Những góc nhìn Văn hoá
Tuổi trẻ và quá trình hoạt động của Đại tướng Chu Huy Mân
Là đội phó Tự vệ Đỏ trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, được tôi luyện trong cuộc đấu tranh anh dũng của công nông Vinh - Bến Thủy dưới sự lãnh đạo của Đảng và thử thách trong các nhà tù thực dân Pháp, Chu Huy Mân đã trở thành mộtchiến sỹ Cộng sản trung dũng, kiên cường, một tướng lĩnh quân sự tài ba. Nhân kỷ niệm 110 năm sinh của Đại tướng (17/3/1913-17/3-2023), xin giới thiệu đôi nét về tuổi trẻ và cuộc đời binh nghiệp của vị Đại tướng tài đức vẹn toàn, được Bác Hồ vinh danh là Tướng “Hai Mạnh”.
Chu Huy Mân tên thật là Chu Văn Điều, sinh ngày 17-3-1913 tại làng Yên Lưu, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên (nay là làng Phong Hảo, xã Hưng Hòa, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An), là con trai út (thứ 8) của ông bà Chu Văn Quý. Nhà nghèo, lại mồ côi cha khi vừa tròn tuổi tôi, tuổi thơ của Chu Văn Điều vô cùng tủi cực. Hàng năm, cứ mỗi độ mùa về, vì không đủ tiền nạp sưu cao, thuế nặng, những người thân trong gia đình Điều phải chịu đòn roi, sỉ nhục. Tuổi trẻ của Điều phải chứng kiến bao cảnh đau lòng. Mối thù giai cấp giữa bọn bóc lột và nông dân đói nghèo đã thấu tận xương tủy, Điều quyết không đội trời chung với lũ cướp nước và bọn địa chủ phong kiến bán nước hại dân.
Năm 1929, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Trung Kỳ, Bí thư Xứ ủy Nguyễn Phong Sắc cùng các đồng chí Lê Mao, Lê Viết Thuật, Nguyễn Lợi, Nguyễn Phúc, Nguyễn Thị Vĩnh (tức Minh Khai) về làng Yên Lưu vận động Nhân dân tham gia vào các tổ chức: Công hội Đỏ, Nông hội Đỏ, Hội Tán trợ, Hội Phụ nữ, Thanh niên; Tổ chức các cuộc mít tinh, biểu tình, diễn thuyết, tuyên truyền và vận động Nhân dân đấu tranh chống sưu cao thuế nặng. Chu Văn Điều theo các anh chị cán bộ tuyên truyền, bắt đầu tham gia hoạt động và được giao nhiệm vụ phụ trách đội tự vệ của làng. Để giữ bí mật, anh đã nhiều lần thay họ, đổi tên với các bí danh khác nhau: Chu Huy Mân, Vũ Chân, Lê Thế Mỹ, Trần Thanh Lạc, Hồ Thạch Châu, Thao Chăn và Hai Mạnh. Tuy vậy, cái tên Chu Huy Mân mang ý nghĩa (Huy là trong sáng, Mân là Ngọc) được anh tự chọn đã đi theo anh cho đến trọn đời.
Để chuẩn bị cho kỷ niệm lần thứ 12 Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917- 7/11/1929), Xứ ủy Trung Kỳ đã phát động công nông Vinh Bến Thủy và các huyện phụ cận: Nghi Lộc, Hưng Nguyên cùng phối hợp đấu tranh. Ngày 29-10-1929, tại làng Yên Lưu, dưới sự lãnh đạo của Đông Dương Cộng sản Đảng, Chu Văn Điều phụ trách bộ phận tự vệ có nhiệm vụ bảo vệ 300 nông dân đi biểu tình, đấu tranh với bọn địa chủ đòi giảm sưu cao, thuế nặng cho nông dân. Để góp phần tổ chức kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, Chu Văn Điều đã đi rải truyền đơn và khẩu hiệu đấu tranh chống Pháp, đòi quyền lợi cho công - nông (1).
