Những góc nhìn Văn hoá

Nước mắt đàn ông ở Trung Quốc thời Tống (960-1279) [Kỳ 1]

Tóm tắt: Bài viết tập trung vào hiện tượng đàn ông Trung Quốc dưới thời Tống (960-1279) khóc rất nhiều. Bài viết tìm hiểu cách kẻ sĩ đời Tống chiếm dụng hành động khóc như thể đó là một đặc quyền của nam nhân để phục vụ cho quyền lợi và mục đích của riêng nam giới và địa vị của tầng lớp tinh hoa. Tôi cho rằng hành động khóc tạo điều kiện thuận lợi cho kẻ sĩ trong việc thực hiện quyền thống trị và nâng cao thương hiệu nam tính của họ. Mức độ hiệu quả của nước mắt đặc biệt rõ ràng trong những tình thế quan trọng của nền chính trị thời Tống, như cuộc chiến giữa các phe phái và việc tranh chấp lãnh thổ giữa nhà Tống và nhà Kim. Trong những bối cảnh đặc biệt này, hành động khóc làm êm dịu những cuộc thương thảo quyền lực, củng cố cấu trúc quyền lực chính trị và chứng tỏ sự vượt trội về mặt đạo đức. Trái ngược với việc gắn hành động khóc với sự yếu đuối như vẫn thường thấy ở thời hiện đại, vào thời Tống, khóc trở thành một thực hành quyền lực và một chỉ dấu của nam tính.

Ảnh minh họa (nguồn internet)

Tâm trí của một người phương Tây hiện đại có thể bị rối loạn đôi chút khi nghĩ rằng khóc là một hành vi công khai, nhưng việc thể hiện nước mắt vốn rất phổ biến trong các hoạt động xã hội trước thế kỷ XX ở nhiều khu vực trên thế giới[1]. Chẳng hạn, ở Trung Quốc thời trung đại, Iberia thời kỳ nhà nước Hồi giáo[2] và ở Pháp thời cận đại[3], nước mắt thường là thứ được ưa chuộng và mang ý nghĩa sâu sắc. Và nhiều người rơi lệ một cách công khai trên thế giới vào trước thế kỷ XX đều là đàn ông, như một giám mục người Anh ở thế kỷ XII[4], một vị quý tộc người Italia ở thế kỷ XIII[5] và Denis Diderot (1713-1784)[6]. Là “chất bài tiết được sùng kính”[7], nước mắt biểu thị những giá trị được định hình bởi các nền văn hóa khác nhau và thực hiện các chức năng đặc trưng cho những xã hội khác nhau.

Trong bài viết này, tôi đưa ra một lịch sử mang tính xã hội về nước mắt gắn với những bối cảnh đặc thù của Trung Quốc dưới thời Tống. Cụ thể, tôi tập trung vào hiện tượng nam nhân thuộc giới tinh hoa rơi lệ, một hành vi xã hội quan trọng đã diễn ra trong rất nhiều hoàn cảnh. Đàn ông thời Tống khóc khi họ đang thực thi công vụ, thảo luận về các chính sách và chiến đấu trên sa trường, cùng với những hoạt động thiết yếu khác để duy trì sự hoạt động của chế độ. Trong những ghi chép do chính các nam nhân thuộc giới tinh hoa thuật lại, nước mắt đàn ông và các vấn đề chính trị - xã hội quan trọng liên quan chặt chẽ với nhau và biểu thị lẫn nhau. Lịch sử xã hội về nước mắt đàn ông vào thời Tống, như vậy, đồng thời là lịch sử về những điểm cốt yếu trong chính trị thời Tống thông qua lăng kính nước mắt.

