Góc nhìn văn hóa

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới mãi mãi soi đường cho cách mạng Việt Nam

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới là một trong những nội dung quan trọng trong kho tàng tư tưởng của Người, là tài sản tinh thần to lớn và quý giá của dân tộc ta, của Đảng ta. Tư tưởng ấy đã, đang và sẽ mãi mãi soi sáng con đường đi của cách mạng Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ( Ảnh Tư liệu)

Trước hết cần thấy rằng thuật ngữ đổi mớitư tưởng đổi mới được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập từ rất sớm. Cách đây 96 năm thuật ngữ đổi mớitư tưởng đổi mới đã được Người sử dụng trong tác phẩm Đường cách mệnh (1927), sau đó được Người nhắc lại và làm rõ thêm trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (1947), Đời sống mới (1947), Dân vận (1949), Di chúc (1969) và trong một số bài viết, bài nói khác. Đọc lại toàn bộ tác phẩm, bài viết, bài nói của Người, ta thấy xuyên suốt là một hệ thống luận điểm về đổi mới, những luận điểm này có giá trị làm nền tảng và định hướng về đổi mới cho Đảng ta, Nhân dân ta.

Thứ nhất, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đổi mới là bản chẩt của cách mạng, là bản chất của phát triển. Trong tác phẩm của Người, nhiều lần Người đã nhấn mạnh và khẳng định điều này. Người cho rằng cách mạng là phải làm ra cái mới, cái tiến bộ, xóa bỏ cái lạc hậu, cái lỗi thời, cái bảo thủ, đồng thời cách mạng là phải làm ra cái tốt, xóa bỏ cái xấu, cái ác: “Cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, trang 284). Sau này, Người có căn dặn rằng sau khi đánh thắng giặc Mỹ, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước thì chúng ta phải hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng lại đất nước, đó chính là tạo ra sự đổi mới: “Xây dựng lại đất nước là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ tốt hơn, tốt tươi” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15, trang 617).

Thứ hai, theo Người, Đảng cộng sản Việt Nam là linh hồn của đổi mới, quần chúng nhân dân là sức mạnh của đổi mới.

Người khẳng định: Đảng cộng sản Việt Nam là người lãnh đạo trực tiếp sự nghiệp đổi mới, do đó, Đảng phải vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin một cách sáng tạo, phải căn cứ vào thực tiễn cách mạng Việt Nam để đề ra đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp. Với tư cách là lực lượng lãnh đạo cách mạng, Đảng phải luôn luôn đổi mới (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15, trang 624). Mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn luôn đi tiên phong trong sự nghiệp đổi mới, Người căn dặn rằng muốn vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập, rèn luyện: “Thế giới ngày ngày đổi mới, Nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên học tập, rèn luyện để theo kịp tình hình ” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, trang 377).

Đồng thời, Người cũng khẳng định rằng sức mạnh của đổi mới là ở quần chúng nhân dân. “Lực lượng vĩ đại của toàn dân sẽ làm nên sức mạnh của đổi mới. Vì vậy Đảng phải thường xuyên tích cực tuyên truyền, động viên, tổ chức, giáo dục quần chúng nhân dân. Trong cuộc chiến đấu đầy khó khăn, gian khổ này, sức mạnh vĩ đại của toàn dân sẽ chiến thắng tất cả” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15, trang 617). Người còn nhấn mạnh rằng vì cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới cho nên Đảng phải biết kết hợp sức mạnh của dân tộc Việt Nam với sức mạnh của các dân tộc trên thế giới và kết hợp với sức mạnh của thời đại.

Thứ ba, mục đích của đổi mới là đem lại lợi ích tối cao cho dân tộc, cho đất nước, Nhân dân, đem lại hạnh phúc cho con người. “Đổi mới là nhằm ích nước, lợi dân. Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm, việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Đó chính là bản chất nhân đạo, nhân văn của đổi mới. Nếu không vì mục đích ích nước lợi dân thì đổi mới không có ý nghĩa gì ” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, trang 65).

Thứ tư, đổi mới là xuất phát điểm từ nhu cầu của thực tiễn. Người cho rằng thực tiễn là xuất phát điểm của tư duy, của hành động, thực tiễn là sự kiểm chứng chân lý khoa học. Tất cả mọi tìm tòi, sáng tạo để đổi mới phải luôn luôn gắn với thực tiễn, phải chú trọng tổng kết thực tiễn, phải lấy hiệu quả trong thực tiễn để làm thước đo tính đúng đắn của đổi mới. Người khẳng định rằng đổi mới phải xuất phát từ đòi hỏi khách quan của thực tiễn, phải phù họp với điều kiện của thực tiễn và giải quyết một cách hiệu quả những nhu cầu của thực tiễn.

