Góc nhìn văn hóa

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ ở Nghệ An

Trong dòng chảy của nền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là loại hình đặc biệt, “được lòng dân” nhất trong mọi thời đại. Đây là loại hình tín ngưỡng có sự hỗn dung tôn giáo bản địa của người Việt và một số yếu tố của tôn giáo du nhập như Đạo giáo, Phật giáo.

Cung thờ Tam Tòa Thánh Mẫu tại đền Thượng (Yên Thành)

Thời kỳ đầu, tín ngưỡng này chứa đựng những nhân tố về vũ trụ luận nguyên sơ để chỉ chung về ba miền: Thiên phủ, Địa phủ và Thoải (Thủy) phủ. Đây là những yếu tố cấu thành vũ trụ. Về sau, tín ngưỡng này chịu ảnh hưởng của Đạo giáo và bước đầu hình thành hệ thống thờ cúng trong các đền, phủ. Trong quá trình phát triển, nó lại tiếp tục chịu ảnh hưởng của Phật giáo để hình thành nên “Tam phủ hội đồng”, ứng với 3 miền trong vũ trụ, đứng đầu là 3 vị vua cha cai quản (Thiên phủ chí tôn kim cương Ngọc Hoàng Thượng đế, Địa phủ chí tôn Bắc âm phong đô Đại đế, Thủy phủ chí tôn Phù Tang Cam Lâm đại đế).

Về sau, chịu ảnh hưởng của tín ngưỡng thờ Mẫu, các vị Thánh Mẫu mới xuất hiện với vai trò là người đứng đầu, mỗi người phụ trách một cõi, còn gọi là “Tam Tòa Thánh Mẫu”, bao gồm: Mẫu Thượng Thiên phụ trách miền trời, mẫu Thượng Ngàn phụ trách miền rừng núi và Mẫu Thoải (Thủy) phụ trách miền sông nước[1]. Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ ra đời và thống nhất mẫu Liễu Hạnh là thần chủ. Trong quá trình phát triển, tín ngưỡng này lại tiếp tục chịu ảnh hưởng của Đạo giáo Trung Quốc trên phương diện phép thuật mang tính phù thủy để trừ tà ma, chữa bệnh cứu người bằng bùa chú. Yếu tố này đã làm tăng thêm tính phù thủy vốn tiềm ẩn trong tín ngưỡng dân gian, tiêu biểu là nghi lễ hầu đồng mang đậm dấu ấn Shaman giáo (hình thức tôn giáo cổ xưa, thông qua những người môi giới để giao tiếp với thần linh, qua đó, nhờ thần linh giúp đỡ điều mình mong muốn. Tôn giáo này có nhiều yếu tố giống ma thuật, chỉ khác là nếu ma thuật quan niệm tự bản thân người làm ma thuật có một sức mạnh siêu linh thì shaman chỉ cho mình là người môi giới, là hình bóng của siêu linh). Về bản chất, đây là nghi thức giao tiếp với thần linh thông qua các đồng tử. Người ta tin rằng, các vị thần linh có thể nhập hồn vào thân xác của đồng tử nhằm phán truyền, diệt trừ tà ma, chữa bệnh, ban phúc, cứu khổ cứu nạn, ban lộc cho các con nhang, đệ tử. Chính ảnh hưởng này đã góp phần giúp tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đáp ứng được những nhu cầu, nguyện vọng trong đời sống thường nhật của con người và đó cũng là lý do nó được thờ phổ biến ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam.

Trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Mẫu là hình tượng của người mẹ Việt Nam, hình tượng của một đấng thần linh có sức mạnh cứu vớt chúng sinh thoát khỏi những cơn hiểm nguy trong cuộc sống. Bên cạnh ý nghĩa về tín ngưỡng, Mẫu Tam phủ còn tích hợp cả những giá trị văn hóa, nghệ thuật mà ít loại hình tín ngưỡng nào có được như văn học dân gian, nghệ thuật diễn xướng, tạo hình…Với những giá trị đó, năm 2016, tổ chức UNESCO đã ghi danh “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ở Nghệ An, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ du nhập từ khá sớm, tuy không có những “phủ” hoành tráng như ở miền Bắc (phủ Tây Hồ, phủ Giày…) nhưng vẫn xuất hiện nhiều di tích mang dáng dấp của tín ngưỡng này như đền Ông Hoàng Mười (Hưng Nguyên), đền Hồng Sơn (TP. Vinh), đền Bà Chúa (Thanh Chương)… Điều đặc biệt là trên địa bàn Nghệ An còn có sự hiện diện của tín ngưỡng thờ Tam phủ thưở sơ khai - giai đoạn trước khi tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ xuất hiện, được thể hiện rõ nét nhất ở di tích đền Nghĩa Sơn (xã Long Xá, huyện Hưng Nguyên). Tại ngôi đền này, các nhân vật thờ đều thuộc dòng Thủy phủ, chưa hề có bóng dáng của các nhân vật thuộc hệ thống Mẫu Tam phủ.

