Khách mời văn hóa

Muốn xây dựng văn hóa đọc phải tạo được thế hệ người đọc chủ động

 

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Lưu 

VHNA: Nguyễn Thị Thanh Lưu sinh năm 1983 tại Vinh. Trước khi đến với hội họa, chị là một người viết (là Tiến sĩ Văn học, công tác tại Viện Văn học - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam). Chất liệu mà chị lựa chọn là màu nước trên lụa. Dấn thân vào con đường hội họa chưa lâu, Thanh Lưu đã tham gia một số triển lãm ở Việt Nam và Mỹ cùng với Hội họa sĩ Berkshir, Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Hội Mỹ thuật Hà Nội.

“Người đọc” là một dự án nho nhỏ mà chị đã theo đuổi hai năm nay, từ hồi giãn cách xã hội lần thứ nhất ở Việt Nam đầu năm 2020. Chị mê sách nên mê luôn vẻ đẹp của những người đọc sách. Họa lại chân dung những người đọc là một cách chị bày tỏ sự ngưỡng mộ họ. Trước thềm triển lãm tranh “Người đọc” của mình tại Hà Nội, chị đã chia sẻ với VHNA những cảm nhận về chuyện đọc mà không phải là chuyện tranh. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

PV: Trước tiên, cảm ơn chị đã nhận lời trò chuyện với Văn hóa Nghệ An. Thưa chị, được biết tới đây chị sẽ tổ chức Triển lãm tranh mang tên “Người đọc” tại Hà Nội. Chị có thể chia sẻ một chút về dự án này? Động lực nào khiến chị theo đuổi dự án này trong suốt 2 năm qua ạ?

TS. Nguyễn Thị Thanh Lưu: Cảm ơn bạn đã quan tâm. Dự án vẽ series tranh Người đọc đã được tôi ấp ủ từ lâu và bắt tay vào thực hiện hơn 2 năm trước, chính trong quãng giãn cách xã hội đầu tiên vì Covid. Trong những ngày hốt hoảng, hoang mang vì dịch bệnh, tôi lại càng cảm thấy thôi thúc họa lại hình ảnh “người đọc” như một cách hướng đến ý niệm về vẻ đẹp yên tĩnh của tâm hồn. Từ bé tôi đã là người mê sách, mê chữ đến nỗi cứ nhìn cuốn nào có nhiều chữ là đã thấy khấp khởi vui vì sẽ đọc được lâu hơn, bởi hồi đó không có nhiều sách để đọc. Lớn lên, theo đuổi môi trường học thuật, viết lách, cho đến giờ, những người xung quanh tôi hầu hết đều là người đọc. Điều đó đã nhen nhóm trong tôi những hạnh phúc lặng lẽ mà trước giờ tôi chỉ lẳng lặng tận hưởng một mình. Khi dịch bệnh ào đến, tôi cảm thấy cần chia sẻ niềm hạnh phúc quan sát người đọc bằng cách vẽ lại họ trong tranh, như gợi ý về một con đường để tìm đến sự tĩnh tại. Nếu nói về động lực, thì chắc đó là động lực mạnh mẽ nhất.

Triển lãm tranh " Người đọc" của TS. Nguyễn Thị Thanh Lưu sẽ được khai trương tại Hà Nội vào ngày 16/4/ 2022  đến ngày 22/4/2022

 

PV: Những bức tranh của chị mang đến cho người xem vẻ đẹp của người đọc, của sự đọc. Vẻ đẹp của một thế giới bình yên, tĩnh lặng bên những trang sách. Theo chị, trong cuộc sống, liệu chúng ta đã nhận ra vẻ đẹp của việc đọc sách hay chưa? Nói cách khác, ý nghĩa và mục đích thực sự của việc đọc có được nhiều người nhìn nhận đúng hay không?

TS. Nguyễn Thị Thanh Lưu: Thực tế là người đọc hiện nay có thể tạm chia làm 2 loại: người đọc chủ động và người đọc thụ động. Đối với tôi, người đọc thụ động (tức là những người bắt buộc phải đọc vì việc học hành hay công việc mà không cảm thấy niềm vui của sự đọc) thì tôi không tính là người đọc. Người đọc chủ động là hình mẫu người đọc mà tôi hướng tới trong các bức tranh của mình. Họ là những người yêu mê việc đọc, tự chọn lựa sách theo mong muốn cá nhân chứ không bị lệ thuộc vào ai. Những người đọc như thế chắc chắn ý thức rõ vẻ đẹp của việc đọc. Tiếc rằng đa số người đọc ở Việt Nam bây giờ là người đọc thụ động. Đã thụ động thì họ chỉ đọc cho xong chứ không bao giờ nghĩ sâu hơn về sự đọc để nhận ra vẻ đẹp của nó.

