Những góc nhìn Văn hoá
Phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX và hoạt động Đông Du của Phan Bội Châu (Qua nguồn tư liệu Châu bản triều Nguyễn)
VHNA: Nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ hợp tác - hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản (1973 - 2023), vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Liên đoàn Các Tổ chức Kinh tế Nhật Bản (KEIDANREN) đã đồng tổ chức Hội thảo Kinh tế Cấp cao Việt Nam - Nhật Bản mở đầu cho chuỗi hoạt động kỷ niệm này. Năm 2023 cũng là năm kỷ niệm 115 năm phong trào chống thuế ở Trung Kỳ… Vì thế, trên phương diện học thuật, Văn hoá Nghệ An tổ chức một chuyên đề về phong trào yêu nước và Đông Du với một loạt các bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Quang Hà (Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội) chung quanh chủ đề này.
Để thực hiện những bài viết này, tác giả đã khai thác từ nguồn tư liệu Châu bản triều Nguyễn - Nguồn sử liệu tin cậy, giá trị rất cao mà từ trước đến nay còn ít nhà nghiên cứu lịch sử giai đoạn này khai thác, công bố. Trân trọng giới thiệu với quý bạn đọc.
1. Bối cảnh lịch sử của Phong trào Đông Du
Vào những năm đầu của thế kỷ XX, tình hình kinh tế, xã hội Việt Nam có nhiều thay đổi rõ rệt. Thực dân Pháp sau khi xâm chiếm nước ta năm 1858 đã tiến hành từng bước mở rộng địa bàn thống trị, cai quản bằng việc đánh chiếm nhiều tỉnh trong cả nước. Đến cuối những năm thập kỷ 80 của thế kỷ XIX, thực dân Pháp cơ bản thực hiện công việc cai quản bình định, công cuộc thi hành hệ thống chính trị ở ba kỳ với ba chế độ chính trị khác nhau. Bắc Kỳ là xứ thuộc địa, Nam Kỳ là xứ nhượng địa và Trung Kỳ là xứ “Bảo hộ”. Thực dân Pháp đã câu kết chặt chẽ với triều đình nhà Nguyễn, biến nhà Nguyễn trở thành tay sai đắc lực cho chúng, bóc lột, đàn áp Nhân dân ta. Về bản chất, tầng lớp phong kiến và thực dân cũng có nhiều mâu thuẫn về quyền lợi trong đó mâu thuẫn dân tộc vẫn là một vấn đề nổi bật. Trong tầng lớp quan lại nhà Nguyễn, trong một thời gian dài vẫn duy trì nhiều tư tưởng bất đồng thậm chí đối kháng nhau. Bên cạnh nhiều quan lại và tầng lớp sĩ phu có tinh thần bạc nhược, sợ Pháp thì cũng có nhiều vị quan lại và nhà Nho có tinh thần kháng Pháp tiêu biểu là phong trào yêu nước dưới ngọn cờ của vua Duy Tân như: Phong trào yêu nước của Phan Đình Phùng, Nguyễn Thiện Thuật, cuộc khởi nghĩa Ba Đình, Bãi Sậy… Người đứng đầu phong trào này phần lớn là những nhà Nho có danh vọng, yêu nước, căm thù giặc. Bên cạnh đó, đôi khi lãnh đạo phong trào chống thực dân Pháp lại là người nông dân ưu tú như Hoàng Hoa Thám. Địa bàn hoạt động của Hoàng Hoa Thám rất rộng lớn trên phạm vi nhiều tỉnh với nhiều tầng lớp nhân dân tham gia, thời gian diễn ra rất dài (khoảng gần 30 năm: Từ 1883 - 1913) nhưng cuối cùng cũng thất bại. Các cuộc khởi nghĩa khác của Nhân dân ta cuối cùng cũng bị thực dân Pháp đàn áp đẫm máu. Đan xen với các cuộc khởi nghĩa, phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX kéo dài đến đầu thế kỷ XX nhiều phong trào vẫn chưa kết thúc thì tiếp tục đan xen vào đó là các cuộc vận động yêu nước diễn ra sôi nổi đầu thế kỷ XX.
Thực dân Pháp sau công cuộc tiến hành khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1897 - 1914), xã hội Việt Nam có nhiều chuyển biến và phân hoá sâu sắc. Nông thôn cũng như thành thị hiều nơi đã thay đổi nhiều.
Về tình hình chính trị, xã hội, trong khu vực và trên thế giới cũng có nhiều thay đổi đã tác động đến tầng lớp trí thức đương thời. Sự xâm lược của phương Tây đối với phương Đông trong đó có văn minh phương Tây đã làm thay đổi nhiều nhận thức về thời cuộc của các nhà nho đương thời. Tầng lớp trí thức Nho học, từ nay họ không chỉ hấp thụ tư tưởng truyền thống mà còn tiếp thu nhiều luồng tư tưởng mới từ phương Tây qua các tư liệu sách, báo. Đó là những tư tưởng triết học về nhân sinh quan, thế giới quan của Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi, Tôn Dật Tiên (Trung Quốc). Ngoài ra, các nhà nho, trí thức nho học cũng được tiếp thu tư tưởng phương Tây hoặc trực tiếp bằng tiếng Pháp hoặc thông qua sách báo “Tân thư, tân văn” được dịch qua nguồn tư liệu Trung văn, Hán văn… Vì thế, các tư tưởng, nhận thức của các nhà trí thức phương Tây như Mongtexkyơ, RutXo về vấn đề tự do, dân chủ, bác ái, về vấn đề nhân quyền… không còn xa lạ với họ, thậm chí những tư tưởng này nó đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu là rất cần thiết đối với họ và rất cần đối với thực tiễn xã hội Việt Nam khi đó.
