Những góc nhìn Văn hoá
Huyền tích Bồ Đề Đạt Ma trong Phật giáo
Ngàn xưa đã có một con người, một huyền thoại hình bóng ngã dài suốt toàn bộ lịch sử Phật giáo thiền tăng Ấn Độ, Trung Quốc, Miến Điện, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam… Qua ngàn năm hình tượng về con Người ấy đã trở thành nguồn cảm hứng cho thơ, ca, nhạc, họa và là đề tài cho nhiều Hội thảo khoa học quốc tế. Người đã xem như là điểm xuất phát cho những phương pháp tu tâm, dưỡng tính, tồn thần, trau dồi sức khỏe, chiến thắng bệnh tật của con người hiện đại. Con người ấy là sư tổ Phật giáo thiền tông Bồ Đề Đạt Ma.
Hành trình Tây Đông
Truyền thuyết Phật giáo Thiền tông kể rằng: Một hôm thuyết pháp giáo lý Thiền tông ở Hội Linh Sơn, Đức Phật đưa ra một đóa Hoa Sen trước cái môn đề rồi Ngài im lặng. Mọi người ngơ ngác, chỉ có Ma Ha Ca Diếp lĩnh hội được ý nghĩa thấm sâu của sự im lặng liền mỉm cười và được Đức Phật trao cho “Chính Pháp nhân tạng” (Toàn bộ phật pháp có thể phổ chiếu toàn bộ đất trời và vạn vật). Từ đó Người trở thành Tổ thứ nhất của Thiền Tông Ấn Độ.
Chính pháp do tổ Ma Ha Ca Diếp lĩnh ngộ được tiếp nối, truyền thừa mãi tới đời tổ 27 là Bút Nhả Đa La (PraJnada ro). Đến đời Tổ 28, Bồ Đề Đạt Ma (rước vào Nam Bắc Triều Tiên Trung Hoa) dòng truyền thừa Ma Ha Ca Diếp gặp trắc trở ở chính quốc Ấn Độ nên Bồ Đề Đạt Ma hỏi sư phụ Bát Nhả Đa La.
- Nên hướng sang đất nước nào để hoằng dương Phật sự?
Sư phụ đáp:
- Sau khi tu tịch duyệt 67 năm, người nên đến Trung Hoa tuyên truyền Thiền chí cứu vãn sinh linh.
Và Người dặn thêm:
- Ở đó, Người đạt đến chân truyền diệu chí không sao đếm xuể, có điều người nước đó chuộng công danh hám chiến chinh, gây thù kết oán lân bang bởi không nhận ra Phật lý. Nếu có đến đó người không nên ở lâu.
Nói xong, Tổ Ma Ha Ca Diếp tặng cho Bồ Đề Đạt Ma bài Kệ:
Lộ hành khỏa thủy phục phùng dương/Độc tự thê thê ấm độ giang/Nhật hạ
Khả linh song tượng Mả/Nhị Châu Nộn quế cửu xương xương
Tạm dịch:
Đường đi qua biển lại qua sông/U uẩn thâm sâu một tấc lòng
Man mác chiều hôm dồn vó ngựa/Bên đường quế mọc, mắt mờ trông
Bài kệ trên mang tính chất như một bài sấm ký, dự báo về tương lai. Đặc biệt hai câu đầu cho biết rõ về hành trình và tâm trạng của Tổ khi xa xứ sở “Qua biển” ám chỉ sự kiện Đạt Ma vượt biển đi sang phía Đông, lên bờ ở Quảng Châu, “qua sông” ám chỉ việc Đạt Ma sẽ truyền pháp ở phương Bắc… Quả nhiên, những lời tiên đoán đó đều ứng nghiệm: Đạt Ma theo đường biển, qua sông nước Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương sang phía Đông truyền pháp, cuối cùng ngày 21 tháng 9 năm Canh Tý, niên hiệu Phổ Thông năm thứ bảy, đời Lương Vũ Đế, tức vào năm 520, lên bờ ở Quảng Châu, được quan Thứ sử Quảng Châu nghênh tiếp. Ngày mồng 1 tháng 10, theo lời thỉnh cầu của Lương Vũ Đế, Người tới Kim Lãng ra mắt nhà Vua. Trong cuộc diện kiến, Vua hỏi Tổ:
- Trẫm từ khi lên ngôi đến nay, xây chùa, chép Kinh, độ tăng không biết bao nhiêu mà kể, vậy có công đức gì không?
