Khách mời văn hóa

Ông Hồ Mậu Thanh - Bí thư Đảng Đoàn Hội LHVHNT Nghệ An: Muốn có tác phẩm “đỉnh cao” phải có cái đức của người cầm bút, có cái tài hoa thiên phú của người làm công việc sáng tạo…

LTS: Ông Hồ Mậu Thanh là một hội viên lâu năm và nay là Bí thư Đảng Đoàn Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Nghệ An. Trước thềm Đại hội X, ông có cuộc trò chuyện với nhà văn Đàm Quỳnh Ngọc - Trưởng ban Công tác Hội viên - xung quanh những vấn đề về Hội. Văn hóa Nghệ An xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số nội dung chính của cuộc trò chuyện này.

Nhà văn Đàm Quỳnh Ngọc (ĐQN): Ông đã từng giữ nhiều chức vụ quản lý Nhà nước; là hội viên lâu năm, có 6 tập thơ được xuất bản và nhiều ca khúc phổ thơ được công chúng mến mộ, xin ông cho biết ý kiến riêng của mình về thơ?

Ông Hồ Mậu Thanh (HMT): Do bận công việc, tôi chưa có điều kiện để nghiên cứu một cách hệ thống lý luận về thơ, nhưng trong thực tế tôi thấy độc giả cảm thơ, hiểu thơ, bình luận thơ và có những định nghĩa về thơ khác nhau. Tôi nghĩ, nên tôn trọng các suy nghĩ cá nhân đó. Bản thân tôi thích và yêu thơ từ thời còn học phổ thông, sau này có làm thơ, có những ca khúc được phổ nhạc. Tôi hiểu thế này: thơ là tiếng lòng, là cảm xúc thăng hoa của cá nhân trước cuộc sống, được thể hiện ra bằng một phương pháp xếp chữ độc đáo, cá tính và tồn tại trong đối chứng; Phải yêu cuộc đời và con người tha thiết, phải biết vui buồn, biết đau, biết khổ và rung động trước cuộc sống và con người mới có thơ hay.

ĐQN: Tôi biết người làm quản lý bận rất nhiều việc, song ông luôn dành thời gian giao lưu với bạn bè, văn nghệ sỹ, ông có thể chia sẻ một chút ở góc độ này?

HMT: Dù bận đến bao nhiêu tôi cũng cố gắng sắp xếp thời gian phù hợp dành riêng cho mình, cho gia đình và bạn bè. Chúng ta sống hòa đồng, vì hòa đồng tồn tại trong tổng hòa. Chủ yếu là ngày nghỉ, tôi thường dành tình cảm cho bạn bè, văn nghệ sỹ. Tôi nghĩ đơn giản thế này: văn nghệ sỹ là người có học, có hiểu biết, lĩnh vực công tác của họ là địa hạt "cao sang". Họ có tài, có tâm, sống nhân văn, gần họ tôi "gạn đục khơi trong" và tiếp thu thêm những kiến thức giúp mình "khôn lớn", có thêm kinh nghiệm sống để làm việc. Tôi nói thêm là văn nghệ sỹ đọc nhiều, nhiều thông tin và dự báo rất nhạy cảm. Ngược lại, chúng tôi có rất ít thời gian để đọc, do vậy tôi đã tìm đến với sự giao thoa, giao cảm và bù trừ.

ĐQN: Ông có nhận xét gì về đội ngũ văn nghệ sỹ tỉnh nhà và những đứa con tinh thần của họ?

HMT: Số lượng hội viên tỉnh ta rất lớn (316 người), cơ bản hội viên sinh ra, lớn lên và trưởng thành trên vùng đất văn vật có truyền thống hiếu học, yêu nước và cách mạng, phần lớn hội viên được học hành, đào tạo rất cơ bản. Trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, với độ tuổi bình quân như hiện nay thì họ đã từng trải qua 2 cuộc đấu tranh cách mạng vĩ đại của dân tộc, có kinh nghiệm nghề nghiệp, vốn sống và tài hoa. Thiên nhiên Nghệ An là vùng đất rất khắc nghiệt, mưa nắng, lũ lụt, bão giông, văn nghệ sỹ cũng phải gồng mình để chống đỡ, vượt qua. Thực tế này hình thành trong văn nghệ sỹ Nghệ An một bản lĩnh kiên cường, một nghị lực sống vượt trội, một phong cách cứng cỏi, mạnh mẽ, đặc điểm này cũng ảnh hưởng rất lớn đến phong cách sáng tác của họ. Tôi thấy văn nghệ sỹ tỉnh nhà qua các thời kỳ đều có những tác phẩm để đời. Nhiều tác phẩm đạt giải thưởng cao ở khu vực, Trung ương và cả giải thưởng quốc tế. Có thể kể đến một số hội viên được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật. Đó là, cố nhà thơ Minh Huệ (nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh) với với 3 tập thơ: Đêm nay Bác không ngủ (1985), Tiếng hát quê hương (1959), Đất chiến hào (1970); Nhạc sỹ Ánh Dương với cụm tác phẩm: Chào em cô gái Lam Hồng, Dốc lũng dốc sức giải phóng miền Nam, Hoa đào nở trên biên giới, Phu Chăm Xy, giao hưởng Tượng đài chiến thắng,…; Tôi trân trọng các tác phẩm, chính họ đã góp phần tạo nên diện mạo đa phong cách, đa sắc màu của văn hóa, văn học nghệ thuật Nghệ An, được mệnh danh là văn hóa xứ Nghệ. 

