người, dễ tính. Khi giảng bài, thầy luôn luôn nhìn vào tài liệu. Đã lâu, thầy không dùng đến loại kiến thức này. Làm cán sự bộ môn cho thầy, tôi đến gặp đưa thắc mắc của anh em, thầy bảo: Ta cùng nghiên cứu xem sao. Thầy như một người cha hiền từ. Chúng tôi vẫn đùa gán cho nhau làm con rể ông, bởi ông có một cô con gái đang học cấp ba, không đẹp chỉ dễ thương. Một lần, ông than với chúng tôi: “Con bé làm nhà chúng tôi tốn uổng bao nhiêu để chuẩn bị cho nó”. Cô bé được cho đi học tại khu học xá Việt Nam đặt trên đất Tàu. Sang đấy, tất nhiên điều kiện sinh hoạt, học tập tốt hơn ở trong nước, nhất là không lo máy bay địch. Chẳng dễ mà được đi như vậy, phải hội đủ tiêu chuẩn khá ngặt. Nhưng đến ngày lên đường, “con bé” khóc lóc không chịu đi vì không muốn xa mẹ. Lương của thầy (nói phụ cấp thì đúng hơn) nuôi cả nhà đã chật vật lắm.

Dạy sinh vật, không hiểu sao lại là một nhà nông học, thầy Vũ Công Hậu. Những gì thầy giảng chỉ còn lưu lại trong tôi một điều: Ấy là cực tán dương thuyết Mitsurin-Lưxencô và bài bác Măngđen-Moócgăng, bọn học trò cũng khoái tiếp thụ. Chẳng phải tự ông. Bấy giờ, mọi thứ ta đều theo Liênxô xưa, không chỉ về chính trị. Trung Quốc hồi ấy cũng vậy thôi. Lưxencô dưới cái bóng của Stalin là nhà khoa học “vĩ đại”. Phải chừng chục năm sau, nhà học phiệt này mới bị lật tẩy. Điều lưu nhớ nữa về thầy Hậu, thửa ruộng thí nghiêm của ông cùng một số kĩ sư nông học khác là vật chứng làm nản lòng nông dân tin vào khoa học.

* * *

Giáo trình triết học tạm dừng thì tiếp đến là môn chính trị. Người phụ trách là thầy Đặng Xuân Thiều, một người tầm trung bình và gầy mảnh khảnh, từng là uỷ viên chấp hành đảng bộ ĐLĐVN liên khu Ba (một “ngôi vị” khá cao trong đảng). Bài giảng đầu, ông nhấn mạnh: “Chính trị là khuê học lãnh đạo các khuê học khác”. (Chẳng hiểu sao ông lại đọc “khuê” thay vì “khoa”, tuy ông sinh và sống ở miền bắc!). Thầy điềm đạm giảng nhưng thỉnh thoảng dùng tay đệm cho lời nói. Chẳng hạn, với câu “trực chỉ mũi nhọn vào giai cấp tư sản” ông co nắm tay lên cạnh sườn chìa ngón trỏ ra rồi đâm xoáy ra  trước mặt.

Tôi thấy môn học này không đến nỗi khô, cũng có cái vui. Song, có anh bạn vốn tính vui nhộn mà ngồi học với vẻ mặt vừa lạnh vừa nặng. Rồi anh tâm sự với tôi. Hồi thi tốt nghiệp phổ thông cấp ba, qua kì thi viết vào thi vấn đáp môn chính trị, giám khảo Hải Triều, -người đã nói tới trên kia, hỏi về thuế nông nghiệp, anh bí. Ông ta buông một câu: “Học trò bây giờ mà không nắm được thuế nông nghiệp thì thật đáng bỏ tù!”. Thì ra anh “hận” cái môn này, dẫu anh vẫn đỗ kì thi ấy.

Tôi nhớ nhất hai lời của thầy Thiều. Nói đến khẩu hiệu đấu tranh trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh “Trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ ”, ông bảo: “tri” chứ không phải “trí”(!), tri là tri huyện. Giới thiệu thầy giáo Nguyễn Đức Chính, ông nói chen tiếng Pháp: “… đây là un fils pieux du parti trailliste (người con thành tín của đảng Lao động)”.