- Đều không có công đức - Tổ đáp
- Tại sao không có công đức?
- Bởi vì những việc Vua làm là nhân “hữu lậu”, chỉ cho những quả nhỏ cõi Nhân Thiên, chẳng khác gì bóng theo hình, tuy có mà không.
- Vậy công đức chân thật là gì?
- Trí phải được thanh tịnh hoàn toàn. Thế phải được trống không vắng lặng, như vậy mới là công đức. Công đức nói đây không thể lấy việc thế gian mà cầu được.
- Thế nghĩa tột cùng của “Thánh đế” là gì?
Vua lại hỏi.
- Một khi tỉnh rõ, thông suốt rồi thì không có gì là Thánh.
- Thế ai đang đối diện với trẫm đây?
- Tôi không biết!
Đến Giang Nam, Tổ Đạt Ma nhiệt tâm muốn tìm một “đại sĩ” lòng dạ như biển cả, nên mới đưa ra những vấn đề cốt tủy của Thiên gia để thử Lương Vũ Đế, nhưng vị Thiên tử đã từng xả thân xây chùa, chép Kinh, độ tăng, dốc lòng tin Phật, song rút cục không có chút “huệ căn”. Qua vài câu đối đáp, Tổ biết tâm Vua không phù hợp với pháp của mình, nên Người thất vọng, đành bẻ cành lau hóa phép làm thuyền, vượt sông đó lên Giang Bắc tới núi Tung Sơn, ngó, nhìn vách đá, suốt ngày lặng thinh. Người đời không hiểu gọi Tổ là “Bích quán Bà la môn”, nghĩa là “Ông Bà La môn ngó vách”…
Ngày nay đến chùa Thiếu Lâm trên núi Tung Sơn, ta còn thấy có Động Đạt Ma. Tương truyền tại động này, Tổ Đạt Ma có tướng mạo hung dữ, đôi mắt luôn trợn trắng, lông mày xếch ngược, râu ria kín mặt, đã từng chín năm diện bích, tham Thiên nhập định, đến nỗi chim chóc làm tổ trên vai chẳng hề hay biết. Cuối cùng Người viên tịch tại đây. Song cũng có người nói rằng, Người không chết. Chứng cớ là, ba năm sau, Tổng Vân đi sứ Tây Vực về, gặp Tổ Đạt Ma tại ngọn Thông Lĩnh. Thầy Tổ tay cầm một chiếc dép, một mình đi lướt như bay, Tống Vân hỏi:
- Tổ đi đâu đó?
- Ta về Tây phương - Tổ đáp.
Tiếp đó, Tổ nói thêm: “Chủ của người đã “chán đời” rồi!”. Ngẩn ngơ, Tống Vân từ giã Tổ và vội vã về phụng mạng. Tới nhà, thì ra Vua Minh Đế đã băng hà. Tống Vân tâu việc gặp Tổ lên Vua Hiếu Trang mới lên ngôi. Vua ra lệnh quật mồ. Té ra trong quan tài chẳng có gì cả ngoài một chiếc dép sư lưu lại về thờ ở chùa Thiếu Lâm…
Tổ Bồ Đề Đạt Ma còn được nhà Vua phong là Viên giác Thiên sư, còn ngọn tháp của Người gọi là Không quán. Thiền tông Trung Hoa tôn Tổ làm Sơ Tổ.
Sau Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma, ám chỉ Thiền học Ấn Độ được truyền cho một vị cao tăng Trung Hoa và Tuệ Khả, Tuệ Khả lại truyền cho Tăng Xán, Tăng Xán lại truyền cho Đạo Tín, Đạo Tín lại truyền cho Hoằng Nhẫn, Hoằng Nhẫn cuối cùng truyền cho Huệ Năng…và, Phật giáo Thiên tông, với một bề dày hàng nghìn năm lịch sử, với những giáo lý thâm sâu, Công pháp Thượng thừa đã để lại dấu ấn sâu sắc trong đó có Việt Nam. Tông phái ấy hiện nay đang chinh phục Tây phương, mở ra viễn cảnh rộng lớn cho phân tâm học, tâm lý học, y học, văn học nghệ thuật và triết học Tây phương…
Chọn môn đệ truyền thừa “Chính pháp”
Trong thời gian ở chùa Thiếu Lâm trên núi Tung Sơn, một hôm có vị cao tăng tên là Thần Quang tìm đến Tổ Đạt Ma cầu Đạo. Thần Quang xuất thân là một sĩ phu học rộng biết nhiều. Nghe danh Tổ, Thần Quang lặn lội tìm đến ra mắt, thiết tha xin Tổ nhận làm môn đệ, nhưng Tổ vẫn im lặng nhìn vào vách núi, nét mặt lạnh lùng không nói nửa lời. Thần Quang nghĩ: “Người xưa cầu Đạo chẳng tiếc thân mình ta nay dù vất cả, trèo đèo lội suối, nào đã thấm vào đâu”. Hôm đó, mồng 9 tháng Chạp giữa tiết mùa đông, chắp tay hướng về phía Tổ, Thần Quang cứ đứng chôn chân với dáng vẻ van xin như thế. Đêm đến, tuyết xuống như mưa Thần Quang vẫn đứng yên bất động. Mãi đến sáng, tuyết ngập quá đầu gối, Thần Quang vẫn trơ trơ đứng đó. Cảm động trước lòng kiên trì cầu Đạo của Thần Quang, Tổ Bồ Đề Đạt Ma quay lại hỏi:
- Ai đứng đó?
