Những góc nhìn Văn hoá

Xin bàn thêm về niên đại các bản Kiều nôm cổ

1/ Khi nghiên cứu niên đại các bản Kiều Nôm cổ, trước nay vốn có hai hường đi cơ bản rất khác nhau :

---Một hướng thì chỉ coi trọng năm in :như coi bản in1871 phải cổ hơn bản in 1872, bản in 1872 phải cổ hơn các bản in 1879 v.v.
---Một hướng thì coi trọng nội dung chữ nghĩa bên trong bản đã sao chép , biên tập .
Chúng tôi đi theo hướng thứ hai.Sở dĩ chúng tôi quí nhưng không thật coi trọng năm in mộc bản là vì có mấy lí do như sau :

a)Có rẩt nhiều bản cổ hiện không rõ năm in , vì không ghi hay có ghi nhưng đã để mất.Không lẽ vì chỉ thiếu năm in mà gạt bỏ hay coi khinh những bản cổ đó ?
b)Không phải bản nào sao chép, biên tập xong là cũng được in ,vì muốn in ra được thì cần phải có khá nhiều điều kiện . Nhiều bản vĩnh viễn không được in .Nhiều bản sau được in nhưng in rất chậm Chuyện được in ngay lại là chuyện càng cực khó.Chứng cớ là bản LNP biên tập năm 1870 mà phải hơn 100 năm sau , gần đây mới in ra được !
c) Do tình hình như trên , bản biên tập trước nhiều khi phải chịu in sau, bản biên tập sau nhiều khi lại được in trước .Một ví dụ : bản NGỰ CHẾ THI TẬP của Minh Mạng viết sau nhưng in trước là vì của vua , Truyện Kiều hoàn thành trước nhưng lại in sau là vì của dân !
2/ Vì vậy , để xác định được bản nào cổ hơn, bản nào muộn hơn, chúng tôi chủ trương không thể chỉ dựa vào năm in mà phải dựa vào chữ nghĩa hiện thấy in, chép trong các bản Nôm là chính. Trước nay , chúng tôi đã dựa chủ yếu vào các chữ kị húy . Nhưng vấn đề kị húy là một vấn đề không đơn giản , chúng tôi cũng đã phải tự điều chỉnh đi, điều chỉnh lại mấy lần. Căn cứ các bản hiện có, ý kiến cuối cùng của chúng tôi hiện nay có thể tóm tắt như sau :
a)Bản biên tập sớm nhất là
---Bản DMT/1872
Chắc chắn bản này đã được biên tập trong khoảng 1825-1836: vì có nhiều vết tích tránh né chữ ĐANG ( theo lệnh năm 1825) mà chưa kị húy chữ CẢO//KIỂU trong CẢO TÁNG.(theo lệnh năm 1836 ).
b)Các bản kế đó là :
---Các bản miền Bắc có năm in như   LVĐ/1866,LVĐ/1871,QVĐ/1879,TMĐ/1879..
---và bản không rõ năm in như bản VNB-60
Các bản này đều đã được biên tập trong khoảng 1836-1840., vì đã kị húy CẢO//KIỂU ( theo lệnh năm 1836) mà chưa kị húy các chữ như TÔNG, HOA v.v.( theo lệnh đầu đời Thiệu Trị)
c)Các bản chữa lại ở Huế rõ ràng được biên tập càng có phần chậm hơn :
---Bản LNP :đã né tránh các chữ THỜI , NHẬM ....theo các lệnh khoảng 1847-1870
---Và bản KOM đã kiêng cả chữ CHIÊU tên húy Thành Thái theo các lệnh khoảng 1879-1902 .
3/Nhưng một số nhà nghiên cứu vẫn chưa tin cứ liệu về chữ húy lắm . Vì vậy dưới đây chúng tôi sẽ xin xin bổ sung thêm một số cứ liệu mới, thuộc địa hạt khác ,để ủng hộ cho các kết luận mà việc nghiên cứu các chứ húy đã cho phép tổng kết như trên.Có ít nhất hai lọai cứ liệu bổ sung :
---cứ liệu về từ ngữ ;
---và cứ liệu về hiệp vần ..
Về từ ngữ , bên cạnh đa số lọai từ ngữ thông thường, có khi còn có lọai từ ngữ cổ , lọai từ ngữ địa phương, lọai từ ngữ khó hiểu rút ra từ những điển cố hiểm hóc v. v. .