Chính trong bối cảnh văn hóa đặc thù này, nam nhân thời Tống đã đầm đìa nước mắt. Họ không đơn thuần là sa vào khóc lóc, cũng không phải là họ đang xin lỗi theo một cách đặc biệt[8]. Thay vì tham dự như những diễn viên phụ, đàn ông thời Tống đòi quyền sở hữu đối với hành động khóc như thể đó là một đặc quyền của nam nhân - thứ đặc quyền hướng đến những quyền lợi và mục đích dành riêng cho nam giới và địa vị của giới tinh hoa. Bằng việc đặt giới tính ở vị trí trung tâm trong phân tích của mình, tôi cho rằng việc khóc tạo điều kiện thuận lợi cho các nam nhân tinh hoa thực hành nam tính bằng cách bôi trơn những cuộc thương thảo quyền lực nội bộ, thắt chặt cấu trúc quyền lực chính trị và phát biểu về sức mạnh đạo đức.

I. Sự gia tăng của nước mắt vào thời Tống

 

 

Sự phân bố của nước mắt trong Di kiên chí.

(Căn cứ trên Hồng Mại, Di kiên chí trong Chu Dịch An, Phó Tuyền Tông và Chu Thường Lâm (Biên soạn), Toàn Tống bút ký, Tập 9, Quyển 3-7)

Thời kỳ nhà Tống đánh dấu một đỉnh cao ở giai đoạn đầu của hành vi khóc trong lịch sử Trung Quốc, như đã được bộc lộ một cách rõ ràng trong rất nhiều mô tả về nước mắt hiện còn[9]. So với thời nhà Đường (618-907) hay bất cứ triều đại nào trước đó, thời kỳ nhà Tống về cơ bản đã cho ra đời nhiều trước tác thuộc nhiều thể loại khác nhau về chủ đề khóc. Trên khắp thế giới văn bản thời Tống, nước mắt tràn trề và dễ thấy. Là một phần của một thông lệ liên tục có từ thuở xa xưa, nước mắt được đề cập đến trong chính sử, thư từ cá nhân và hồi ức - những thể loại đảm đương các chức năng xã hội quan trọng trong thế giới thời Tống. Nhiều thể loại mô tả nước mắt như chủ đề trọng tâm, chẳng hạn sách chú giải về nghi lễ, văn tế 祭文, các sáng tác liên quan đến tang lễ (bao gồm cả mộ chí minh 墓誌銘 thần đạo bi 神道碑) và bút ký 筆記[10]. Mặc dù tất cả những thể loại này đều có nguồn gốc từ trước đó, nhưng chúng đã phát triển chưa từng thấy vào thời kỳ nhà Tống và như thế, thể hiện nước mắt thường xuyên hơn và chi tiết hơn[11]. So sánh về số lượng sẽ giúp ích cho việc làm sáng tỏ sự gia tăng của nước mắt. Khảo sát 392 bút ký thời Tống, có 1.287 ghi chép về hành động khóc, mỗi ghi chép là một tự sự độc lập[12]. Ngược lại, số lượng tự sự về việc khóc trong toàn bộ tư liệu trước thời Tống là vài trăm. Nghĩa là chỉ một thể loại ở thời Tống đã sản sinh ra một số lượng lớn hơn nhiều so với tất cả ghi chép trước đó.

Sự gia tăng nước mắt vào thời Tống không chỉ được phản ánh ở số lượng trước tác nhiều hơn, vì sự phát triển về mặt số lượng có thể bị xem là kết quả tự nhiên của sự tăng trưởng nói chung của tư liệu thời Tống. Quan trọng hơn, thời kỳ nhà Tống chứng kiến sự thay đổi về chất lượng, chẳng hạn, công nhận một cách rõ ràng rằng khóc là một hoạt động xã hội quan trọng. Bộ sách đồ sộ Thái Bình ngự giám 太平御鑒 - một nỗ lực làm bách khoa thư để phân loại vũ trụ - dành hẳn một khoảng không gian chưa từng thấy để tập hợp các trước tác cổ xưa về nước mắt. Hành động khóc thi thoảng đã xuất hiện trong các bộ bách khoa thư thời Đường như một mục đơn thuần, chẳng hạn dưới đề mục “Khốc ” và những người biên soạn thường chọn cách sưu tầm những quy định về khóc trong tang lễ hay văn xuôi miêu tả việc rơi lệ[13]. Nhóm biên soạn Thái Bình ngự giám không chỉ tính đến những từ như sáu từ thể hiện hành động khóc, chẳng hạn “khốc ”, “khấp ”, “đề ” và các từ khác, mà họ còn chuyển trọng tâm sang các tự sự nói về việc khóc trong những bối cảnh xã hội[14]. Kể từ đó trở đi, nước mắt trở thành một hạng mục rất dễ nhận thấy trong các sách phân loại văn hóa thời Tống và người đọc đánh giá cao việc rơi nước mắt như một hành xử linh hoạt trong quan hệ xã hội hơn là một tập tục trong tang lễ hay một phép tu từ trong văn chương. Sự ưu ái này cũng thúc đẩy các tác giả thời Tống viết nên những tự sự của xã hội đương thời về nước mắt.