- Bạch Tổ, con Thần Quang!
- Người tìm đến ta có việc gì?
- Dạ thưa, con đến bái Yết Tổ cầu xin “chân pháp”
- Nhọc công vô ích thôi, trừ phi trời rắc tuyết màu hồng!
Vốn sẵn tư chất thông minh, Thần Quang cảm nhận đó là một ám hiệu bóng gió xa xôi mà Tổ gợi nhắc cho mình. Sẵn giới đao trong tay, Thần Quang chặt cánh tay trái đứt rơi xuống tuyết. Máu tươi thắm đỏ tuyết trắng xung quanh, nhìn ra chỉ còn thấy bàng bạc một màu hồng sáng. Cúi xuống nhặt cánh tay vừa chặt đứt, Thần Quang đi ba vòng xung quanh nơi Tổ đang ngồi Thiên định để trước mặt Tổ rồi lại trở về đứng nguyên chỗ cũ.
Thấy Thần Quang chân thành thiết tha cầu Đạo, Tổ chậm rãi nói:
- Các Đức Phật xưa ban đầu cầu Đạo vì pháp quyên thân. Nay ngươi chặt cánh tay để trước mặt ta, như thế chứng tỏ đã thành tâm cầu Đạo. Vậy ngươi muốn gì?
Thần Quang bạch:
- Pháp ấn của chư Phật, con có thể được nghe chăng?
- Làm gì có chuyện lấy được pháp ấn của chư Phật qua người khác.
- “Tâm” con không an, xin Tổ dạy cho phép an “tâm” - Thần Quang khẩn khoản.
- Vậy ngươi hãy đem “tâm” ra đây ta an cho.
Thần Quang sửng sốt tìm lại không thấy “tâm” thưa:
- Bạch Tổ, con kiếm “tâm” mãi mà chẳng thấy.
- Thế là ta đã an “tâm” cho người rồi đó.
Nghe Tổ dạy, Thần Quang bỗng nhiên giác ngộ và được Tổ đổi tên thành Tuệ Khả….
Đúng như lời Tổ dạy, trong mỗi con người, những tạp niệm luôn luôn trỗi dậy, thúc bách, giằng xé rối bời, làm ta xao xuyến không yên. Thế nhưng, chúng ta lại thường ngộ nhận, lâm chấp những tạp niệm đó là “tâm” mình cho nên chẳng lúc nào thấy “tâm” mình, chẳng lúc nào thấy “tâm” an. Bởi “tâm” không an, nên con người bôn tẩu khắp nơi tìm phép an “tâm”. Diệu thuật của Tổ Đạt Ma buộc ta nhìn thằng lại xem “tâm” là gì, thử xem nó có thật hay không mà “cầu an”. Khi nó đã vỡ lở không thật, nó tự lặng lẽ tan biến, đó là “tâm”. Khi “tâm” đã dứt bỏ hết tạp niệm gọi là “vô niệm” hay “không tâm”. Lúc này không còn hình tượng gì nữa nên gọi là “không”. Tu luyện đạt đến chỗ “không tâm” hay “vô niệm” sẽ nhận ra cảnh giới “không” ấy là chân thực nên Kinh Bát Nhã nói: “không tướng là thực tướng”. Và cũng chính vì vậy cửa Thiền thường gọi là cửa “không”. Và Lục Tổ Huệ Năng sau này đã đi vào cửa này bằng bài kệ mà bất cứ người tu Thiền nào đều biết:
… Bồ Đề bản vô thụ/Minh kích diệc phi đàiBản lai vô nhất vật/Hà xứ hữu trần ai
Dịch nghĩa:
… Bồ Đề không phải cây/Gương sáng chẳng phải đài/Xưa nay không một vật/Đâu còn có bụi trần?
