Thưa nhà thơ Thạch Quỳ, tôi thấy hình như dạo này ông ít cho bạn đọc được đọc thơ mới của ông. Ông ít viết hay ông ít đăng?
Trước kia tôi cũng ít, nay thì ít hơn. Người làm văn học phải học, đọc, viết và suy nghĩ triền miên. Làm việc nhiều, viết nhiều nhưng không nên in nhiều, tự mình gạn lọc lấy mình trước khi trình ra thiên hạ. Người làm thơ viết văn cũng nên học tập các vận động viên thể thao, thể dục: Luôn luôn phấn đấu, rèn luyện để vượt qua kỷ lục của chính mình! Người ta không tính ông nhảy cao bao nhiêu lần, cử tạ bao nhiêu lần mà vấn đề là nhảy được bao nhiêu mét, nâng được bao nhiêu cân! Lịch sử thơ Việt Nam vinh danh nhiều nhà thơ suốt đời chỉ viết 1 hoặc 2 bài thơ thôi, như bà Huyện Thanh Quan, Thâm Tâm… chẳng hạn. Tôi đã nói ở Hội nhà văn, viết trên báo văn nghệ rằng giải thưởng thơ chỉ nên giành cho bài thơ, không nên xét thưởng các tập thơ. Bởi lẽ, nếu tập thơ có bài thơ hay thì đã trúng thưởng còn cả tập không có bài thơ hay thì sao lại tặng giải thưởng? Hầu hết các nhà thơ tán thành ý kiến đó nhưng việc thực hiện thì rất trì trệ!
Tuy vậy, 3 năm nay tôi có in một chùm thơ ở Tạp chí của Hội nhà văn, 2 chùm thơ trên báo văn nghệ, 15 bài và 20 bài ở các tạp chí khác. Đã xong bản thảo tập thơ "Bức Tượng", sẽ in nay mai. Tôi nghĩ ở tuổi tôi im lặng là thích hợp, có lẽ tôi sẽ thôi, không viết nữa. Đọc Xéc - Văng - Tét, hiệp sỹ đánh cối xay gió mãi rồi cũng đến lúc phải ngừng tay nghỉ ngơi thôi!
Với mấy chục năm làm thơ, trải qua nhiều giai đoạn, nhiều thời kỳ thăng trầm của đất nước, giai đoạn nào ông thấy bản thân mình làm thơ thăng hoa nhất, gắn bó với cuộc đời nhất, nói cách khác là hứng nhất, thích nhất, gắn bó với cuộc đời nhất, nói cách khác là hứng nhất, thích nhất?
Thế hệ tôi làm thơ, viết văn theo quan niệm văn nghệ của thời đó. Hội nghị phê bình văn nghệ Diên An (Trung Quốc) phương pháp sáng tác hiện thực XHCN, dư âm cuộc đấu tranh chống "Nhân văn giai phẩm"… Các luận điểm mang tính quyết định luận về văn hoá văn nghệ là môi trường sáng tác của chúng tôi.
Anh hỏi tôi có "thăng hoa" có "hứng khởi" không à? Ông Sô - Lô - Khốp trả lời câu hỏi này rất khéo: "Tôi viết từ trái tim tôi nhưng trái tim tôi thuộc về Đảng?" Tiếc rằng, tôi không dễ mượn lời ông ấy để nói thay mình!
Vâng! Bây giờ mở cửa, anh mang hoa đến nhưng em đã quá thì…
Trước đây, theo như tôi biết, có không ít người cho rằng do gò bó về mày này, mặt nọ nên chưa có những tác phẩm lớn. Còn bây giờ, theo tôi nghĩ là quan niệm về sáng tạo văn học nghệ thuật của xã hội thông thoáng hớn, cởi mở hơn, dân chủ hơn nhiều, những vẫn chưa xuất hiện nhiều tác phẩm hay, chưa có tác phẩm lớn xứng tầm thời đài. Ông nghĩ sao về điều này?
Về “tự do sáng tác” ấy à? Tôi quen nghĩ tự do có nhiều hay ít đều là những điều kiện để thử thách các tài năng. Anh thấy đấy, có ai ban phát tự do cho cụ Nguyễn Du đâu! Cái thời ấy chữ nghĩa luôn bị vua quan soi mói, nhưng có Nguyễn Du nên vẫn có truyện Kiều! Hẳn anh nhớ lời cụ nói: Chi phấn hữu thần" và "Văn chương vô mạng" đấy chứ? Tôi không phàn nàn gì về chuyện này, chỉ biết, không có tác phẩm hay tác phẩm lớn là do bản thân mình chưa đủ tài, thế thôi!
Vậy văn chương đồi hỏi ở nhà văn điều gì?