II. Nước mắt như một chủ đề lịch sử

Trước tiên, hãy để tôi đề cập đến một câu hỏi liên quan tới việc ghi chép lịch sử mà độc giả hiện đại có lẽ rất thích đặt ra trước khi nghiên cứu sâu về nước mắt thời Tống: Những nam nhân đó có thực sự khóc không, hay đó là một lối ngoa dụ trong văn chương[15]? Câu hỏi này đòi hỏi một phương pháp có sự cân nhắc khi tiếp cận thực tế lịch sử, cảnh giác trước những cạm bẫy của sự trong sáng về ngôn ngữ hoặc của chủ nghĩa hậu hiện đại cực đoan.

Để hoàn thành mục tiêu này, tôi quan sát kĩ hơn sự phức tạp về mặt bản thể luận của nước mắt và nhận thấy nước mắt như một tập hợp của nhiều thứ khác nhau: thực tế có thật, thực tế về mặt văn bản nói chung và thực tế về mặt văn bản nhưng mang đặc trưng của thể loại. Nam nhân thời Tống rơi lệ - đó là thực tế có thật. Nam nhân thời Tống cũng viết về nước mắt - đó là thực tế về mặt văn bản. Và một số thể loại đem đến nhiều ghi chép phong phú và tỉ mỉ hơn về nước mắt – đó là thực tế về mặt văn bản với những đường nét đặc trưng cho thể loại.

Cả ba thực tế này đều có liên quan đến cùng một thế giới lịch sử và có sự kết nối bền vững. Các nhà sử học không thể tránh khỏi việc tiếp cận thực tế có thật thông qua sự tái hiện của văn bản, vậy đó là mối liên hệ giữa hai yếu tố đầu tiên. Quả thực, sự tái hiện của văn bản không phải là sự mô phỏng thực tế một cách đơn giản mà sự tái hiện có liên quan đến thực tế. Ghi chép về một người đàn ông rơi lệ phải nói về điều gì đó trong thực tế có thật[16].

Sự tái hiện trên văn bản đa dạng và thể hiện một loạt “việc nói về” có liên quan đến thực tế có thật, vậy đó là sự cần thiết của việc xem xét thực tế mang đặc trưng của thể loại. Ghi chép về nước mắt có thể là một tường thuật dễ hiểu về một trường hợp rơi lệ, một mô tả có thể xác thực thông qua trải nghiệm. Chẳng hạn, một tác giả chứng kiến một viên quan khóc khi hoàng đế băng hà và ghi lại sự việc ấy. Hoặc một ghi chép có thể là một motif trở đi trở lại ở những cấu trúc tự sự nhất định. Ví dụ, trong ba ghi chép khác nhau, các viên quan A, B và C đều gào khóc khi nghe tin hoàng đế băng hà; nói cách khác, nếu một vị quan trung thành được kỳ vọng rằng sẽ khóc khi hoàng thượng tạ thế, thì tác giả sẽ thể hiện chi tiết ấy. Việc nói đến nước mắt cũng có thể là một ước lệ, một thứ gì đó thậm chí còn mang tính quy ước hơn cả motif[17]. Chẳng hạn, vị quan D dâng thư lên hoàng đế để bày tỏ sự cảm kích khi được thăng chức và ông ấy bắt đầu bức thư bằng việc miêu tả “nước mắt tuôn rơi” (thế linh 涕零)[18]. “Nước mắt tuôn rơi” là ngôn ngữ ước lệ được sử dụng để biểu đạt lòng biết ơn sâu sắc (đặc biệt là đối với một người thuộc bộ máy chính quyền) và ông D có thể sử dụng cụm từ này dù không hề khóc trước đó.

