Khách mời văn hóa

Tù mù, mơ hồ là đặc điểm nổi bật của Vành đai & Con đường

LỜI TÒA SOẠN: Nhân sự kiện Trung Quốc tổ chức hội nghị "Vành đai và Con đường" hồi giữa tháng 5 năm nay, nhằm làm rõ hơn một số vấn đề cơ bản về lịch sử cũng như thực chất mục đích của Tập cận bình và giới lãnh đạo Trung Quốc đối với Vành đai &Con đường, VHNA đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Trịnh Văn Định đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội về vấn đề này. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Phan Văn Thắng: Nhân dịp Trung Quốc tổ chức hội nghị "Vành đai và Con đường"  tại Bắc Kinh, này chúng tôi muốn được ông trao đổi về Con đường tơ lụa trong lịch sử và hiện tại. Như chúng ta biết, con đường tơ lụa trên bộ của người Hán bắt đầu từ mục đích chính trị - quân sự. Trương  Khiên đi về phía tây là để lôi kéo đồng minh. Còn bây giờ, theo ông, Tập Cận Bình, bắt đầu từ mục tiêu nào trước nhất, cơ bản nhất để khởi xướng một vành đai, một con đường?

Trịnh Văn Định:Trước hết cần làm rõ về vấn đề thuật ngữ. Theo Văn kiện chính thức được công bố bới Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia, Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Trung Quốc (2015) có tên được dịch sang tiếng Việt: Tầm nhìn và hành động cùng cây dựng vành đai kinh tế Con đường tơ lụa và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI”, sau được Trung Quốc chú thích viết tắt bằng tiếng Hán là : Nhất đới Nhất lộ, dịch sang tiếng Việt là Một vành đai, một con đường. Hôm họp hội nghị cao cấp từ ngày 11 đến ngày 15 tháng 5 năm 2017 tại Bắc Kinh do chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì, tên tiếng Hán vẫn giữ nguyên Nhất đới Nhất lộ, nhưng Tiếng Anh không dùng là One Belt, One Road nữa mà đổi thành Belt và Road. Dịch sang tiếng Việt là: Vành đai và Con đường. Việc thay đổi này bản thân nó cũng mang chứa nhiều ý nghĩa đặc biệt thú vị.

Như chúng tôi đã trình bày trong bài viết: Tính quy luật trong tiến trình mở đường của Trung Hoa: Trường hợp Nhất đới nhất lộ. Tôi chứng minh rằng, cội rễ của cái mà Trung Quốc gọi là con đường tơ lụa (cái tên con đường tơ lụa là do học giả người Đức định danh chứ không phải người Trung Quốc. Ngày nay người Trung Quốc cứ mặc nhiên dùng như của mình) thực chất là khởi thủy của một khát vọng chính trị mở rộng lãnh thổ và xâm chiếm vùng đất của người Hung Nô. Theo quy luật của tiến trình mở đường, kể cả hệ thống Đại vận Hà (sông đào, do nhà Tùy kết nối toàn tuyến) cũng là mục tiêu chính trị của việc truyền bá mệnh lệnh, và hệ thống các kênh đào khác cũng nằm trong quy luật phục vụ cho nhu cầu chính trị. Nếu nhìn theo quy luật này, Vành đai và con đường là một đại chiến dịch mở đường lớn nhất trong lịch sử hình thành và phát triển, và đang phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc. Lần đầu tiên, nó vượt ra ngoài biên giới của Trung Quốc, nó có tham vọng kết nối gần như Toàn cầu, từ Châu Á, Trung Á, Châu Âu và Châu Phi. Học giả Trung Quốc còn kiến nghị tiếp tục thiết lập vành đai kinh tế: Trung-Nga-Triều- Hàn- Nhật. Mặt khác, lần đầu tiên, nó kết nối lục địa và đại dương,và kết nối bến cảnh của Trung Quốc, Biển Trung Quốc với các cảng biển lớn,  và vùng biển khác trên thế giới. Theo như nhiều nghiên cứu trên thế giới, chẳng hạn như trung tâm nghiên cứu chiến lược Mỹ (CSIS), Vành đai và con đường là một “Phao cứu sinh” giải cứu cho kinh tế và sự sụp đổ của Trung Quốc, bởi tính chất dư thừa sức sản xuất của nó. Mặt khác, nó còn là một “mạng tinh thế” để để kết nối, cấp vốn cứu cho các địa phương đang lâm vào cảnh nợ lần không có lối thoát. Nói cách khác, theo nhiều học giả, nó là hướng thoát cho Trung Quốc. Theo cá nhân tôi, tôi đồng ý với các cách kiến giải trên nhưng theo tôi nên đọc vấn đề sâu hơn theo hướng nội tại của lô gic, quy luật vận động của chính trị Trung Hoa, sự hình thành của nó về bản chất là một sự giải phóng những ám ảnh của quá khứ, giải thoát những đè nén của lịch sử. Từ khóa của nó là Hoa Mộng, Tập Mộng, Vành đai và con đường mộng. Những từ khóa của nó đã nói lên những ẩn ức, những ám ảnh này của họ. Ám ảnh của một quá khứ huy hoàng và ám ảnh của một thời đại quốc nhục của Trung Quốc. Trong những nghiên cứu sâu hơn sắp tới, chúng tôi sẽ làm rõ vấn đề này.