Thứ năm, đổi mới là sự nghiệp cách mạng to lớn, là quá trình cách mạng lâu dài, gian khổ, phức tạp cho nên phải luôn luôn kiên định, kiên trì, kiên quyết đổi mới, phải biết lựa chọn những bước đi thích hợp với quá trình đổi mới. Người đã nhiều lần khẳng định rằng thắng đế quốc, phong kiến là tưong đối dễ, thắng bần cùng, lạc hậu còn khó hơn nhiều “Đấu tranh xóa bỏ cái cũ, xây dựng cái mới là công việc cực kỳ to lớn, nặng nề, phức tạp và khó khăn, do vậy, phải có kế hoạch thật tỉ mỉ, chuẩn bị chu đáo, thực hiện chắc chắn” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, trang 95).

Thứ sáu, theo Người, đổi mới không phải là phủ định sạch trơn mà trong quá trình đổi mới có sự kế thừa và phát triển. Trong những cái quá khứ để lại, có cái cũ mà xấu, có cái cũ mà không xấu nhưng phiền phức, có cái cũ mà tốt, cho nên ta phải phân biệt, lựa chọn và xử lý. Đối với cái cũ mà xấu thì phải bỏ, cái cũ mà không xấu nhưng phiền phức thì phải điều chỉnh, sửa đổi cho hợp lý, cái cũ mà tốt thì phải phát triển thêm, cái gì mới mà hay thì phải làm.

Trên đây là những luận điểm cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới. Có thể thấy rằng chính lòng yêu nước nồng nàn, lòng yêu Nhân dân tha thiết, ý thức trách nhiệm cao trước vận mệnh đất nước là nguồn động lực to lớn thôi thúc Người nung nấu tinh thần đổi mới trong suốt cuộc đời mình.

Chúng ta đang bước vào những năm đầu của thập niên thứ ba của thế kỷ XXI Đất nước đang đứng trước những vận hội lớn, thời cơ lớn, thuận lợi lớn, đồng thời cũng có những khó khăn lớn, những thách thức lớn. Trước tình hình đó, Đại hội XIII của Đảng đã xác định rằng trong ba mươi năm tới, chúng ta có ba thời điểm (ba cái mốc) để phấn đấu: Năm 2025 (50 năm giải phóng Miền Nam), 2030 (100 năm thành lập Đảng), 2045 ((100 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa). Do đó, Đại hội XIII của Đảng đã xác định mục tiêu như sau: “Phấn đẩu đến năm 2025 nước ta thành một nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập bình quân cao. Đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao ” (Trích Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng cộng sản Việt Nam tập 1, trang 12).

Như vậy, Đại hội XIII của Đảng đã xác định rõ ràng mục tiêu phấn đấu trong ba mươi năm tới. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đó, chúng ta phải tiếp tục phấn đấu, tiến hành đồng bộ, toàn diện công cuộc đổi mới. Trên chặng đường cách mạng mới, tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới tiếp tục soi đường, chỉ lối cho chúng ta. Chúng ta cần vận dụng, phát huy những giá trị to lớn của tư tướng Hồ Chí Minh về đổi mới vào những đường lối, chủ trương, chính sách và hành động cách mạng trước mắt và lâu dài.

Một là, cần xác định rằng trong giai đoạn cách mạng mới, dù khó khăn đến mấy, chúng ta vẫn kiên định, kiên trì, tiếp tục tiến hành công cuộc  đổi mới, kiên định đường lối đổi mới cần tổng kết một cách toàn diện chặng đường 37 năm đổi mới và dự báo về những việc sẽ làm trong chặng đường sắp tới. Không ngừng đổi mới, đó chính là sự kế thừa, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới.

Hai là, Đảng phải luôn luôn tự đổi mới, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn luôn tự mình đổi mới, đổi mới về phong cách lãnh đạo, đổi mới về tư duy, đổi mới về cách hành động v.v... xứng đáng là lực lượng lãnh đạo sự nghiệp đổi mới.

Ba là, dù tình hình có thay đổi đến mấy vẫn phải kiên định hướng tới mục tiêu của sự nghiệp đổi mới, phấn đấu để dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phấn đấu để “Ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” như mục đích cao cả của tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới.

Bốn là, phải tiếp tục dựa vào Nhân dân để tiến hành công cuộc đổi mới. Sự nghiệp đổi mới là của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của

Đảng ta, Nhân dân ta đã, đang và sẽ là người làm nên thắng lợi của sự nghiệp đổi mới. Thực hiện tốt chủ trương “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Phát huy cao độ những phẩm chất tốt đẹp của Nhân dân (yêu nước, lao động, cần cù, sáng tạo...), dựa vào Nhân dân, phát huy cao độ quyền làm chủ của Nhân dân, phát huy sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc vào công cuộc đổi mới.

Suốt 37 năm qua, sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo đã giành được những thắng lợi to lớn. Đó chính là thắng lợi của sự kế thừa, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512137

Hôm nay

274

Hôm qua

2389

Tuần này

274

Tháng này

219010

Tháng qua

121356

Tất cả

114512137