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Chu Văn Điều được tổ chức tin tưởng giao làm Đội phó Đội tự vệ, có nhiệm vụ bảo vệ quần chúng nhân dân trong các cuộc đấu tranh từ ngày 01-5-1930. Ngày 12-9-1930, trong cuộc đấu tranh phối hợp của công nông Vinh - Bến Thủy và nông dân phủ Hưng Nguyên với nông dân huyện Nam Đàn, Chu Văn Điều đã dũng cảm, dương cao cờ đỏ búa liềm, dẫn đầu đoàn biểu tình, hô vang khẩu hiệu để áp đảo kẻ thù, bảo vệ Nhân dân vững bước tiến lên. Chu Văn Điều được quần chúng nhân dân tin yêu mến phục, lãnh đạo cấp ủy Đảng ghi nhận và rất tin tưởng, bồi dưỡng. Vào tháng 11-1930, Chu Văn Điều được Chi bộ đảng làng Yên Lưu làm lễ kết nạp vào Đảng khi anh 17 tuổi. Trong không khí trang nghiêm, dưới lá cờ đỏ búa liềm thiêng liêng, Chu Văn Điều xúc động dơ nắm tay thề rằng:“ Tôi nguyện suốt đời đấu tranh để giành độc lập dân tộc, bảo vệ nhân dân.Nếu bị bắt, dù bị tra tấn cực hình hoặc mua chuộc dụ dỗ, tôi quyết không khai báo. Dù phải chịu tù đày, vẫn không nản chí, vào sống, ra chết, quyết không sờn lòng…”. Lời hứa rất đỗi thiêng liêng khi đứng dưới lá cờ đỏ búa liềm đêm hôm đó, đã đi theo Chu Văn Điều suốt cả cuộc đời.
Sau khi được kết nạp vào Đảng Cộng sản và được Ban Chấp hành Chi bộ giao nhiệm vụ làm Đội trưởng Tự vệ Đỏ, để giữ bí mật, Chu Văn Điều đã đổi tên là Chu Huy Mân. Cuối năm 1930, khi phong trào đấu tranh ở hai tỉnh Nghệ - Tĩnh lên cao, các làng Xô viết (gọi là Xã Bộ nông) lần lượt ra đời và điều hành mọi hoạt động xã hội. Lo sợ phong trào cách mạng của công nông Vinh - Bến Thủy sẽ như vết dầu loang, lan ra các tỉnh khác, thực dân Pháp đã điều động binh lính đóng đồn ở các địa phương kéo về đàn áp, khủng bố. Cơ quan ấn loát của Xứ ủy Trung Kỳ và Tỉnh ủy Nghệ Ạn phải di chuyển địa điểm hoạt động. Đội trưởng Tự vệ Đỏ Chu Huy Mân có nhiệm vụ bảo vệ các đồng chí cán bộ ấn loát của cơ quan Xứ ủy Trung Kỳ. Là người địa phương, Chu Huy Mân nắm chắc địa bàn hoạt động cũng như những thủ đoạn của bọn phản cách mạng trong vùng. Ngoài việc phân công cho anh em tự vệ ngày đêm canh gác, chuyển phân phát tài liệu, báo chí đến các cơ sở, phụ công việc với bộ phận ấn loát. Chu Huy Mân còn chỉ huy đội tự vệ làng Yên Lưu rèn gươm giáo làm vũ khí để luyện tập quân sự, bảo vệ quần chúng nhân dân trong các cuộc đấu tranh; canh gác trong các cuộc họp, tuần tra ban đêm, theo dõi và có kế hoạch trừng trị bọn phản động có nhiều nợ máu với Nhân dân; chỉ huy đội Tự vệ Đỏ lấy lúa của bọn nhà giàu đem chia cho dân nghèo để cứu đói, lấy ruộng đất công của làng xã đem phân phát cho những gia đình nghèo. Tết Nguyên Đán năm Tân Mùi (1931), Chu Huy Mân hăng hái cùng Tự vệ Đỏ và các tổ chức đoàn thể thanh niên, phụ nữ mở các lớp dạy chữ Quốc ngữ cho Nhân dân, tuyên truyền vận động Nhân dân bài trừ mê tín dị đoan, tổ chức các đám cưới, đám tang theo đời sống mới; tuyên truyền cho Nhân dân tin tưởng vào cuộc đấu tranh do Đảng lãnh đạo và chế độ tươi đẹp của chính quyền Xô viết.