Đầu thế kỷ XX, chiến tranh Nga - Nhật kết thúc (1905), Nhật đã thắng Nga là một sự kiện tạo thành một biểu tượng tốt đẹp cho những ai muốn “Duy tân” (như nước Nhật đã từng duy tân) để tự cường dân tộc. Lúc này, trên đất nước Việt Nam đã xuất hiện một thế hệ những nhà nho yêu nước có tư tưởng cấp tiến đó, tiêu biểu là: Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Cường Để, Đặng Nguyên Cẩn… Phan Bội Châu với xu hướng “Đông Du” sang Nhật Bản với mục đích nhờ vào Nhật để đánh đuổi thực dân Pháp. Phan Châu Trinh lại có ý định muốn nhờ vào Nhật để đánh đổ phong kiến tay sai. Họ suy nghĩ rằng: Muốn vậy, trước hết dân tộc đó phải có đủ sức mạnh, xoá bỏ nghèo nàn và lạc hậu để tự cường… do đó, Phan Châu Trinh đã chủ trương phong trào Cải lương Duy tân vào năm 1904 với nhiều nét độc đáo.
Trong các tập Châu bản triều Nguyễn số 38, 39, 40, 41,42, niên đại Duy Tân (1908 - 1909), hầu hết các vị quan đứng đầu các tỉnh ở miền Trung đều báo cáo tình hình an ninh trong hạt ổn định, Nhân dân làm ăn thuận lợi, đời sống thanh bình!. Thực ra không phải như vậy. Quan chức địa phương các tỉnh này đã che dấu sự thật, nhiều vấn đề bức xúc, nhức nhối của người dân không được giải quyết, đời sống nhân dân cùng quẫn, mất mùa, đói kém xảy ra thường xuyên, các phong trào chống lại triều đình nổ ra ở hầu khắp các tỉnh thuộc Trung Bộ. Biểu hiện của sự bất ổn trong xã hội không còn ở dạng tiềm ẩn mà những nguy cơ đã bắt đầu bùng phát và trở thành một cao trào với sự tham gia của nhiều tầng lớp trong xã hội diễn ra khoảng mười năm suốt thập niên đầu và nửa đầu thập niên thứ hai của thế kỷ XX, đến trước chiến tranh thế giới lần thứ Nhất (1914-1918).
[Châu bản triều Nguyễn, ngày 21/4/Duy Tân 7 (1913) viết về hoạt động yêu nước của Phan Bội Châu, Ngô Đức Kế, tờ 10, tập 32]
Ngoài các báo cáo chung về tình hình của tỉnh được các quan đứng đầu khai báo cũng xuất hiện nhiều các tờ Tấu của Phủ Phụ Chính tâu về việc nhiều người đã chống lại triều đình, làm nhiều điều sai trái bị xử phạt, bị đánh đập, tù tội hoặc cách chức. Có thể kể ra đây hàng trăm người bị đưa ra thi hành như: Phạm Ngô Đồng (Nghệ An), can phạm Quyên, Trần Thản (Hà Tĩnh), Hoàng Thông, Trần Đức Thuận (Phủ Thừa Thiên), Đặng Lương (Quảng Nam)[1] … Trong các năm 1908, 1909, tình hình các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi liên tục xảy ra các vụ chống đối lại triều đình, các vụ chống sưu (hay còn có tên là Cự sưu). Những người tham gia các phong trào yêu nước rất đông đảo trong đó có nhiều nhà nho, nhà khoa bảng nổi tiếng như: Trần Quý Cáp, Ngô Đức Kế, Trần Cao Vân, Đặng Thai Giai, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Khoa Hàm, Nguyễn Tốn… Bản tấu của Phủ Phụ Chính ngày 20/5/ Duy Tân 2 (1908) có đoạn: “Trước đây, Trần Quý Cáp đã theo người nước ngoài làm phản. Nay lại ngấm ngầm tàng trữ giấy tờ của bọn giặc, âm mưu đã rõ ràng. Nguyễn Ty Trực biết rõ âm mưu không tố cáo. Sau khi đem ra tra xét mới chịu cung khai tất cả các sự thực. Vậy xin theo luật “Mưu phả đại nghịch” xử Trần Quý Cáp bị lăng trì xử tử[2] . Ngô Đức Kế xuất thân trong gia đình có truyền thống khoa bảng nhưng ông đã nêu cao tinh thần yêu nước mở “Hội thương” để có tiền ủng hộ cho những thanh niên yêu nước sang Nhật Bản. Bản tấu của Phủ Phụ Chính đề ngày 18/6 năm Duy Tân 2 (1908) về nhóm của Ngô Đức Kế ở Hà Tĩnh: “Ngày 23 tháng 6 năm nay, nhận được bản án do tỉnh Hà Tĩnh Phạm Ngọc Quát trình bày: “Bọn 4 người Ngô Đức Kế đều xuất thân khoa giáp, gia đình giàu có, có người giữ chức quan, có người ở quê chờ bổ dụng, ơn nước chẳng phải không nhiều nên phải kính giữ điển thường để mưu báo đáp xứng đáng lại mưu đồ tập hợp mở Hội thương ngầm giúp kẻ phản nghịch (…). Tên đứng đầu là Ngô Đức Kế, Đặng Nguyên Cẩn lượng giảm xử giảo giam hậu, tòng phạm Đặng Văn Bách, Lê Văn Uẩn đều xử đánh 100 gậy, đày đi 3000 dặm, đổi hạn khổ sai 9 năm đều tước hết giấy tờ tiến sĩ, Phó bảng, Cử nhân. Các loại cờ biển trước đây được nhận đều thu hồi thiêu huỷ và đều cho giam giữ ở phủ Lao Bảo”[3]. Như đã biết, trước vụ án của Ngô Đức Kế chính thức đem ra xét xử khoảng 6 tháng, cha ông là Ngô Liên cũng tự làm đơn xin hồi hưu (tháng 12 năm 1907). Có lẽ do dự cảm có chuyện chẳng lành đến với ông nên ông đã viết đơn mượn cớ về quê dạy bảo con rồi xin nghỉ. Sở dĩ biết điều này là thông qua sớ tâu của phủ Phụ Chính: “Tháng chạp năm ngoái, theo Thị lang bộ Lễ là Ngô Liên trình rằng, gần đây, con trai ông là Ngô Đức Kế can tội nặng. Việc ấy xin tạm được nghỉ việc ở bộ chờ bản án này quy kết ra sao, cho làm hay nghỉ. Phủ thần tra cứu con trai viên ấy là Ngô Đức Kế thi đỗ tiến sĩ khoa Tân Sửu (1901). Viên ấy có đơn trình: Con trai ông ít tuổi đã đỗ đạt, xin lưu ở quê quán học tập cho đến năm 30 tuổi mới tiện ra làm quan. Đã được chuẩn cho phép. Nay Ngô Đức Kế can tội, viên ấy hiện làm việc ở Kinh lâu ngày cho nên không dạy bảo được con trai mình, tình cảm cũng có nguyên do mà đã đến tuổi 67. Vì vậy, Thị lang Ngô Liên nghĩ nên vẫn để làm việc ở Bộ chờ tới lệ cho về hưu”[4]. Có thể nói, năm 1908 là năm Phong trào chống lại Thực dân Pháp khá sôi nổi, khắp các tỉnh Trung kỳ đặc biệt là hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh diễn ra sôi động nhất. Ngoài các nhân vật kể trên còn có Trần Cao Vân diễn thuyết, treo cờ, mượn thơ văn thần tiên để tuyên truyền yêu nước. Trần Cao Vân đã bị án khổ sai, xử trảm giam hậu đày đi Côn Lôn”[5]. Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Dư Hàm phải nhận án chém do tội nói năng bừa bãi hòng mưu đồ phiếm loạn, dụ dỗ người vào Hội, làm tờ yết thị[6]. Những người bị tội nhẹ cũng phải chịu sưu sai tạp dịch, tước đoạt khỏi danh sách Tú tài, hoặc bị đánh đập, lưu đầy khổ sai như Tú tài Nguyễn Tốn, Lê Nguyên Thành, Lê Duy Tá, Cử nhân Nguyễn Xứng[7] … Tháng 12 năm Duy Tân 2 (1908) là một tháng đặc biệt đối với tình hình cách mạng ở các tỉnh Nam Trung Bộ trong đó có tỉnh Quảng Ngãi, bắt giam trước sau tổng số 243 người[8]. Phong trào yêu nước hưởng ứng hoạt động Đông Du của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh diễn ra sôi nổi vào năm 1907, 1908, rồi sau đó dần lắng xuống nhưng dư âm và hệ quả của nó còn diễn ra đến những năm trước Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất. Chẳng hạn như, Châu bản triều Nguyễn năm Duy Tân thứ 7(1913) có thư xin giảm tội cho Tri huyện Đặng Thai Giai về việc xin khoan giảm hình phạt cho ông khi bị tước bỏ ngạch Cử nhân, chiếu luật lượng giảm, xử đánh 100 gậy, bị tội đồ 3 năm, giam cầm tại nhà ngục của tỉnh, hết hạn trở về[9].
Có thể nói rằng, phong trào yêu nước Đông Du đầu thế kỷ XX diễn ra sôi nổi, xuất hiện nhiều gương mặt yêu nước trên một địa bàn rộng lớn ở hầu khắp các tỉnh Trung Kỳ, thời gian diễn ra trong khoảng gần chục năm (từ khoảng năm 1904 đến trước năm 1914).
2. Các hoạt động trong phong trào Đông Du của Phan Bội Châu
Trong các bộ Phan Bội Châu toàn tập, Phan Châu Trinh toàn tập hầu như chưa tập hợp được một cách đầy đủ về các nguồn tư liệu châu bản. Qua các tư liệu này, có thể biết được chính xác hoạt động của các nhà yêu nước trên. Trong phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh được coi là những yếu nhân. Trước năm 1908, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh đã là những người có danh vọng. Phan Bội Châu - đỗ thủ khoa kỳ thi Hương, trường Nghệ An, ông được ngợi khen là “người hay chữ nhất nước Nam”. Phan Chu Trinh là bạn đồng khoa và cùng đỗ ngạch Phó bảng với Nguyễn Sinh Huy (tức Nguyễn Sinh Sắc). Cả hai ông, uy tín không chỉ trong giới sĩ phu mà còn được coi là linh hồn của những người theo Chủ nghĩa Quốc gia, Chủ nghĩa Dân tộc chống Thực dân Pháp. Chắc hẳn trước năm 1908, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh đều bị Thực dân theo dõi nhưng thực sự phải đến 1908, sau phong trào chống thuế ở Trung Kỳ nổ ra thì Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh càng bị theo dõi gắt gao thậm chí những người đi theo và ủng hộ hai ông cũng bị bắt bớ tù đầy. Và những người như thế đều bị coi là “phản quốc”.
