Khách mời văn hóa

GS. Ahn Kyong-hwan: “Việt Nam là một đất nước văn hiến mãi mãi vì có tác phẩm Truyện Kiều bất hủ”

Trong chương trình kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du và hơn 135 năm Truyện Kiều ra thế giới diễn ra trong năm 2020 tại Paris (CH Pháp), cùng với việc sưu tập, giới thiệu và khảo sát gần 70 bản dịch Truyện Kiều trong 21 ngôn ngữ, chúng tôi thực hiện phỏng vấn các dịch giả Truyện Kiều (hoặc những người phụ trách dự án dịch, dự án xuất bản, tái bản các bản dịch Truyện Kiều) trên thế giới. Từ Hàn Quốc, Giáo sư Ahn Kyong-hwan, cựu Chủ tịch Hội Nghiên cứu Việt Nam học tại Hàn Quốc, cựu Giáo sư trường Đại học Chosun, dịch giả bản dịch Truyện Kiều tiếng Hàn Quốc, đã gửi cho chúng tôi thông tin cá nhân và trả lời các câu hỏi.

Giáo sư Ahn Kyong-hwan

Giáo sư làm quen với văn học Việt Nam và khám phá Truyện Kiều của Nguyễn Du như thế nào?

GS. Ahn: Tôi học tiếng Việt Nam từ năm 1974 tại khoa Tiếng Việt trường Đại học Hàn Quốc. Sau một thời gian làm doanh nghiệp, nhận thấy việc truyền bá ngôn ngữ là một kênh quan trọng để làm nền tảng cho việc phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước, nên trong quá trình làm Giảm đốc Chi nhánh tại Việt Nam của Tập đoàn Hyundai, tôi đã kiên trì theo học hệ cao học (thạc sĩ và tiến sĩ) ngành ngôn ngữ tiếng Việt. Sau khi bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ, tại trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, tôi quyết định trở về Hàn Quốc để trở thành Giáo sư giảng day bộ môn Việt Nam học tại trường Đại học Youngsan và trường Đại học Chosun.

Với mong muốn phát triển ngành Việt Nam học và có thêm nhiều người dân Hàn Quốc có hiểu biết tích cực về Việt Nam, về truyền thống yêu nước và bảo vệ tổ quốc của nhân dân Việt Nam, ngoài việc biên soạn sách dạy tiếng Việt cho học sinh Hàn Quốc, dịch truyện cổ tích..., tôi đã dành phần lớn thời gian của cuộc đời mình để dịch, tự đi xin tài trợ để xuất bản và giới thiệu nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam sang tiếng Hàn Quốc như Truyện Kiều của Nguyễn Du, Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Những năm tháng không thể nào quên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Nhật ký Đặng Thùy Trâm. Việc xuất bản các tác phẩm nổi tiếng của Việt Nam sang tiếng Hàn Quốc đã làm cho người dân Hàn Quốc có nhiều hiểu biết hơn về Việt Nam, có cảm tình với Việt Nam và có những tình cảm kính phục đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tại sao Giáo sư lại chọn dịch Truyện Kiều? Bản dịch đã được thực hiện trong bao lâu, dịch từ nguyên bản tiếng Việt hay thông qua một bản dịch khác? Để thực hiện bản dịch, Giáo sư có tham khảo những bản dịch hay có sự trợ giúp của ai khác?

GS, Ahn: Nhiều người hỏi tôi, tại sao ông lại chọn dịch Truyện Kiều? Tôi luôn luôn trả lời tôi dịch vì tôi muốn giới thiệu văn hóa Việt Nam cho người Hàn Quốc thông qua một tác phẩm tiêu biểu của Văn học Việt Nam. Đó là tác phẩm Truyện Kiều. Để thực hiện dịch tác phẩm này sang tiếng Hàn, tôi mất thời gian khoảng 1 năm.

Tôi dịch từ nguyên bản tiếng Việt và tham khảo Thúy Kiều Truyện tường chú (Quyển thượng, năm 1973 và quyển hạ năm 1974 do nhà văn hóa Bộ Văn hóa, Giáo dục và Thanh niên xuất bản). Và có sự trợ giúp của cô Đinh Thị Kháng, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Khi nào tôi thắc mắc, tôi gửi email đến cô Đinh Thị Kháng để hỏi và tìm tài liệu cho tôi. Tôi không thể nào quên sự trợ giúp của cô.