Tranh: "Người  đọc" chất liệu màu nước trên lụa của TS. Nguyễn Thị Thanh Lưu.

PV: Khi ngắm nhìn các nhân vật ở nhiều lứa tuổi, giới tính xuất hiện với những cuốn sách trên tay trong các bức tranh của chị tôi thực sự rung động và có cả ngậm ngùi bởi hiện nay hiếm khi chúng ta được chứng kiến hình ảnh ấy lúc bước chân ra ngoài hay thậm chí trở về nhà. Nhiều người cho rằng không nên cứ khư khư giữ hình thức đọc sách truyền thống như vậy. Thói quen đọc đã thay đổi, giờ đây người ta có thể đọc mọi lúc, mọi nơi với nhiều phương tiện khác nhau. Chị đánh giá thế nào về điều này?

TS. Nguyễn Thị Thanh Lưu: Tôi thì vẫn là một người đọc cổ điển, chỉ thích đọc sách giấy. Tôi biết nhiều người đọc vẫn mê mùi giấy và cảm giác vật chất của cuốn sách trong tay giống như tôi. Với tôi, đó là thói quen, là cảm giác vui sướng được hình thành qua rất nhiều năm từ khi bắt đầu biết đọc. Nó giống như một thứ “trữ tình ngoại đề” của sự đọc vậy đó. Tuy nhiên, những thứ kinh nghiệm và thói quen đó dù thế nào cũng chỉ là cảm giác mang tính cá nhân, không nhất thiết ảnh hưởng đến chất lượng đọc, theo tôi. Người trẻ bây giờ tiếp xúc với sách điện tử từ sớm nên họ không nhất thiết phải mang theo thứ “trữ tình ngoại đề” kiểu như những người đọc cổ điển. Thói quen đọc của từng thế hệ sẽ khác đi bởi thời đại thay đổi, điều đó là tất lẽ dĩ ngẫu nên không có gì mà ngậm ngùi. Chỉ cần họ dù đọc cái gì cũng đang là người đọc chủ động thì đã là điều đáng mừng.

PV: Theo chị, trong tương lai sách giấy có bị thay thế hoàn toàn không? Vì sao?

TS. Nguyễn Thị Thanh Lưu: Chắc là không đâu, vì hiện đại đến thế nào đi nữa, sẽ có một bộ phận những kẻ “lạc thời” hoài cổ như tôi vẫn còn nhu cầu đọc sách giấy, sưu tầm và trưng bày sách giấy trong nhà. Tôi tin là chuyện đó không thể xảy ra trong tương lai gần.

PV: Từ câu chuyện này, tôi muốn trao đổi nhiều hơn với chị về văn hóa đọc. Đây là cụm từ được nói đến, bàn đến rất nhiều ở Việt Nam mấy năm gần đây nhưng có vẻ mọi thứ vẫn còn mơ hồ. Tuy nhiên, có lẽ chúng ta sẽ không đi định nghĩa lại khái niệm ở đây. Tôi muốn biết, trên quan điểm của chị, Việt Nam đã có văn hóa đọc hay chưa và vì sao chị đánh giá như vậy?

TS. Nguyễn Thị Thanh Lưu: Đã động đến khái niệm “văn hóa” dù bất kì là văn hóa gì: văn hóa ăn, văn hóa mặc hay văn hóa đọc thì tức là hoạt động đó phải là một hoạt động có ý thức, được xây dựng, truyền thừa, tiếp nối, phát triển mạnh mẽ. Câu chuyện lại quay trở về với khái niệm người đọc chủ động. Bao giờ phần lớn người đọc trong xã hội mình là người đọc chủ động, khi đó mới có thể nói đến cái gọi là văn hóa đọc. Tôi nhớ đã đọc một thống kê ở đâu đó cho thấy tỉ lệ đọc của người Việt những năm gần đây chỉ khoảng 4 đầu sách/người/năm. Trong số sách ít ỏi đó thì ¾ đã là sách giáo khoa phổ cập. Mà như bạn thấy đấy, học sinh, sinh viên Việt Nam giờ đây vẫn chủ yếu là người đọc thụ động, thế thì làm sao có thể bàn đến văn hóa đọc được?