Châu bản triều Nguyễn ngày 3/8/1908 ghi rõ: “Bọn tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng là những người có tên tuổi há không biết rằng không thể đi theo người phản quốc Phan Bội Châu mà Nguyễn Thành thấy ông ta đến nhà liền mời Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng bàn mưu với ông ta, sau đó biết ông lẩn ra nước ngoài mà bọn ba người Phan Thúc Xung liền cùng nhau tập hợp chữ ký bàn bạc, dụ dỗ, cải trang tụ họp, diễn thuyết. Bọn họ trước là nghe ông ta lập mưu, sau thì nói thác là hiệp thương nhằm trợ giúp “Thương hội”, điều ấy là Phan Thúc Xung, Nguyễn Đình Tán là chính, diễn thuyết thì Huỳnh Thúc Kháng, Lê Bá Thuần đề xướng, như làm thơ thì có câu chửi bới, lung lạc, gửi thư thì có những lời buộc tội cường quyền”[10]. Phong trào Đông Du không chỉ diễn ra sôi nổi ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, thậm chí tỉnh Phú Yên cũng có người hưởng ứng tham gia như Tú Tài Nguyễn Xính. Vì bại lộ nên đã bị đánh 100 gậy, đày 300 dặm, đổi khổ sai 9 năm[11]. Các hoạt động của Phan Châu Trinh diễn ra sôi nổi khắp trong Nam ngoài Bắc nhưng đã không qua được bọn mật thám bị coi là giặc mưu phản. Trong các tập Châu bản dưới triều vua Duy Tân có đề cập đến Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và con trai của Phan Bội Châu, Cường Để, chúng tôi thống kê được ít nhất từ năm 1906 đến năm 1913 là 23 châu bản (trong đó có 13 châu bản đề cập đến Phan Bội Châu, con trai Phan Bội Châu có 3 châu bản; Phan Chu Trinh có 3 châu bản; Cường Để có 4 châu bản). Trong số các châu bản trên có 2 lần đề cập đến việc kết án hai ông kể từ sau sự kiện chống thuế ở Trung Kỳ (1908 - 1909)[12]. Cả hai ông dưới con mắt của thực dân Pháp và chính quyền Nam triều đều bị quy kết “làm Nguỵ”, “phản quốc” … Tập tấu ngày 17/2/Duy Tân 2 (1909) viết: “Phan Chu Trinh vốn xuất thân Phó bảng, đương làm thì bỏ, mượn cớ buôn bán đi các nơi nói lung tung, mới đầu còn ở bản hương bản hạt, tiếp đó là vào Nam ra Bắc để nói, thật là “đáng ghét”. Ngày tháng 10 năm Duy Tân, tư vấn của tỉnh Hà Tĩnh nói rằng, hiện bắt được nguỵ Lãnh hạ. Căn cứ vào tờ khai tên đó thì Phan Chu Trinh đã cùng với Pha Bội Châu làm nguỵ. Phủ thần đã tư cho nguyên Khâm sứ Lê Viết, mật Tư[13] cho tỉnh Quảng Nam xem xét. Kỳ họp ngày 11/3 năm ngoái, nguyên khâm sứ đại thần Lê Viết bàn rằng: Tội của tên đó nên theo luật mưu phản để xử tội chém, xin cải nghĩ chuyển giao xem xét”[14].
Trong các năm từ 1909, 1911, 1913, Phan Bội Châu bị theo dõi gắt gao, ghép vào tội phản, “có nguy hại cho quốc gia”, “tội ăn cướp”, “xử tội chết”[15]. … Chẳng hạn như tờ Phúc trình đề ngày 10/4 Duy Tân 7 (1913) về vụ án Phan Bội Châu đã nói rõ: “ (…), trong đó có kẻ có tội đích thực là Phan Bội Châu can tội ăn cướp, giúp đỡ bọn phản nghịch là bọn Tú tài Phạm Văn Ngôn, nghĩ nên đều xử tội ăn cướp, vậy đều xử tội chết, các tên đó hiện đang bỏ trốn chờ bắt được sẽ chiếu theo án thi hành”[16]. Sau khi Phan Bội Châu bị trục xuất khỏi Nhật Bản, năm 1912, ông thành lập ra “Việt Nam Quang Phục hội”. Nhưng mọi cố gắng của Phan Bội Châu đều không thể qua được sự theo dõi của triều đình. Năm 1913 là năm nhà yêu nước họ Phan hoạt động sôi nổi nhất đồng thời cũng bị theo dõi nhiều nhất thông qua rất nhiều các bản châu bản, tập tư, trình, sớ, tấu của Phủ Phụ Chính, Viện Cơ Mật báo cáo về các hoạt động của ông[17]. Chúng tôi đã thống kê chỉ riêng năm 1913 đã có đến 8 tờ Châu bản đề cập trực tiếp, gián tiếp hoặc các nhân vật liên quan tham gia và bị liệt vào danh sách các hoạt động của Phan Bội Châu. Đó là các văn bản ngày 10/4/Duy Tân 7 (1913), tờ 95/tập 45 chủ đề xử Phan Bội Châu; ngày 21 tháng 4 năm Duy Tân 7 (1913); tờ 120/tập 45, chủ đề xem xét vụ Phan Bội Châu; Ngày 23, tháng 7/ Duy Tân 7 (1913), tờ 208/45, chủ đề lời khai của các tên khai do thám những người có quan hệ với Phan Bội Châu; Ngày 25 tháng 9 Năm Duy Tân 7 (1913), tờ 67, tập 46, chủ đề thư gửi về việc bắt được phạm nhân quan hệ với Phan Bội Châu; Ngày 4/12/Duy Tân 7 (1913), tờ 139/ tập 46, chủ đề trình việc bắt được con trai Phan Bội Châu:
Những người có quan hệ với Phan Bội Châu như Tú Hứa (tức Đặng Thúc Hứa), Nguyễn Văn Liên ở Lương Điền (Thanh Chương, Nghệ An) hoạt động ở Lào, ở Thái Lan[18]. Việc hợp tác với Phan Bội Châu của những nhân vật này là vận chuyển tiền ủng hộ, cung cấp cho người ở nước ngoài và đồng thời mua vũ khí chủ trương “bạo động”. Tờ Tư của Tổng đốc An - Tĩnh liên tục trình việc giam tên trọng tội là Hồ Bá Kiện đề ngày 16/9 và ngày 25/9/ Duy Tân 7 (1913) như sau: “… Được Thống sứ Bắc Kỳ đại thần giải vào nhà lao, tên là Hồ Bá Kiện can trọng tội, do tỉnh tôi nhận xử. Nay đã giải đến nơi giao nhận. Tỉnh tôi đã tống ngục giam rồi. Nhưng xét thấy viên đó là viên được ấm thụ Điển bạ viện Hàn lâm những năm trước ngầm thông đồng với bọn côn đồ mua súng đạn, thường thư từ qua lại với Phan Bội Châu vận chuyển tiền”[19]. Trong quá trình hoạt động cách mạng bí mật, người con trai của Phan Bội Châu cũng kề vai sát cánh cùng với ông. Trong các tờ Châu bản, hoạt động của người con trai Phan Bội Châu, xuất hiện trong các loại hồ sơ này ngay từ năm 1908 và những người chứa chấp con trai Phan Bội Châu cũng bị khép vào trọng tội: “Gần đây, tỉnh ấy do thám biết được tin Tú tài Nguyễn Duy Phương xã Hà Linh (huyện Hương Khê), hạt ấy cùng cha y là cựu Chánh tổng Nguyễn Duy Viên chứa chấp nuôi con trai Phan Bội Châu. Vào tháng 5, tên Tú Phương đã đưa tên ấy đi nơi khác và em trai Tú Phương tên là Sáng cùng bỏ trốn theo (…). Xin nên trừng trị nghiêm để răn đe trong tương lai. Tên Nguyễn Duy Phương xin được tước bỏ danh vị Tú tài trước rồi thu hồi văn bằng Chánh tổng của Nguyễn Duy Viên, nghiêm sức cho xã ấy tìm bắt cốt sao được đích thân bọn chúng giải nạp để cứu xét”[20]. Tuy nhiên, trong các tờ Châu bản trên đã không nói rõ tên con trai của Phan Bội Châu tên là gì, liên quan đến Phan Bội Châu như thế nào hay họ chỉ là nhân thân bị liên luỵ do người cha có tinh thần chống thực dân Pháp nên những ai cưu mang che dấu đều bị khép tội!. Duy có tờ Châu bản đề ngày 4/12/Duy Tân 7 (1913) đã nói rõ người con trai đó tên là Đệ - Con vợ lẽ của Phan Bội Châu khi đó mới 16 tuổi: “Tham tri lãnh Tổng đốc An Tĩnh kính trình: “Gần đây, tỉnh tôi nghe tin đứa con của Phan Bội Châu tên là Đệ, hiện lẩn chốn tại địa phương xứ Chợ Chiền, đã sai Cửu phẩm Nguyễn Văn Cơ thôn Nhân Hậu đến đó tìm. Nay đã tìm thấy bắt được tên đó là Phan Đệ, 16 tuổi, quê ở Đan Nhiễm (huyện Nam Đàn) là con của vợ lẽ Phan Bội Châu. Cha đi biệt xứ, anh em hắn phải mỗi người mỗi phương. Nó phải lẩn trốn đi các nơi tìm cái ăn. Tình cảnh thực khổ sở. Sức cho cứu xét. Tỉnh tôi chưa xét tên đó vào tội gì. Xét thấy nó còn trẻ con, nếu giao về quê, sợ bọn côn đồ sót lại đến dụ dỗ đi theo gây chuyện, nghĩ cũng bất tiện. Về tên Đệ đó, nghĩ nên để lại trại tỉnh tôi rồi trích tiền ở khoản chi tạp, cấp cho mỗi tháng 3 đồng để ăn. Chờ sau này yên ổn giao Lý trưởng, hào mục ở đó nhận về quản thúc[21]. Đoạn trình của Tổng đốc An Tĩnh dùng từ: “Bọn côn đồ sót lại đến dụ dỗ đi theo gây chuyện”, chúng ta hiểu là chỉ những người đi làm cách mạng theo Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh.
Không chỉ những người thân của những nhà yêu nước Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh sáng suốt đi theo con đường cách mạng, tìm đường giải phóng dân tộc, chống ách đô hộ thực dân, phong kiến và yêu nước tham gia như đã đề cập đến ở trên. Chẳng hạn như anh em của Đặng Thai Giai, Đặng Nguyên Cẩn, Đặng Thúc Hứa (Thanh Chương, Nghệ An), gia đình cha con Ngô Liên, Ngô Đức Kế (tỉnh Hà Tĩnh), Huỳnh Thúc Kháng (Quảng Nam)… tham gia. Thậm chí, có người từ vị trí quyền quý trong dòng họ tôn thất trong triều đình Huế như Cường Để cũng tham gia nhiệt tình, có sức thuyết phục không chỉ có tầng lớp thanh niên mà còn có tác dụng không nhỏ đến mọi tầng lớp nhân dân trong cả nước tham gia chống thực dân Đế quốc.