Những từ ngữ cổ, hiểm hóc ... như HÔM DAO, RÒN MÒN, ỎN THÓT v.v. thì chỉ riêng ở lọai a) mới may còn giữ được ; ở các lọai b) , c) chúng đều đã bị thay thế. Đó là một chứng cớ chỉ rõ rằng lọai  a) như DMT/1972 mới là lọai biên tập sớm hơn, khi tiếng Việt còn đang dùng nhiều lối nói tiếp thu từ các thế kỷ trước .
Về từ ngữ thông thường thì cũng chỉ cần dựa vào bản KIỀU do Nguyễn Quảng Tuân khảo đính và chú giải, in năm 1997, là đã có thể kết luận được. gần gần như vậy.
Trong quá trình khảo đính nói trên , có hơn 200 trường hợp Anh NQTuân chọn hẳn những từ ngữ vốn đã được khởi xướng ở bản DMT/ 1872 và đã được nhiều bản khác in theo.
Xin hãy xem những ví dụ Anh đã chọn như sau trong 3, 4 trăm câu Kiều đầu tiên :
***Câu 27 : Một HAI nghiêng nước nghiêng thành
***Câu 84 : Lời RẰNG BẠC MỆNH cũng là lời chung
***Câu 107: Rằng hồng nhan tự THUỞ XƯA
***Câu 114: Bóng chiều đã ngả, DẶM VỀ còn xa
***Câu 149: Nền PHÚ HẬU ,bậc tài danh
***Câu 168: Khách đà LÊN NGỰA , người còn nghé theo
***Câu 178: Rộn ĐƯỜNG GẦN với nỗi xa bời bời
***Câu 197: MẤY lòng hạ cố đến nhau
***Câu 238: Chưa xong điều nghĩ đã dào MẠCH TƯƠNG
***Câu 253: Buồng văn hơi GIÁ như đồng
***Câu 260: Nhớ nới kỳ ngộ vội dời CHÂN đi
***Câu 277: Lấy điều DU HỌC hỏi thuê
***Câu 308: Ơn LÒNG quân tử sá gì của rơi
***Câu 320: Phải người hôm nọ rõ ràng chăng NHE
***Câu 340: Thiệt ĐÂY mà có ích gì đến ai
***Câu 359: Một lời VỪA GẮN tất giao
Rõ ràng là trong quá trình khảo đính , phục nguyên Anh Tuân đã gạt bỏ khá nhiều dị bản của LVĐ/1866,1871 : như MỘT ĐÔI , LỜI LÀ PHẬN BẠC, TỰ NGHÌN XƯA, DẶM HÒE, NỀN PHÚ QUÍ ,XUỐNG NGỰA, ĐƯỜNG XA ,THÊM LÒNG ,MẠCH SƯƠNG ,HƠI LẠNH,GÓT ĐI, DẠO/ĐẠOHỌC, ƠN NGƯỜI , CHĂNG SAI, THIỆT TA, GẮN BÓ .Sao Anh lại theo bản in sau mà không theo các bản in trước như vậy? Chắc ví sự nhạy cảm về mặt văn học đã cho Anh N.Q.Tuân thấy rằng tuy bản DMT in chậm hơn, nhưng đằng sau lưng nó vốn có một bản chép tay biên tập sớm hơn , đang còn gần gũi với lời văn của cụ Nguyễn Du hơn và dễ được nhiều người tán thưởng hơn. Nói một cách khác Anh đã xĩch gần lại với hướng đi của chúng tôi : không còn nhất nhất chủ trương bao giờ bản in trước cũng phải 100% chắc chắn cổ hơn bản in sau !
4/Về hiệp vần , cũng có thể dẫn những nhóm câu như sau để làm ví dụ :
Câu 850-852: --- Đuốc hoa để đó mặc nàng nằm trơ
Nỗi riêng tầm tả tuôn mưa
Phần căm nỗi khách ,phần DƠ nỗi mình
Câu1133-1134 --- Tú Bà tốc thẳng đến NƠI
Hằm hằm áp điệu một hơi lại nhà
Câu 1639-1642 --- Nén hương đến trước thiên đài
Nỗi lòng khấn chửa cạn lời VÂN VÂN
Dưới hoa dậy lũ ác nhân
Ầm ầm khốc quỉ kinh thần mọc ra
Câu 1726-1728 --- Gạn gùng ngọn hỏi ngành tra
Sự mình nàng đã cứ mà gửi THƯA
Bất tình nổi trận mây mưa
Quở rằng :” những giống bơ thờ quen thân .
Câu 2005-2006 --- Ấy mới gan, ấy mới tài
Nghĩ càng thêm nỗi SỞN GAI rụng rời
Câu 2105-2107 --- Cửa hàng buôn bán Châu Thai
: Thật thà có một , đơn sai chẳng HỀ