Giữa ngôn ngữ nguồn là tiếng Việt, đặc biệt tiếng Việt của Nguyễn Du trong Truyện Kiều và ngôn ngữ đích mà giáo sư sử dụng có những điểm tương đồng và khác biệt nào? Những khác biệt đó có ảnh hưởng thế nào trong việc chuyển tải nội dung và cái hay, cái đẹp của Truyện Kiều đến với độc giả?

GS. Ahn: Việc dịch Truyện Kiều sang tiếng Hàn, có một điều khó khăn là Ngôn ngữ Việt Nam và Ngôn ngữ Hàn Quốc thuộc loại hình khác nhau. Nhưng cũng có nhiều tương đồng về mặt văn hóa Hàn Quốc và Việt Nam vì hai quốc gia Hàn Quốc và Việt Nam đều bị ảnh hưởng củavăn hóa Nho giáo Trung Quốc. Điều này làm cho dịch giả truyền đạt trọn vẹn cái hay và cái đẹp của Truyện Kiều.

Ngoài những khác biệt về ngôn ngữ, những khó khăn gặp phải khi dịch Truyện Kiều là gì? Theo Giáo sư, một dịch giả cần có những kiến thức cơ bản và kĩ năng cần thiết nào mới có thể chuyển dịch một tác phẩm như Truyện Kiều sang ngôn ngữ khác?

GS. Ahn: Thực tế, tôi không có gì khó khăn đặc biệt vì 2 cuốn Thúy Kiều Truyện tường chú (thượng, hạ) có Lời dịch giả (Trúc Viên). Trong đó có các điển tích và từ cổ gốc Hán rất nhiều.

Vả lại văn hóa Hàn Quốc và Việt Nam, đều bị ảnh hưởng văn hóa Nho giáo Trung Quốc. Nếu một dịch giả nào muốn trọn vẹn dịch Truyện Kiều thì dịch giả rất cần thiết kiến thức về văn hóa Nho giáo và nhiều điển tích Trung Quốc thời ấy.

Truyện Kiều là một truyện thơ được viết bằng thể thơ lục bát. Tại sao Giáo sư lại chọn dịch thành thơ? Người ta vẫn cho rằng dịch thơ là không thể. Giáo sư thực hiện việc không thể đó như thế nào?

GS. Ahn: Việc dịch Truyện Kiều sang một ngoại ngữ khác có rất nhiều khó khăn, đầu tiên là thể thơ và từ ngữ dùng trong Truyện Kiều. Ngôn ngữ Việt Nam thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập (hay còn gọi là ngôn ngữ cách thể), còn tiếng Hàn là ngôn ngữ chắp dính (ngôn ngữ giao kết), nên không thể dùng luật 6-8 để áp dụng. Trong Truyện Kiều, các điển tích và từ cổ gốc Hán rất nhiều, nên việc giải thích muốn trọn vẹn phải hiểu về văn hóa Việt và văn hóa Trung Hoa thời ấy. Trong thơ Hàn không có loại thơ vần điệu theo kiểu 6-8, thơ Hàn chỉ có thể sáng tác theo kiểu tách nhịp điệu hoặc dùng từ lặp cuối câu để người đọc cảm nhận sự mềm mại của thơ. Nên với Truyện Kiều, tôi dịch bằng thơ tự do, nhưng theo đánh giá của các học giả Việt Nam, GS Ahn Kyong Hwan đã chuyển tải được nguyện vẹn ý thơ của Nguyễn Du trong bản dịch của mình.

“Traduttore, traditore” là một thành ngữ tiếng Ý với nghĩa “Dịch là phản bội” (nghĩa đen: "Người dịch, kẻ phản bội"). Ý kiến của Giáo sư về câu này như thế nào qua việc chuyển dịch Truyện Kiều sang tiếng Hàn Quốc?

GS. Ahn: Nói chung, tôi đồng ý một phần về “Dịch là phản bội” (nghĩa đen: "Người dịch, kẻ phản bội"). Nhưng, về bản dịch Truyện Kiều của tôi, tôi không thể đồng ý hoàn toàn được.

Trong trường hợp, Truyện Kiều được dịch sang những thứ tiếng Tây Âu hoặc những ngôn ngữ mà không bị ảnh hưởng văn hóa Nho giáo, tôi có thể đồng ý thành ngữ “Traduttore, traditore” của Ý. Nói chung, thành ngữ này đều ápdụng được cho các tác phẩm văn học cổ điển Việt Nam bằng chữ Hán.

