Góc nhìn văn hóa
Đi tìm hình ảnh Hoàng đế trong văn chương Nguyễn Công Trứ

ĐẶT VẤN ĐỀ
Câu hỏi đặt ra là tại sao phải đặt vấn đề tìm kiếm hình ảnh hoàng đế trong văn chương Nguyễn Công Trứ? Nó có gì đặc biệt và nó sẽ giúp giải quyết vấn đề gì và hiểu thêm gì về Nguyễn Công Trứ?
Sở dĩ phải đặt vấn đề tìm kiếm hình ảnh hoàng đế trong văn chương Nguyễn Công Trứ là vì, nếu có hình ảnh hoàng đế trong văn chương Nguyễn Công Trứ cho phép từ khía cạnh văn chương hiểu được thái độ ứng xử, suy nghĩ trong chiều sâu của Nguyễn Công Trứ về hoàng đế nhà Nguyễn, nhất là Minh Mệnh[2]. Đặc biệt, chúng ta cũng xem xét, có hay không hình ảnh hoàng đế, tại sao có, tại sao không, nó có khuất lấp ở dưới dạng ẩn dụ hoặc biểu tượng nào không? Tại sao lại như vậy? Hơn nữa, chúng ta cũng sẽ xem xét, trong hai mạch văn, mạch văn trong lăng miếu[3] và mạch văn ngoài lăng miếu[4], có xuất hiện hay không, nó xuất hiện dưới dạng thức nào trực tiếp hay gián tiếp, nó nói lên vấn đề gì, tại sao nó lại xuất hiện như vậy?
Sau khi nghiên cứu toàn bộ văn chương (kể cả tấu sớ) của Nguyễn Công Trứ, tức văn chương trong lăng miếu và văn chương ngoài lăng miếu, chúng tôi phát hiện ra rằng, hình ảnh hoàng đế xuất hiện trực tiếp trong văn chương trong lăng miếu. Thái độ hiển ngôn là thái độ ngợi ca. Về cơ bản, văn chương ngoài lăng miếu, xuất hiện trực tiếp những hình ảnh cả thần và người, liệt nữ, kẻ sĩ, đặc biệt là cả đại thần, cả Long thần, thần Châu chấu nữ… nhưng không xuất hiện trực tiếp hình ảnh hoàng đế. Có chăng, chúng ta có thể liên hệ ít nhiều hình ảnh Long thần với vị trí tối thượng của thiết chế quân chủ chuyên chế. Điểm đặc biệt thú vị là, có một thái độ nhất quán đối với những đối tượng là đại thần là thái độ giễu, bỡn, cợt. Duy ông đề cao giới sĩ, tức đề cao chính ông. Phê phán đại thần, long thần, nữ thần châu chấu, đề cao sĩ, đề cao bản thân là đặc điểm nổi bật trong nhóm tác phẩm văn chương đề vịnh về nhân vật lịch sử, danh nhân, danh thần này.
1. Hình ảnh Hoàng đế trong văn chương ở trong lăng miếu.
Văn chương ở trong lăng miếu, chủ yếu liên quan đến những tấu sớ của Nguyễn Công Trứ với Minh Mệnh và các hoàng đế nhà Nguyễn, vì vậy hình ảnh Hoàng đế, chủ yếu là Minh Mệnh được Nguyễn Công Trứ nhắc đến nhiều lần. Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng, hình ảnh này được thể hiện qua loại hình văn bản tấu, sớ,.. mang tính quan phương và hành chính. Chính vì vậy, nét nghệ thuật hay hư cấu không xuất hiện ở trong văn bản này. Hình ảnh này sẽ khá quen thuộc kiểu như ngợi ca công đức, và đi kèm với nó là những kính ngữ về công lao trùm thiên hạ và ân đức cao vời vợi. Đây là đoạn văn điển hình chính Nguyễn Công Trứ nói khi dâng sớ trừ tệ cường hào, khi ông lĩnh Dinh điền sứ: “Mậu Tí, Minh Mệnh năm thứ 9, 1828, [Tháng 9] Lĩnh Dinh điền sứ là Nguyễn Công Trứ dâng sớ xin trừ cái tệ cường hào. Lời tâu rằng: “Từ lúc Hoàng thượng ta lên ngôi đến giờ, yêu nuôi dân chúng, ơn đức khắp tràn, nhưng mà thiên hạ vẫn chưa được đội ơn thái bình hết”.[5]