Mặc dù trong hai trường hợp sau, sự tái hiện nước mắt trên văn bản không đảm bảo rằng có một sự tương ứng phản chiếu trải nghiệm thực tế, song những trường hợp này vẫn thuộc về thực tế có thật theo một cách khác. Chúng trực tiếp đề cập đến sự thoải mái của các tác giả thời Tống khi viết về nước mắt và việc họ cùng chấp nhận các cử chỉ sướt mướt khi tái hiện một số cảm xúc bằng ngôn ngữ. Những sự ưu ái này, ngay cả khi chúng hoàn toàn là cường điệu, sẽ không xuất hiện với tần suất như thế trong một nền văn hóa mà ở đó, nước mắt của đàn ông không mời gọi điều gì ngoại trừ sự ngờ vực và chỉ trích. Sự hiện diện phổ biến của nước mắt như thể nó khởi phát từ một sự gần gũi mật thiết với trải nghiệm có thật trong lịch sử, đó là đàn ông thời Tống quả thực đã khóc rất nhiều.

Trong bài viết này, tôi tập trung vào bút ký; vì vậy, thực tế trên văn bản về hành vi khóc riêng ở thể loại này là trọng tâm trong bản điều tra của tôi. Tôi lựa chọn như thế chủ yếu là vì bút ký cung cấp tư liệu tốt nhất về việc khóc như một hoạt động xã hội. So sánh với những trước tác khác nói về hành động khóc như một chủ đề chính, chẳng hạn văn tế và sách chú giải về nghi lễ, bút ký thuật lại việc khóc một cách tỉ mỉ thay vì chỉ sử dụng các từ vựng có liên quan. Họ cũng đặt câu chuyện của mình trong những bối cảnh xã hội khác nhau chứ không chỉ là cái chết và tang lễ. Những ghi chép đa dạng, công phu ở bút ký đã làm sáng tỏ những trạng thái cảm xúc khiến nước mắt trào ra bằng cách trình bày tỉ mỉ nguồn gốc, quá trình và các tác động của một trường hợp rơi lệ.

Quả thực, thể loại bút ký được biết đến với tính chất linh hoạt - thứ khiến nó có khuynh hướng cường điệu. Để tối đa hóa giá trị của bút ký trong nghiên cứu này, trong khi tiến hành phân tích của mình, tôi luôn thận trọng trước sự hợp nhất của ba cấp độ thực tế và duy trì cách tiếp cận hai chiều, đó là phân tích nội dung của những tự sự về nước mắt cũng như các bộ lọc trong lúc tái hiện mà tác giả của những tự sự đó có thể áp dụng. Tôi hướng đến giới thiệu một bức tranh tổng quan bao gồm những hành vi, lối tu từ và các tín ngưỡng, tất cả các bộ phận hợp pháp của lịch sử. Những nguồn tư liệu đó không thể tránh khỏi sự dịch chuyển về mức độ giữa tường thuật và ước lệ, và mục tiêu nhất quán của tôi là nhận thức rõ ràng về việc những sự tái hiện đa dạng gắn kết với nhau ra sao trong cùng một thời điểm lịch sử và chúng đã cùng nói cho chúng ta biết như thế nào về những chuẩn mực cảm xúc chung là đặc trưng của thời đại ấy[19]. Trong một cộng đồng đặc thù ở một thời khắc lịch sử đặc biệt, những thành viên của cộng đồng ấy phải có chung “những quy định về khóc” khi họ sử dụng nước mắt trong hành động thực tế hay trên câu chữ. Chiến lược phân tích của tôi cho rằng đối với một người đọc thời hiện đại, việc xác minh mỗi trường hợp là sự kiện có thật hay là sự kiện trên văn bản là điều không thể và cũng không hữu ích. Gắn chặt với một lối phân chia ranh giới đơn giản là cách viết lịch sử theo hướng nghèo nàn hóa, vì nó hoặc là hoàn toàn vô hiệu hóa quan niệm thực tế lịch sử, hoặc là loại bỏ những mức độ đa dạng của “việc nói về” được lồng ghép trong sự tái hiện của văn bản.