Đảm nhận nhiệm vụ thông tin liên lạc và canh gác cho các buổi họp ban đêm của Xứ ủy Trung Kỳ, với tầm nhìn xa trông rộng, đề phòng khi cơ sở ấn loát tại nhà ông Đinh Hồ bị lộ, Chu Huy Mân đã tìm thêm địa điểm ấn loát mới để dự phòng. Đó là nhà của ông Bõ Kinh, làm nghề chài lưới trên sông Rào Đừng. Đây là địa điểm giáp ranh giữa làng Yên Lưu và các làng phía Đông - Nam của huyện Nghi Lộc, rất thuận tiện cho việc cất dấu tài liệu, dụng cụ in ấn và đường rút lui khi bị địch bao vây. Trong thời kỳ địch đang khủng bố trắng, bọn mật thám đã dò la, lùng sục khắp nơi, nhưng truyền đơn, khẩu hiệu, báo chí của Đảng kêu gọi và định hướng các cuộc đấu tranh vẫn được in ấn đều và phân phát đến tận từng Chi bộ để cổ vũ và uốn nắn Nhân dân đấu tranh cho phù hợp; giảm bớt tổn thất. Tháng 6-1931, do có kẻ phản bội chỉ điểm, hai cơ sở ấn loát tại nhà ông Đinh Hồ và nhà ông Bõ Kinh đều bị địch bao vây. Chu Huy Mân đã chỉ huy bộ phận ấn loát nhanh chóng cất dấu tài liệu và các dụng cụ in ấn rồi dẫn mọi người trốn thoát an toàn.
Đến năm 1935, nhiều đồng chí bị bắt trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh đã được ra tù, các đồng chí Chu Huy Mân, Võ Trọng Ân đã tìm bắt liên lạc với Tỉnh ủy Nghệ An và huyện Nghi Lộc, bí mật tổ chức cuộc họp tại nhà thờ Chi Cụ Tú Lang ở làng Phù Xá (2) để khôi phục lại các Chi bộ phủ Hưng Nguyên. Đồng chí Chu Huy Mân được bầu làm Bí thư Phủ ủy, đồng chí Võ Trọng Ân làm Phó Bí thư. Dưới sự lãnh đạo của Phủ ủy, các tổ chức quần chúng cách mạng hoạt động rất sôi nổi. Ngày 12-9-1939, để rảnh tay chuẩn bị cho cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai, thực dân Pháp đã trở mặt, ra lệnh truy lùng bắt hết các đảng viên, kể cả những người vừa được ra tù như đồng chí Lê Hồng Phong. Tháng 5-1940, Chu Huy Mân, Võ Trọng Ân và lớp đảng viên ở Nghệ An lần lượt bị bắt giam. Từ Nhà lao Vinh, các đồng chí bị giải đến các nhà tù: Ngục Kon Tum, Buôn Ma Thuột, Đăk Tô. Trong tù, kẻ địch đã dùng mọi âm mưu thủ đoạn, tra tấn và mua chuộc dụ dỗ, nhưng vẫn không làm Chu Huy Mân sờn lòng nản chí. Chu Huy Mân luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, đoàn kết và sẵn sàng vượt ngục khi có thời cơ.
Tháng 3-1943, Mặt trận Việt Minh hoạt động mạnh, các đồng chí Chu Huy Mân, Nguyễn Duy Trinh (3), Huỳnh Ngọc Huệ và Hà Thế Hạnh bí mật tổ chức vượt ngục thành công. Trên đường về Nghệ An, khi đến tỉnh Quảng Nam, đúng vào lúc Mặt trận Việt Minh tỉnh chuẩn bị khởi nghĩa. Chu Huy Mân bàn với đoàn vượt ngục ở lại và cùng tham gia trong Ban lãnh đạo Việt Minh của tỉnh, đấu tranh cướp chính quyền. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đất nước độc lập, Chu Huy Mân được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam rồi Chủ tịch Ủy ban Quân chính 4 tỉnh Trung bộ, Xứ ủy Trung Kỳ. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Chu Huy Mân, từ Đội trưởng Tự vệ Đỏ đến anh Bộ đội Cụ Hồ bắt đầu sang trang mới …
Tháng 12-1946, đồng chí Chu Huy Mân được Trung ương Đảng điều động ra Việt Bắc làm Trưởng ban Kiểm tra xây dựng Đảng Quân khu ủy Việt Bắc. Lần lượt giữ các chức vụ: Trung đoàn trưởng Trung đoàn 72, Bí thư Đảng ủy, Trung đoàn 74 Cao Bằng, Chính ủy Trung đoàn 174 Cao - Bắc -Lạng. Tháng 5- 1951, đồng chí giữ chức Phó Chính ủy, rồi Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đại đoàn 316; chỉ huy Đại đoàn tham gia các chiến dịch lớn. Ngày 13-3-1954, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí Chu Huy Mân làm Chính ủy Đại đoàn 316, chỉ huy bộ đội đánh các trận: đồi C1; C2, đồi A1, tiêu diệt cứ điểm Him Lam, tham gia trận đánh cuối cùng bắt ướng Đờ Cát, góp phần làm nên “Chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu”.
