Văn hoá học đường

Thiếu kỹ năng sống – mãi là người “khuyết tật”

Một nhà hiền triết có nói rằng, trên trái đất không có sinh vật nào như con người: Học để tồn tại, học để biết, học để có thể chung sống với những người khác, học để kiếm tìm thành công, hạnh phúc…, mất hết phần lớn cuộc đời – nếu không muốn nói là suốt đời, như người xưa dạy, học nhi bất yếm. Thế nhưng, điều lạ kỳ ở nước ta là học sinh (thậm chí cả sinh viên đại học) không hề biết hoặc biết rất ít kỹ năng sống (KNS). Câu hỏi đặt ra là – Tại sao vẫn cứ loay hoay mãi về sự phi lý, để rồi, giáo dục chỉ tạo ra những con người bị “khuyết tật” suốt cả cuộc đời?

Những sự thật hiển nhiên của “nhầm lẫn”

KNS, theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là “khả năng thích nghi và hành vi tích cực cho phép cá nhân có khả năng đối phó hiệu quả với nhu cầu và thách thức của cuộc sống hàng ngày". Định nghĩa trên, tự nó đã khẳng định rõ hơn giá trị của chân lý: Mọi sinh vật, nếu không thích nghi được với môi trường xung quanh thì khó có thể tồn tại một cách an lành, hay nói khác hơn, sự khiếm khuyết về KNS sẽ là một tai họa lâu dài.

Thống kê cho biết, trung bình mỗi ngày có 10 trẻ em bị chết đuối, gần 30 người chết vì tai nạn giao thông (Vitranimex.vn, 30.1.2013)(!) Loại bỏ những yếu tố khách quan như bị “chuột rút”, bị người khác tông vào…, thì, chắc chắn rằng nguyên nhân thiếu KNS chiếm phần quan trọng nhất trong các nguyên nhân gây ra những cái chết thương tâm. Tại sao ở một nước có nhiều ao, hồ, sông ngòi, thường xuyên bị lũ lụt mà hàng triệu con người không được học bơi? Gần đây, cũng đã có cái gọi là học bởi một số trường dạy cho các em bơi… trên giấy. Đối với vấn nạn TNGT trầm trọng hiện nay, dù muốn hay không chúng ta cũng buộc phải thừa nhận rằng do thiếu hẳn KNS tối thiểu như tuân thủ luật pháp (luật GTĐB); tôn trọng người khác (thói quen nhường đường, đi đúng phần đường, đúng tốc độ); thích nghi với đường sá nhỏ hẹp, phương tiện chật chội; sự hiểu biết đúng về tự do, về thái độ sống đúng trong cộng đồng  – là được làm những gì luật pháp cho phép và không làm ảnh hưởng đến người khác…

Người viết bài này đã từng thử tiến hành một cuộc khảo sát nhỏ đối với sinh viên năm cuối về KNS với một loạt câu hỏi xung quanh chuyện… tìm việc làm. Các câu hỏi được đưa ra là: Trong một tuần lễ, ngày nào, khoảng thời gian nào là thích hợp nhất để đi xin việc? Trang phục như thế nào là là hợp lý nhất? Quan sát, hiểu biết về công ty, cơ quan, tâm lý của người mình cần gặp có quan trọng không? Khiêm tốn cần hơn hay sự tự kiêu một chút cần thiết hơn?... Hầu hết SV  sắp trở thành người tự mình phải bon chen trong đời lúng túng với các câu trả lời. Chẳng hạn, hầu hết đều trả lời theo cách dễ nhất, “Dạ, ăn mặc cho kín đáo là tốt ạ”.

