Những góc nhìn Văn hoá
Nhớ lần gặp Đại tướng Chu Huy Mân
Đại tướng Chu Huy Mân ( Ảnh Tư liệu)
Tôi có vinh dự được gặp đồng chí Chu Huy Mân khi ông về tham dự tọa đàm “Tự vệ Đỏ trong cao trào Xô Viết” tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh vào ngày 17/12/1994.
Ngay từ chiều hôm trước, Đại tướng đã về đến quân khu bộ Quân khu 4, nhận được điện thoại của nhà khách, tôi vội vã xuống đón. Tới nơi, tôi đã thấy đồng chí Bạch Hưng Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An đang nói chuyện với Đại tướng. Tôi báo cáo với Đại tướng và đồng chí Bạch Hưng Đào về nội dung cuộc tọa đàm, công việc chuẩn bị đã hoàn tất. Đại tướng tươi cười vỗ vai tôi: “Đồng chí về chuẩn bị mọi việc cho tốt để đón các cụ lão thành cách mạng ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Đây là những viên ngọc quý, cần phải cử người làm thư ký, đồng thời có máy ghi âm ghi lại những lời phát biểu về hoạt động tự vệ đỏ trên địa bàn hai tỉnh, sáng mai tôi sẽ lên sớm”.
Tuy thế, vì muốn biết những hoạt động của Đại tướng với tư cách là tự vệ đỏ, tôi đã xin phép gặp riêng tại phòng khách. Nhấp ngụm trà nóng hổi, Đại tướng cho biết, đồng chí sinh ra và lớn lên ở làng Yên Lưu, xã Hưng Hòa thành phố Vinh. Đây là địa phương có truyền thống yêu nước sớm, bản thân đồng chí đã tham gia hoạt động từ năm 1929. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Trung Kỳ, Tỉnh bộ Nghệ An, Tỉnh bộ Vinh - Bến Thủy, chi bộ Đảng làng Yên Lưu thành lập tháng 9/1930 đã chỉ đạo phong trào cách mạng ở địa phương. Làng Yên Lưu đã thành lập được Đội Tự vệ Đỏ gồm 30 người do ông Trần Vương làm Đội trưởng, đồng chí Chu Huy Mân làm Đội phó, ông Nguyễn Hợp (Quyền Hợp), Hồ Căng chỉ huy luyện tập tự vệ. Trong những ngày Xô Viết, Nhân dân Yên Lưu tổ chức các cuộc biểu tình, thị uy, đồng chí Chu Huy Mân chỉ huy đội tự vệ kéo đến nhà phó đoàn, lý trưởng, phó lý bắt phải bãi chức thừa nhận chính quyền Xô Viết. Lý trưởng phải đưa sổ sách, triện bạ ra nộp cho cách mạng. Cuối năm 1930 đến giữa năm 1931 là thời kỳ địch khủng bố trắng. Tháng 6/1931, bang tá Võ Quý Công cùng tay chân đi vây ráp cộng sản. Chúng bắt hàng chục người phải ký vào giấy “Xin quy thuận”, nhiều người chống lại lệnh của hắn, riêng đồng chí Chu Huy Mân kiên quyết không ký, chúng đánh tiếp. Hành động gan dạ của người Đội phó Tự vệ Đỏ đã làm cho quần chúng tin phục người đảng viên trẻ của quê hương.
Năm 1939, Chu Huy Mân bị địch bắt bỏ tù ở nhà lao Vinh, năm 1940 bị đày lên ngục Đắk Lây ở Kom Tum. Một thời gian sau, đồng chí thoát khỏi nhà tù tiếp tục hoạt động rồi vào phục vụ trong quân đội....
