Những góc nhìn Văn hoá

Đề cương Văn hóa Việt Nam và hành trình nhận thức, lý luận văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam

Đề cương về văn hóa năm 1943 như một ngọn đuốc, nền tảng để soi đường cho cả dân tộc chúng ta đi lên. (Ảnh TL)

1. Ngày 01/9/1939, chiến tranh thế giới lần thứ 2 bùng nổ. Ngày 22/9/1940, phát xít Nhật tràn vào lãnh thổ Việt Nam. Người dân Việt Nam phải chịu cảnh một cổ hai tròng. Đất nước rối ren. Pháp và Nhật đều muốn dùng văn hóa của họ để trói buộc, thậm chí hủy hoại văn hóa Việt Nam. Lòng người chao đảo. Nhiều bộ phận, nhất là giới trí thức mất phương hướng. Nếu trước đó chưa lâu, khí thế đang lên, lòng người rạo rực trong phong trào bình dân, thì nay có chiều hướng nghiêng ngả, không biết chọn hướng nào, trở nên thờ ơ, chán nản, hoang mang.

Kiên định mục tiêu của Hội nghị Trung ương VIII (11/1940) chủ trương tập hợp lực lượng dân tộc để thực hiện phản đế, giành độc lập dân tộc, với “Chiến thuật lập Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế” của Đảng Cộng sản Đông Dương, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng tháng 2/1943, đã thông qua và ban hành Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo.

2.  Bản Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 rất ngắn gọn, chỉ 1.500 chữ, gồm 05 phần: Phần (I): “Cách đặt vấn đề”; Phần (II): “Lịch sử và tính chất văn hóa Việt Nam”; Phần (III): “Nguy cơ của văn hóa Việt Nam dưới ách phát xít Nhật, Pháp”; Phần (IV): “Vấn đề cách mạng văn hóa Việt Nam” và Phần (V): “Nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa Mác xít Đông Dương và nhất là của những nhà văn hóa Mác xít Việt Nam”. Đề cương trình bày hệ thống các quan niệm, phạm trù, các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, phương châm, nguyên tắc của nền văn hóa dân tộc, với phương pháp tiếp cận khoa học; nổi bật là những luận điểm sau:

i. Phạm vi vấn đề: Vǎn hóa bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật.

 ii. Quan hệ giữa vǎn hóa và kinh tế, chính trị: nền tảng kinh tế của một xã hội và chế độ kinh tế dựng trên nền tảng ấy quyết định toàn bộ vǎn hóa của xã hội kia (hạ tầng cơ sở quyết định thượng tầng kiến trúc).

iii. Mối quan hệ hay là vai trò Đảng Cộng sản Đông Dương đối với vấn đề vǎn hóa:

    a) Mặt trận vǎn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, vǎn hóa), ở đó người cộng sản phải hoạt động.

    b) Không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng vǎn hóa nữa.

    c) Có lãnh đạo được phong trào vǎn hóa, Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả.”

Đề cương văn hóa (1943) không chỉ là một văn kiện có tính chất sách lược nhằm xây dựng củng cố lực lượng cách mạng trên lĩnh vực văn hóa trong sự nghiệp giải phóng dân tộc mà có ý nghĩa lý luận cơ bản và lâu dài về văn hóa của Đảng ta, đặt nền móng cho quá trình nhận thức về văn hóa của Đảng.

3. Từ nền tảng Đề cương văn hóa Việt Nam, trong triến trình lịch sử, để phù hợp với điều kiện cụ thể của từng thời kỳ, nhận thức và các quan điểm về văn hóa của Đảng đã được bổ sung, phát triển một cách phù hợp.

Không ngẫu nhiên mà trong bộn bề công việc của một nhà nước mới được thành lập, thù trong giặc ngoài, chiến tranh đang rình rập nhưng Đảng vẫn quyết định tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào ngày 24/11/1946. Trong diễn văn khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nền văn hóa mới của Việt Nam phải lấy hạnh phúc của Nhân dân, của dân tộc làm cơ sở, phải học lấy những điều tốt đẹp của văn hóa nước ngoài, tạo ra nền văn hóa Việt Nam, sao cho văn hóa mới phải sửa đổi cho được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ, phải làm sao cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập”. Người khẳng định: “Lấy văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

Khi cuộc kháng chiến mới nổ ra, đang lúc khó khăn nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tài liệu “Đời sống mới”. Cuốn sách giản dị, nội dung gần gũi, nhưng thể hiện quan niệm, quan điểm sâu sắc của Người về văn hóa: “Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ. Thí dụ: Ta phải bỏ hết tính lười biếng, tham lam. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý”.