                                                                                (Còn nữa, kỳ sau đăng tiếp)

Mai Thu Huyền dịch

(Nguồn: Ya Zuo, “Male Tears in Song China (960-1279)”, Journal of Chinese Studies, No. 73 (July 2021), pp.33-79)



[1] Chẳng hạn, hãy xem xét thế giới Anh - Mỹ. Các nhà sử học đã phát hiện ra rằng thái độ cực kỳ thận trọng với việc biểu lộ cảm xúc mãnh liệt (như khóc) chủ yếu là một hiện tượng của thế kỷ XX và thường không gắn với những giai đoạn khác. Hoa Kỳ ở những năm 1920 đã chứng kiến “thái độ ác cảm ngày một lớn với sự mãnh liệt về cảm xúc”, xem Peter N. Stearns, American Cool: Constructing a Twentieth - Century Emotional Style (New York: Đại học New York ấn hành, 1994), tr.11. Tại Anh, theo Thomas Dixon, sự phản đối dữ dội đối với nước mắt chủ yếu là hiện tượng sau những năm 1950. Dixon, Weeping Britannia: Portrait of a Nation in Tears (Oxford: Đại học Oxford ấn hành, 2015), tr.69.

[2] Xem Linda G. Jones, “‘He Cried and Made Others Cry’: Crying as a Sign of Pietistic Authenticity or Deception in Medieval Islamic Preaching”, trong Elina Gertsman (biên soạn), Crying in the Middle Ages: Tears of History (New York: Routledge, 2012), tr.102-135.

[3] Xem Anne Vincent-Buffault, The History of Tears: Sensibility and Sentimentality in France (Basingstoke: Macmillan, 1991).

[4] Xem Katherine Harvey, “Episcopal Emotions: Tears in the Life of the Medieval Bishop”, Historical Research 87.238 (2014), tr.591-610.

[5] Xem Carol Lansing, Passion and Order: Restraint of Grief in the Medieval Italian Communes (Ithaca, New York: Đại học Cornell ấn hành, 2008).

[6] Vincent-Buffault, The History of Tears: Sensibility and Sentimentality in France, nhất là trang 1-76.

[7] Dixon, Weeping Britannia: Portrait of a Nation in Tears, tr.8.

[8] Trong một số hoàn cảnh ở châu Âu thời tiền hiện đại, khi đàn ông rơi lệ, họ đồng thời lại cảm thấy không thoải mái. Chẳng hạn, Carol Lansing đã bàn về việc các học giả người Italia thời trung đại đã dần dần gắn những giọt lệ u sầu với sự yếu đuối của đàn bà như thế nào. Xem Lansing, Passion and Order, nhất là tr.187-202. Kiểu tự ý thức này, như tôi sẽ trình bày trong bài viết, hiếm khi khiến đàn ông thời Tống phải băn khoăn, vì họ đã thành công trong việc giành lấy hành động khóc như thể đó là đặc quyền của đàn ông.

[9]Khóc trong bài viết này tương ứng với ý nghĩa biểu đạt của nhiều từ trong tiếng Trung Quốc, đáng chú ý nhất là “khốc ” (gào khóc) và “khấp ” (chảy nước mắt). Khi được sử dụng theo những phương thức có sự phân biệt một cách thận trọng với từ còn lại, “khốc” đề cập đến một hành vi mang tính công khai hơn (ví dụ trong các nghi lễ) với sự nhấn mạnh vào hiệu ứng âm thanh, còn “khấp” miêu tả việc rơi lệ trong im lặng và mang tính cá nhân. Về một điều tra cụ thể về hai từ này trong cổ văn, xem Christoph Harbsmeier, “Weeping and Wailing in Ancient China”, trong Halvor Eifring (biên soạn), Minds and Mentalities in Traditional Chinese Literature (Bắc Kinh: Nhà xuất bản Văn hóa Nghệ thuật, 1999), tr.317-422. Tuy nhiên, sự khác nhau giữa “khốc” và “khấp” không nên bị cường điệu vào thời Tống bởi vì chúng hay được đổi chỗ cho nhau trong những tự sự xã hội về hành vi khóc, thường bao gồm cả âm thanh lẫn việc chảy nước mắt.

