Khách mời văn hóa

Hãy trao thêm quyền hạn và trách nhiệm cho phụ nữ trong việc phòng chống bạo hành phụ nữ và trẻ em

TS. Hồ Bất Khuất

UBND tỉnh Nghệ An vừa có báo cáo gửi Đoàn giám sát của Quốc hội, Bộ LĐTB&XH việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em từ tháng 1/2015 đến tháng 6/2019. Theo báo cáo này, trong 5 năm qua, trên địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra 114 vụ xâm hại trẻ em. Trong đó có những vụ nghiêm trọng như 7 người cùng giao cấu, dâm ô cháu bé dưới 16 tuổi; thầy giáo dâm ô học sinh lớp 5…Để tìm hiểu thêm về thực trạng bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em và các giải pháp phòng chống ở Nghệ An, Văn hóa Nghệ An đã có cuộc trao đổi với TS. Hồ Bất Khuất  -  Tạp chí Gia đình và Trẻ em. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

THỰC TRẠNG PHỤ NỮ VÀ TRẺ EM BỊ BẠO HÀNH LÀ NGHIÊM TRỌNG

Nguyễn Thái Xuân Sơn: Kính chào ông! Thực trạng xâm hại trẻ em hiện nay đang là vấn đề gây bức xúc dư luận, đặc biệt là con số 114 trẻ em (108 em nữ, 6 em nam) bị xâm hại trong 4 năm gần đây ở Nghệ An. Ông có suy nghĩ, nhận định như thế nào về thực trạng này?

TS. Hồ Bất Khuất: Vâng, trong vòng 15 năm nay, tôi công tác tại Tạp chí Gia đình và Trẻ em - cơ quan ngôn luận của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nên tôi theo dõi sát sao vấn đề bình đẳng giới, bạo hành phụ nữ và trẻ em. Là người Nghệ An nên tôi rất quan tâm đến tình hình quê nhà. Con số 114 trẻ em ở Nghệ An bị xâm hại trong thời gian hơn 4 năm trở lại đây đã có vẻ lạc hậu rồi. Đến thời điểm hiện tại, những con số này là 134 em bị xâm hại; trong đó, có 128 nữ, 6 nam; có 6 em bị xâm hại bạo lực, bạo hành; 99 em bị xâm hại tình dục; 29 em bị mua bán.

Tình hình ở Nghệ An cũng giống tình hình ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước. Đó là nạn bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em không giảm, mặc dù chúng ta tăng cường công tác phòng, chống. Vấn đề này khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng, hoang mang. Có thể nói, đây là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội. Nó khiến chúng ta thấp thỏm, bất an; và ở mức độ nào đó, nó khiến chúng ta xấu hổ. Sở dĩ, thực trạng này tồn tại đã khá lâu và kéo dài cho đến hôm nay là vì nhiều người chưa nhận thức hết mức độ nghiêm trọng của nó; các cơ quan chức năng nói về vấn đề này thì hay nhưng làm vẫn còn dở… Quốc hội đã quan tâm tới vấn đề này và đã đưa vào chương trình giám sát cao cấp.

Nguyễn Thái Xuân Sơn: Có ý kiến cho rằng, những số liệu thống kê về trẻ em bị xâm hại chưa hoàn toàn chính xác. Lý do là vìhọ lo ngại dư luận sẽ tạo nên áp lực cho con trẻ. Là người thân của trẻ em, liệu việc không tố giác hành vi xâm hại trẻ em đã thực sự hợp lí chưa và nó có thể dẫn đến hệ quả nào, thưa ông?

TS. Hồ Bất Khuất: Tôi cũng cho rằng, số liệu thống kê về trẻ em bị xâm hại chưa chính xác. Tôi có thể nói thẳng là nó còn thấp hơn rất nhiều so với thực tế.Các chuyên gia cho rằng, những con số được công bố chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.  Đây là điều khiến cánh nhà báo chúng tôi không hài lòng và khi viết “lỏng tay”. Nguyên nhân của việc này có nhiều. Thứ nhất, người ta cho rằng, việc xâm hại trẻ em là việc xấu, vì thế không cần trưng ra nhiều, Việt Nam có câu thành ngữ “Tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại” mà.Thứ hai, để điều tra và khẳng định một vụ xâm hại tình dục trẻ em rất khó khăn, phức tạp vì thông thường, chẳng có ai làm chứng cả.Thứ ba, đúng là nhiều gia đình có con bị xâm hại không muốn tố cáo sự việc này vì họ sợ bị ảnh hưởng tới danh tiếng của gia đình, ảnh hưởng tới tương lai của con sau này. Nhưng đây là nhận thức sai và hành vi này dẫn tới nhiều điều tai hại. Đó là, nó góp phần che giấu tội phạm; nó cũng làm cho đứa trẻ bị xâm hại ấm ức và sợ hãi vì cảm thấy không được che chở, bảo vệ; nó gián tiếp khuyến khích những kẻ có “máu dê”tiếp tục xâm hại vì chúng nghĩ rằng khả năng bị vạch mặt là rất thấp.