 Kiến thức về văn hóa gốc (văn hóa Việt Nam) và văn hóa đến (nơi tác phẩm được tiếp nhận) giữ vai trò quan trọng thể nào trong việc truyền tải tác phẩm Truyện Kiểu thông qua bản dịch?

GS. Ahn: Trong tác phẩm Truyện Kiều, giá trị quan trọng nhất là giá trị Trung và Hiếu. Cô Kiều lựa chọn cách đạo lý làm con. Bên tình, bên hiếu bên nào nặng hơn? Cô Kiều chọn bên hiếu vì con người phải biết ơn bố mẹ sinh thành mình. Đó là một giá trị quý nhất về mặt giáo dục. Và tác giả nói mạnh ở phần cuối: “Thiện căn ở tại lòng ta, chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài!” Như vậy, tôi có thể nói Việt Nam là một đất nước văn hiến mãi mãi vì có tác phẩm Truyện Kiều bất hủ.

Truyện Kiều đã được tiếp nhận thế nào ở Hàn Quốc? Bản dịch đã được xuất bản và tái bản bao nhiêu cuốn?

GS. Ahn: Ở Hàn Quốc có ít người nghiên cứu văn học Việt Nam. Sau khi tôi dịch Truyện Kiều vào năm 2004, tôi mới bắt đầu giới thiệu tác phẩm này cho sinh viên ở Hàn Quốc.

Truyện Kiều được giới thiệu vào ngày 21/10/2004 lần đầu tiên với số lượng in 1000 cuốn. Sau khi bản dịch Truyện Kiều ra đời, các báo chí đưa tin giới thiệu tác phẩm Truyện Kiều. Hội Nghiên cứu văn học cổ điển Hàn Quốc, Hội Nghiên cứu Việt Nam học tại Hàn Quốc đã tổ chức hội thảo nhiều lần. Một số nghiên cứu sinh viết luận án thạc sĩ và tiến sĩ. Bây giờ tên tác phẩm Truyện Kiều đã quá quen thuộc với giới nghiên cứu văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam ở Hàn Quốc. Trong thời gian 16 năm qua, khoảng 7-8 nghìn cuốn được in và lưu thông.

Ở Hàn Quốc có tác phẩm nào có thể so sánh với Truyện Kiều, về mô típ cốt truyện hoặc về mức độ phổ biển, tầm cỡ nghệ thuật?

GS. Ahn: Ở Hàn Quốc có tác phẩm có thể so sánh với Truyện Kiều là: Shimcheong truyện (심청전= về mặt giá trị hiếu), Xuân Hương truyện (춘향전/ 春香傳= về mặt giá trị tình yêu), Thục Hương truyện (淑香傳= về mặt cuộc đời khó khăn).

Xin cảm ơn Giáo sư!

Thực hiện: Nguyễn Sông Hương (CT Hội Văn hóa và khoa học Pháp Việt, Paris, CH Pháp)

 

 

(*). Giáo sư Ahn Kyong-hwan sinh năm 1955. tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành tiếng Việt tại trường Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc, Thạc sĩ chuyên ngành tiếng Việt tại Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh và bảo vệ luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ tại trường Đại học KHXH & NV thành phố Hồ Chí Minh.

Từ lâu, tên tuổi Giáo sư Ahn Kyong-hwan đã trở nên quen thuộc với Việt Nam. Ông đã được tặng nhiều huy chương và bằng khen của Việt Nam về văn hóa, văn học, đặc biệt là Huân chương Hữu nghị của Việt Nam cho những hoạt động của ông trong việc thúc đẩy giao lưu hữu nghị với Việt Nam. Giáo sư Ahn Kyong-hwan cũng là một người có nhiều sáng kiến, tích cực và chủ động đổi mới các hoạt động của Hội Nghiên cứu Việt Nam học tại Hàn Quốc và là nhân tố đặc biệt tích cực, đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy phong trào nghiên cứu Việt Nam học tại Hàn Quốc.
Giáo sư Ahn Kyong-hwan đã dịch các cuốn sách Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh (Nxb.Chomyeong Press, 2003), Truyện Kiều của Nguyễn Du (Nxb. Văn hóa Jounal, 2004), Nhật ký Đặng Thùy Trâm (Nxb. Erum, 2008), Những năm tháng không thể nào quên của Võ Nguyên Giáp (Nxb. Zmanz, 2012), Hồ Chí Minh thơ toàn tập, Di chúc của Hồ Chủ tịch (2015), Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi (2018)...