Vua Hậu Ngụy Hiếu Minh nghe Tổ có nhiều sự tích lạ lùng, ba lần sai sứ đến triệu, nhưng Tổ đều chối từ, không chịu xuống núi. Vua càng đem lòng kính trọng, cho người đem đến ban cho Tổ hai áo cà sa và một bình bát bằng vàng. Tổ từ chối nhiều lần, nhưng sau thấy nhà Vua thành tâm dâng cúng, Tổ mới chịu nhận.
Sau chín năm truyền pháp, Tổ thấy cơ duyên đã đủ, ý muốn trở về Thiên Trúc, liền gọi các đệ tử đến và hỏi:
- Giờ ta trở về sắp đến, các ngươi hãy nói cho ta biết chỗ “Sở đắc” của mình.
Đạo Phó bạch:
- Theo sự hiểu biết của con, muốn thấy Đạo, chẳng chấp văn tự, mà cũng chẳng lìa văn tự.
Tổ nói:
- Ngươi được phần da của ta rồi.
Ni cô Tổng Trì bạch:
- Chỗ hiểu của con cũng giống như Tổ A Nan thấy nước Phật A Súc, chỉ thấy một lần không còn thấy lại.
Tổ nói:
- Ni cô được phần thịt của ta.
Đạo Dục thưa:
- Bổn đại vốn không, ngũ uẩn chẳng có, vậy thì chỗ thấy của con không một pháp nào có thể đạt được.
Tổ nói:
- Người được phần xương của ta
Bây giờ đến lượt Tuệ Khả, Tuệ Khả bước ra, vái Tổ ba vái rồi trở về đứng nguyên chỗ cũ, chẳng nói chẳng rằng.
Tổ nói:
- Người được phần tủy của ta rồi.
Nói xong, Tổ gọi Tuệ Khả đến căn dặn:
- Xưa Như Lai trao “chính Pháp nhãn tạng” cho Ma Ha Ca Diếp từ Ca Diệp, chính pháp liên tục được truyền đến ta. Nay ta trao lại cho ngươi, ngươi hãy cố công truyền giữ, chớ để đứt đoạn. Và đây, ta cũng trao luôn cho người áo cà sa và bát quý để làm tin… Hai trăm năm sau khi ta tịch diệt, y bát này sẽ dừng lại không truyền. Ta từ Nam Ấn vượt biển tới đây, thấy có Đại thừa khí tượng, vì “Pháp” tìm người, truyền giáo lý của Đấng Giác Ngộ. Nay đã có người tiếp độ, ý ta đã toại, nhiệm vụ ta thế là đã hoàn thành. Và người đọc bài kệ mang tính chất dự ngôn sau:
Ngô bản lại tự thổ/Truyền pháp cứu mê tình/Nhất hoa khai ngũ diệp/Kết quả tự nhiên thành.
Dịch nghĩa:
Ta nguyện đến đất này/Truyền pháp cứu người mê/Một hoa nở năm cánh/Kết quả
tự nhiên thành (1)
Câu chuyện cây Trà của Tổ
Trong tác phẩm Thiền Đạo Alan W.Watt kể rằng, khi tham Thiền, có lần Tổ Bồ Đề Đạt Ma ngủ gục. Tỉnh dậy, Người nổi giận, cắt đứt mí mắt, liệng xuống đất, mọc thành một cây xanh tốt. Nhân khi khát nước, Tổ lấy lá xanh nấu nước uống liền khỏi buồn ngủ, trí óc tỉnh táo, sáng suốt. Cây xanh đó là cây trà đầu tiên do Bồ Đề Đạt Ma phát hiện. Tục uống trà của người Đông Phương bắt đầu từ đó. Về sau, các Thiền sư khi tụ tập thường uống trà để khỏi buồn ngủ. Các Thiền sư Nhật Bản hàng ngày còn dâng trà lên trước Phật, trước Tổ, nâng tục uống trà lên thành một nghệ thuật, một pháp môn, gọi là “Trà Đạo”. Đối với người Nhật Bản “Trà Đạo” tương đồng với “Thiền” “Trà Thiền nhất vị”. Quả vậy, ý nghĩa của trà đạo chủ yếu không phải ở chén trà, mà là ở “ Thiền ý” thanh tịnh, không linh, siêu thoát ở phía sau những chén trà. Vì thế chỉ có thể cảm nhận được hương vị của “Trà Đạo” trong khung cảnh tĩnh lặng, thanh khiết, yên bình, lúc tâm hồn lắng dịu hiền hòa, ung dung tự tại, tâm niệm như nhất…Trong lịch sử Thiền Tông có ghi câu chuyện về Thiền sư Hạnh Tư, người đứng đầu tăng chủng, học trò của Lục Tổ Huệ Năng có lần nói “Khi chưa tham Thiền, nhìn núi là núi, nước là nước, lúc tham Thiền nhìn núi không phải là núi, nước không phải là nước, tới khi tham Thiền khai ngộ, nhìn núi lại vẫn núi, nước lại vẫn là nước”.