Phan Văn Thắng:Tập Cận Bình và người Trung Quốc hôm nay còn nhắm đến những mục tiêu gì khác nữa?

Trịnh Văn Định:Mục tiêu mà họ nhắm đến thì họ không nói ra một cách minh bạch, công khai và rõ ràng. Tính tù mù, mơ hồ là đặc điểm nổi bật của Vành đai và con đường. Sáng nay, tôi có trao đổi với giáo sư Lionel Vairon của Luxembourg sang dự hội thảo tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (18/5/2017), một chuyên gia lớn về Trung Quốc, ông cũng trả lời rằng hiện cá nhân ông và học giới Phương Tây cũng chưa hiểu rõ cơ chế và nguyên tắc của nó là gì. Nó là nhiệm vụ của cộng đồng thế giới cần làm rõ nó. Câu hỏi đặt ra là tại sao nó lại tù mù và mơ hồ như vậy, mặc dù nó đi vào triển khai. Bằng những chứng cứ hiện có và thực tiễn đang triển khai, chúng ta có thể khẳng định chắc chắn rằng, mục hiểu hiển ngôn như trong tuyên bố phát triển kinh tế chỉ là một nguyên nhân không phải cốt lõi. Nếu đọc văn kiện, chúng ta có thể thấy rằng, biên giới và cảng biển quốc gia bị mờ nhạt hơn so với đường biên và hải cảng kết nối của Một vành đai và Một con đường. Nếu đúng như vậy thì mục tiêu của nó quả đáng để toàn thế giới suy ngẫm nghiêm túc.

Phan Văn Thắng:Người Trung Quốc đã tiếp cận và khai thác yếu tố lịch sử của con đường tơ lụa xưa như thế nào cho những mưu đồ chiến lược hôm nay?

Trịnh Văn Định:Từ “tơ lụa” vốn không phải do người Trung Hoa đặt cho con đường này nhưng nay nó được họ dùng, như một sở hữu đặc dụng của riêng Trung Hoa. Rõ ràng, từ tơ lụa nó dễ đánh lạc hướng người ta nghĩ đến, định hướng người ta đến một con đường mềm mại, lóng lánh, đầy hấp dẫn. Mặt khác, hình tượng hóa con đường sẽ là cách thức lưu giữ chúng trong đầu óc người ta hấp dẫn nhất, nhanh nhất và khỏ tẩy rửa nhất.  Giá trị của quá khứ, quá khứ của con đường một mặt bị mất đi cội rễ chính trị và xâm lăng của nó khởi đi từ thời Hán Vũ Đế, đến nay lại được phục hưng và ngụy trang lại cho một hệ thống quy mô lớn hơn rất nhiều. Chúng ta cần có định nghĩa của riêng mình về con đường được gọi là tơ lụa cổ xưa và cái mà ngày nay là vành đai và con đường, để hiểu đúng bản chất và nội hàm của nó.