Một lý do nữa của việc không nhấn mạnh vào sự khác biệt này có liên quan đến phương pháp luận. Tôi nhận thấy việc gào khóc khi thực hiện nghi lễ và việc khóc mang sắc thái tình cảm trong các hoàn cảnh xã hội diễn ra nối tiếp nhau, thay vì là những tồn tại khác biệt nhau một cách rõ ràng. Sự phân biệt hai từ này có thể khá hấp dẫn với nhận định rằng việc gào khóc khi thực hiện nghi lễ bị mất đi nền tảng cảm xúc (chẳng hạn như không chân thành). Các học giả thuộc nhiều lĩnh vực đã bác bỏ cách phân chia đơn giản thái quá này. Ví dụ, các nhà tâm lý học “theo thuyết kiến tạo” xem sự xuất hiện của cảm xúc như là những kiến tạo của văn hóa/tư tưởng và/hoặc của não bộ/cơ thể. Xem Lisa Feldman Barrett, How Emotions Are Made: The Secret Life of the Brain (Boston: Houghton Mifflin Harcourt, 2017), tr.35. Nghĩa là không thể tách biệt một biểu hiện đặc thù mang tính văn hóa của một trạng thái cảm xúc khỏi trải nghiệm thực tế của trạng thái cảm xúc đó. Về suy nghĩ của các nhà sử học phương Tây về vấn đề này, xem William M. Reddy, The Navigation of Feeling: A Framework for the History of Emotions (Cambridge: Đại học Cambridge ấn hành, 2001), tr.xii; và Christopher Swift, “A Penitent Prepares: Affect, Contrition, and Tears”, trong Gertsman (Biên soạn), Crying in the Middle Ages, tr.80. Trong bản so sánh những phương thức biểu lộ tình cảm ở Trung Quốc và phương Tây của mình, Haiyan Lee đã miêu tả mối quan hệ giữa một hành vi mang tính nghi lễ và tình cảm mà nó bộc lộ là sự trình hiện, thay vì là sự tái trình hiện, theo đó loại bỏ sự chân thành như một yếu tố đích đáng trong việc phân tích cảm xúc ở những nghi lễ thời tiền hiện đại tại Trung Quốc. Xem Lee, “Chinese Feelings: Notes on a Ritual Theory of Emotion”, The Wenshan Review of Literature and Culture 9.2 (6/2016), tr.1-37.

[10] Để thực hiện nghiên cứu này như một dự án về lịch sử của cảm xúc, tôi tập trung vào những thể loại ít rõ ràng về tính văn chương - những thể loại mà tôi gọi là các văn bản mang tính chức năng - hơn là vào thể loại thơ (vốn có truyền thống đặc thù là xưng tụng cảm xúc). Nguyên tắc này cũng áp dụng cho khảo sát mà tôi sẽ đề cập đến ở phần chính văn.

[11] Về sự phát triển của bút ký thời Tống, xem Hilde de Weerdt, Information, Territory, and Networks: The Crisis and Maintenance of Empire in Song China (Cambridge, MA: Trung tâm Châu Á của Đại học Harvard, 2016), tr.284. Về sự phát triển của các sáng tác liên quan đến tang lễ thời Tống, xem Patricia B. Ebrey, Ping Yao và Cong Ellen Zhang, “Dẫn nhập” trong Chinese Funerary Biographies: An Anthology of Remembered Lives (Seattle, WA: Đại học Washington ấn hành, 2019), tr.12-17.