PV: Vậy, theo chị, người Việt không mặn mà nhiều với việc đọc là do đâu?

TS. Nguyễn Thị Thanh Lưu: Người Việt mình có truyền thống trọng việc học do có truyền thống khoa cử từ xưa. Nhưng truyền thống này ở một khía cạnh nào đó lại thành ra bức bình phong cản trở việc sản sinh ra những người đọc thực thụ với thói quen đọc tốt. Tôi nhớ ngày xưa mỗi lần thấy tôi đọc tiểu thuyết thì phụ huynh bèn nhắc nhở ngay là không được đọc vớ vẩn, lo mà học đi. Việc đọc đối với nhiều phụ huynh thời nay vẫn là việc đọc khuôn gói trong chuyện phục vụ thi cử, các thứ sách vở khác ngoài mục đích này thì sẽ bị cho là đọc vô ích mất thời gian. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh khía cạnh thụ động, học gạo, đọc để đi thi chứ không phải do ham thích mà truyền thống sính chữ, trọng học để lấy danh sinh ra. Khi mà phụ huynh và thầy cô giáo vẫn thúc đẩy việc học theo kiểu mẹo mực để đi thi thì chúng ta sẽ không có những người đọc chủ động. Ở phía của người đọc, khi không được tự do lựa chọn thứ mình thích mà cứ bị ép đọc thụ động thì niềm ham thích đọc sẽ không những không được xây dựng mà còn bị triệt tiêu.

PV: Tôi rất đồng tình với quan điểm này của chị và theo tôi được biết thì thị trường sách bây giờ phần lớn vẫn là sách giáo khoa, sách tham khảo phục vụ mục đích học tập, thi cử. Vậy, là người có cơ hội đi ra và tiếp cận với những nền văn hóa khác nhau, chị có thể chia sẻ hay so sánh sự khác biệt trong cách đọc, thói quen đọc giữa người Việt với công dân các nước chị từng tiếp xúc?

TS. Nguyễn Thị Thanh Lưu: Tôi không dám nhận mình biết nhiều, nhưng những trải nghiệm đời sống ngoài Việt Nam khiến tôi thấy ngưỡng mộ văn hóa đọc của công dân các nước bạn. Ở Mỹ chẳng hạn, việc đọc được chăm chút từ lúc trẻ con mới lọt lòng. Việc cha mẹ đọc sách cho con trước giờ đi ngủ là việc thường xuyên được thực hành trong hầu hết các gia đình. Các thư viện ở khắp nơi, mỗi làng đều có thư viện miễn phí. Ở thư viện, ngoài việc chào mời mọi người đến đọc sách hoặc mượn sách, người ta còn tổ chức các buổi đọc sách cho trẻ con hàng tuần vào các giờ cố định, tổ chức các cuộc trò chuyện về sách vở để gây dựng tình yêu với việc đọc. Tôi đã rời khỏi Mỹ cách đây 6 năm nhưng tận đến bây giờ vẫn thường xuyên nhận được email của một thư viện nhỏ ở Berkeley mời tham gia các hoạt động hàng tuần của họ. Ngoài ra, các câu lạc bộ đọc sách rất phổ biến ở mọi tầng lớp, mọi độ tuổi. Ngay như mẹ chồng tôi gần 80 tuổi vẫn đều đặn 1 tuần 1 lần tham gia câu lạc bộ đọc sách để cùng đọc và thảo luận 1 cuốn sách nào đó với bạn bè trong câu lạc bộ. Thỉnh thoảng họ mời chuyên gia về những vấn đề cụ thể mà cuốn sách đang đọc đề cập đến nói chuyện để cung cấp thêm kiến thức giúp cho việc đọc hiểu được thêm phần sâu sắc. Tôi rất mong ở Việt Nam sẽ sớm xây dựng được thói quen đọc sách từ bé cho trẻ con để chúng ta sớm có những thế hệ người đọc chủ động - nhân tố quan trọng để hình thành văn hóa đọc.

PV:Thói quen đọc quan trọng nhưng đọc gì cũng quan trọng không kém. Thực tế cho thấy giới trẻ hiện nay thường đọc theo phong trào hay đắm mình vào những câu chuyện ngôn tình còn sách nghiên cứu, lý luận về văn hóa, lịch sử,…thì rất ít. Chị đánh giá về vấn đề này như thế nào?