Thời của "dàn đồng ca" qua rồi! Bản chất văn học không phải là "khúc hát tập thể". Nếu mỗi người không phải là một người thì không nên bước chân vào chốn văn chương: Chủ nghĩa bao cấp, mó tay ăn phần, đành rằng quá khứ đó đã dây dưa vào cả trong văn học nghệ thuật nhưng văn học đích thực vẫn đi đúng đường của nó bất chấp mọi hình thức á văn học. Muốn hay không, ở thời điểm này khái niệm về văn học đích thực phải được xây dựng. Văn học không chấp nhận sự mờ nhạt, thiếu phong cách, thiếu cá tính, thiếu sự sắc bén tư duy cá thể của mỗi nhà văn. ăn theo nói leo là việc của con vẹt. Nhà văn không chỉ là con người mà là một nhà văn hoá phải có thành tựu để đóng góp cho sự văn minh trong hình thái ý thức của một dân tộc.
Ông thấy ở tỉnh ta, nói rộng ra là cả nước nữa, đã có đội ngũ văn nghệ sỹ chuyên nghiệp chưa? Tôi thấy hình như số đông vẫn là công chức, viên chức, trong đó có cả không ít cán bộ lãnh đạo làm văn học nghệ thuật. Có đúng vậy không thưa ông?
Tôi không có quan niệm "Nghiệp dư" hay "chuyên nghiệp" trong VHNT. Tôi lại hỏi anh: cụ Nguyễn Du là nghiệp dư hay chuyên nghiệp?
Tôi tin chắc là không có ai trả lời chính xác và đúng một cách trọn vẹn câu hỏi của ông cả. Nguyễn Du hành nghề sáng tạo có vẻ là “nghiệp dư” còn tác phẩm là đạt trình độ, phẩm chất “chuyên nghiệp”. Thực ra đây cũng chỉ là những khái niệm tương đối, đặc biệt khi nhìn xa vào lịch sử. Còn khi ta nhìn ngắn hơn, vài ba chục năm trở lại, ở xứ ta, thì có lẽ phải nhận diện vấn đề theo một cách khác hơn, khi mà tác phẩm không phản ánh hết về vai trò và vị trí của tác giả trong cộng đồng xã hội, mà phải căn cứ vào các thang bậc khác nữa, ngạch, bậc lương chẳng hạn.
Đúng vậy. ở nước ta, 60 tỉnh thành, 60 hội văn nghệ. Ngoài ra còn văn nghệ công an, văn nghệ quân đội, thanh niên, phụ nữ, thiếu nhi, miền núi… ở những cơ quan đó có người ăn lương, xung quanh họ lại tập hợp đến hàng ngàn, hàng vạn người làm văn nghệ.
Tính lại xem, từ thời Lý đến bây giờ, nước ta thực sự có mấy nhà văn, nhà thơ? Quan niệm VHNT dễ dãi sẽ dẫn đến cơ cấu nhân sự xô bồ.
Thượng đế rất khắt khe với các tài năng. Có nước 1 tỉ dân không chọn nổi 11 người đá bóng. Văn học nghệ thuật không phải là bóng đá, nhưng cũng không dễ có hàng ngàn hàng vạn nhà thơ nhà văn như chúng ta quan niệm. Văn học và các tổ cức nhân sự của văn học có thể thuận chiều, cũng có thể là nghịch lý. Tao đàn 28 ngôi sao ngâm vịnh công ơn vua chúa. Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều, Đặng Trần Côn, Hồ Xuân Hương… một đèn một bóng làm nên cả nền tảng của thơ ca và văn hoá dân tộc.
Nếu tách người nghệ sỹ ra khỏi vị trí công chức, viên chức thì liệu họ có tồn tại và sáng tạo văn học nghệ thuật? Và tình hình văn học nghệ thuật của chúng ta có khác nhiều không?
Truyền thống Việt Nam, cũng như cả thế giới không có viên chức trong VHNT. Chuyện này chỉ bắt dâu từ năm 1924, ở Nga. Trước đó, ở các nước có các nhóm nhà văn, nhà thơ, hoạ sỹ gặp gỡ nhau trong các quán cà phê trò chuyện rồi ai vào việc nấy, không có lương bổng, chức vụ gì trong văn nghệ. ở Việt Nam, nhóm tự lực văn đoàn cũng vậy. Chính nhóm này đưa ngòi bút sắt vào các tác phẩm xuất sắc trong VHNT ở nửa đầu thế kỷ 20 của nước ta. VHNT và các tổ chức nhân sự của VHNT là vấn đề cần được nghiên cứu để đề xuất những phương án tối ưu phù hợp với đặc trưng, đặc điểm của công việc đó…
Theo ông thì ở Nghệ An ta đã có các khuynh hướng sáng tác văn học nghệ thuật khác nhau chưa, trong thời gian qua và hiện nay?
Ở Nghệ An, người nhận thức khuynh hướng mới, trào lưu mới hẳn là không ít nhưng người làm nên tác phẩm thực sự thì cũng hẳn là không nhiều. Trong VHNT, hai tiếng "đội ngũ" nhiều khi rất đáng sợ!