ĐQN: Theo ông, thế nào là một tác phẩm "đỉnh cao" và làm thế nào để có được tác phẩm đỉnh cao?

HMT: Thế nào là một tác phẩm "đỉnh cao" thì khó trả lời. Theo tôi, là tùy thuộc vào đánh giá của người đọc. Nếu căn cứ vào tiêu chí, các giải thưởng hoặc các chứng chỉ xếp loại để công nhận cũng chỉ là tương đối. Tác phẩm "đỉnh cao" của nghệ thuật còn phụ thuộc vào thẩm mỹ của thời đại, thế mới có chuyện có người từ chối nhận giải. Giải ở nước này thì nước khác cấm lưu truyền. Giải ở thời này thì thời sau bạn đọc quên lãng... Vì vậy tôi thiển cận nghĩ rằng, một tác phẩm đạt "đỉnh cao" thì phải được công chúng thích thú đón nhận và sống lâu trong đời sống xã hội, vượt không gian thời gian. Được đại đa số bạn đọc đồng cảm và tìm được sự gần gũi, giao thoa với chính mình trong tác phẩm. Còn câu chuyện làm thế nào để có được tác phẩm "đỉnh cao" thì chính các văn nghệ sỹ mới trả lời được. Vì tác phẩm nghệ thuật là sản phẩm của cá nhân. Tôi nghĩ để nghệ sỹ có được tác phẩm "đỉnh cao" trước hết phải có cái đức của người cầm bút, có cái tài hoa thiên phú của người làm công việc sáng tạo, phải thấu hiểu cuộc đời một cách sâu sắc và phải đồng cảm với mỗi vui buồn của nhân tình thế thái. Kết quả từ những cộng hưởng trên may chăng tiệm cận được với tác phẩm "đỉnh cao".

ĐQN: Gần đây Đảng và Nhà nước nói nhiều đến vấn đề xã hội hóa ở lĩnh vực văn hóa, văn học. Theo ông xã hội hóa văn hóa ở Hội Văn học nghệ thuật cần tập trung vào những nội dung gì?

HMT: Đương nhiên là khó có thể xã hội hóa trên lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, vì sản phẩm nghệ thuật về cơ bản là sản phẩm cá nhân. Tuy nhiên, có một số loại hình có thể xã hội hóa được với tỷ lệ cao như: lĩnh vực sân khấu, điện ảnh, phần hậu trường của các hoạt động nghệ thuật giải trí khác... Ở Hội chúng ta lâu nay tôi thấy nhiều tác giả có tác phẩm tốt. Song rất khó khăn về kinh phí in ấn, có điều kiện để in được thì phát hành rất khó, chuyển tải tác phẩm đến công chúng còn khó khăn hơn. Nên chăng, Hội làm cầu nối để tập trung vào xã hội hóa các khâu cơ bản như kêu gọi đầu tư in ấn theo tác phẩm có chủ đề phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực do các doanh nghiệp đặt hàng hoặc tài trợ, quảng bá rộng rãi tác phẩm hay, tác phẩm có giá trị về tư tưởng nghệ thuật để phục vụ công chúng. Vận động tài trợ cho các phong trào sáng tác theo chủ đề, các đợt đi thực tế để lấy tư liệu, khâu nối giao lưu trao đổi kinh nghiệm với các hội, các tỉnh, thành lập quỹ sáng tạo nghệ thuật. Nếu làm tốt những vấn đề trên, tức là đã xã hội hóa về lĩnh vực văn học nghệ thuật.

ĐQN: Là Bí thư Đảng đoàn Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An, theo ông, làm thế nào để Hội ngày càng phát triển?

HMT: Đây là vấn đề khó, cần có một hệ thống giải pháp, trong đó giải pháp quan trọng nhất là nhân tố con người. Song không phải là không làm được. Tôi xin nói mấy ý như sau: Ban Chấp hành Hội cần tiếp tục đoàn kết và tập hợp rộng rãi các tầng lớp hội viên, kể cả kết nạp thêm hội viên mới; Tạo môi trường thông thoáng, cởi mở, lành mạnh, minh bạch để động viên sức sáng tạo của văn nghệ sỹ; Xây dựng và tham mưu cơ chế chính sách cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh trên nhiều lĩnh vực phù hợp với tính đặc thù của sáng tạo nghệ thuật để anh em văn nghệ sỹ có điều kiện đi thực tế và sáng tạo. Từ đó mới khơi dậy sự đam mê, lòng yêu nghề của văn nghệ sỹ, chắc chắn sẽ có tác phẩm tốt. Làm được như vậy mới là thành công của Hội cũng là thành công của các cấp lãnh đạo tỉnh Nghệ An trong thực hiện chính sách đối với văn nghệ sỹ và thể hiện được trách nhiệm của giới này trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441518

Hôm nay

2235

Hôm qua

2283

Tuần này

21422

Tháng này

216692

Tháng qua

112676

Tất cả

114441518