2. Những hình ảnh nhân vật phi Hoàng đế trong văn chương Nguyễn Công Trứ
Điều thú vị là, khảo toàn bộ trước tác của Nguyễn Công Trứ, mọi chủ đề như: nghèo, thi cử, uống rượu, chơi bời, tiêu dao, ẩn dật, ngông ngênh, ngất ngưởng, tự do, cười, danh lợi…đều có. Mặt khác, những hình ảnh của các loại hình nhân vật khác nhau đều xuất hiện đậm đặc trong trước tác của ông: hình ảnh kẻ sĩ (Luận kẻ sĩ), đế sư Trương Lương (Trương Lưu hầu I, Trương Lưu hầu II)[6], hình ảnh ông quan (Vô đề), Hình ảnh thần, bụt, phật…, và cả hình ảnh người hầu gái, ông già…. tất cả đều có, trừ hình ảnh hoàng đế. Đặc biệt, hình ảnh kẻ sĩ, đế sư là hình ảnh Nguyễn Công Trứ đặc biệt thích thú và khát khao. Ngược lại, hai hình ảnh Nguyễn Công Trứ thích giễu, bỡn cợt nhất là hình ảnh thần (Long thần), Thần Châu chấu và hình ảnh quan đại thần. Tại sao Nguyễn Công Trứ lại chỉ dừng lại bỡn ở ông quan đại thần, được hiểu là trọng thần, tại sao Nguyễn Công Trứ chừa ra một nấc nữa là trên quan đại thần, tức Hoàng đế. Hay phải chăng nó được ẩn khuất nấp trong hình ảnh nào đó. Mặt khác tại sao Nguyễn Công Trứ lại đụng đến cả thần (cả Nam và nữ thần, Nam thần là Long thần. Nữ thần là thần Châu Chấu, tại sao ông bỡn giễu cả hai thần này bỏ qua hình ảnh Hoàng đế. Sau đây sẽ đi vào chi tiết.
Trước hết chúng tôi sẽ điểm qua hình ảnh nhân vật phi hoàng đế gồm cả người và thần trong văn chương Nguyễn Công Trứ.
2.1. Ngưỡng mộ đế sư Trương Lương
Trương Lương[7] là đế sư điển hình ở Trung Hoa và có ám ảnh dài lâu trong lịch sử văn hóa Trung Hoa và ám ảnh sâu sắc kẻ sĩ lớn nhất Việt Nam[8], trong đó có Nguyễn Công Trứ. Nếu tính cả bài tồn nghi, Nguyễn Công Trứ có hai bài hát nói và một bài phú về Trương Lương đế sư. Một số lượng bất thường dành cho một nhân vật lịch sử xa xưa. Những nhân vật khác như Khuất Nguyên, Khổng Minh, Trần Đoàn… chỉ có một bài.
Trong hai bài hát nói, Nguyễn Công Trứ đã dành cho Trương Lương một sự ưu ái và cảm hứng của một mô hình lý tưởng của kẻ sĩ như khát vọng của ông mong muốn.
Trước hết, Nguyễn Công Trứ mến mộ tài năng đặc biệt của Trương Lương, tài năng thuộc về trí tuệ, không phải tài năng sức mạnh cơ bắp:
Năm năm uốn lưỡi trong màn,
Một mình ơn Hán nợ Hàn giả xong
…
Thuốc độc phun Tần lây đến sở
(Trương Lưu hầu I)[9]
Hoặc
Năm năm ba tấc lưỡi kinh luân,
Màn thao lược vây Tần nhốt Hạng
(Trương Lưu hầu 1)
Với tài năng đặc biệt đó, Nguyễn Công Trứ hứng thú với ứng xử đặc biệt hoàn hảo của Trương Lương:
Một mình ơn Hán nợ Hàn giả xong
…
Đền nợ trước ơn sau đều vẹn sóng
(Vịnh Trương Lưu hầu I)
Hoặc
Ơn Hán vẹn nợ Hàn chẳng vướng
(Vịnh Trương Lưu hầu II)[10]
Khi đã vẹn ơn Hán nợ Hàn chẳng vướng, Nguyễn Công Trứ đặc biệt hứng thú với tình huống ra đi của Trương Lương. Đó cũng là mô hình lý tưởng của kẻ sĩ thể hiện tập trung, mô hình hóa trong bài Luận kẻ sĩ nổi tiếng. Khi nước nhà ổn định, sĩ thung dung nơi cùng cốc thâm sơn, tìm ông Hoàng Thạch:
Đền nợ trước ơn sau đều vẹn xóng
Chàng phú quý xem bằng mây mỏng
Túi Xích Tùng riêng đủng đỉnh mái thanh sơn
Nhục vinh gác chuyện Tiêu, Hàn.
