Chỉ duy nhất có một cái tên đại lộ mà ở thành phố nào cũng có là (Tôn) Trung Sơn, nhưng là được đặt từ thời Quốc dân đảng.
Làm thế theo tôi có cái lợi là không cố định hóa lịch sử.
Ở Trung quốc các thế hệ cầm quyền có một ám ảnh là làm khác những người đi trước và đó chính là cách biểu lộ lòng trung thành với quá khứ một cách tích cục nhất.
Trung thành với quyền lợi của nước Trung Hoa chứ không trung thành với riêng ai cả.
Xứ sở của giáo điều – theo khoa chính trị học hiện đại – hóa ra chính là xứ sở của xét lại.
Tên phố ở ta hiện nay được hình thành từ khi người Pháp cai trị và lấy Hà Nội làm thủ phủ của cả Đông Dương. Bấy giờ các tên phố phần lớn được đặt theo tên danh nhân nước Pháp.
Theo nhà văn Tô Hoài kể lại thì mãi tới đầu 45, tên phố Hà Nội mới được đặt theo tên các danh nhân người Việt. Việc này là do bác sĩ Trần Văn Lai phụ trách. Rồi đến 1954 khi bộ đội về tiếp quản Hà Nội, thì các tên phố được đặt lại theo các quan niệm mới về lịch sử Việt Nam. Ví dụ như đường Bà Triệu rất lớn hiện nay trước năm 54 được gọi là đường Gia Long. Còn đường Lê Hồng Phong, đường Trần Phú, thì trước 1954 gọi là đường Anh Quốc, Mỹ Quốc.
Trong những năm chiến tranh Hà Nội không xây dựng gì thêm, mãi tới cơn bão xây dựng gần đây thì nhiều đại lộ mới xuất hiện. Và tôi thấy nổi lên một xu thế quá rõ rệt, là lấy tên nhiều người mà theo tiêu chuẩn bình thường thì khó gọi là có ý nghĩa với lịch sử.
Một việc làm như của nước Pháp, theo tôi có lý do của nó: Lịch sử Pháp đã rất ổn định từ thời có Hàn Lâm Viện, vả chăng họ cũng hết sức hạn chế khi dùng tới tên của các nhân vật hiện đại.
Còn ở ta, việc đặt tên phố theo tên các nhà hoạt động xã hội đương đại đang ngày càng phổ biến. Nó nằm trong xu thế của người thời nay là quá hợm hĩnh trước thành tựu của mình và hay gọi nó là kỳ tích hơn hẳn ông cha.
Lối đặt tên phố như hiện nay buộc người ta chỉ được nghĩ về nhân vật lịch sử theo một cách duy nhất do nhà cầm quyền đương thời áp đặt.
Một xã hội cứ nghĩ rằng trước sau bao giờ mình cũng đúng, không bao giờ xét lại quá khứ của mình, một xã hội như thế không tiến lên được.
Nhìn vào khu vực văn học nghệ thuật - mà tôi từng công tác - hoặc là khu vực các trí thức nói chung, tôi thấy có hiện tượng là người ta đang tranh nhau để hòng có được một vị trí trong bảng danh sách các khu phố mới mở, từ đó sinh ra nhiều hiện tượng tiêu cực đáng tiếc.
Nhà giáo Nguyễn Lân vốn chưa từng được phong giáo sư, ấy thế mà trong các tài liệu chính thức người ta vẫn gọi ông là giáo sư. Rồi đến các cuốn từ điển mà ông đã biên soạn, khi chúng được những nhà nghiên cứu chỉ ra những chỗ sai lầm, thì các báo không đăng, chỉ sợ làm hại đến uy tín của nhà trí thức. Một vài anh em có hiểu biết về nội tình gia đình có bảo với tôi, hình như chính các con cháu trong nhà cụ, là những người đã lo bảo vệ cụ Lân tích cực nhất. Họ làm thế với mục đích thiết tha là mong khi cụ qua đời, được đặt tên cho một khu phố mới mở.
Trường hợp Nguyễn Lân còn cho thấy cách sử dụng tri thức ở ta, tức là người nào ngoan ngoãn dễ bảo thì được trọng dụng, còn người nào có ý kiến khác với trên thì bị coi thường và có giỏi mấy cũng không cần, khi chết họ ít được nhắc nhở kể cả việc được đặt tên phố để “trở thành bất tử”.