Năm 1948, trong khi đang chiến tranh ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng vẫn tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai, từ ngày 16-20/7/1948. Điều này chứng tỏ vai trò của văn hóa, của đội ngũ văn nghệ sỹ tiếp tục được đề cao, văn hóa là vũ khí, là động lực của cuộc kháng chiến. Trong thư gửi các đại biểu tham dự Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trong sự nghiệp vĩ đại kháng chiến kiến quốc của dân tộc ta, văn hóa gánh một phần rất quan trọng... Các nhà văn hóa ta phải có những tác phẩm xứng đáng, chẳng những để biểu dương sự nghiệp kháng chiến kiến quốc bây giờ, mà còn để lưu truyền cái lịch sử oanh liệt kháng chiến kiến quốc cho hậu thế”. Tại hội nghị, Tổng Bí thư Trường Chinh trình bày báo cáo “Chủ nghĩa Mác và Văn hóa Việt Nam”. Báo cáo đã hệ thống hóa, cụ thể hóa và phát triển các quan điểm, nguyên tắc, phương châm của Đề cương Văn hóa Việt Nam (năm 1943) của Đảng, có giá trị như là Cương lĩnh văn hóa của Đảng thời kỳ kháng chiến. Báo cáo nêu 6 nhiệm vụ chủ yếu của văn hóa: 1- Xác định mối quan hệ giữa văn hóa và cách mạng giải phóng dân tộc, cổ động văn hóa cứu quốc; 2- Xây dựng nền văn hóa dân chủ mới Việt Nam có tính chất dân tộc, khoa học, đại chúng mà khẩu hiệu thiết thực lúc này là dân tộc, dân chủ; 3- Tích cực bài trừ nạn mù chữ, mở đại học, trung học, cải cách việc học theo tinh thần mới, bài trừ cách dạy học nhồi sọ; 4- Giáo dục lại Nhân dân, cổ động thực hành đời sống mới; 5- Phát triển cái hay trong văn hóa dân tộc, đồng thời bài trừ cái xấu xa hủ bại, ngăn ngừa sức thâm nhập của tàn dư văn hóa thực dân, phản động, học cái hay, cái tốt của văn hóa thế giới; 6- Hình thành đội ngũ trí thức mới đóng góp tích cực cho công cuộc kháng chiến kiến quốc và cho cách mạng Việt Nam.

Hiện thực hóa quan điểm của Hội nghị văn hóa toàn quốc, sau đó 3 ngày, từ ngày 23 - 27/7/1948, Hội nghị Văn nghệ toàn quốc đã được tổ chức với sự có mặt của hơn 80 văn nghệ sỹ thuộc các lĩnh vực văn học nghệ thuật. Kết quả là Hội Văn nghệ Việt Nam được thành lập để tiếp tục sự ghiệp của Hội Văn hóa cứu quốc.

Vẫn là trong những năm kháng chiến, đường lối, quan điểm cơ bản về văn hóa tiếp tục được bổ sung, phát triển trong các văn bản và hoạt động thực tiễn của Đảng và Nhà nước. Trong thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa (năm 1951), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”; “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”.

Đại hội III của Đảng (9-1960) diễn ra trong bối cảnh đất nước đang tạm thời bị chia cắt với hai nhiệm vụ chiến lược là miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội và miền Nam đấu tranh thống nhất nước nhà. Đại hội xác định trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, văn hóa, tư tưởng là một cuộc cách mạng, tiến hành đồng thời gắn bó chặt chẽ với cách mạng quan hệ sản xuất và cách mạng khoa học kỹ thuật. Mục tiêu là xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa mang đặc trưng dân tộc, khoa học, đại chúng tiếp tục được phát triển, bổ sung trong những năm đầu cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đất nước thống nhất, Đại hội Đảng lần thứ IV (12/1976) xác định mục tiêu là xây dựng con người mới, nền văn hóa mới, chống văn hóa phản động, độc hại.

Đại hội Đảng lần thứ V (3-1982) tiếp tục làm rõ khái niệm nền Văn hóa mới và Con người mới xã hội chủ nghĩa. Đó là nền văn hóa có nội dung xã hội chủ nghĩa và tính dân tộc, có tính đảng và tính nhân dân sâu sắc, thấm nhuần chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế vô sản. Đại hội V của Đảng xác định: “Công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật phải được nâng cao chất lượng. Mỗi hoạt động văn hóa, văn nghệ đều phải tính đến hiệu quả xã hội, tác động tốt đến tư tưởng, tâm lý, tình cảm, nâng cao trình độ giác ngộ xã hội chủ nghĩa và trình độ thẩm mỹ của Nhân dân. Quan tâm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu lành mạnh của các tầng lớp xã hội và các lứa tuổi”.