“Kết hợp với thực tiễn” là phương châm giáo dục của ta. Tuy nhiên, đề ra là một chuyện mà thực hiện là chuyện khác. Ngày ấy càng khó, nhất là với các môn khoa học tự nhiên. Riêng những môn tác động trực tiếp đến tư tưởng chính trị thì có khác. Đang học về Duy vật lịch sử, buổi tối hôm đó thầy Giàu tổng kết gọn bài “Vai trò quần chúng” trong nửa giờ rồi nói: “Hôm nay các anh, các chị sẽ sinh hoạt với nhân dân địa phương và sẽ thấy sức mạnh của quần chúng”.

Ba gian đình chật ních người. Một ngọn đèn bão treo lên chính giữa phía trước bàn chủ toạ và thư kí. Hai chiếc ghế dài kê chéo bên cạnh dành cho một số người tai mắt trong xã, chủ yếu lại là những người giàu, những người có vai vế trước đây, sau Cách mạng có tham gia hoạt động hoặc đóng góp tiền của ít nhiều. Còn dân chúng nói chung thì ngồi bệt xuống nền đình. Một người đứng ở bàn chủ toạ đang nói về đợt dân công phục vụ chiến dịch vừa qua (chiến dịch giải phóng thị xã Hoà Bình và các vùng phụ cận sau khi quân Pháp đánh nống ra chiếm lại): “… Như vậy, đáng lẽ xóm ta vượt mức một người, lại hoá ra hụt mức vì có ba người trốn về”. Một anh ngồi dựa cột đình lầu bầu: “Tôi ốm, tôi về. Tôi không trốn”. Có nhiều tiếng xì xào. Tiếng một phụ nữ lảnh lói cất lên: “Ốm à! Có phải chính anh bảo tôi là lên đó ma thiêng nước độc, lại bom đạn nữa, mất mạng như chơi, định doạ cho tôi sợ cũng bỏ về theo anh không?”. Tiếng một người đàn ông khác: “Anh về thì đến ngay nhà ông Cai Tĩnh làm giúp thì ốm ở đâu?”. Anh nọ có vẻ muốn phát khùng: “Tôi không có ăn, tôi không đi làm thuê được à?” Như có một làn gió hỗn độn tràn qua; phòng họp ồn hẳn lên. Có tiếng kêu: “Nói láo!”; “Đồ tay sai!”. Lúc đó, một người đã đứng tuổi, thấp nhỏ, mặc quần áo nâu, bên người đeo một cái túi vải, từ dưới đi lên ngoảnh về đám đông nói không to lắm nhưng nghe rõ: “Đề nghị bà con ta bình tĩnh. Ta cần phê phán những người không làm tròn nghĩa vụ dân công, làm xấu địa phương ta. Nhưng họ đều là nông dân lao động chúng ta cả, ta cần góp ý một cách thân ái. Còn kẻ nào ngoan cố ta sẽ kiên quyết đấu tranh đến cùng”. Nhìn về phía người ngồi dựa cột đình, ông nói tiếp: “Anh S. nói ốm nên bỏ dân công, nhưng về thì đi làm ngay được. Anh bảo không có ăn mà vợ thì gánh thóc đi bán mấy hôm liền, trong khi chỉ mười kí thóc thuế thôi cũng không chịu nộp. Chuyện này xin để bà con xét tiếp. Tôi xin hỏi ông N. và anh P. tại sao cũng bỏ dở chuyến dân công?”