Phan Văn Thắng:Ông có thể nói rõ xảo thuật học thuật hóa câu chuyện con đường tơ lụa để phục vụ cho mưu đồ bành trướng của người Trung Quốc hôm nay?

Trịnh Văn Định:Vành đai và con đường không chỉ tồn tại trên giấy tờ, nó đã được triển khai trong thực tiễn, không chỉ bằng các hoạt động thành lập quỹ con đường tơ lụa, AIIB…nó còn được truyền thông hóa và học thuật hóa. Ngày 31/1/2015 Đại học Ngoại ngữ thứ hai Bắc Kinh thành lập viện Nghiên cứu chiến lược “một vành đai một con đường”. Mục đích là với lợi thế là một đại học ngoại ngữ, thế giới hóa Vành đai và con đường thông qua học thuật. Ngoài ra, một nhánh nhỏ hơn là kế hoạch triển khai hơp tác Lan Thương – MêKông, đã hình thành một diễn đàn có khoảng 10 trường Đại học quan tâm, và Trung Quốc đang rất muốn Việt Nam tham gia vào diễn đàn này. Tất cả hoạt động này, thực chất là hoạt động chính trị hóa học thuật vành đai và con đường.

Phan Văn Thắng:Trở lại lịch sử, con đường tơ lụa trong lịch sử đã đem lại cho các triều đại phong kiến Trung Quốc những lợi ích gì?

Trịnh Văn Định:Cái lớn nhất là mở rộng lãnh thổ và là tiền để mở rộng lãnh thổ của Trung Quốc.

Phan Văn Thắng:Và các quốc gia – dân tộc  khác trên Vành đai & con đường hôm nay sẽ được hưởng lợi hay là ảnh hưởng gì?

Trịnh Văn Định:Một số nước tưởng rằng được hưởng lợi từ đầu tư cơ sở hạ tầng, vay vốn từ các ngân hàng và quỹ con đường tơ lụa của Trung Quốc. Nhưng thực chất cái họ được thì nhỏ mà cái họ mất thì lớn hơn nhiều. Bởi lẽ, để tiếp cận nguồn vốn đó các quốc gia phải theo luật chơi, hay chọn “thực đơn” mà Trung Quốc bày ra. Các thực khách chỉ được chọn theo thực đơn đó. Suy cho cùng, được lợi chính là Trung Quốc, các công ty được của Trung Quốc được Trung Quốc lựa chọn tham gia thi công và thực thi nhiệm vụ trong chiến lược vành đai và con đường.

Phan Văn Thắng:Nếu “Vành đai và Con đường” của Tập Cận Bình trở thành hiện thực, liệu  nó sẽ đem lại cho các quốc gia - dân tộc khác những gì?

Trịnh Văn Định:Theo tôi là khả năng thành công không phải là nhỏ. Chắc chắn lợi ích mà nó mang lại cho các quốc gia thì sẽ nhỏ, nhưng khả năng tai họa mà nó mang đến thì đáng sợ. Nói theo cách của một người gốc Hoa, Thủ tướng Lý Quang Diệu, các nước xung quanh, Đông Á, Đông Nam Á, và thậm chí cả Nam Á, Ấn Độ và các nước Châu Á khác bị cột, hút vào thể thống nhất của “một vành đai, một con đường” mà thủ đô, hay đầu mối, điểm khởi đầu hay trung tâm của vành đai và con đường của nó là Bắc Kinh – Tây An. Đó thực là là viễn cảnh cần tránh. Nó khó có thể  đạt được hoàn toàn các mục tiêu mà nó mong muôn nhưng hiện trạng triển khai như hiện nay đang diễn ra là hết sức báo động. Chúng ta cần nhớ lại, Vân Nam mới trở thành , sáp nhập vào lãnh thổ của Trung Quốc thời Nguyên.

Phan Văn Thắng:Và quan trọng nhất, nó sẽ làm thay đổi bản đồ địa chính trị thế giới như thế nào? “Vành đai và Con đường” này liệu có giúp cho giấc mơ Trung Hoa trở thành hiện thực?