Nguyễn Thái Xuân Sơn: Tại Việt Nam, hành vi bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em bị pháp luật trừng phạt nghiêm khắc. Tuy nhiên, không vì thế mà tình hình xâm hại trẻ em có dấu hiệu suy giảm. Thậm chí, đã xẩy ra nghịch lý là càng đẩy mạnh phòng chống, việc xâm hại càng nhiều hơn. Ông có ý kiến thế nào về vấn đề này?

TS. Hồ Bất Khuất: Không có nghịch lý “càng đẩy mạnh phòng chống, việc xâm hại càng nhiều hơn” đâu! Thực tế là khi chúng ta đẩy mạnh công tác phòng chống bạo hành phụ nữ, trẻ em, chúng ta phát hiện nhiều vụ việc hơn. Về hình thức thì có vẻ là nghịch lý nhưng nó vẫn nằm trong logic. Vấn đề là khi chúng ta buông lỏng việc phòng chống, nhiều vụ xâm hại xẩy ra nhưng không bị tố cáo, không bị phát hiện nên chúng ta có cảm giác chúng xẩy ra ít hơn. Còn khi chúng ta đẩy mạnh việc phòng chống, nhiều vụ việc bị phanh phui nên chúng ta có cảm giác nhiều hơn. Thực tế là nếu chúng ta phòng chống kém hay không phòng chống thì tình hình sẽ trở nên tồi tệ.

PHẢI ĐẨY MẠNH PHÒNG CHỐNG BẠO HÀNH PHỤ NỮ VÀ TRẺ EM HƠN NỮA

Nguyễn Thái Xuân Sơn: Trong thời gian gần đây tỉnh Nghệ An đã đẩy mạnh việc phòng chống bạo hành phụ nữ và trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh.Các sở, ban, ngành; các cấp chính quyền đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Tuy nhiên, tình trạng xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh chưa có dấu hiệu giảm. Vậy theo ông, cần phải làm những gì để đạt được hiệu quả mong muốn?

TS. Hồ Bất Khuất: Tôi ghi nhận Nghệ An đã chủ động đẩy mạnhviệc phòng chống bạo hành phụ nữ và trẻ em.Hàng năm đã phát động và hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới xoay quanh chủ đề “Chủ động phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em”. Trên thực tế, tình hình đã có những chuyển biến tích cực.

Nghệ An là tỉnh có diện tích rộng nhất nước, dân số trên 3 triệu người với địa bàn rất phức tạp nên cần phải nắm bắt tình hình sâu sát và có những biện pháp cụ thể.Ví dụ, ở Nghệ An có hình thức phạm tội mới: Các đối tượng tìm đến các gia đình có phụ nữ mang thai sắp sinh ở các vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số để dụ dỗ, rủ rê lôi kéo đưa sang Trung Quốc sinh con rồi bán con lại cho người Trung Quốc. Hiện tượng này xẩy ra ở huyện Kỳ Sơn và một số huyện miền núi. Đây được xem là hành vi bạo hành nghiêm trọng đối với phụ nữ và trẻ em nhưng vì hành vi này mới diễn ra nên ta có phần lúng túng trong đối phó và xử lý.

Tôi nghĩ, lực lượng chức năng của Nghệ An, đặc biệt là Công an Nghệ An đã có kế hoạch ngăn chặn có hiệu quả loại tội phạm mới này để bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Điều này liên quan đến sức khỏe thể chất, tinh thần, tình cảm và đạo lý của bà con; nghĩa là phải ngăn chặn loại tội phạm này để bảo đảm cuộc sống yên vui, lành mạnh của bà con ở vùng sâu, vùng xa.

Nguyễn Thái Xuân Sơn:: Thưa ông, cuộc sống sau này của những đứa trẻ bị bán ngay khi mới sinh sẽ ra sao?