(Vịnh Trương Lưu hầu I)
Ơn Hán vẹn nợ Hàn chẳng vướng
Túi vương hầu treo gửi gánh Hoàng Công
Một mình lui tới thung dung
(Vịnh Trương Lưu hầu II)
2.2. Phác thảo mô hình kẻ sĩ lý tưởng
Nguyễn Công Trứ không lý thuyết hóa kẻ sĩ nhưng bài Luận kẻ sĩ nổi tiếng của ông cho phép mô hình hóa mô hình kẻ sĩ lý tưởng theo khát vọng và trong thực tiễn ông đá hành xử và đuổi bắt mô hình này:
Mở đầu bài luận, Nguyễn Công Trứ điểm lại vị trí của sĩ trong “dân hữu tứ” và “tước hữu ngũ”:
Tước hữu ngũ, sĩ cư kì liệt
Dân hữu tứ, sĩ vi chi tiên
Tước có năm bậc: Công, hầu, bá, tử, Nam, sĩ cũng được dự vào. Dân hữu tứ: dân có bốn loại, sĩ, nông, công, thương, sĩ xếp hàng đầu.
Tiếp theo, Nguyễn Công Trứ cho rằng sĩ có tên từ khi có giang sơn và từ thời Chu, Hán sĩ vốn là “quý”:
Có giang sơn thời sĩ đã có tên,
Từ Chu, Hán vốn sĩ này là quý
Sĩ vốn là người hiếu đễ và giữ cương thường:
Miền hương đẳng đã khen rằng hiếu đễ
Đạo lập thân phải giữ lấy cương thường
Nguyễn Công Trứ tiếp tục khẳng định sĩ là khí hạo nhiên, khí của trời đất đúc kết thành:
Khí hạo nhiên chí đại, chí cương
So chính khí đã đầy trong trời đất.
Khi sĩ chưa gặp thời, sĩ ẩn náu, câu cá và cày cấy:
Lúc vị ngộ, hối tàng nơi bồng tất
Hiêu hiêu nhiêu, điếu Vị canh Sằn
Khi Sĩ chưa gặp được xen đón người hiền tài, sĩ thực hiện chức năng giáo hóa:
Xe bồ luân dầu chưu gặp Thăng, Văn
Phù thế giáo một vài câu thanh nghị.
Hoặc, dùng chính đạo ngăn chặn những lời tà thuyết, “quay ngược lại con sóng dữ để ngăn nước trăm dòng sông”:
Cầm chính đạo để tịch tà cự bí,
Hồi cuồng lan nhi chướng bách xuyên.
Khi thời cơ đến, đem tất cả những gì mình có để giúp đời
Rồng mây khi gặp hội ưu duyên,
Đem quách cả sở tồn làm sở dụng.
Khi đó, sĩ là rường cột ở trong triều và ngoài biên thùy:
Trong lăng miếu ra tài lương đống,
Ngoài biên thùy rạch mũi can tương.
Với tài năng của mình, sĩ đóng góp và lưu truyền trong lịch sử:
Sĩ làm cho bách thế lưu phương
Trước là sĩ, sau là khanh tướng
Sĩ tự nhận, mọi việc trong vũ trụ và phận sự của sĩ, như thế đáng mặt nam nhi, hào hùng:
Vũ trụ chi gian giai phận sự,
Nam nhi đáo thử thị hào hùng
Khi sĩ hoàn thành trọng trách, sĩ ung dung ngao du:
Nước nhà yên mà sĩ cũng thung dung
Bấy giờ sĩ mới tìm ông Hoàng Thạch
Năm ba chú tiều đồng lếch thếch,
Tiêu dào nơi hàn cốc thâm sơn.
Nào thơ, nào rượu, nào địch, nào đờn,
Đồ thích chí chất đầy trong một túi.
Mặc ai hỏi, mặc ai không hỏi,
Gẫm việc đời mà ngắm kẻ trọc, thanh.
Này này sĩ mới hoàn danh![11]
Tóm lại, mô hình kẻ sĩ có thể được mô hình hóa như sau: Sĩ vốn có trong trước, đứng đầu tứ dân, có tên cùng khi có giang sơn; sĩ vốn là hun đúc khí trời đất, khi chưa gặp thời sĩ ẩn, cày cấy câu cá, khi gặp thời sĩ hết mình giúp đời, trong triều và ngoài biên thùy sĩ đóng vai trò rường cột, sĩ làm cho tiếng thơm trăm đời, mọi việc ở thế gian là phận sự của sĩ, khi nước nhà yên, sĩ đi tiêu dao.
Trên đây là mô hình lý tưởng của sĩ, so ngược trở lại với cuộc đời của ông, Nguyễn Công Trứ đã quan niệm và hành xử như chính những gì ông thảo ra trong mô hình.