TS. Nguyễn Thị Thanh Lưu: Khi mà sách nghiên cứu lý luận còn nghèo nàn hoặc chưa đủ sức hấp dẫn thì họ sẽ dễ ngã vào những thứ dễ dãi thôi. Tôi tin nếu chất lượng các đầu sách tăng tiến, chất lượng giáo dục được nâng cao thì hiện tượng này rồi sẽ được cải thiện. Người đọc chủ động thường ý thức rất rõ việc họ chọn đọc cái gì. Khi chúng ta đã có một thế hệ người đọc chủ động áp đảo thì họ sẽ ảnh hưởng tốt đến phần còn lại của thế giới người đọc.

PV: Người trẻ không mặn mà với tác phẩm chất lượng hay bởi thị trường sách của chúng ta chưa đáp ứng được? Công tác truyền thông, định hướng cho người đọc còn có vấn đề, thưa chị?

TS. Nguyễn Thị Thanh Lưu: Tôi không dám lạm bàn về những việc này vì nó nằm ngoài chuyên môn. Tuy nhiên, một cách chủ quan thì tôi thấy rõ ràng việc hình thành thói quen đọc có chất lượng đang gặp nhiều trở ngại do quán tính suy nghĩ, do thói quen giáo dục, do cách nhìn nhận của xã hội về việc xây dựng người đọc chủ động, như tôi đã nói ở trên. Cái gì cũng phải đi từ gốc, chứ truyền thông định hướng trên ngọn thì cũng có ăn thua gì đâu.

PV: Chị đánh giá thế nào về các chương trình khuyến đọc, nâng cao văn hóa đọc hiện nay chúng ta đang triển khai?

TS. Nguyễn Thị Thanh Lưu: Tôi thấy các chương trình đưa sách về nông thôn, mở thư viện dòng họ, đưa tủ sách vào lớp học…đang rầm rộ diễn ra. Để đánh giá về hiệu quả của những việc này cần có thêm thời gian, bởi vì đưa sách đến là một chuyện, xây dựng và duy trì thói quen đọc sách là một chuyện khác. Chúng ta cần tạo ra thế hệ người đọc chủ động khi mà sách vở lúc này đã không còn quá thiếu thốn. Khi tôi còn chưa thấy người ta quan tâm đến các bài review sách vở bằng các tin tức kiểu cướp, giết, hiếp thì tôi chưa tin các chương trình kia có tác dụng gì lắm.

PV: Như vậy để cải thiện thói quen đọc sách, để người Việt mặn mà hơn với việc đọc, theo chị, chúng ta nên làm gì?

TS. Nguyễn Thị Thanh Lưu: Với tôi thì việc tạo ra thế hệ người đọc chủ động vẫn là việc quan trọng nhất trong sự nghiệp xây dựng văn hóa đọc. Để làm được điều đó, mỗi bậc phụ huynh phải ý thức hình thành môi trường nuôi dưỡng người đọc trong gia đình, mỗi thầy cô giáo phải ý thức hình thành môi trường khuyến khích người đọc trong trường học, mỗi người làm chính sách giáo dục phải ý thức xây dựng không gian tự do để học sinh sinh viên được có thêm quyền chủ động lựa chọn đọc cái gì và đọc thế nào, mỗi người làm công tác xuất bản phải ý thức làm ra những đầu sách hấp dẫn, phong phú. Sự nghiệp này cần đến sự tiếp sức của toàn xã hội. Để mà nói cụ thể ra thì dài dòng lắm, thôi, tôi xin nhường mỗi người tự nghĩ ra cách của mình, miễn là chúng ta có ý thức hướng tới việc xây dựng văn hóa đọc.

PV: Cảm ơn những chia sẻ tâm huyết của chị. Chúc triển lãm của chị thành công và hy vọng những thông điệp từ triển lãm cũng như cuộc trò chuyện này sẽ được lan tỏa rộng rãi để trong tương lai chúng ta được chứng kiến một bức tranh tươi sáng hơn về văn hóa đọc tại Việt Nam!

 

          

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114510975

Hôm nay

2333

Hôm qua

2347

Tuần này

21349

Tháng này

217848

Tháng qua

121356

Tất cả

114510975