Nhưng tôi có thể nói với anh, nếu trước đây, Vi Thuỳ Linh, Văn Cầm Hải… và một thế hệ trẻ đã khuấy động lên cái mới trong thơ thì hiện nay, ở Nghệ An, ít nhất có 2 tác giả biết làm cho cái mới hiển diện trong tác phẩm nghệ thuật. Thơ họ rất mới, khác xa với hệ tư duy lối mòn truyền thống. Các nhà thơ Hồng Nhu, Hoàng Vũ Thuật, Lê Thái Sơn, Văn Đắc, Bùi Sỹ Hoa, Lê Quốc Hán… đều nhất trí đánh giá cao sự đổi mới đó và bước đầu ghi nhận các giá trị của các tác phẩm ấy. Tôi đã đọc kỹ và tôi cũng tán đồng với ý kiến các nhà thơ đó. Có dịp tôi sẽ nói kỹ hơn về các tác phẩm này.
Trong sáng tác, tôi thấy hình như, ít hay nhiều, ở tỉnh ta, đã có sự chuyển biến. Còn hoạt động lý luận phê bình với tư cách là “bà đỡ” cho sáng tác thì hình như vẫn dẫm chân tại chỗ với những quan niệm có thâm niên hàng nửa thế kỷ. Ông có nhận xét gì không về ý kiến này?
Tôi không muốn nhận xét gì về lý luận phê bình ở Nghệ An cũng như các địa phương khác. ở những địa phương đó khó hình thành bộ môn văn học phê bình lý luận. Không đủ tác giả và khó có tác phẩm có tầm cỡ. Trước đây, ở Việt Nam có lý luận của Liên Xô, Trung Quốc được dịch ra tiếng Việt và hầu như bê nguyên dạng vào thực tế văn học của nước mình. Nếu ai bảo đó là thời ăn theo nói leo theo tư duy ngoại lai thì các bạn cũng không nên phản ứng. Ngày nay, trong khung cảnh hội nhập và giao lưu quốc tế đa cực, lý luận văn học phương Tây tràn ngập trên các trang web. Mỗi nhà lý luận cần bản lĩnh và sự thông tuệ để không chuyển từ hệ nói leo này sang hệ nói leo khác. Phải đặt vấn đề một cách nghiêm túc: Đã có lý luận phê bình văn học của Việt Nam hay chưa? Nếu như anh nói, ở ta còn có người trong đầu óc chỉ còn đọng lại những khái niệm, những luận điểm của nửa thế kỷ trước thì tôi mong những người đó không phiền đến sự phát triển của văn học nước nhà. Quan niệm lý luận phê bình là bà đỡ của sáng tác cũng là quan niệm của nửa thế kỷ trước. Ai là bà đỡ, ai là cha đẻ của ai, văn học hiện đại sẽ soi tỏ điểu đó. Sẽ có những tác phẩm văn học nằm ngoài sự hình dung của các nhà lý luận phê bình. Hiện nay, lý luận phê bình được quan niệm như một bộ môn sáng tác. Nghĩa là, các tác giả lý luận phê bình là tác giả của tác phẩm chính mình. Phê bình kiểu gì, phê bình thế nào thì chất lượng tác phẩm anh có giá trị được định lượng y xì như vậy.
Vậy có còn tồn tại nữa không lối phê bình chụp mũ?
Chụp mũ hay thổi phồng cũng chỉ là chất lượng của tác phẩm tác giả ấy mà thôi. Nhà phê bình hãy quan tâm lấy chất lượng của sản phẩm mình trước khi quan tâm chất lượng các loại hàng hoá khác…
Trở lại với vấn đề đội ngũ, ông có nhận xét gì về đội ngũ những người sáng tạo văn học nghệ thuật của chúng ta hôm nay? Họ có gì khác các thế hệ trước không?
Thế hệ các nhà văn trẻ hiện nay tiếp xúc rộng rãi, đa cực, có môi trường giao lưu văn hoá toàn cầu. Họ đọc trực tiếp tác phẩm nước ngoài không qua phiên dịch. Mọi quyết định luận hẹp hòi, u ám, về văn hoá văn nghệ không thể tiếp tục ràng buộc thế hệ trẻ.
Ngoại cảnh thuận lợi. Nhưng ngoại cảnh không quyết định được chất lượng các tác phẩm văn học. Tài năng và nội lực của các nhà văn sẽ quyết định gương mặt văn hoá của nền văn nghệ tương lai.
Kinh nghiệm tiền tư bản cho thấy các tác phẩm văn chương phải mất một thời gian dài lạc nẽo, láo nháo trong nền kinh tế hàng hoá sau đó mới chững lại, định hình ở các tác phẩm văn học đích thực.
Tôi nghĩ, ở ta thời gian trở mình ấy không kéo quá dài. Hy vọng các bạn trẻ sẽ chóng đến với các tác phẩm lớn của nền văn chương mởi mẻ và đích thực.
Xin cảm ơn ông. Hy vọng sẽ được đọc tiếp các tác phẩm mới của ông.
Phan Thắng (Thực hiện)