. Một người có râu đứng lên ấp úng: “Tôi bị vấp sướt da chân, định vẫn tiếp tục đi, nhưng anh S. bảo tôi về chuyến sau đi cũng được”. Đó là ông N. Còn anh P. thì “đang ngại sẵn nên khi S. rủ liền theo ngay”. Có người hỏi sao lại kết thân với S., P. phân bua: “Tôi có kết kiếc gì với anh ta đâu. Ngay tối hôm về, anh ta đến ăn uống gì ở nhà ông cai Tĩnh cũng có rủ tôi đâu”. Cai Tĩnh, thời Pháp làm cai tổng, giàu vào loại nhất xã, sau Cách mạng có tham gia hoạt động công tác Mặt trận, hội đồng nhân dân, … ; hiện thuế nông nghiệp mới nộp chừng một phần ba. Lúc này, cai Tĩnh đang ngồi ở ghế danh dự. S. bị gọi lên đứng trước ánh đèn. Anh ta kể ra những lời cai T. nói về dân công, về thuế nông nghiệp, phận anh ta chỉ biết làm và ăn uống thôi. “Tôi chỉ là người làm công, ông ấy thích đi lại với các người giàu có (như người này, người này)”. Một người ngồi ở bàn thư kí được S. nhắc tên cười gượng, nói bâng quơ: “May mà tôi lại không giàu”. Cai Tĩnh bị đẩy ra khỏi ghế cho ngồi trên sàn nhà trước bàn chủ toạ. Lát sau, anh thư kí cũng bị hạ bệ. Anh ta nguyên là chân y tá, không giàu thật nhưng bị tố là hay được “bọn cai Tĩnh vời đến hội họp, chè chén”. Manh mối cứ theo đó mà tuôn dần ra. Một tổ chức phản động có âm mưu phá rối công tác dân công, chống đối thuế nông nghiệp, và có liên quan đến những vụ ném bom của giặc Pháp, trong đó có vụ phá đập thuỷ lợi Bái Thượng. (Cuộc đấu tố này chắc là có lãnh đạo, chỉ đạo, song cũng có sự bùng phát do bị kích động. Những lời tố cáo có thể có nống lên nhưng có lẽ không điêu toa như trong cải-cách-ruộng-đất sau này). Cuộc đấu tố kéo dài đến khuya. Về sau, dân chúng dường như chỉ đóng vai trò chứng kiến cuộc tra vấn tay đôi. Hẳn là có sự sắp xếp trước, một cán bộ hiệu đoàn DBDH cũng tham gia cuộc xét hỏi, dần dần đóng vai trò chính. Cuộc xét hỏi, -hay truy xét? hay tra hỏi?- lần đầu tôi tiên tôi được chứng kiến, mà cũng là lần duy nhất trong đời. Người bị thẩm vấn quì trên nền nhà, bàn chân lật lên bị bàn chân đi dép của người thẩm vấn chặn chỗ gót và mắt cá. Mỗi khi có một câu trả lời không vừa ý, hoặc cả khi chưa kịp trả lời, bàn chân đè trên liền nhấn xuống. Đôi lúc còn kèm theo bàn tay chém ngang vào cổ họng ngay trong lúc “tội nhân” đang nói. Chưa hết, đến lúc “cao trào” một người bị buộc tay treo lên. Một anh bộ đội ở đâu chẳng rõ chợt bước vào xin tham gia. Được chấp nhận, anh ta vung gậy nói to: “Tao chẳng biết mày làm những trò gì, nhưng mày là kẻ thù giai cấp của tao, tao cho mày biết tay!” Nói rồi, thẳng tay quật vào cái thân người lủng lẳng luôn mấy gậy ngang đùi; xong lẳng lặng bỏ đi. Tôi nhận ra anh này là người xã tôi, -tận Hà Tĩnh, nhập ngũ đã mấy năm; nhà anh không vào loại bần hàn, chẳng biết lúc đó có được coi là thuộc các “ông bà nông dân” không, và về sau có “qua được” cải-cách-ruộng-đất không! Nghe nói những cuộc “phát động vai trò quần chúng” như vậy sau đó bị “trên” phê bình là “quá tả”. Chưa đến hồi cải-cách-ruộng-đất! Nhất là chưa có các cố vấn Trung Quốc!