Tuy nhiên, những năm sau thống nhất đất nước đến giữa thập kỷ 80 của thế kỷ trước, do bị chi phối bởi hậu quả chiến tranh và tư duy kinh tế - chính trị còn có những hạn chế thậm chí yếu kém, sai lầm nên dẫn đến tình trạng làm suy giảm động lực phát triển văn hóa, giáo dục; kìm hãm năng lực sáng tạo của văn nghệ sỹ, kìm hãm sự phát triển của đất nước.

Đại hội VI, với tư duy đổi mới toàn diện, trên lĩnh vực văn hóa đã xác định: “…mục tiêu hình thành và phát triển toàn diện nhân cách xã hội chủ nghĩa của thế hệ trẻ, đào tạo đội ngũ lao động có văn hóa, có kỹ thuật, có kỷ luật và giàu tính sáng tạo…”.

Và: “Đối với trí thức, điều quan trọng nhất là đánh giá đúng năng lực và tạo điều kiện cho các khả năng sáng tạo được sử dụng đúng và phát triển”.

Đại hội VII (6-1991) đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội xác định: “nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, là một trong sáu đặc trưng cơ bản của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Phát triển luận điểm của Đại hội VII,  Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) đã lần đầu đưa khái niệm: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, một động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời là một mục tiêu của chủ nghĩa xã hội”. Và: “Nền văn hóa mà Đảng ta lãnh đạo toàn dân xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Tư tưởng này đã được Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII phát triển, cụ thể hóa bằng Nghị quyết về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Đây là một văn kiện thể hiện tư duy lý luận văn hóa toàn diện, sâu sắc và là đường lối, chủ trương phát triển văn hóa của Đảng trong giai đoạn cách mạng mới.

Đến Đại hội IX (4-2001), Đảng chủ trương “Xây dựng nếp sống văn minh và gia đình văn hóa..., làm cho văn hóa thấm sâu vào từng khu dân cư, từng gia đình, từng người, hoàn thiện hệ giá trị mới của con người Việt Nam... Nâng cao tính văn hóa trong mọi hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội và sinh hoạt của nhân dân”. Tiếp đến, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 23 NQ/TW, ngày 16-6-2008, về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, khẳng định: “Tiếp tục đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của văn học, nghệ thuật về đề tài, nội dung, loại hình, phương pháp sáng tác, sự tìm tòi, thể nghiệm, nâng cao chất lượng toàn diện nền văn học, nghệ thuật nước nhà”.

Đại hội lần thứ X của Đảng (4-2006) một lần nữa khẳng định: “Tiếp tục phát triển sâu rộng và nâng cao chất lượng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, gắn kết chặt chẽ và đồng bộ hơn với phát triển kinh tế - xã hội, làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội”.

Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta khẳng định: Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển.

Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, trên cơ sở thực tiễn đất nước sau gần 30 năm đổi mới, Hội nghị Trung ương 9 khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước”.

Đại hội XII của Đảng xác định “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học... Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành một mục tiêu của chiến lược phát triển. Đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.

Bộ Chính trị, ngày 4-6-2020, tiếp tục ra Kết luận số 76-KL/TW, về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, xác định: Xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.    

Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định và phát triển quan điểm trên: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Quan tâm chăm lo công tác giáo dục, bồi dưỡng và bảo vệ trẻ em, thiếu niên, nhi đồng. Tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên”. Và: “Tiếp tục đổi mới toàn diện nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về văn hóa”.

Nhìn lại, cho thấy, Đề cương Văn hóa Việt Nam (1943) là văn kiện đầu tiên thể hiện cơ bản đầy đủ nhận thức lý luận về văn hóa của Đảng. Văn kiện này đã đặt nền tảng cho quá trình bổ sung, điều chỉnh và phát triển lý luận về văn hóa của Đảng trong tiến trình lịch sử và văn hóa của đất nước và thời đại. Mọi nhận thức về văn hóa đều không phải là bất biến, có thể và cần thiết được điều chỉnh, phát triển, hoàn thiện dần để phù hợp với xu thế thời đại và nhu cầu phát triển của quốc gia dân tộc. Quá trình phát triển nhận thức và lý luận của Đảng ta là nằm trong quy luật đó./. 

( Bài đăng trên Văn hóa - Thể thao Nghệ An số 08/2023)

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114510959

Hôm nay

2317

Hôm qua

2347

Tuần này

21333

Tháng này

217832

Tháng qua

121356

Tất cả

114510959