Văn hoá học đường

“Trận đánh lớn…” rối mù !

Nói về Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã từng ví von: “Tôi coi thực hiện đề án đổi mới giáo dục lần này là một trận đánh lớn”.

Quyết tâm của vị tư lệnh ngành, không chỉ làm yên lòng người trong cuộc mà còn cả dư luận xã hội nữa, người ta tin tưởng và hi vọng sắp tới giáo dục sẽ có bước chuyển biến thật sự sau “trận đánh” lớn này.

Nhưng, dường như mọi việc không xuôi chèo mát mái như Bộ trưởng nghĩ. “Trận đánh” lớn chưa nổ súng đã…rối mù !

Ngược dòng thời gian, năm 2011, Bộ GD-ĐT tung ra đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) phổ thông với dự toán kinh phí lên đến 70 ngàn tỉ đồng khiến dư luận một phen sửng sốt. Thế rồi, dự án bỗng đi vào quên lãng, không thấy Bộ nhắc đến nữa.

Ba năm sau, ngày 14-4-2014, Bộ lại trình Quốc hội Đề án đổi mới chương trình, SGK phổ thông.  Các vị trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho đến người dân đều cảm thấy sốc và ngỡ ngàng khi nghe Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đưa ra một con số dự toán thực hiện đề án đổi mới chương trình, SGK phổ thông sau năm 2015 là 34.275 tỷ đồng, cho dù con số này chỉ bằng một nửa so với trước đây.

Ngày hôm sau, trong cuộc họp báo định kì quí I, ông Đỗ Ngọc Thống, Vụ phó Vụ giáo dục trung học, thường trực Ban soạn thảo đề án đổi mới chương trình, SGK phổ thông phải đứng ra chịu trận trước báo chí. Khi các phóng viên chất vấn về 34 ngàn tỉ nêu trong đề án, ông Thống cho rằng con số đó chỉ là khái toán, “tạm hình dung”. Trả lời của ông lòng vòng, không đi vào trọng tâm, khiến phóng viên các báo dự họp không hài lòng, thậm chí còn bị đánh giá là ngụy biện, không thẳng thắn.

Quả thực, theo dõi bản tin về cuộc họp báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, không ai là không cảm thấy bức xúc, bởi trước một vấn đề lớn quyết định đến sinh mệnh của giáo dục nước nhà mà xem ra những người được giao trọng trách ở Bộ GD-ĐT lại tỏ ra lúng túng đến thế !?.

Trả lời của ông Thống đầy mâu thuẫn: “Đổi mới lần này không phải là đổi mới nội dung, quan trọng nhất là đổi mới cách dạy và cách học để hình thành năng lực học sinh. Vì vậy, đổi mới lần này sẽ không quá tốn kém về xây dựng cơ sở vật chất, vì tận dụng nhiều, chủ yếu là ứng dụng CNTT”.

Ô hay, không đổi mới nội dung sao đề án lại có tên là đổi mới chương trình, SGK phổ thông ? Không quá tốn kém sao lại ngốn đến 34 ngàn tỉ ?

Chuyện sống còn của giáo dục nước nhà được đưa ra trình UBTV Quốc hội mà ông Vụ phó lại bảo đấy là “bảo vệ thử” như bảo vệ một cái luận văn. Thật không thể tưởng tượng nổi !

Quả là một cuộc họp báo gây thất vọng, làm mất niềm tin của nhân dân về tương lai của ngành giáo dục. Có lẽ vì thế mà chỉ sau đó mấy hôm, ngày 20-4, Bộ trưởng phải đăng đàn để trấn an dư luận. Về con số hơn 34 ngàn tỉ, Bộ trưởng khẳng định Tờ trình và hồ sơ gửi sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội không có con số này và "Đây là một sai sót, sơ suất đáng tiếc.” (!?)

Thế ra ở lãnh đạo cấp cao của Bộ GD-ĐT mà vẫn có chuyện “ông nói gà bà nói vịt” ư ? Các vị được giao trọng trách cầm cân nảy mực cho giáo dục nước nhà mà cứ như thế thì dân còn biết tin vào ai ?

Than ôi, “trận đánh” lớn mà Bộ trưởng tâm huyết, ấp ủ bấy lâu, vẫn chẳng thể phát lệnh tấn công bởi kế hoạch tác chiến rối mù. Vị tư lệnh ngành đành phải ngậm ngùi đề nghị “Tổng hành dinh” cho lùi thời gian khai hỏa vô thời hạn. Thế cũng là may, nếu không, bao nhiêu “quân tướng” sẽ “chết”, bao nhiêu tiền bạc sẽ tan thành mây khói bởi một “trận đánh lớn” nhưng lại bé về tầm chiến lược.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443312

Hôm nay

2203

Hôm qua

2305

Tuần này

21125

Tháng này

218486

Tháng qua

112676

Tất cả

114443312