Dịp này, thầy Trương Tửu nói chuyện về “vai trò quần chúng trong truyện thơ Nhị Độ Mai”. Ông đề cao vai trò của đám thí sinh (quần chúng) trong việc đánh đổ đám cường quyền Lư Kỉ - Hoàng Tung. Ông nhấn mạnh: “Sau này, trong văn học sử, truyện Nhị Độ Mai phải được đặt trên Truyện Kiều”.

Mấy ngày đó, cũng đang tiến hành chỉnh đốn thuế công thương nghiệp. Không rộ như thuế nông nghiệp, bởi chỉ loanh quanh mấy thị tứ, mấy chợ. Th. cùng học lớp tôi, giọng châm biếm, kể rằng cán bộ thuế “thuyết phục” mấy bà buôn thúng bán bưng tự kê khai cho kĩ (kể cả nống lên) để làm gương cho những người kinh doanh có máu mặt; nhưng mẹ anh ta cùng nhiều nhà buôn khác không “cắn câu”. Do vậy, đến khi tiến hành thu thuế những người kia “méo mặt chịu trận” còn mẹ anh ta thì “thong dong” và gia đình anh ta vẫn thuộc thành phần tiểu thương “chân chính” (Sau, Th. được cử đi du học ở TQ). Vợ thầy Tửu từ Hà Nội tản cư về xứ Thanh vẫn buôn bán để mưu sinh. Tối ấy, bà được mời ra dự cuộc bình nghị về thuế. Biết không khí cuộc họp có thể căng, bà “uỷ” cho chồng đi thay. Người ta nhận sự có mặt của ông cũng thường thường như với mọi người; có điều đã vào cuộc đây thì xin hãy để cái áo “giáo sư” tại nhà và mời ngồi vào đấy. “Đấý” là mấy cái nong lớn thường được dùng để phơi thóc đặt giữa phòng, trước bàn của chủ toạ và thư kí cuộc họp, dành cho các đối tượng chính của cuộc bình nghị. Hẳn là thầy Tửu được cảm nhận trực tiếp, cụ thể vai trò của quần chúng, của nhân dân, không còn trên lí thuyết, trong sách vở nữa.

Tôi không học thầy Tửu, -ông dạy khác khoa -, nhưng có những lần nghe ông nói chuyện.Ông nói khá lôi cuốn, giọng ấm, vang. Ông hay “rút ra qui luật”. Tôi thấy ông có những nhận định cực đoan. Tôi ngỏ ý này với một sinh viên khoa văn Sư phạm cao cấp, vốn là một cán bộ chính trị từng tham gia Hà Nội kháng chiến trong hai tháng sau ngày 19-12-1946, anh cực lực phản bác tôi và ra sức bênh vực thầy Tửu. (Lúc đó chưa có trào lưu Nhân Văn – Giai Phẩm; phải ba, bốn năm sau). Không thuyết được tôi, anh nghiêm nghị bảo: “Trò mà phê thầy cực đoan!”. Tôi nói: “Tôi không phê mà chỉ nhận xét thôi. Giả sử tôi học ông, tôi sẽ đưa thẳng ý kiến”. Về thủ đô, ông là một trong những giáo sư chủ chốt của trường Đại học Sư phạm và trường Đại học Tổng hợp, Hà Nội. Một lần, một sinh viên khoa Văn của trường ĐHTH, tôi gặp trong một bữa ăn cỗ Tết tại nhà một người bạn, nói (hơi cám cảnh!): “Giả dụ thầy Tửu mất đi không biết có ai thay được không?”. Có lẽ một số người, như thầy Tường, thầy Mai, … không đánh giá cao thầy Tửu; tướng Nguyễn Sơn mấy năm trước cũng vậy. Tôi là dân “ngoại đạo”, nhưng thấy sách ông viết, cuốn “Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du” –quãng 1956, cũng vầy vậy thôi; không kể những cuốn trước 1945 như “Văn chương Truyện Kiều”, “Nguyễn Du và Truyện Kiều” (kí tên Nguyễn Bách Khoa), mà lúc còn là học sinh trung học tôi đã đọc một cách hoài nghi một số luận điểm của ông; chẳng hạn, bệnh “uỷ hoàng” của Thuý Kiều, văn chương Truyện Kiều không đáng giá như nhiều người đề cao, nó uỷ mị vì thể thơ lục bát thiên về vần bằng, v.v… Sau năm 1957, ông phải rời bục giảng như thầy Thảo, thầy Tường, … ; hình như có hồi sản xuất dầu cù là “gia truyền”, một học trò cũ của ông cho biết vậy, chẳng rõ thực hư.