Thế nào nàng cũng phải nghe
Câu 2281-2282 --- : Đến bây giờ mới thấy ĐÂY
Mà lòng đã chắc những ngày một hai
Câu 2285-2286 --- Tiệc bày thưởng tướng khao BINH
Om thòm trống trận ,rập rình nhạc quân
Câu 2357-2360 --- Thoắt trông nàng đã chào thưa
: Tiểu thư cũng có bây giờ đến ĐÂY
Đàn bà dễ có mấy tay
Đời xưa mấy mặt, đời này mấy gan !
Câu 2425-2428 ---: Khắc xương ghi dạ xiết chi
Dễ đem gan óc đền nghì trời MÂY
Từ rằng : “quốc sĩ xưa nay
Chọn người tri kỷ một ngày được chăng ?
Câu 2459-2462 ---: Lại riêng một lễ với nàng
Hai tên thể nữ ,ngọc vàng nghìn cân
Tin vào gửi trước TRUNG QUÂN
Từ công riêng hãy mười phân hồ đồ
Câu 2973-2974 --- Cơ duyên đâu bỗng LẠ SAO
Giác Duyên đâu bỗng tìm vào đến nơi
Câu 2995-2998 --- Từ phen chiếc lá lìa rừng
Thăm tìm luống những liệu chừng NƯỚC MÂY
Rõ ràng hoa rụng hương bay
Kiếp sau họa thấy, kiếp này hẳn thôi !
Rõ ràng ở các câu này, khi khảo đính , Anh N.Q.Tuân cũng đã gạt bỏ những cách gieo vần mà 2 bản LVĐ đã dùng như PHẦN LO NỖI MÌNH , TỐC THẲNG ĐẾN NGAY,CẠN LỜI VÂN VI ,CỨ MÌNH GỬI THÂN ,ĐẮNG CAY RỤNG RỜI ,ĐƠN SAI CHẲNG NGỜ, MỚI THẤY NHAU,THƯỞNG TƯỚNG KHAO QUÂN, CŨNG CÓ BÂY GIỜ ĐẾN NƠI, ĐỀN NGHÌ TRỜI XANH,GỬI TRƯỚC QUÂN TRUNG, ĐÂU BỖNG LẠ THAY, LIỆU CHỪNG NƯỚC NON....vì đó là những cách gieo vần sai trái hoặc gượng ép .Một nhà thơ như cụ Nguyễn Du không thể phạm những lỗi thất vận hay quá cưỡng vận như vậy. Và ở đây Anh N.Q, Tuân cũng phải chọn những cách gieo vần khởi xướng ở bên bản DMT, tuy bản này in sau và thường không được Anh coi trọng lắm . Vì sao như vậy ? Nguyên nhân chắc vẫn như ở trường hợp trên: chắc sự nhạy cảm về văn học ở đây cũng cho Anh thấy rằng bản chép tay mà bản DMT/1872 đã dùng để in là một bản có nguồn gốc xa xưa hơn . Tuy có chuyện in chậm , và chép sai, in sai ở rất nhiều chỗ , nhưng dầu sao , đó vẫn là một bản gốc dễ được đa số người đọc hưởng ứng hơn , vì còn bảo lưu được rất nhiều cách gieo vần vốn có trong nguyên tác .
5/Hiện chúng ta không còn bản nguyên tác của cụ Nguyễn Du , tự tay cụ Nguyễn Du đã viết ra hay tự tay Cụ đã tự duyệt lại lần cuối cùng . Muốn phục nguyên một bản Kiều hy vọng gần nhầt với nguyên lời thơ của Cụ, cách tiến hành tốt nhất ---theo lời khuyên của G.S.Hoàng Xuân Hãn ---là phải gắng tìm ra cho được càng nhiều càng tốt các bản Kiều Nôm cổ nhất của thế kỉ 19, rồi so sánh, gạt bỏ những chỗ người đời sau đã chép sai, chữa sai, để cuối cùng có thể lọc ra được những chỗ đúng nhất , những chỗ hay nhất có thể có.
Theo hướng đó, trước đây chúng tôi đã lọc ra các vết tích kị húy để khảo sát. Nay chúng tôi lại xin gắng lọc thêm một số cứ liệu mới về mặt từ ngữ và về mặt hiệp vần để kiểm tra lại một lần nữa .. May gì những cứ liệu mới này có thể nâng thêm được lòng tin về hướng đi của chúng tôi ở một số người nào chăng ?

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114445596

Hôm nay

296

Hôm qua

2237

Tuần này

21205

Tháng này

211855

Tháng qua

120141

Tất cả

114445596