TS. Hồ Bất Khuất: Nói thật là tôi buồn, đau đớn, day dứt khi biết đến loại tội phạm này diễn ra trên địa bàn Nghệ An. Không thể tưởng tượng được tương lai của các em bé đó ra sao?! Chỉ biết rằng chúng ta xót xa cho những số phận đó. Vì vậy, cần phải làm mọi cách để chấm dứt nỗi đau này.

Nguyễn Thái Xuân Sơn: Những đứa trẻ bị xâm hại thực sự khó có thể quên đi những ám ảnh về những gì mà mình phải trải qua. Những bậc làm cha mẹ cũng như cộng đồng xã hội cần làm gì để động viên được các em, giúp các em vượt qua được khủng hoảng tâm lý và có sự tự tin bước vào đời?

TS. Hồ Bất Khuất: Thực tế cho thấy những trẻ em bị xâm hại tình dục bị ám ảnh gần như suốt đời vì chuyện này. Nhiều em bị sang chấn tâm lý, thậm chí có một số em tìm đến cái chết. Nói như vậy để thấy việc xâm hại tình dục gây tác hại rất lớn đối với trẻ em về thể chất và tâm lý, đặc biệt là về tâm lý. Vì vậy, để giảm nhẹ những tác hại nặng nề này, vai trò của cha mẹ rất quan trọng. Họ phải yêu thương, chăm sóc con nhiều hơn, tốt hơn; phải làm cho con hiểu đây là một tai nạn, con chỉ là nạn nhân mà không có lỗi gì; tạo cho con luôn có cảm giác bình yên và được bảo vệ.

Các nhà báo và công an điều tra cũng cần thay đổi cách tác nghiệp để các em không bị tổn thương thêm nữa. Trên thực tế, nhiều nhà báo do không có kỹ năng nên khi tìm hiểu sự việc để đưa tin đã vô tình làm các em và gia đình các em tổn thương thêm nữa. Đó là việc hỏi các em cặn kẽ quá, chụp ảnh các em và đưa lên báo không che mặt, hoặc che qua quít khiến bạn đọc vẫn nhận ra các em; rồi việc đưa tên tuổi, địa chỉ người thân cũng gây cho các em sự bất lợi. Công an điều tra cũng làm các em sợ hãi và đau đớn thêm vì những câu hỏi mang tính nghi kỵ. Đã có những công an đề nghị dựng lại hiện trường một vụ xâm hại tình dục trẻ em. Rồi việc khi xử án, bắt các em có mặt ở phiên tòa cũng là điều gây tâm lý không tốt đối với các em. Tóm lại, trên thực tế, nhiều người chưa hiểu đúng, làm đúng để bảo vệ các em có hiệu quả.

Nguyễn Thái Xuân Sơn:: Theo ông, pháp luật Việt Nam cần làm gì để nâng cao hiệu quả phòng chống hành vi xâm hại trẻ em?

TS. Hồ Bất Khuất: Hành vi xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục được xem là hành vi đặc biệt nguy hiểm. Luật pháp (Bộ Luật hình sự, Luật Trẻ em…) đã quy định những hình thức trừng phạt rất nghiêm khắc như tù chung thân, tử hình. Tuy nhiên, dù pháp luật đã có nhưng hình phạt nghiêm khắc như vậy nhưng tình hình xâm hại trẻ em không có dấu hiệu suy giảm, mà thậm chí còn tăng… Sở dĩ có tình trạng như vậy vì các cơ quan thực thi pháp luật (không phải bản thân pháp luật) không nghiêm, không làm hết chức phận của mình. Chúng ta thấy rằng, đang có thực trạng nhiều vụ án xâm hại tình dục trẻ em, dư luận rất bức xúc vì thủ phạm đã được giảm nhẹ tội bằng cách thay đổi tội danh từ “Hiếp dâm” xuống “Dâm ô”. Đây là 2 tội danh có hai khung hình phạt khác nhau. Vì vậy, việc cần làm hiện nay không phải sửa đổi luật pháp, mà là thực thi pháp luật nghiêm minh để nâng cao hiệu quả phòng, chống xâm hại trẻ em.

Ngoài sử dụng pháp luật ra, việc xã hội, nhà trường, gia đình cảnh giác với các đối tượng có khả năng xâm hại (không loại trừ đối tượng nào vì trẻ em thường bị người thân quen, đáng kính xâm hại) và có thái độ rõ ràng, cương quyết với những kẻ xâm hại trẻ em.