Thì ra, cái sai lầm, khiếm khuyết căn bản trong giáo dục tìm ở bất kỳ môn học nào cũng có. Chẳng hạn, tất cả các giáo trình về môn học Lịch sử Văn minh Thế giới đều dạy cho SV rất nhiều về những điều mang tầm “vĩ mô” như  Kim Tự Tháp Ai Cập lớn như thế nào, phát minh ra tàu vũ trụ quan trọng ra sao nhưng lại “quên” hoàn toàn chuyện tưởng “nhỏ nhặt” như phát minh ra kính lão đã kéo dài thời gian sống hữu ích (tiếp tục lao động, cống hiến) cho muôn triệu con người. Chuyện tưởng là lá cỏ nhưng điều nguy hại dài lâu nằm ở chính cái màu xanh thờ ơ của nó: Môn học nào cũng chỉ nói đến cái tầm to lớn, cao siêu như chủ nghĩa anh hùng cách mạng, làm chủ tập thể, lý tưởng cao đẹp mà “quên” mất rằng làm sao sinh viên sau khi ra trường có thể làm chủ tập thể trong khi chưa làm chủ được (tự ti, mặc cảm, ngại bày tỏ chính kiến…) chính bản thân minh? Cũng tương tự như thế, không thể có câu trả lời thỏa đáng khi một đồng nghiệp nước ngoài hỏi rằng tại sao SV, là công dân, có quyền bầu cử lại không biết cách tập thể dục để đến nỗi trường đại học phải có môn thể dục? Chẳng lẽ các công dân - SV chưa biết cách chọn cho mình một môn thể thao thích hợp nên trường đại học phải dạy (và hành hạ bằng các cách thi để trượt, để chạy điểm… cho từng người một cách tập thể dục? Nếu ai đó chưa tin thì thử kiểm tra xem có phải môn thi lại nhiều nhất, khó nhất là môn… thể dục hay không?...

Thay đổi sao đây?

Có lẽ chẳng có nước nào lại sử dụng phổ biến – đến mức hơn cả chuyện đời thường, những từ giàu âm thanh và hình tượng như đổi mới, tái cơ cấu, đột phá, bước ngoặt… nhiều như nước ta. Câu hỏi đi kèm là, tại sao bước ngoặt nhiều như thế mà giáo dục không thấy biến chuyển nếu không muốn nói là đã… tệ hơn và, nghèo vấn chưa hết nghèo? Hay phải chăng do ngoặt quá về lượng mà chẳng thay đổi gì nhiều về chất, thành thử sau một thời gian lại trở về chốn cũ?

Tại sao trong các trường THPT không cho học sinh tự chọn, tự định hướng cho chính mình con đường họ sẽ theo đuổi như nhiều nước tiên tiến đã áp dụng? Bắt một học sinh thích học văn phải giỏi ‘đồng đều’ về vật lý cũng chẳng khác gì bắt mèo ăn rau như truyện Trạng Quỳnh. Hãy tin rằng KNS phải bắt đầu từ đây: Khi học sinh say mê, yêu thích môn học thì sự thích nghi sẽ đến, sẽ tự tìm ra cách tốt nhất để học khá hơn. Bước tiếp theo là các tiết học về giáo dục công dân hãy thôi, hãy bớt nói về những thứ cao siêu mà nên dạy cho học sinh ‘thói quen’ không chấp nhận sự dối trá. Nếu khi nhỏ ai cũng có bé ngoan, lớn lên ai cũng lao động tiên tiến thì cố gắng để làm gì? Cũng tương tự như thế, chỉ cần chịu cúi luồn, “đóng” đủ tiền các loại và phải biết chai lỳ trước  sự thật thì tha hồ bổ sung các loại bằng cấp. Có nơi đâu do kém cỏi, không xin được việc làm lại dễ dàng trở thành ông, bà thạc sĩ hay không?

KNS cũng phải được mở đầu bằng SGK thiết thực, phù hợp với môi trường, hoàn cảnh sống. Ít nhất, phải có 3 bộ SGK cho học sinh ở các thành phố, nông thôn đồng bằng và nông thôn rừng núi. Bắt học sinh miền núi học và thi như học sinh ở TP HCM, HN, ĐN… là cách làm thui chột KNS của trẻ bởi sự khác biệt rõ ràng về nhận thức, môi trường sống.

Trẻ em nhiều nước được dạy từ nhỏ rằng khi lên xuống cầu thang nam phải đi trước, ai cũng phải nép qua một bên để người khác đi nhanh hơn vượt qua; không nhìn khi thấy người khác mở ví hay mở tủ; không nói quá to ở chỗ công cộng… Những cái sự bình thường, đương nhiên đó, tiếc thay lại là KNS tối thiểu mà đa số học sinh, SV ta không biết.