Càng về sau, cùng với sự phát triển về kinh tế, xã hội, sự du nhập về văn hóa thông qua nhiều con đường khác nhau, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ có mặt ngày càng nhiều trong các ngôi đền, chùa ở Nghệ An (chùa Giai, chùa Phúc Viên - Thanh Chương, đền Phúc Vị - Nghi Lộc, đền Ngọc Điền - Hưng Nguyên, đền thờ Trần Hưng Đạo - Thành phố Vinh, đền Làng Hiếu - Cửa Lò, đền Hồ Sơn - Nam Đàn, đền Thượng - Yên Thành, miếu Già, điện Nhà Vi - Đô Lương….). Điều này chứng tỏ sức hấp dẫn và tầm ảnh hưởng sâu rộng của loại hình tín ngưỡng này.

Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, các di tích ở Nghệ An không thờ đầy đủ các nhân vật trong hệ thống Mẫu Tam phủ mà thờ có chọn lọc, theo nhu cầu của người dân địa phương. Theo đó, nhân vật phối thờ chủ yếu là “Tam Tòa Thánh Mẫu”, chỉ một số ít di tích có thờ thêm các nhân vật khác như tứ vị thánh bà, thập nhị vương cô, thập nhị vương cậu, ngũ hổ, ông Lốt (đền thờ Trần Hưng Đạo, đền Thượng, đền Đức Sơn…). Trong “Tam Tòa Thánh Mẫu”, Mẫu Liễu Hạnh chưa được đề cao như ở miền Bắc mà với người dân xứ Nghệ, vai trò của ba Mẫu dường như ngang nhau, thậm chí trong một số trường hợp, ở một số địa phương, nhất là ở miền núi và vùng trung du, mẫu Thượng Ngàn được đề cao và thường hóa thân dưới dạng Bạch Y Công Chúa, gắn với thần tích giải cứu các vị tướng lĩnh. Một điều đặc biệt nữa là ở Nghệ An, các Mẫu thường được thờ tại các Thiện đàn - một loại hình tín ngưỡng tâm linh độc đáo, gắn liền với thời kỳ đất nước bị thực dân Pháp đô hộ, góp phần thức tỉnh lòng yêu nước và chấn hưng văn hóa dân tộc. Hầu như huyện nào cũng có một vài thiện đàn như Hiếu Thiện đàn, Cư Thiện đàn (Nam Đàn), Vi Thiện đàn, Tập Thiện đàn, Lạc Thiện đàn, Mộ Thiện đàn (Yên Thành), Lạc Thiện đàn (Hưng Nguyên), Giác Thiện đàn (Diễn Châu) …

Việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ trên địa bàn Nghệ An cơ bản không theo quy luật chặt chẽ như ở miền Bắc mà được địa phương hóa, hay theo cách nói nôm na của dân gian là “nhập gia tùy tục”, nghĩa là người dân chấp nhận sự du nhập của tín ngưỡng này nhưng việc thực hành tín ngưỡng lại theo phong tục, tập quán của người Nghệ. Từ xưa đến nay, người dân xứ Nghệ đến với các địa điểm tâm linh như đền, chùa, miếu… hầu như không câu nệ các tiểu tiết, việc sắm sửa lễ vật quan trọng là ở tấm lòng, theo điều kiện kinh tế và theo thói quen từ xa xưa. Các nghi lễ thờ cúng cũng theo kinh nghiệm của cha ông mà áp dụng chung cho các trường hợp, không có sự phân biệt giữa các vị thần được thờ hay phối thờ, bản địa hay du nhập. Thậm chí, việc sắp xếp các nhân vật thờ trong hệ thống Mẫu Tam phủ có khi còn cẩu thả, lộn xộn, Ngọc Hoàng “ngồi” dưới cùng, các ông Hoàng thì cho “ngồi” trên…

Bài trí tại miếu Già (Đô Lương)