Câu chuyện trên mang một ý nghĩa sâu xa, đồng thời có thể khơi gợi ngộ tính của chúng ta. Vậy tại sao khi chưa tham Thiền nhìn núi là núi, nước là nước? Bởi lẽ thế giới ngoài tâm của những con người bình thường là thế giới thực tưởng hoặc là thế giới vật lý, cho nên nhìn gì thấy nấy. Nhưng khi tham Thiền, con người vượt khỏi thế giới ngoài tâm, trong tâm trí mình, thế giới thực tưởng không phải là thường hằng nữa, tất cả đều tan biến, tâm vô niệm, nên nhìn núi không phải là núi, nước không phải là nước. Nhưng khi đã chứng ngộ, hai thế giới trong tâm và ngoài tâm hòa quyện, dung hợp với nhau, con người và đối tượng phút chốc tan hòa thành một, nên nhìn núi lại vẫn là núi, nước lại vẫn là nước. Cho nên chỉ những ai đã trải qua giai đoạn cảm nhận “là, không phải là, lại “vẫn là” như câu chuyện trên của nhà Phật mới có thể chứng ngộ được chỗ ảo diệu của “Trà Đạo”.
Đề cập đến “phép Thiền định”, sách: Đốn ngộ nhập Đạo yếu môn luận viết: “Hỏi: hãy nói Thiền là gì? Định là gì? Đáp: “Vọng niệm không sinh là Thiền, ngồi thấy được bản tính là Định”. Mục đích tập Thiền là “minh tâm kiến tính”. Minh tâm kiến tính là khắc phục sự quấy rối của những vọng niệm hậu thiên, trong cảnh giới thanh tịnh, hướng nội, nhận thức được bộ mặt chân thực của mình, tức là làm hiển hiện tấm “gương Tâm ngời sáng mà nhà Phật gọi là bản tính chân như…”
Vì vậy, có thể nói, Thiền là trí huệ, là u mặc, là chân tâm, là ánh sáng trong cuộc sống con người, là cảnh giới Chân Thiện Mỹ. Thiền say đắm như túi thơ bầu rượu, thanh khiết như nước suối đầu non, êm nhẹ như gió thu lay động cành dương, trầm lắng như trăng treo đầu núi Vĩnh hằng như Nhật, Nguyệt vạn cổ trường không.
Thế nhưng Thiền “bất lập văn tự”, chẳng thể nói được bằng lời, cho dù có “lấy hư không làm giấy, lấy sóng trùng dương làm mực, lấy Thánh sơn Fuji làm bút viết” và “Thiền” cuối cùng vẫn phải dựa vào sự diện kiến, sự tu tập, sự trảo nghiệm, sự thâm cứu, sự chứng ngộ của mỗi con người.
Đạt Ma Sơ Tổ, hình tượng của Thiền Đông Độ sẽ vẫn là huyền thoại của muôn đời vì vậy.
NKT
Tài liệu tham khảo:
1. Những nền văn minh nhân loại. NXB Phật giáo.SG.2001 các tập 1,2,3;
2. Kinh Phật cho người tại gia. NXB Phật giáo. SG. 2002;
3. Phật giáo Nguyên Thủy. NXB Phật Giáo.SG. 2003;
4. Mật Tông Kim Kang Thừa. NXB Phật Giáo SG. 2004.
Chú thích:
1. Luận thành duy thức. Việc nghiên cứu Phật giáo Việt Nam. 2008
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Công điện của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo an ninh trật tự
Thống kê truy cập
114510959
2317
2347
21333
217832
121356
114510959