Tháng 5-1957, đang giữ chức Chính ủy Quân khu 4, Chu Huy Mân được Trung ương điều động sang Sầm Nưa để giúp cách mạng Lào. Năm 1958, Chu Huy Mân được phong quân hàm Thiếu tướng. Chu Huy Mân luôn được Đảng, Quân đội và nhân dân các bộ tộc Lào yêu mến gọi ông là “Tướng Thao Chăn. Đang hoạt động ở Lào thì Chu Huy Mân lại nhận được lệnh của Trung ương Đảng điều động trở lại Quân khu 4 giữ chức vụ Chính ủy, Bí thư Đảng ủy. Trong hai năm (1958, 1959), Chu Huy Mân lại được điều động lên làm Bí thư Đảng ủy Quân khu Tây Bắc. Tháng 12-1960, lần thứ hai, Chu Huy Mân lại được Đảng và Bác Hồ điều động làm Tổng cố vấn cho Chính phủ Liên hiệp Lào. Năm 1961, Chu Huy Mân lại trở về nước làm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy kiêm Tư lệnh Quân khu 4. Năm 1962, đồng chí được Quân đội cử sang Liên Xô học tại Học viện Phowrunde. Cuối năm 1963, quân địch tập trung lực lượng càn quét, chiến trường Khu 5 gặp rất nhiều khó khăn. Chu Huy Mân được Trung ương Đảng giao nhiệm vụ vào nghiên cứu và chỉ đạo lực lượng vũ trang Quân khu 5 chống lại cuộc chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ. Năm 1964, Chu Huy Mân được Bộ Chính trị và Bác Hồ tin tưởng giao làm Chính ủy Quân khu, Bí thư Khu ủy Liên khu 5. Trong một lần gặp Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch, Chu Huy Mân báo cáo với Bác tình hình ở chiến trường, Bác Hồ rất vui và hài lòng khi biết Chu Huy Mân đang phải gánh vác cả hai nhiệm vụ: Chỉ huy quân, kiêm công tác chính trị, Bác Hồ khen ngợi và động viên cổ vũ:“Chú chịu khó gánh cả hai vai cho khỏe càng tốt”. Từ đó, Bộ đội Tây Nguyên đã gọi Tướng Chu Huy Mân với tên bí danh là “Hai Mạnh”. Sau các chiến thắng vang dội của mặt trận: Ba Gia, Núi Thành, Vạn Tường, ngày 7-5-1965, sư đoàn lính thủy số 3 của Mỹ đổ bộ lên vây ráp xã Kỳ Liên thuộc tỉnh Quảng Nam, Chu Huy Mân đã chỉ huy chuyển hướng từ đánh Ngụy, sang đánh Mỹ. Xây dựng vành đai diệt Mỹ ở Chu Lai, tìm cách tiêu diệt gọn đại đội Mỹ. Tháng 9-1965, sau chiến thắng Chu Lai, với biệt danh “Hai Mạnh”, Chu Huy Mân đã có một quyết định táo bạo: Không mở chiến dịch giải phóng Bắc Tây Nguyên mà chuyển sang mở chiến dịch Plâyme - Ia Đrăng. Là Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh kiêm Chính ủy Mặt trận B3 - Tây Nguyên, Chu Huy Mân đã lãnh đạo khôn khéo, sáng tạo, chỉ huy tài tình và rất táo bạo. Trong chiến dịch Plâyme, quân đội ta đã tiêu diệt gọn 305 lính Mỹ, buộc quân Mỹ phải thừa nhận:“Một trận chiến đấu làm thay đổi cục diện chiến tranh”.