2.3. Giễu quan đại thần
Song song với ngưỡng mộ Trương Lương, phê Thúy Kiều, phê Nam Xương Liệt nữ…Nguyễn Công Trứ giễu quan đại thần. Chúng ta cùng thưởng thức bài giễu quan đại thần rất thú vị này, giễu mang chất và đúng kiểu Nguyễn Công Trứ:
Lênh đênh một chiếc thuyền nan
Một cô thiếu nữ một quan đại thần
Ban ngày quan lớn như thần
Ban đêm quan lớn tần ngần như ma
Ban ngày quan lớn như cha
Ban đêm quan lớn rày rà như con
(Vô đề)
2.3. Đánh “Long thần”
Không chỉ giễu quan đại Thần, Nguyễn Công Trứ còn đánh Long thần khi say rượu:
Hôm qua thường tới, tới chơi đây,
Đánh vật Long thần mấy cẳng tay.
Khi tỉnh thời nào ai có dám
Say!
2.4. Ghẹo nữ thần châu chấu
Không chỉ đánh Long thần trong lúc say, Nguyễn Công Trứ còn ghẹo nữ thần Châu chấu:
Mụ thần như rứa, rứa thì thôi,
Chút nữa làm ông thịch cái rồi.
Dẫu có thiêng liêng đành phận gái
Lẽ nào chấu chấu đấu ông voi
(Trách thần Châu Chấu)
2.5. Phê Thúy Kiều và liệt nữ Nam Xương
Không chỉ đánh Long thần, ghẹo nữ thần, giễu quan đại thần…Nguyễn Công Trứ phê Thúy Kiều và Nam Xương liệt nữ:
Từ Mã Giám Sinh cho đến chàng Từ Hải,
Cánh hoa tàn đem bán lại chốn thanh lâu,
Bấy giờ Kiều còn hiếu vào đâu,
Mà bướm chán ong chường cho đến thế.
Bạc mệnh chẳng lầm người tiết nghĩa,
Đoạn tràng cho đáng kiếp tà dâm.
Bán mình trong bấy nhiêu năm
Đố đem chữ hiếu mà lầm được ai!
Nghĩ đời mà ngán cho đời.
(Vinh Thúy Kiều II)
Độc đến truyện Nam Xương liệt nữ
Dẫu tình ngay song lí cũng là gian…
…
Ngày năm dầu đục dầu trong khôn bàn.
Dẫu tình ngay song lí cũng là gian
(Vịnh Nam Xương liệt nữ)
Như vậy, trong mạch vịnh thơ các kiểu nhân vật, nổi bật có một số kiểu nhân vật: nhân vật là thần, nhân vật là kẻ sĩ, nhân vật là danh nhân, đế sư, nhân vật là những người con gái, nhân vật là ông quan…Trong số những nhân vật này, có một số đặc điểm dưới đây: Trước hết, Nguyễn Công Trứ có thái độ mạch lạc, có ý thức định hướng rõ nét, thậm chí có cả kĩ thuật rào đón khi đề vịnh những nhân vật này. Đối với kiểu nhân vật như Kiều hoặc người liệt nữ Nam Xương, Nguyễn Công Trứ thẳng tay phê phán. Đối với kiểu nhân vật là đế sư, danh nhân, đặc biệt là Trương Lương, Nguyễn Công Trứ ngưỡng mộ, và xem là mô hình lý tưởng. Đối với giới sĩ, Nguyễn Công Trứ đặc biệt đề cao ngưỡng mộ khí chất, trọng trách, tài năng và vai trò của họ, cũng như ứng xử sau cùng của họ. Đối với thần, thái đỗ giễu, bỡn là nổi bật. Đối với quan đại thần, vạch mặt và giải thiêng, bỡn cợt là thái độ rõ nét. Thứ hai, trong hệ kiểu loại này: liệt nữ có, kẻ sĩ có, đế sư (thầy vua) có, quan đại thần có, thần, bụt có…tức là gần như loại hình nhân vật tiêu biểu trong xã hội chuyên chế đều có, cả người và thần, duy nhất thiếu một loại hình bán nhân bán thần là: Hoàng đế.
Câu chuyện ở đây là, tại sao lại vắng bóng nhân vật là hoàng đế trong văn chương ngoài lăng miếu của ông? có hay không một ý thức thực sự của Nguyễn Công Trứ trong việc không đưa nhân vật này vào làm đối tượng, hay nó ẩn khuất dưới những hình thức khác? Mặt khác, tại sao Kiều và người liệt nữ Nam Xương lại bị phê như vậy, tại sao ông quan đại thần bị giễu, tại sao thần lại bị đánh và bị ghẹo, tại sao sĩ và đế sư được đề cao?...Tất cả cần được làm sáng tỏ.
Việc xuất hiện hình ảnh hoàng đế trong văn chương ở trong lăng miếu trong tấu sớ của Nguyễn Công Trứ, một mặt có thể xem là một hình thức bắt buộc thể hiện khi trình tấu sớ, nhưng mặt khác nó sẽ giúp chúng ta hiểu thái độ, hình ảnh và ứng xử của Nguyễn Công Trứ ở trong lăng miếu: hình ảnh Hoàng đế thiêng liêng, tính ngợi ca là chủ đạo vẫn hiệu hữu khi ông ở trong Triều.