Cường Để được tắm mình trong phong trào yêu nước và cách mạng đầu thế kỷ XX, Ông cùng với Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và các nhà yêu nước khác đã đứng hẳn về phía những người dân bị áp bức. Không rõ Kỳ Ngoại Hầu Cường Để chính thức bắt đầu tham gia vào các hoạt động yêu nước trên từ bao giờ. Căn cứ vào các tờ Châu bản cho biết đầu năm 1906, Cường Để đã bị triều đình cùng Thực dân Pháp tìm bắt. Ngày 8/4/ Thành Thái thứ 18 (1906) có tờ tấu của Phủ Tôn Nhân về việc gia hạn tìm bắt Cường Để: “Phủ Tôn Nhân tâu: Nay căn cứ tờ bẩm của Trợ quốc khanh Anh Chi ở chi phái có Anh Duệ Hoàng Thái Tử Cảnh nói rằng viên đó vâng sắc chỉ phê chuẩn cấp hạn 1 tháng đi tìm Kỳ Ngoại Hầu Cường Để nhưng đã tìm khắp nơi không thấy, hạn đã hết chẳng dám lặng im. Nay xin cho gia hạn thêm 1 tháng để tìm kiếm xem thế nào. Bộ thần phụng xét xin tham khảo lệ đối với các công tử, công tôn tôn thất, lại cấp thêm cho 1 tháng để tìm kiếm chờ xem có bắt được hay không rồi sẽ xem xét”[22]. Những hoạt động của Cường Để cùng với Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh đều có sách lược, chương trình cụ thể. Năm Nhâm Tý (1912), Ông đã viết hẳn một quyển sách trù hoạch cho chương trình hoạt động của mình. Nhưng tiếc thay, chương trình hoạch định của ông đã không thành công, cuốn sách đó đã rơi vào tay mật thám, chúng đã sao chép sách ấy gửi về Phủ qua tờ trình của Tổng đốc Thanh Hoá: “Lãnh Tổng đốc tỉnh Thanh Hoá mật trình: Nay được quý Công sứ giao cho 1 quyển sách ngoại, xét trong sách ấy nói về việc trù hoạch quân cơ. Cuối sách đề các chữ: “Năm Nhâm Tý (1912), Tổng đại biểu Cường Để khải”. Đã bàn sách đó đệ trình, còn chính bản sách ngoại đó nộp lại quý Công sứ. Vậy xin mật trình quan đại thần để Phủ Phụ Chính xem xét”[23]. Năm 1911, Cường Để cùng với Phan Bội Châu đều bị khép vào tội “Mưu phản quốc gia”, làm việc phản nghịch bị phủ Phụ Chính đề cập trong Phúc duyệt về tội “phản nghịch”: “…Phụng xét Cường Để, Phan Bội Châu là những kẻ phản đối quốc gia, làm việc phản nghịch nghiêm trọng. Phạm Tĩnh xuất thân là khoa mục, đã không biết giữ phép tắc, trước đã can phạm bị sức nã, trốn biệt một phương, lại dám tụ đảng theo bọn nguỵ quyên, lãnh nhận giấy tờ mưu phản nghịch bị bắt quả tang, có đủ súng đạn giấy tờ có thể làm chứng. Rõ ràng là bọn phản nghịch tội không oan. Về Phạm Tĩnh vốn theo luật lệ xử chém. Các tên can phạm bị xử đồ, lưu, quân, hoãn chém, trên đây đều là những kẻ có quan hệ tư thông với các nước khác”[24]. Vì cùng với Phan Bội Châu tham gia chống Pháp, bị khép vào tội “Mưu phản quốc gia”, “kích biến lương dân”(kích động dân lành gây biến loạn), nên Cường Để bị tước khỏi sổ Tôn tịch của dòng họ. Châu bản triều Nguyễn các ngày 20/11/1913 và 25/12/Duy Tân 7 (1913) đều đề cập đến nội dung này: “Ngày mồng 5 tháng 9 Tây năm nay, Hội đồng Toà án Hà Nội xét kết án những người Trung Kỳ can tội. Trong đó nói rằng tên Cường Để can tội thứ nhất là “Mưu phản quốc gia” hiện đã nêu ra, thứ 2 là “Kích động lương dân” gây nhiễu loạn chính trị… Về tên này xét xử tội chết, vậy gửi thư xin quý phủ chuyển tư về nguyên quán tên phạm và quan tỉnh biết. Phủ tôi đã sức cho tỉnh đó biết. Nhưng xét những người trong Hoàng phái, ai thuộc loại can tội nặng phải xử tội chết, tước trừ phả tịch. Nay đã đến kỳ tu chỉnh phả mà tên đó mưu phản xử tội chết há nên để tên đó lưu trong phả e sẽ để lại vết. Vậy tên đó, nên tước bỏ phả tịch đổi họ mẹ là Nguyễn Văn Để”[25] .