CÁC GIẢI PHÁP PHÒNG CHỐNG BẠO HÀNH PHỤ NỮ VÀ TRẺ EM CÓ HIỆU QUẢ 

Nguyễn Thái Xuân Sơn: Theo ông thì cần thực hiện những giải pháp nào để đạt được hiệu quả trong việc phòng chống bạo hành phụ nữ và trẻ em?

TS. Hồ Bất Khuất: Phải thấy việc bạo hành phụ nữ và trẻ em là một hiện tượng xã hội rất phức tạp. Ở Việt Nam, hiện tượng này có nguồn gốc sâu xa vì chúng liên quan đến tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” của Nho giáo. Nghệ An là đất học nên tư tưởng này ăn sâu hơn, gây hậu quả lớn hơn. Tuy nhiên, cũng phải thấy là người xứ Nghệ lại nhận thức vấn đề nhanh hơn, cương quyết và triệt để hơn khi thực hiện những chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước. Do vậy, tôi nghĩ Nghệ An có những thuận lợi nhất định trong việc phòng chống bạo hành phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là phòng chống xâm hại trẻ em.

Nguyễn Thái Xuân Sơn: Ông có thể chỉ rõ những thuận lợi đó được không?

TS. Hồ Bất Khuất: Để công tác phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em đạt được hiệu quả tốt đẹp, phải đặt nó trong bối cảnh đấu tranh vì sự bình đẳng giới. Muốn vậy, trước hết phải làm cho mọi người biết rằng, về khả năng và trí tuệ, phụ nữ không thua kém gì nam giới, vì vậy, phụ nữ có thể đảm nhiệm bất cứ cương vị nào trong xã hội. Khi phụ nữ nắm giữ những chức vụ quan trọng, họ biết cách bảo vệ phụ nữ và trẻ em.

Đã có chuyện thú vị thế này. Lawrence Summers là vị Chủ tịch thứ 27 của Đại học Harvard. Ông là người có tài (từng làm Bộ trưởng Tài chính)nhưng nói năng thiếu cẩn thận. Ông cho rằng phụ nữ ít thành công trong khoa học so với nam giới vì trí tuệ họ kém hơn. Sau khi khoa học chứng minh bộ não của đàn ông và đàn bà không có gì khác nhau, ông Lawrence Summers lập tức từ chức. Điều thú vị là người được bầu làm Chủ tịch thứ 28 của Đại học Harvard lại là một phụ nữ, đó làbà Catherine Drew Gilpin Faust. Đây là một ngày quan trọng mà người Harvard không thể quên, vì nó đánh dấu sự chấm dứt lịch sử 370 năm cánh đàn ông độc quyền nắm giữ cương vị cao quý nói trên suốt từ ngày Harvard ra đời.

Tôi dẫn lại chuyện này để nói Nghệ An có vẻ thực hiện bình đẳng giới khá tốt so với một số nơi khác.Cụ thể, trong những năm qua, Nghệ An đã thực hiện tốt công tác bình đẳng giới và thu được nhiều kết quả tốt: Tỷ lệ phụ nữ trên địa bàn tỉnh chiếm hơn 50% lực lượng lao động; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt 30,8%; tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh đạt 27,5%, cấp huyện đạt 29,2%, cấp xã đạt 28,1%; có 26% tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp. Như vậy Nghệ An có thuận lợi là vai trò của phụ nữ đã được đề cao.

Nguyễn Thái Xuân Sơn: Hình như tuyên truyền vẫn là một giải pháp quan trọng trong phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em?!

TS. Hồ Bất Khuất: Trong thời đại của chúng ta, để gặt hái được thành công trong tất cả các vấn đề đều phải cần đến báo chí, truyền thông. Đây được xem là nguyên lý. Nếu có những giải pháp tốt nhưng xem nhẹ vai trò của báo chí, truyền thông thì cũng thất bại. Tôi có thể nói thêm là Nghệ An cũng có thuận lợi trong vấn đề này. Theo tôi biết, rất nhiều năm nay, có tới 3- 4 phụ nữ đứng đầu các cơ quan báo chí ở Nghệ An. Như vậy, vì quyền lợi trực tiếp của mình và của con mình, báo chí Nghệ An phải làm tốt công tác này.

Nói như vậy là tôi muốn nhấn mạnh tới giải pháp trao thêm quyền hạn và trách nhiệm cho phụ nữ trong việc phòng chống bạo hành phụ nữ và trẻ em.

Nguyễn Thái Xuân Sơn: Cám ơn ông về cuộc trao đổi cởi mở và thân thiện!

 

                                              

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434946

Hôm nay

2217

Hôm qua

2349

Tuần này

21596

Tháng này

211994

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434946