Như vậy, điểm thú vị là, hình ảnh Hoàng đế xuất hiện trong văn chương trong lăng miếu của đại thần Nguyễn Công Trứ nhưng lại vắng bóng trong văn chương ngoài lăng miếu của danh sĩ phong lưu Nguyễn Công Trứ. Thú vị là đặc điểm của hình ảnh Hoàng đế trong văn chương trong lăng miếu là sự ngợi ca thường thấy của các đại thần. Như đã trình bày, hình ảnh của những tai to mặt lớn trong văn chương ở ngoài lăng miếu của danh sĩ phong lưu Nguyễn Công Trứ nổi bật là những hình ảnh giễu quan đại thần, đánh Long thần, ghẹo thần Châu chấu…Rõ ràng, hình như có một ý thức chừa ra nhân vật đặc biệt này, một ý thức rõ rệt về sự tới ngưỡng của sự giễu, bỡn, nó thực sự là một ý thức cao độ của Nguyễn Công Trứ với quy ước: không đụng trực tiếp đến Hoàng đế.
Nếu có, theo lô gic của những nhân vật tai to mặt lớn, nhân vật có thể quyết định vận mệnh của mình, nếu có, nó phải là hình ảnh của sự giễu, đánh, hoặc bỡn cợt, và đương nhiên, với một nhân vật quyền uy trùm thiên hạ và chuyên chế như Minh Mệnh, hẳn Nguyễn Công Trứ nếu muốn cũng không dám trực tiếp đánh, bỡn, giễu. Chắc phải có một hình thức khác, phải chăng là gián tiếp hơn. Nếu thử tiếp cận theo cách này, chúng tôi thấy hé lộ bóng dáng của hình ảnh Hoàng đế được che lấp khéo léo, nhưng lại thể hiện được thái độ, tinh nghịch của Nguyễn Công Trứ.
3. Đi tìm hình ảnh hoàng đế
Việc vắng bóng trực tiếp hình ảnh Hoàng đế trong văn chương ngoài lăng miếu, cho phép hiểu rằng, ông không trực tiếp ngợi ca Hoàng đế như trong văn chương trong lăng miếu. Đương nhiên, hình thức phê phán hoặc bỡn cợt nhân vật hoàng đế trực tiếp hẳn là Nguyễn Công Trứ không dám cả gan làm vậy. Vậy ngưỡng giễu cợt của Nguyễn Công Trứ là quan đại thần, tức ngấp nghé hoàng đế. Quan đại thần thì có nhiều, chắc ai cũng chừa mình ra, nên khả năng Nguyễn Công Trứ không sợ và không đại thần nào bắt bẻ được mình, với cái cách giễu quan đại thần chung chung như vậy. Các quan đại thần sẽ chắc mẩn rằng, nó chừa mình ra hoặc là thằng khác chứ không phải mình. Còn Hoàng đế chỉ có một, nên nếu giễu, bỡn hoàng đế chắc chắc không thể gọi trực tiếp và chính danh được. Nên lựa chọn gián tiếp, mang tính biểu tượng sẽ là cách lựa chọn của Nguyễn Công Trứ. Và một việc đánh “Long thần”, gắn với hệ thống Thiêng liêng của thiết chế, trong khi loại trừ ra nhân vật hoàng đế, hẳn có một sự ý thức rõ ràng từ ông. Có thể khẳng định, Nguyễn Công Trứ đã không trực tiếp giễu, phê, hoặc đánh hoàng đế đương thời. Nhưng liệu có cách thức khác, kín đáo, được rào đón cẩn thận hơn. Một nhân vật nghịch như Nguyễn Công Trứ, cả gan đánh thần, ghẹo nữ thần, giễu quan đại thần…hẳn là việc gì cũng có thể làm, vấn đề là cách làm thế nào vừa đặt được mục đích vừa không bị khép tội, vừa thỏa mãn ẩn ức, thú tinh nghịch của mình. Phải chăng có một cách rất Nguyễn Công Trứ như vậy? Hình ảnh Long thần gần hơn cả với một nội dung gián tiếp và một cách rất Nguyễn Công Trứ như vậy?
Xin đọc lại cả bài thơ và hình thức trình bày lạ của bài này:
Hôm qua thường tới, tới chơi đây
Đánh vật long thần mấy cẳng tay.
Khi tỉnh thời nào ai có dám
Say!
(Say rượu đánh Long thần!)
In theo bản in năm 1958 có tên là Say rượu đánh long thần, khảo dị bản quốc ngữ 1994 có tên là: Hôm qua trời tối hoặc Đánh phải. Theo chúng tôi tên bản in năm 1958 đúng hơn cả với tinh thần và dụng ý của bài thơ.