Thời kỳ ở Quân khu 5, để giải quyết bớt khó khăn về lương thực cho quân và dân hai miền Nam - Bắc, Chu Huy Mân đã ra chỉ chỉ thị và phổ biến đến các đơn vị bộ đội đang trên đường hành quân vào Nam: khi đến đóng quân ở đâu thì phải tổ chức sản xuất trồng khoai, sắn, rau, chuối. Lớp trước trồng để lớp sau đến tiếp quản có cái mà nuôi quân, giảm bớt khó khăn về lương thực. Trách nhiệm, việc làm và tình càm của Chu Huy Mân luôn được đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trân trọng, biết ơn bộ đội Cụ Hồ.
Năm 1974, giỏi chỉ huy quân, có nhiều sáng kiến, đa tài, đức độ, đồng chí Chu Huy Mân đã được thăng quân hàm vượt cấp lên Thượng tướng. Chiến dịch năm 1975, Chính ủy Chu Huy Mân đã góp công giải phóng Đà Nẵng và một số đảo ở biển Đông. Năm 1980, do có nhiều công lao đóng góp cho cách mạng, Chu Huy Mân được phong quân hàm Đại tướng. Đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam các khóa II, IV và V, Uỷ viên Bộ Chính trị khoá IV, V; là Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Trưởng ban Kiểm tra Đảng ủy Quân sự Trung ương; Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (1977- 1986); Đại biểu Quốc hội khóa II, VI và VII; được Quốc hội bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước khóa VII (1981-1986)….
Do tuổi cao sức yếu, cùng với những vết thương bị tra tấn trong các nhà tù đế quốc và bom đạn ở các chiến trường, ngày 01-7-2006, Đại tướng Chu Huy Mân đã trút hơi thở cuối cùng trong niềm thương tiếc vô hạn của gia đình, đồng chí, đồng đội, hưởng thọ 93 tuổi, khép lại một cuộc đời chinh chiến, gian khổ và oai hùng. Với 76 năm tuổi Đảng, 61 năm tuổi quân, Đại tướng Chu Huy Mân đã chiến đấu, hy sinh trọn đời cho cuộc đấu tranh giành và giữ nền độc lập dân tộc. Đồng chí Chu Huy Mân đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng (1930- 2006), Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân Chương Quân công hạng Nhất, Huân Chương Độc lập hạng Nhất, Huy hiệu Xô viết Nghệ Tĩnh và Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Để học tập và tri ân công lao đóng góp của Đại tướng Chu Huy Mân cho cuộc đấu tranh giành và giữ nền độc lập dân tộc, tên đồng chí Chu Huy Mân đã được đặt cho nhiều đường phố trong cả nước, trong đó có đường Chu Huy Mân ở TP. Vinh quê ông. Nhà tưởng niệm đồng chí được xây dựng khang trang tại khu vườn cũ của gia đình ở làng Phong Hảo, xã Hưng Hòa, TP. Vinh. Tỉnh ủy Nghệ An đã vinh danh Chu Huy Mân trong tập sách “ Nghệ An những tấm gương Cộng sản”./.
Chú thích
1. Cờ đỏ búa liềm, truyền đơn đấu tranh kỷ niệm cách mạng tháng Mười Nga năm 1929 hiện đang trưng bày taị phòng số 3 của Bảo tàng XVNT
2. Nhà thờ Chi cụ Tú Lang, nơi liên lạc và hội họp bí mật của thanh niên xuất dương trong phong trào Đông Du đến thời kỳ dựng Đảng. Nhà thờ đã được tỉnh Nghệ An cấp bằng Di tích lịch sử.
3. Đồng chí Nguyễn Duy Trinh là người huyện Nghi Lộc, cách làng Chu Huy Mân một con sông. Đồng chí làBộ trưởng Bộ Ngoại giao thời chống Mỹ.
tin tức liên quan
Videos
Các di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Thống kê truy cập
114511576
2239
2336
21950
218449
121356
114511576