Tất cả các hoạt động của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Kỳ Ngoại Hầu Cường Để và nhiều nhân vật yêu nước khác đầu thế kỷ XX đã tham gia các hoạt động yêu nước sôi sục ý chí đấu tranh của phong trào Đông Du, Phong Trào Duy Tân với lý tưởng cao đẹp, mục đích lớn lao nhằm đưa nước ta ra khỏi vòng nô lệ, mong muốn một dân tộc cải cách duy tân, tự cường. Lịch sử đã chứng minh, những nghĩa cử cao đẹp đó qua nhiều nguồn tư liệu như: Thơ văn yêu nước đầu thế kỷ XX, các tư liệu báo chí đương thời, các nguồn tư liệu được viết bằng tiếng Pháp hay các cuốn hồi ký của các nhà Nho từng chứng kiến như Hồi ký của Minh Viên Huỳnh Thúc Kháng, Hồi ký Đặng Thai Mai… đã vẽ thành bức tranh nhiều mầu sắc, phong phú, thuyết phục về phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX. Trong những nguồn tư liệu trên, nguồn tư liệu Châu bản triều Nguyễn là một loại tư liệu mang tính hành chính, quan phương thậm chí không tránh khỏi khô khan nhưng chính xác, khách quan, qua đó để nhìn nhận lại một phong trào yêu nước có mầu sắc mới lạ và đặc biệt đã đi qua hơn một thế kỷ nhưng ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm thì vẫn còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp bảo vệ tổ quốc hôm nay.
TS. Nguyễn Quang Hà - Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội
(Kỳ 2: Hoạt động của nhà chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh và phong trào chống thuế ở Trung Kỳ (qua nguồn tư liệu Châu bản triều Nguyễn)
[1] Xem các Châu bản sau: 阮朝珠版維新貳年9月28日第15集94頁 (Ngày 28 tháng 9 năm Duy Tân thứ 2 (1908); Tờ 94/15; Loại Tấu; Xuất xứ: phủ Phụ Chính; Chủ đề: Vụ án Phạm Ngô Đồng ở Nghệ An; 阮朝珠版維新貳年9月28日第15集96頁 (Ngày 28 tháng 9 năm Duy Tân thứ 2 (1908); Tờ 96/15; Loại Tấu; Xuất xứ: phủ Phụ Chính; Chủ đề: Vụ án Hoàng Thông phủ Thừa Thiên; 阮朝珠版維新貳年10月11日第15集105頁 (Ngày 11 tháng 10 năm Duy Tân thứ 2 (1908); Tờ 105/15; Loại Tấu; Xuất xứ: phủ Phụ Chính; Chủ đề: Vụ án Trần Đức Thuần ở Phủ Thừa Thiên; 阮朝珠版維新貳年9月134日第15集114頁 (Ngày 13 tháng 9 năm Duy Tân thứ 2 (1908); Tờ 114/15; Loại Tấu; Xuất xứ: phủ Phụ Chính; Chủ đề: Vụ án Đặng Lượng; 阮朝珠版維新貳年10月18日第15集115頁 (Ngày 18 tháng 10 năm Duy Tân thứ 2 (1908); Tờ 115/15; Loại Tấu; Xuất xứ: phủ Phụ Chính; Chủ đề: Ngô Liên xin nghỉ việc quan;
[2] 阮朝珠版維新貳年5月29日第7集161頁 (Ngày 29 tháng 5 năm Duy Tân thứ 2 (1908); Tờ 161/7; Loại Tấu; Xuất xứ: phủ Phụ Chính; Chủ đề: Xử tội bọn tụ tập dân chúng cầm vũ khí đánh quan, đánh lính;
[3] 阮朝珠版維新貳年7月21日第15集43頁 (Ngày 21 tháng 7 năm Duy Tân thứ 2 (1908); Tờ 43/15; Loại Tấu; Xuất xứ: phủ Phụ Chính; Chủ đề: Về vụ dân chống lại quan, dân;
[4] 阮朝珠版維新貳年10月18日第15集115頁 (Ngày 18 tháng 10 năm Duy Tân thứ 2 (1908); Tờ 115/15; Loại Tấu; Xuất xứ: phủ Phụ Chính; Chủ đề: Về việc Ngô Liên xin nghỉ việc quan; Tr 114;
[5 阮朝珠版維新貳年9月22日第16集44頁 (Ngày 22 tháng 9 năm Duy Tân thứ 2 (1908); Tờ 44/16; Loại Tấu; Xuất xứ: Bộ Hình; Chủ đề: Duyệt vụ án mạng âm mưu Đông Du; tr 168;
[6] 阮朝珠版維新貳年12月24日第15集166頁 (Ngày 24 tháng 12 năm Duy Tân thứ 2 (1908); Tờ 166/15; Loại Tấu; Xuất xứ: phủ Phụ Chính; Chủ đề: Về các vụ án bắt giam người ở các tỉnh phía Nam; tr 164;
[7] 阮朝珠版維新貳年2月17日第17集46頁 (Ngày 17 tháng 2 năm Duy Tân thứ 3 (1908); Tờ 46/17; Loại: Tấu; Xuất xứ: phủ Phụ Chính; Chủ đề: Xử chém Phan; Chu Trinh và Phan Bội Châu mưu làm phản; tr 37;
[8] 阮朝珠版維新貳年9月22日第16集44頁 (Ngày 22 tháng 9 năm Duy Tân thứ 2 (1908); Tờ 44/16; Loại Tấu; Xuất xứ: Bộ Hình; Chủ đề: Duyệt án mạng âm mưu Đông Du; tr 168;
[9] 阮朝珠版維新柒年12月3日第46集138頁 (Ngày 3 tháng 12 năm Duy Tân thứ 7 (1913); Tờ 138/46; Loại: Thư; Xuất xứ; Chủ đề: Thư xin xử giảm tội cho phạm nhân cao tuổi; tr 138;
[10] 阮朝珠版維新貳年3月29日第7集101頁 (Ngày 29 tháng 3 năm Duy Tân thứ 2 (1908); Tờ 101/7; Loại: Tấu; Xuất xứ; Phủ phụ Chính: Chủ đề: Xét án tổ chức dân biểu tình;
[11] 阮朝珠版維新貳年12月23日第15集164頁 (Ngày 23 tháng 12 năm Duy Tân thứ 2 (1908); Tờ 164/15; Loại: Tấu; Chủ đề: Những người đi du học ở Tây về xin trình báo; tr 135;
[12] 阮朝珠版維新貳年6月1日第15集65頁 (Ngày 1/6/ năm Duy Tân thứ 2 (1908); Tờ 65/15; Loại: Tấu; Xuất xứ; Phủ phụ Chính: Chủ đề: Vụ án đầy các nhân sĩ yêu nước đi Côn Lôn; tr 54;
[13] “Tư” là một loại văn bản như “Báo cáo” nhưng của cơ quan đồng cấp hoặc tương đương. (Mật tư là bí mật báo cáo).