Nếu như theo đúng tên bài thơ này và cấu trúc của nó, chúng ta thấy có một điều đặc biệt thú vị, để có thể ra tay đánh Long thần, Nguyễn Công Trứ đã phải bày binh bố trận, rào đón rất kỹ càng, nai nịt gọn gàng, để định hướng độc giả là: sở dĩ tôi đánh Long thần là vì tôi Say, chứ tôi tỉnh tôi nào có dám. Trước tiên, tên bài thơ là “say rượu đánh Long thần”, chữ Say đặt trước, say rượu xong mới “đánh long thần” giải thích và nhấn mạnh say rượu nên mới đánh Long thần. Tiếp tục hai câu tiếp theo:
Hôm qua thường tới, tới chơi đây,
Đánh vật long thần mấy cẳng tay.
Theo như giai thoại kể một lần ông say rượu mời rượu tượng long thần trong miếu, thấy tượng không uống rượu, ông đánh cho mấy bạt tai rồi về. Hôm sau tỉnh rượu nhớ lại, làm bài thơ theo thể yết hậu (câu cuối chỉ có một từ) này để tạ lỗi.
Sau khi đánh xong, câu tiếp theo Nguyễn Công Trứ thanh minh, ý nói rằng nếu bình thường chắc không dám “bạt tai thần”, nghĩa là theo một lối rất hỗn, bề trên, “mấy cẳng tay”. Kiểu “bạt tai thần” giống như kiểu người lớn bạt tai trẻ con, “cho mày cái bạt tai”, ông giải thích tiếp sở dĩ bạt tai thần là vì say, chứ tỉnh thì không dám! Và kết thúc, yếu hậu là một từ Say! Một lần nữa giải thích rằng, Say, vì say nên mới dám phạm thượng như vậy, coi Long thần như trẻ con, bạt tai cho một cái. Nếu liên tưởng, Minh Mệnh sinh năm 1791, Nguyễn Công Trứ sinh năm 1778, như vậy Minh Mệnh kém Nguyễn Công Trứ 13 tuổi, tức cũng đáng là trẻ con để cụ “Trứ bạt tai”, tuy nhiên vì là Hoàng đế nên say mới dám bạt.
Bạt tai, lại minh họa rào đón là say mới phạm thượng Long thần. Thần thánh là hệ thống thiêng liêng, được thờ phụng kính cẩn, đặc biệt lại là Long thần. Trong số những nhân cách trong thiết chế chuyên chế, chỉ duy nhất Hoàng đế được định danh là Thiên tử, con trời, là được ví so sánh với Long, với rồng, chẳng hạn gọi áo của vua là Long bào, thân thể của vua gọi là Long thể, dung mạo của vua gọi là Long nhan…Tóm lại, những gì liên quan đến Long, Rồng là mặc định biểu tượng của Hoàng đế, loại hình tượng mang tính biểu tượng này duy chỉ biểu đạt cho một loại người là hoàng đế và biểu đạt một nét nghĩa thiêng liêng, tối thượng, quyền uy tuyệt đỉnh, không có sự chia sẻ và độc quyền. Nét thiêng liêng là sự chia sẻ giữa thần, Long thần và Hoàng đế. Mặt khác, Long thần, hẳn làm người ta liên tưởng đến Rồng, ngôi vị hoàng đế. Không có căn cứ chắc chắn cho việc Nguyễn Công Trứ phạm thượng hoàng đế Minh Mệnh nhà Nguyễn nhưng với tính cách tinh nghịch, với nghệ thuật phê, giễu, bỡn cợt các nhân vật, đặc biệt là những thăng giáng, ấm ức, ẩn ức trong cuộc đời ông, đặc biệt diễn ra chủ yếu trong ứng xử với Minh Mệnh cho phép liên tưởng điều này mà không quá xa cũng không sợ sai…, đặc biệt với đặc thù là Hoàng đế Minh Mệnh, và ý thức về chiến lược sinh tồn, hẳn cho phép ta liên tưởng đến việc hoặc ý đồ thực sự của Nguyễn Công Trứ là hướng đến hoàng đế hoặc ít nhiều khi ta đọc, đặc biệt là sự rào đòn công phu, nghệ thuật như vậy lại hướng người đọc nghĩ đến việc Nguyễn Công Trứ gián tiếp phạm thượng Hoàng đế nhưng nếu Hoàng đế Minh Mệnh có đọc cũng tủm tỉm cười cho ông tiền và đồ chơi, chứ khó có thể bắt bẻ được ông, vì ông bạt tai long thần là vì ông say! Và vì có say mới dám!. Hiện thực hóa những ẩn ức và giải tỏa ẩn ức thông qua giấc mơ, hành vi say với những người mà mình không thể trực tiếp đối mặt và thể hiện thái độ trực tiếp cũng là hành vi và phản ứng thông thường của nhân loại. Vì vậy, thay vì nói bạt tai Minh Mệnh, cụ Trứ bạt tai Long thần cũng là một cách dễ hiểu, và phải hiểu rằng đó là cái bạt tai mà cụ Trứ muốn dành cho kẻ ít hơn mình 13 tuổi nhưng lại là Hoàng đế.