* * *

Lớp DBDH đầu tiên kéo dài ba học kì. Trong thời gian đó, vài ba người, lẻ tẻ lúc này lúc khác, được rút đi, công tác gì đó hoặc du học; tất nhiên là những người mà gia đình không thuộc tầng lớp trên, -địa chủ, phú nông, tư sản, quan lại cũ, … Thi tốt nghiệp xong, hầu hết vào học Sư Phạm cao cấp. Ngày ấy, người ta không gọi tên “đại học” mà thay bằng từ “cao cấp”, chẳng hạn trường Y cao cấp đào tạo ra y sĩ cao câp, thay vì bác sĩ. (Sau năm 1954, hoà bình lập lại trên miền Bắc, mới lại trở về với các cái tên “đại học Sư Phạm”, “đại học Y Dược”, v.v…). Thầy Nguyễn Mạnh Tường được phân công dạy “giáo dục học”. Buổi dạy đầu tiên, thầy trịnh trọng nói: “Xin chào các sinh viên nước Việt Nam dân chủ cộng hoà! Tôi lấy làm vinh dự là giáo sư ở đây. Nếu có ai bảo tôi không phải là giáo sư đại học Pháp thì tôi sẽ tranh luận đến cùng; nhưng nếu bảo tôi có phài là giáo sư Việt Nam dân chủ cộng hoà không thì tôi không dám chắc”. (Trước Cách mạng, ông dạy trường lycée, -trường Bưởi, bậc trung học).Chẳng hiểu các bạn học thì sao, riêng tôi, tôi ngẫm mãi về ngụ ý trong những lời ấy. Con người nổi danh giật “hai bằng tiến sĩ quốc gia Pháp”, văn chương và luật, gần như cùng một lúc, khi mới hơn 22 tuổi, -duy nhất ở Việt Nam, cả ỏ Pháp, cho đến nhiều năm về sau; và ông cũng công khai hãnh diện về điều đó; con người ấy “hạ cố” nói vậy. Thầy nhắc lại lần trường DBDH lấy ý kiến học sinh nhận xét các giáo sư, trong đó có mấy phiếu ghi về một thầy: “tạm được”; ông hơi mỉm cười, lắc đầu. Thời Pháp, một lần ông chấm thi tú tài cùng với một nữ giáo sư Pháp, thạc sĩ văn chương, bà này cố giữ ý kiến mình về một bài luận văn của thí sinh, ông điềm nhiên bảo: “Tôi là tiến sĩ văn chương, bà hãy nhớ cho!” (Souvenez-vous que je suis docteur ès-lettres!). Còn lúc này, sau Cách mạng, người ta, cả các học trò của thầy, không đánh giá ông cao lắm. Ông không có “danh” về chính trị, coi như chẳng hiểu mấy về chủ nghĩa Mác-Lênin. Kể ra, thầy cũng có vận dụng lí luận Mác-xít vào bài giảng song, hoặc vì gượng gạo, hoặc vì chưa nhuyễn nên hơi sượng. Hầu như ông không trích lời các nhà giáo dục học của Liên-xô và của “phe xã hội chủ nghĩa” nói chung, như các người dạy môn này sau ông. Duy, ra đề tài thi tốt nghiệp, thầy nêu câu nói của Kalinin: “Nhà giáo là kĩ sư tâm hồn”. Thầy được cử tham gia hội nghị bảo vệ hoà bình Châu Á-Thái Bình dương ở Bắc kinh (1952) và đại hội hoà bình thế giới ở Viên (1953). Khi báo Nhân Dân đưa tin, trong danh sách đoàn không có tên của ông, ý giả họ coi chỉ là nhân viên tháp tùng, mặc dù thực sự ông là thành viên chính thức (ở hội nghị và đại hội, khi phân công việc trong đoàn, ông được giao “phụ trách chung”; và ở thủ đô nước Áo, khi đoàn được mời dự một cuộc họp công nhân, ông đã thay mặt đoàn). Tôi cũng nghĩ người ta mời ông tham gia đoàn để lấy tiếng với thế giới thôi, chẳng phải vì tín nhiệm chính trị. Ông đi một chuyến gần nửa năm trời. Trở về, ông hồ hởi lắm. Buổi ra mắt sau chuyến đi, thầy đeo đầy ngực mấy chục huy chương, huy hiệu được tặng, được trao dịp đó. Mãi về sau khi đã “khải hoàn” về Hà Nội, cho đến ngày bị thất sủng cùng vụ Nhân Văn-Giai Phẩm, ông vẫn hay tự hào nhắc đến hội nghị và đại hội kia, những lần lên bục giảng hoặc bục nói chuyện. Thầy phải thôi dạy học từ năm 1957. Khác với trường hợp bị “nạn” của các thầy Trần Đức Thảo, Trương Tửu, cùng đều là giáo sư của trường Đại học Sư phạm Hà Nội, được (bị) coi người thì là “cái đầu”, người thì là “cái lưỡi” của nhóm “phản động” Nhân Văn-Giai Phẩm (cả Đất Mới nữa), không rõ “tội trạng” thầy Tường ra sao. Tôi đọc được trên một tập Giai Phẩm bài “Vừa khóc, vừa cười” của ông, ám chỉ việc thiếu tự do sáng tác; và bài ông viết đăng trên báo Nhân Dân, -hẳn là một dạng “bản tự kiểm thảo”, trong đó ông nói có một tờ báo (chắc đó là tờ Sáng Tạo, tờ báo của một nhóm văn nghệ sĩ ra đời trước mà cũng đình bản trước tờ Nhân Văn), đã lợi dụng một bài của ông mà không hỏi ý kiến ông. Đúng ra, không thấy ông có thái độ hay hành động chống đối, nhưng quan điểm của ông không xuôi chiều. Có lần thầy giảng, đại ý: phương châm “dân tộc, khoa học, đại chúng” (được phát biểu chính thức trên nhiều sách, báo, khởi đầu từ một tác phẩm của Trường Chinh) không đúng mà phải là “đại chúng, dân tộc, khoa học” và ông phân tích vì sao. Rõ là ngược lại ý kiến của Đảng. Còn nhớ quãng năm 1951, được một trường trung học mời nói chuyện về văn nghệ, ông cho rằng các tầng lớp dân chúng, như tiểu tư sản, đều là đối tượng phụng sự của văn nghệ. Bấy giờ đường lối “văn nghệ phục vụ công nông binh” đã gần như là chính thống. (Kết thúc buổi nói chuyện, hiệu trưởng Đoàn Nồng, khi lên cảm ơn người nói và người nghe, đã nhắc rằng “đây là ý kiến riêng của diễn giả”). Trên tờ tạp chí văn hoá văn nghệ của Liên khu có hai bài đả kích “loại tư tưỏng lạc hậu” ấy rất kịch liệt, kí tên Bút Thép. Người ta rỉ tai tôi: đó là bút hiệu của Chế Lan Viên.