[14] 阮朝珠版維新叁年2月4日第17集55頁 (Ngày 4 tháng 2 (Nhuận) năm Duy Tân thứ 3 (1909); Tờ 55/17; Loại: Tấu; Xuất xứ: phụ Phụ Chính; Chủ đề: Xử vụ án Tú tài Lê Cơ đem dân lên tỉnh gây náo loạn); tr 22;
[15] 阮朝珠版維新叁年4月17日第18集155頁 (Ngày 11 tháng 4 năm Duy Tân thứ 3 (1909); Tờ 153/18; Loại: Tấu; Xuất xứ: Bộ Lại; Chủ đề: Bổ Tri huyện Bình Khê (Bình Định); tr 128;
[16] 阮朝珠版維新柒年4月10日第45集95頁 (Ngày 10 tháng 4 năm Duy Tân thứ 7 (1913); Tờ 95/45; Loại: Phúc trình; Xuất xứ: phụ Phụ Chính; Chủ đề: Vụ án Phan Bội Châu; tr 95;
[17] 阮 珠版維新貳年5月15日第7集149頁 (Ngày 15 tháng 5 năm Duy Tân thứ 2 (1908); Tờ 149/7; Loại: Tấu; Xuất xứ: Phủ Phụ Chính; Chủ đề: Xử án vụ câu kết bè đảng làm loạn;
[18] 阮朝珠版維新柒年7月23日第45集208頁 (Ngày 23 tháng 7 năm Duy Tân thứ 7 (1913); Tờ 208/45; Loại: Tư trình; Xuất xứ: Phủ Phụ Chính; Chủ đề: Xử án vụ câu kết bè đảng làm loạn; tr 208;
[19] 阮朝珠版維新貳年5月15日第7集149頁 (Ngày 15 tháng 5 năm Duy Tân thứ 2 (1908); Tờ 149/7; Loại: Tấu; Xuất xứ: Tổng đốc An Tĩnh; Chủ đề: Lời khai của các tên do thám, những người có quan hệ với Phan Bội Châu ở nước ngoài; tr 30;
[20] 阮朝珠版維新貳年10月18日第15集115頁 (Ngày 18 tháng 10 năm Duy Tân thứ 2 (1908); Tờ 115/15; Loại: Tấu; Xuất xứ: Phủ Phụ Chính;Tổng đốc An Tĩnh; Chủ đề: Về việc Ngô Liên xin nghỉ việc quan; tr 114;
[21]阮朝珠版維新柒年12月4日第46集139頁 (Ngày 4 tháng 12 năm Duy Tân thứ 7 (1913); Tờ 139/46; Loại: Trình; Xuất xứ: Lãnh Tổng đốc An Tĩnh; Chủ đề: Trình việc bắt được con trai của Phan Bội Châu; tr 139;
[22] 阮朝珠版成泰拾捌年4月8日第58集63頁 (Ngày 8 tháng 4 năm Thành Thái thứ 18 (1906); Tờ 63/58; Loại: Tấu; Xuất xứ: Phủ Tôn Nhân; Chủ đề: Gia hạn tìm bắt Cường Để; tr 63;
[23] 阮朝珠版維新柒年1月13日第45集5頁 (Ngày 13 tháng 1 năm Duy Tân thứ 7 (1913); Tờ 5/45; Loại: Trình; Xuất xứ: Tổng đốc Thanh Hoá; Chủ đề: Sao quyển sách của Cường Để về Phủ; Tr 5;
[24] 阮朝珠版維新五年2月3日第30集42頁 (Ngày 3 tháng 2 năm Duy Tân thứ 5 (1911); Tờ 42/30; Loại: Tấu; Xuất xứ: Phủ Phụ Chính; Chủ đề: Xin thưởng cho quan binh ở Nghệ An vây bắt được phỉ; Tr 15;
[25]. 阮朝珠版維新柒年11月20日第46集109頁 (Ngày 20 tháng 11 năm Duy Tân 7 (1913); Tờ 109/46; Loại: Tấu; Xuất xứ: Phủ Tôn Nhân; Chủ đề: Tư trình tước bỏ tên Cường Để trong gia phả họ Hoàng phái vì tội mưu phản; tr 109;
tin tức liên quan
Videos
Các di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Thống kê truy cập
114511570
2233
2336
21944
218443
121356
114511570