Năm 2003, sau gần 2 năm ông đã hoàn thành việc dịch tập thơ Nhật ký trong tù. Năm 2005, tập thơ tiếng Hàn đã được trao tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội) và được vinh dự trưng bày nhân dịp kỷ niệm 105 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 2005, ông đã vận động 25 nhà thư pháp nổi tiếng của Hàn Quốc tham gia thể hiện các tác phẩm trong tập thơ Nhật ký trong tù. Ông cũng đã vận động các nhà tài trợ để tổ chức 5 cuộc triển lãm các tác phẩm thư pháp này trong thời gian 11 tháng, tại 5 thành phố lớn của Hàn Quốc là Seoul, Busan, Daegu, Mokpo và Gwangju. Năm 2006, ông tiếp tục vận động kinh phí từ các tổ chức và cánhân của Hàn Quốc, cùng với các nhà thư pháp Hàn Quốc sang Việt Nam tổ chức triển lãm Thư pháp Hàn Quốc về thơ Hồ Chí Minh tại Hà Nội, Vinh và thành phố Hồ Chí Minh. Sau triển lãm, các tác giả đã tặng lại 68 bức thư pháp cho Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Giáo sư Ahn Kyong-hwan là một trong hai dịch giả Truyện Kiều tiếng Hàn Quốc (dịch giả thứ hai của Choi Kyu Mok). Bản dịch của ông được biết đến rộng rãi ở Hàn Quốc cũng như ở Việt Nam. Hoàn thành vào tháng 10/2004, cuốn sách được phát hành lần đầu tiên tại Hàn Quốc trong cùng năm và được tái bản nhiều lần sau đó. Bản dịch ra mắt vào dịp kỉ niệm 200 năm Truyện Kiều ra đời và 12 năm ngày thành lập quan hệ ngoại giao Việt Nam- Hàn Quốc. Tháng 12/2005, một trong các bản in đã được trao tặng cho Bảo tàng Nguyễn Du ở Hà Tĩnh. Tháng 10/2014, nhân dịp kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Nguyễn Du, Giáo sư làm Trưởng Ban tổ chức cuộc hội thảo Truyện Kiều và Đại thì hào Nguyễn Du tại trường Đại học Chosun, thành phố Gwangju. Tháng 3/2018, với sự quảng bá của Giáo sư, dự án vở múa đương đại Truyện Kiều của Nguyễn Du đã được biên đạo múa người Hàn Quốc và các diễn viên Hàn Quốc hợptác với phía Việt Nam thực hiện và đã được biểu diễn tại thành phố Hồ Chí Minh.Giáo sư làm cổ vấn cho dự án này.

Đây là một bản dịch thơ tự do, với số câu tương ứng với nguyên bản (3.254 câu), cách 10 câu thơ có đánh số câu và chia chương đoạn. Bản in lần đầu là sách khổ to, in song ngữ Việt-Hàn, kèm 1600 chúthích tiếng Việt và tiếng Hàn, tiện cho việc theo dõi và đối chiếu với nguyên bản tiếng Việt, phù hợp cho độc giả cần tìm hiểu sâu về Truyện Kiều. Bản in này cũng kèm lời tựa, lời giới thiệu, tài liệu tham khảo, tranh minh họa, trích lục. Các tái bản hướng tới độc giả phổ thông ở Hàn Quốc, chỉ in phần dịch tiếng Hàn, số lượng chú thích được rút gọn lại (205 chú thích).

Nhà thơ Hữu Thỉnh nhận xét trong lời giới thiệu bản dịch in lần đầu năm 2004, “Dịch thuật là một công việc rất khó khăn. Người dịch là một lữ hành cô đơn trên con đường vạn dặm. Anh ta phải vượt qua hết cái dốc này đến cái dốc khác. Và đặc biệt khó, là dịch thơ”. Cho dù là với một người giỏi tiếng Việt và am hiểu văn hóa Việt Nam, thì việc dịch thơ một tác phẩm văn học cổ điển súc tích, nhiều điển tích, điển cố, nhiều từ cổ, và nhất là một tác phẩm ở đỉnh cao của thơ lục bát và xuất sắc về sử dụng từ láy như Truyện Kiều lại còn khó hơn nữa. Giáo sưAhn Kyong-hwan là một trong những người lữ hành đã vượt qua con đường khó khăn đó, để đem đến cho độc giả Hàn Quốc một bản dịch công phu, đưa độc giả của đất nước ông đến gần hơn với Việt Nam nói chung và với Truyện Kiều của Nguyễn Du nói riêng.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434671

Hôm nay

2291

Hôm qua

2310

Tuần này

21321

Tháng này

211719

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434671