Sau khi thầy Tường mất, N.V. Hoàn và T.T. Đạm, học DBĐH khoá đầu và Sư phạm cao cấp, cả hai đã là giáo sư đại học, có viết bài tưởng niệm đánh giá thầy khá cao. Họ đều đã là đảng viên CS từ những ngày ấy; hẳn họ không chia sẻ những năm tháng ảm đạm của thầy, nếu không tham gia đánh bồi đã là tử tế lắm.  

* * *

Như đã nói, trường Dự bị đại học ngày ấy chỉ tồn tại hai khoá cho tới khi quân Pháp phải rút khỏi miền bắc nước Việt. Hầu hết mọi người “ra lò” từ đó đều “nên người” hiểu theo nghĩa dễ dãi nhất của từ này. Một số có trải qua gian truân. Một số trở thành giáo sư tiếng tăm ... Nhìn chung, được vào học DBĐH họ náo nức. Được học triết học Macxit (các triết thuyết nào khác được nói tới thì cũng chỉ điểm qua để phê phán), họ như được chắp cánh. Một học sinh khoá sau, Cao Xuân Hạo, người sau này là giáo sư ngôn ngữ có uy tín, đã sáng tác ca khúc “Học triết học” đầy hoan hỉ và phấn khởi khi vào học chỉ mới được vài tháng. Ra trường, họ còn mang theo niềm hãnh diện. Già nửa thế kỉ đã qua. Có người bình tâm lưu những kỉ niệm cũ. Có người bất ưng. Có người thậm chí thoá mạ. Có người chẳng muốn nhớ lại.

Dẫu sao thì chặng đường trên ghế nhà trường ấy cũng gắn với một giai đoạn vận mệnh dân tộc, một giai đoạn có thể nói là hào hùng, nhìn chung. Đừng vì những vết xám xen vào ngày ấy, đừng vì những bất như ý sau này mà bôi đen hoặc xoá bỏ kí ức một thời!

11 – 2012

(Rút từ cuốn “Có những mái trường”)

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434728

Hôm nay

2348

Hôm qua

2310

Tuần này

21378

Tháng này

211776

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434728