Cuộc sống quanh ta

Gia thoại Stalin [4]

1. Lệnh cấm và những bức chân dung

Vào ngày lễ, người ta cần treo chân dung Stalin ở một vọng gác dưới bức tường Berlin. Cậu lính Bulgakov được gọi đến vẽ. Cậu vẽ  giống hệt Stalin, nhưng riêng những vết rạn chân chim quanh mi mắt thì không sao vẽ y như thật. Chân dung vừa treo lên, một vị tướng xuống vọng gác, ngắm nghía thấy bức vẽ chẳng giống Stalin chút nào, bèn hạ lệnh giam chàng hoạ sĩ vào trại hối cải để sau này làm sáng tỏ. Cậu bị giam rất lâu, nhưng không ai biết sẽ phải xử trí với cậu thế nào. Sau đó, một ông nguyên soái đi kiểm tra vọng gác. Ông tra xét mấy tay bị bắt giam. Các sĩ quan báo cáo với nguyên soái:

 

- Thưa nguyên soái, có một cậu lính bị giam vì vẽ chân dung Stalin.

- Biếm hoạ à?

- Thưa không. Chân dung ạ.

 -  Vậy sao bị bắt?

 - Hắn vẽ không giống, tướng quân không thích nên hạ lệnh bắt giam ạ.

 - Mang đến đây ta xem. Ta là nguyên soái, chuyện chân dung, ta hiểu hiểu rõ hơn mấy anh tướng.

Người ta đem bức chân dung đến, nguyên soái ngắm nghía, ưng ý lắm. Đến khi được gọi về Moskva báo cáo, nguyên soái mang bức chân dung về trình Stalin. Stalin cũng rất thích. Ngay lập tức, cậu lính được điều về Moskva, được cấp hẳn một xưởng vẽ và rất nhiều trợ lí. Hàng ngày họ ra phố vẽ chân dung Stalin, đúng hơn là chỉ việc hoạ lại bức vẽ đã treo ở Berlin của cậu lính Bulgakov.

2. Người bạn của điện ảnh xô viết:

2.1. Kịch bản gây sự chú ý cá nhân

Một nhân viên to béo ngồi trực ở Uỷ ban nghệ thuật. Đến chiều tối, bỗng điện thoại réo.

- Tôi nghe đây ạ.

Stalin hỏi:

- Uỷ ban các anh đánh giá thế nào về kịch bản “Âm mưu của những kẻ bị kết án tử hình” của Virta[1].

Chắc mẩm vở kịch được Stalin đánh giá tốt nên ông mới hỏi như thế, tay nhân viên nhanh nhẩu đáp:

            - Dạ thưa, tác giả không làm phật ý chúng tôi ạ.

            - Không làm phật ý thế là tốt. Vở kịch này đang diễn ở những rạp nào?

            - Thưa đồng chí Stalin, đang diễn ở 4 rạp ạ (và anh ta gọi bừa tên 4 rạp hát lớn).

            - Hay lắm. Cứ để họ mời tôi đến xem buổi biểu diễn ra mắt ở Nhà hát lớn nhé.

2.2. “Dịch giả”

Bolsakov chẳng hề biết một ngoại ngữ nào, nhưng ông là người chuyên dịch phim nước ngoài cho Stalin nghe. Mỗi khi chính phủ muốn xem một bộ phim nào đấy, Bolsakov phải xem trước mấy lần cùng với một người phiên dịch. Ông lắng nghe, học thuộc lòng lời dịch đuổi, sau đó dịch lại cho phục vụ Stalin.

2.3. Cốt truyện không điển hình

Ở phiên bản đầu tiên trong bộ phim “Thày thuốc nông thôn” của Sergei Apollinnarievich Herashimov[2], cốt truyện phát triển thế này: một cô y sĩ trẻ vừa đến một bệnh viện tuyến huyện làm việc chưa được bao lâu, thì viên bác sĩ già bỗng đột ngột qua đời. Cô y sĩ trẻ cảm thấy bất lực khi phải đối mặt với muôn vàn khó khăn.

Stalin không tán thành sự kiện có bước ngoặt như vậy.

- Tại sao lại để một người già thông thái như thế, người phải dẫn dắt cô gái trẻ trên đường đời, lăn đùng ra chết? Vô lí! Vô lí! Cốt truyện như thế không điển hình.

Bolsakov giải thích cho Herashimov:

- Này, thấy người già chết thế, lãnh đạo bên trên không hài lòng đâu.

..................

Người dịch: LKH

Nguồn: Борев Ю.Б.-“Сталиниада” - Москва: Советский писатель, 1990
 


[1]Nhikolai Evghenievich Virta (họ thật: Karenski; 1906 – 1976) – Nhà văn Liên Xô, 4 lần nhận giải tưởng Stalin (1941, 1948, 1949, 1950).

[2]Sergei Apollinnarievich Herashimov (1906 – 1985) – Đạo diễn, diễn viên điện ảnh, kịch tác gia, giáo sư, nghệ sĩ nhân dân, viện sĩ viện hàn lâm nghệ thuật, anh hùng lao động Liên Xô. 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511077

Hôm nay

276

Hôm qua

2359

Tuần này

21451

Tháng này

217950

Tháng qua

121356

Tất cả

114511077