Lên đến bậc ĐH, CĐ, TH thì lối mòn của áp đặt, định hướng về tư duy lại tiếp tục… nâng cao(!) Trước hết, một thực tế hiển nhiên là trên thế giới có đến hàng chục nước phát triển thành công, xã hội ổn định, lành mạnh nhờ có nền giáo dục đúng hướng, hiệu quả là điều sáng tỏ như ban ngày. Bí quyết giản dị đến nỗi nói ra sẽ bị khổ lắm, bàn mãi: Theo GS Nguyễn văn Tuấn, ĐH New South Wales, Úc, một nền giáo dục mở đường cho đại học tự chủ luôn hướng đến tự do học thuật là điều kiện tiên quyết của sáng tạo và tiến bộ (VNN, 15.11.2013).

8 chữ in đậm trên có thể coi là 8 chữ vàng vì để đạt được sự rõ ràng và dễ hiểu ấy lại là bài toán khó vô cùng.

Ai cũng biết trường ĐH là tinh hoa, là nơi chốn để kiếm tìm chân lý nhưng nếu không tự chủ, không tự do học thuật thì chẳng khác gì “cho phép” cái vòng kim cô huyền bí của tự nghĩ, tự hiểu, tự định hướng tìm ra cách “sáng tạo” thế nào đó trên một tuyến đường ray duy nhất.

KNS trên giảng đường ĐH trước hết, phải bắt SV đứng thẳng, ngẩng cao đầu trước thầy, cô giáo. Chừng nào còn chưa tự tin, cứ mãi duy trì cách khom lưng, lúng túng có từ hàng ngàn năm thì chừng đó không thể làm chủ được cuộc sống. Khuyến khích SV phản biện tức là chấp nhận những suy tư không đồng nhất, thậm chí ngược chiều. Vậy, nếu SV nói ra sự thật, không đúng với “định hướng” thì giải quyết sao đây? Hỏi điều này khá vô duyên bởi hầu như ai cũng biết câu trả lời: Không thể có những con người tự chủ nếu những người đó liên tục bị áp đặt nhận thức, suy nghĩ suốt 16 năm trời(!) Có một tình trạng phổ biến là cứ mỗi khi có SV nào đó phản bác lại thầy, cô thì y như rằng từ quy chụp hiển nhiên sẽ ập xuống tức thì: Hỗn, hoặc nặng hơn, “phản động”! Vì không dám “hỗn”, sợ bị quy chụp về tư tưởng nên đến khi ra trường, mọi sai trái, bất công đều được tặc lưỡi, cho qua, tức là phản ứng, thích nghi với cuộc đời bằng sự tiêu cực, góp phần tạo nên một xã hội ù lì, vô cảm…

Khi những dòng viết này đang đi đến đoạn kết thì nhận được tin báo thật xót xa: Vụ cháy nhỏ ở khu vui chơi Zone9x, Quận Hai bà Trưng, Hà Nội chiều 19.11.2013, đã làm chết 6 người(!) Theo Đại tá Tô Xuân Thiều, Phó GĐ Sở CS PCCC TP HN thì nguyên nhân gây tử vong là do kém hiểu biết: Những nạn nhân là công nhân thay vì chạy ra cửa để tránh ngạt khói lại chạy vào trong. Một lần nữa, bài học từ việc thiếu KNS là hết sức nặng nề. Con người, trong bảy tám mươi năm của cuộc đời phải đối mặt với biết bao điều bất trắc mà chỉ cần một chút kiến thức nhỏ nhoi, sẽ sống thoát…

Trong dịp lễ 2.9 vừa qua, người viết bài này cùng gia đình có đi qua Lào. Thành viên nhỏ nhất là bé Trang, cháu ngoại, mới  ba tuổi rưỡi. Khi vừa đến đất Lào, bé Trang chỉ cái nhà sàn và reo lên “A, nhà Bác Hồ Chí Minh”. Tất cả đều bật cười vì bé nhỏ thế mà đã biết được điều ngoài sức tưởng tượng của người lớn. Thế nhưng, lúc bé ăn kẹo, nó bóc giấy và vô tư thả xuống lòng đường. Khi bị mẹ la sao không bỏ giấy vào thùng rác thì bé hỏi, “Thùng rác ở đâu” với giọng Đà Nẵng rất dễ thương.

KNS quả là vừa xa vừa gần đúng như câu chuyện trên: Nền giáo dục của ta thành công về những lẽ cao siêu nhưng bế tắc, loay hoay về những điều thật là nhỏ nhặt, đời thường…(!)?

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443259

Hôm nay

2150

Hôm qua

2305

Tuần này

21072

Tháng này

218433

Tháng qua

112676

Tất cả

114443259