Trịnh Văn Định:Đúng vậy, công thức của Đại mộng Trung Hoa là: Giấc mộng vành đai và giấc mộng con đường. Chủ thể hạt nhân của giấc mộng là: Tập Mộng. Đỉnh cao và đích cuối của nó là hoàn thành Hoa Mộng vào năm 2049, kỉ niệm 100 ra đời của nhà nước Trung Hoa cộng sản. Và như vậy, bản đồ địa chính trị thế giới chuyển trọng tâm, với Trung tâm thế giới là thiên tử Trung Hoa và các nước khác chầu chung quanh như trong quá khứ huy hoàng. Trung Quốc mơ về ký ức huy hoàng đó và khi đó Trung Quốc giải quyết được giấc mơ, rửa được cái nhục Quốc sỉ.

Nếu nó thành công, hoặc đang như cách thức nó diễn ra, Trung Quốc sẽ dẫn dắt một loạt các quốc gia cơ bản không phải thuộc thế giới thứ nhất. Với sự dẫn dắt này Trung Quốc muốn đối trọng lại với khối các nước phát triển do Mỹ dẫn đầu. Khi đó, chúng ta có thể hình dung, đồng Nhân dân tệ sẽ trở thành phổ biến hơn trên các tuyến điểm vành đai và con đường, biển chỉ dẫn giao thông, cầu cống, các công trình được vay hoặc hỗ trợ bởi Trung Quốc; ngôn ngữ không phải là tiếng bản địa và tiếng Anh mà thay vào đó là tiếng Trung Quốc; người lao động, công ty, nhà thầy và văn hóa, thói quen, sinh hoạt của người Trung Quốc, cả sự hòa huyết nữa sẽ dần dần thay thế diện mạo của các quốc gia tham gia vào vành đai và con đường. Đặc biệt, lực lượng Hoa Kiều sẽ được coi trọng, được huy động tham gia vào hệ thống này. Sự trỗi dậy của lực lượng này ở các quốc gia tham gia vành đai và con đường như ở Việt Nam là một đại vấn đề phải đặc biệt lưu tâm…Và như vậy, cứ tự nhiên, như kiểu quy luật lan tỏa lãnh thổ Trung Quốc, kiểu tằm ăn lá dâu, những gì thuộc về ngôn ngữ, văn hóa, sinh hoạt, cả hòa huyết,…dấu ấn Trung Hoa cứ thế lan tỏa như quy luật lan tỏa của Trung Hoa trong quá khứ. Họ có thể xâm chiếm ngay vùng đất đó, có thể ngôn ngữ và văn hóa đi trước, kiến tạo sự khai thông lòng người, tiến đến khai thông giao thông rồi khai thông và sáp nhập lãnh thổ, hoặc đẩy các dân tộc bản xứ đến chỗ hoặc theo dùng văn hóa Trung Quốc hoặc chấp nhận bỏ đi như cách Trung Quốc đang áp dụng ở Tây Tạng, hay như cách Trung Quốc đã tạo áp lực người Mông và người Thái phải xuông dòng Mê Kông hoặc lên các đỉnh núi cao. Đó là cách Trung Quốc đã, đang và sẽ làm, vì nó thực sự mang lại hiệu quả.

Như vậy, địa chính trị sẽ có thể thay đổi sau cùng với trước đó là sự thay đổi về địa kinh tế , địa văn hóa và tộc người. Bức tranh trong tương lai của khu vực, một viễn cảnh cần ý thức và tránh là ngập tràn sắc màu Trung Hoa và chữ Hán.

Phan Văn Thắng:Mẫu số chung của hai con đường cách nhau hai thiên niên kỷ là gì?

Trịnh Văn Định:Mở đường là để mở rộng lãnh thổ, làm tiền để mở rộng lãnh thổ và sáp nhập dần những vùng đất xung quanh khi điều kiện chín muồi.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114485459

Hôm nay

2100

Hôm qua

2310

Tuần này

22030

Tháng này

212771

Tháng qua

120271

Tất cả

114485459