Sáng hôm sau đúng 7 giờ 30 phút, xe Đại tướng đến cổng Bảo tàng, tôi và đồng chí Đặng Thắng Châu - Giám đốc ra đón, mời Đại tướng vào hội trường. Dự tọa đàm còn có các đồng chí Nguyễn Bá - Bí thư, Bạch Hưng Đào - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - Tư lệnh Quân khu 4, Thiếu tướng Cao Xuân Khuông - Chỉ huy trưởng Tỉnh đội Nghệ An, Sở Văn hóa Thông tin, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và 21 chiến sỹ tự vệ đỏ năm 1930 - 1931 trên địa bàn hai tỉnh. Trong không khí bồi hồi xúc động của ngày gặp mặt của những chiến sỹ Tự vệ Đỏ năm xưa, Đại tướng Chu Huy Mân phát biểu: “Tự vệ đỏ lúc ấy còn gọi là “Thanh niên xích vệ đội” ra đời trong cao trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh. Lúc bấy giờ chúng ta đều đang tuổi thanh xuân, hăng say lao vào cuộc chiến đấu cách mạng. Tự vệ đỏ trong tay chỉ có các gậy tre, dòn xóc hoặc cây mác. Nhưng với tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, sẵn sàng hy sinh bảo vệ phong trào đấu tranh cách mạng, bảo vệ tính mệnh của quần chúng, bảo vệ cơ sở Đảng. Sau những năm cao trào, thực dân phong kiến đã dìm lực lượng cách mạng trong biển máu, nhưng truyền thống quận cường, bất khuất, ý chí đấu tranh, tinh thần triệt để cách mạng của dân tộc ta, của đồng bào Nghệ Tĩnh không hề mất đi mà phát triển cao hơn.
Chân lý "Không có gì quý hơn độc lập tự do” ngày càng thấm sâu vào lòng người dân Nghệ Tĩnh cũng như Nhân dân cả nước. Cuộc gặp mặt của chúng ta hôm nay chắc chắn chưa đủ mặt tất cả những đồng chí Tự vệ Đỏ cách đây 64 năm. Chúng ta vô cùng xúc động nhớ tới các đồng chí tiền bối đã đi xa, những đồng chí quên mình vì nghĩa lớn. Chúng ta xin gửi đến các đồng chí và gia đình thương binh, gia đình liệt sỹ, các đồng chí và gia đình bệnh binh, đặc biệt là các bà mẹ Việt Nam anh hùng lời hỏi thăm thân thiết nhất”.
Ngừng một lát nhìn khắp lượt các chiến sỹ tự vệ đồng đội của mình năm xưa, Đại tướng nói tiếp: “Có lẽ các đồng chí cũng đồng ý với tôi nhân cuộc gặp mặt lịch sử hôm nay, một lần nữa chúng ta chân thành nói với các bạn trẻ Nghệ Tĩnh rằng: Các bạn hãy nhận lấy niềm vinh quang với lớp người đi trước, với quê hương giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, với quê hương đã từng gánh vác xứng đáng trong mấy nghìn năm trước và đi đầu trong phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, xứng đáng là con cháu Bác Hồ.”...
Dứt lời phát biểu của đại tướng, tiếng vỗ tay vang cả hội trường. Ông đi bắt tay các cụ lão thành cách mạng rồi vào tham quan Bảo tàng. Chia tay với các chiến sỹ Tự vệ Đỏ, quý vị đại biểu và anh chị em Bảo tàng, Đại tướng lưu luyến vẫy chào mọi người ròi lên xe qua cửa tả thành Vinh về Thủ đô Hà Nội.
Hôm nay đại tướng đã đi xa, nhưng những cống hiến của Đại tướng với tự vệ Đỏ và lực lượng vũ trang là những trang sử hào hùng tô thắm thêm truyền thống của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.
Kỷ 110 năm Ngày sinh của Đại tướng (17/3/1917 - 17/3/2023), tôi viết mấy dòng này như nén tâm hương kính dâng lên hương hồn ông.
Vinh, ngày 17 tháng 3 năm 2023
tin tức liên quan
Videos
Khi người trẻ lan tỏa phong trào cờ vua
Văn hóa Thể thao Nghệ An năm 2023: Nỗ lực, sáng tạo và thành công
Không gian diễn xướng - xương sống của dân ca Ví, Giặm
Những trình diễn ma thuật trong Mắt biếc của Toni Morrison
Mùa Xuân nghĩ về Bác Hồ, Đảng và vận mệnh dân tộc
Thống kê truy cập
114485460
2101
2310
22031
212772
120271
114485460