Ảnh tư liệu (lưu tại kho Ban Quản lý Di tích Nghệ An)

Hoạt động hầu đồng cũng diễn ra ở hầu hết các di tích thờ/phối thờ Mẫu Tam phủ (trừ chùa). Tuy vậy, chỉ có một số địa điểm nghi thức này được thực hiện bài bản, quy mô tương đối lớn, thu hút được đông đảo con nhang, đệ tử và Nhân dân tham gia và theo dõi (đền Hoàng Mười, đền thờ Trần Hưng Đạo…), còn lại cơ bản mang tính tự phát, các giá đồng cũng hầu một cách tùy tiện, không theo quy luật, làm giảm giá trị nghi thức thực hành quan trọng của tín ngưỡng. Đây là một trong những mặt hạn chế của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ ở Nghệ An.

Hình ảnh một giá hầu đồng tại đền thờ Trần Hưng Đạo, TP. Vinh

Trong thời gian gần đây, tại các di tích trên địa bàn xuất hiện ngày càng nhiều, thậm chí là ồ ạt các nhân vật thuộc hệ thống Mẫu Tam phủ, dẫn đến việc chính quyền địa phương ở một số nơi không kiểm soát và quản lý được hiện tượng phối thờ và thực hành loại hình tín ngưỡng này. Để thu hút khách, nhiều di tích đã không ngần ngại đưa Mẫu vào phối thờ mà không xem xét đến nguồn gốc, sự tương đồng với nhân vật vốn được thờ tại di tích và phong tục tập quán của địa phương (chùa Giai, chùa Phúc Viên, chùa Tuyết Sơn, đền Thượng, đền Phúc Vị…), nguy hiểm hơn, có nơi còn đưa Tam Tòa Thánh Mẫu vào “ngồi” trong Hậu cung, thay thế vị trí của thần chủ (Đền thờ Trần Hưng Đạo trước khi xếp hạng, đền Thượng trước khi xếp hạng). Thậm chí, còn xuất hiện cả hiện tượng thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ ở di tích không thờ Mẫu (đền thờ Vua Mai Hắc Đế). Nguyên nhân thì có nhiều, song, phần lớn do sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương cùng với sự thiếu hiểu biết hoặc cố tình của một bộ phận đồng tử, con nhang đệ tử. Điều này gây nên hệ lụy khôn lường, cái dễ nhìn thấy nhất là sự mất dần bản sắc văn hóa bản địa.

Việc một di sản văn hóa của dân tộc được tổ chức UNESCO vinh danh là một niềm vinh dự, niềm tự hào đối với Nhân dân Việt Nam nói chung và Nhân dân Nghệ An nói riêng. Tuy nhiên, quá trình thực hành tín ngưỡng như thế nào để phát huy được bản sắc văn hóa của từng địa phương, từng vùng, miền mà không bị trộn lẫn, bị hòa tan và không lấn át, làm mai một yếu tố văn hóa bản địa lại là cả một vấn đề. Đây là bài toán khó, đặc biệt là trong thời điểm nền văn hóa đang đứng trước nguy cơ bị thương mại hóa, nhất là văn hóa tâm linh. Bởi vậy, chúng ta cần có một chiến lược phát triển văn hóa lâu dài, gắn việc phát huy tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ với các tín ngưỡng dân gian khác, để các tín ngưỡng vừa giữ được bản sắc riêng, vừa bổ trợ cho nhau, cùng làm giàu thêm nét văn hóa độc đáo xứ Nghệ./.

 

(Bài đã đăng trên VHTT Nghệ An số 9, tháng 5/2023)


[1] Trong hệ thống Mẫu Tứ phủ có thêm mẫu Địa. Tuy nhiên, theo lý giải dân gian: Mẫu Thượng Thiên cách nhân gian xa quá, khó gần gũi, cai quản nên mẫu Địa được đề xuất lên thay vị trí của mẫu Thượng Thiên, do đó, mẫu Thượng Thiên và mẫu Địa thường được xem là một. Bởi vậy, trong một số trường hợp, Tứ phủ cũng được xem là Tam phủ với 3 Mẫu (Đệ Nhất cai quản nhân gian, đệ Nhị cai quản rừng núi và đệ Tam cai quản vùng sông nước)

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441748

Hôm nay

2148

Hôm qua

2317

Tuần này

21652

Tháng này

216922

Tháng qua

112676

Tất cả

114441748