KẾT LUẬN
Như vậy, Nguyễn Công Trứ đã công phá, đánh long thần, ghẹo nữ thần, giễu quan đại thần, phê Thúy Kiều, liệt nữ Nam Xương…Tức là ông đã công phá, đánh và phê, giễu toàn bộ những hình ảnh nhân vật linh thiêng nhất gắn liền với biểu tượng của thiết chế chuyên chế. Có nghĩa, ông là công phá vào hình mẫu của thiết chế, những đại diện của thể chế một cách kín đáo. Đặc biệt, nếu như việc đánh Long thần thực sự có ý đồ phạm đến cả nhân vật tối linh của thiết chế chuyên chế thì Nguyễn Công Trứ đã đánh, giễu..tất cả. Nếu nó đúng là như vậy, thì văn chương trong lăng miếu là văn chương phải đạo[12] của thể dạng đại thần, còn văn chương đích thực của danh sĩ phong lưu là văn chương của kẻ sĩ phong lưu ngoài lăng miếu. Chắc chắn nó có sự khác biệt rất lớn.
Vậy tại sao Nguyễn Công Trứ công phá, giễu một loạt hình ảnh là đại diện của thiết chế chuyên chế như vậy, trong khi ông là hình ảnh ông quan đại thần mẫu mực, lập nhiều công lao lớn đối với đế chế. Không khó để thấy rằng, ông muốn giải thiêng những hình ảnh của thiết chế, để thiết lập một mô hình, khẳng định kẻ sĩ, cái tôi cá nhân, tự do cá nhân kẻ sĩ. Việc Luận kẻ sĩ, mô hình hóa kẻ sĩ là một dụng ý rõ ràng của Nguyễn Công Trứ. Ông theo dõi, đuổi bắt và thực hành mô hình kẻ sĩ có nghĩa là ông tự nói về bản thân mình, và mình vốn là kẻ sĩ, là hun đúc của khí trời, là rường cột của triều đình, làm tiếng thơm muôn thủa và khi nước nhà đã yên, ông thung dung rong chơi tiêu dao cùng tiểu đồng. Việc phê, giải thiêng những nhân vật đại diện thể chế, việc tôn và khẳng định cá nhân, tự do lựa chọn, tự do hành động, tự nhận trách nhiệm và tự do tiêu dao ngao du là sự khẳng định thiêng hóa tự do cá nhân Nguyễn Công Trứ.
Chính sự công phá đánh thần, giễu quan, ghẹo nữ thần….là những nét mới, đặc sắc, hấp dẫn trong văn chương ngoài lăng miếu, tạo ra sự hứng thú và nét riêng của Nguyễn Công Trứ. Nó mang phong cách tinh nghịch, thể hiện sắc thái tự do cá nhân ông.
Nếu đúng Long thần là hình ảnh của hoàng đế nhà Nguyễn thì hình ảnh hoàng đế nhà Nguyễn ở trong tấu sớ ở trong lăng miếu và hình ảnh hoàng đế bị Nguyễn Công Trứ bạt tai hẳn là hai sự đối lập rất thú vị. Nó cũng sẽ rất hợp lý khi kẻ sĩ ở giang hồ thì danh sĩ phong lưu, vào lăng miêu lại đại thần thể dạng như đấng cao minh đế sư Trương Lương trong bài phú nỏi tiếng của Nguyễn Hữu Chỉnh:
Ở giang hồ thì danh sĩ phong lưu
Vào lăng miếu lại đại thần thể dạng
(Trương Lưu hầu phú - Nguyễn Hữu Chỉnh)
Phải chăng, những lần ấm ức, thậm chí cả uất ức của ông với Minh mệnh là tác nhân chính, là một dạng ẩn ức, khi có điều kiện ông phục thù theo kiểu rào đón như khi say bạt tai cho Long thần! Chúng ta biết rằng, ông còn hơn tuổi cả Minh Mệnh (Nguyễn Công Trứ hơn Minh Mệnh 13 tuổi. Nguyễn Công Trứ sinh năm 1778. Minh Mệnh sinh năm 1791). Nếu quả đúng như vậy thì là một điều đặc biệt thú vị và nó mới thực sự là một Nguyễn Công Trứ và nó rất phù hợp với tính cách tinh nghịch, ngông ngênh và ngỗ ngược như ông. Nhưng chiến lược sinh tồn mách bảo ông, đừng trực tiếp và phải khéo léo rào đón khi đụng vào kẻ có quyền quyết định sinh mệnh của mình! Và hình thức say đã được Nguyễn Công Trứ lựa chọn.