[12] Tôi tiến hành khảo sát dựa trên Toàn Tống bút ký 全宋筆記 do Chu Dịch An 朱易安, Phó Tuyền Tông 傅璇琮 và Chu Thường Lâm 周常林 biên soạn, Series 1-10 (Trịnh Châu: Đại Tượng xuất bản xã, 2003-2008) và phần kết quả chỉ bao gồm các tự sự (nghĩa là không bao gồm những lời đề cập ngắn gọn về hành động khóc mà không có bối cảnh chứa đựng thông tin). Khảo sát này là sự kết hợp giữa việc tra cứu bằng kỹ thuật số và việc đọc sâu. Tôi tra cứu toàn bộ các văn bản bằng tám từ khóa là “khốc ”, “khấp ”, “lệ ”, “thế ”, “đề ”, “hiệu ”, “cánh ” và “ế ” và nhận thấy tương đối ít dữ liệu. Tôi bèn chuyển sang lựa chọn cuối cùng là đọc sâu văn bản.

[13] Chẳng hạn, Bạch thị lục thiếp sự loại tập 白氏六帖事類集 - bộ bách khoa thư do Bạch Cư Dị 白居易 (772-846) biên soạn - có một phần về nước mắt dưới tiêu đề khốc. Trong Nghệ văn loại tụ 藝文類聚 - một bộ sách thời Đường, nước mắt xuất hiện trong mục “khấp”. Xem Âu Dương Tuân 歐陽詢 (557-641, Biên soạn), Nghệ văn loại tụ (Thượng Hải: NXB Cổ tịch Thượng Hải, 1965), quyển 35, phần 19 và Bạch Cư Dị (Biên soạn), Bạch thị lục thiếp sự loại tập (Bắc Kinh: Văn Võ xuất bản xã, 1987), quyển 19, phần 21.

[14] Xem Lý Phưởng 李昉 (925-996) và những người khác (Biên soạn), Thái Bình ngự giám (Đài Bắc: Đài Loan thương vụ ấn thư quán, 1968), Quyển 387, 487 và 488. Về một phân tích tỉ mỉ về hành động khóc trong Thái Bình ngự giám, bao gồm cả những khác biệt giữa các từ này, xem Ya Zuo, “Collecting Tears: Lachrymation and Emotions in the Taiping Collectanea”, sắp công bố.

[15] Kỳ thực, các học giả nên đặt những câu hỏi này cho mọi chủ đề liên quan đến lịch sử, chứ không chỉ là những chủ đề xa lạ với thị hiếu hiện đại.

[16] Về “việc nói về” (aboutness) giữa sự tái hiện lịch sử và cái được tái hiện, xem Frank Ankersmit, Meaning, Truth, and Reference in Historical Representation (Ithaca, NY: Đại học Cornell ấn hành, 2012), tr.79-81.

[17] Tôi đi theo quan điểm của Barbara H. Rosenwein trong phần thảo luận của tôi về mối quan hệ giữa thực tế và ước lệ. Xem Rosenwein, Emotional Communities in the Early Middle Ages (Ithaca, NY: Đại học Cornell ấn hành, 2006), tr.28-29.

[18] Tống đại chiếu lệnh tập 宋大詔令集 (Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục, 1962), quyển 44, tr. 230. Đây là một trong vô số ví dụ.

[19] Trong hai thập kỷ qua, khám phá những chuẩn mực về cảm xúc, hay “những quy định về cảm xúc”, của một cộng đồng là hướng triển khai chính trong việc điều tra về lịch sử của cảm xúc. Về một thảo luận mang tính chất tiên phong liên quan đến “những quy định về cảm xúc”, xem Arlie R. Hochschild, “Emotion Work, Feeling Rules, and Social Structure”, American Journal of Sociology 85.3 (11/1979), tr.551-575. Về những quá trình khái niệm hóa mang tính đại diện nhất, xem “chế độ cảm xúc” của William M. Reddy trong The Navigation of Feeling, tr.129 và “cộng đồng cảm xúc” của Barbara H. Rosenwein trong Emotional Communities in the Early Middle Ages, nhất là tr.24.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114510906

Hôm nay

2264

Hôm qua

2347

Tuần này

21280

Tháng này

217779

Tháng qua

121356

Tất cả

114510906