Về thực chất, ông đã dừng lại trước cửa đền, tức là ông đã trực tiếp đụng, giễu, bỡn từ quan đại thần trở xuống, tức ông đã chừa ra Hoàng đế nhà Nguyễn một cách trực tiếp, hay nói đúng hợn, ông đã “ra tay” với hoàng đế Minh Mệnh theo một kiểu rất Nguyễn Công Trứ, đụng đến Hoàng đế trong một điều kiện vừa thỏa mãn ẩn ức, sở thú của mình, vừa không bị hiểm nguy. Hẳn đây là cách lựa chọn thú vị của Nguyễn Công Trứ. Hẳn đây là nguyên nhân cốt lõi, giúp ông bảo thân minh triết, phát triển và có không gian phát triển những nét khá cốt lõi của sắc thái cá nhân, mang nhiều yếu tố của tự do cá nhân hiện đại.
Danh mục tài liệu tham khảo chính yếu
- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.truyện, Nxb Thuận Hóa, 2014, 2 tập
- Đoàn Tử Huyến (chủ biên), Nguyễn Công Trứ trong dòng lịch sử, Nxb Nghệ An Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, năm 2008
- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2002. (10 tập).
[1]Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
[2]Minh Mệnh là Hoàng đế Nguyễn Công Trứ gắn bó gần như cả cuộc đời mình, mọi ứng xử văn hóa chính trị, biểu hiện ứng xử văn hóa chính trị chủ yếu tập trung thể hiện trong ứng xử với Minh Mệnh
[3]Chúng tôi quan niệm rằng, văn viét trong lăng miếu chủ yếu là thể loại văn chương quan phương như: sớ, tấu biểu,…chủ yếu là những thể loại trong và liên quan đến không gian triều đình hay còn gọi là không gian lăng miếu, lưu truyền, sử dụng và nhiều ý nghĩa trong không gian lăng miếu
[4]Văn chương ngoài lăng miếu là văn chương chủ yếu không tồn tại bên trong lăng miếu, mà nó ở bên ngoài lăng miếu, theo nghĩa đối lập với văn chương trong lăng miếu. Nói cách khác, mỹ học của nhóm này, đối lập với nhóm trong lăng miếu và mang tính cá nhân, tự do, là sân chơi của cá nhân hơn là của hoàng đế.
[5]Quốc sử quán triều Nguyễn,Đại Nam thực lục chính biên, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2002, tr. 766-767, tập 2.
[6]Xem thêm trích lục Đoàn Tử Huyến chủ biên, Nguyễn Công Trứ trong dòng lịch sử, Nxb Nghệ An Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, năm 2008.
[7]Trương Lương (266 TCN hoặc 254 TCN - 188 TCN), tự là Tử Phòng, đế sư của Hán Cao Tổ. Là nhân vật đế sư tiêu biểu nhất trong lịch sử Trung Quốc. Mẫu hình đế sư Trương Lương ám ảnh nhiều nhân cách lớn trong các giai đoạn lịch sử ở cả Trung Quốc và Việt Nam. Xem thêm chuyên khảo, Tự do và quyền lực: Nhân vật đế sư Trương Lương trong văn học nhà nho ở Việt Nam và Trung Quốc,tác giả Trịnh Văn Định, Nxb Tri thức, 2018.
[8]Xem thêm trích lục Văn chương Nguyễn Công Trứ Đoàn Tử Huyến chủ biên, Nguyễn Công Trứ trong dòng lịch sử, Nxb Nghệ An Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, năm 2008
[9]Xem thêm trích lục, Văn chương Nguyễn Công Trứ , Đoàn Tử Huyến chủ biên, Nguyễn Công Trứ trong dòng lịch sử, Nxb Nghệ An Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, năm 2008
[10]Xem thêm trích lục, Văn chương Nguyễn Công Trứ , Đoàn Tử Huyến chủ biên, Nguyễn Công Trứ trong dòng lịch sử, Nxb Nghệ An Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, năm 2008.
tin tức liên quan
Videos
Nghệ An bàn giao trang thiết bị cho nhà văn hóa thuộc CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2023
Tự học - Hành trình dệt nên những ước mơ của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT số 2 Nghệ An
Đập tan luận điệu xuyên tạc, phủ nhận giá trị và thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945
Phát triển miền Tây: Thay đổi để vượt khó
Họp báo Lễ hội Làng Sen năm 2024 và Giải chạy Marathon "Hành trình về Làng Sen"
Thống kê truy cập
114561727

2155

2334

2840

229270

122920

114561727