Xứ Nghệ ngày nay

Gian nan giữ nghề truyền thống

Phụ nữ Thổ ở Giai Xuân với nghề đan võng gai truyền thống

Trong bối cảnh kinh tế thị trường ngày càng phát triển mạnh mẽ, các nghề thủ công truyền thống cũng đối diện với nhiều thách thức. Để phát triển được thì người dân phải tiếp cận thị trường một cách hiệu quả. Nhưng thực tế, hầu hết các cộng đồng đều gặp nhiều khó khăn trong việc giữ nghề truyền thống của mình.

Đan võng gai là một nghề thủ công truyền thống của dân tộc Thổ được nhiều người biết đến. Ngày nay, người Thổ ở nhiều nơi còn lưu giữ được nghề này. Trong đó, phát triển mạnh mẽ nhất phải kể đến người Thổ ở huyện Tân Kỳ. Và nhóm Thổ ở các xã Giai Xuân, Tân Xuân là tiêu biểu nhất. Trước đây, người Thổ trồng cây gai trên nương, giờ họ chủ yếu trồng ở vườn. Hiện tại, đi trên đường chính chúng ta còn được thấy nhiều vườn gai của người dân dù diện tích đang ngày một thu hẹp hơn. Nhưng nghề đan võng gai còn tồn tại thì những vườn gai như vậy vẫn sẽ còn. Sau khi thu hoạch cây gai, họ lấy thân xe thành sợi làm nguyên liệu chính để đan võng. Lá gai được sử dụng để làm bánh gai, cũng là một đặc sản được nhiều người biết đến. Võng gai của người Thổ bền và đẹp nhờ vào sự khéo léo của người phụ nữ với những kỹ năng được truyền thụ qua các thế hệ trong gia đình.

Người Thổ đan võng gai trong gia đình hoặc tập hợp thành nhóm lại để cùng sản xuất. Ở xóm Kẻ Mui, xã Giai Xuân, nơi mà võng gai của người Thổ được biết đến nhiều nhất và cũng tập trung nhiều người biết đan võng nhất thì đa số cũng là người già. Tổ hợp tác đan võng gai Kẻ Mui có hơn 30 người tham gia thì chỉ có 7 người dưới 40 tuổi, trẻ nhất cũng 30 tuổi và già nhất là 82 tuổi. Độ tuổi từ 50 đến 70 chiếm tỷ lệ cao nhất. Để gìn giữ và phát triển nghề đan võng gai truyền thống, người dân tộc Thổ ở các xóm thuộc các xã như Giai Xuân, Tân Xuân, Tân Hợp đã tập hợp nhau lại thành lập các câu lạc bộ hoặc các tổ hợp tác để cùng nhau thực hiện. Khi rảnh rỗi thì hàng ngày các thành viên tập trung về nhà văn hóa xóm cùng đan võng gai. Ở nhà văn hóa, người ta làm một cái giá dài bằng tre hoặc gỗ, có thể treo lên để đan được 4-5 võng một lúc. Đặt hai dãy ghế hai bên để cho người đan võng ngồi. Mỗi chiếc võng thường tập trung ít thì hai người, nhiều thì ba, bốn người ngồi xung quanh để đan. Họ vừa đan võng, vừa trò chuyện với nhau. Sau đó, khi thời tiết đẹp thì họ cùng nổi cồng chiêng lên mời gọi những người khác đến múa hát. Khi có khách ghé thăm, họ mặc trang phục cổ truyền đến để giao lưu văn nghệ cũng như giới thiệu nghề đan võng. Chính vì vậy mà không khí ở nhà văn hóa luôn sôi động, náo nhiệt.

Một trong những khó khăn lớn nhất thách thức nghề đan võng gai của người Thổ là tiếp cận thị trường. Với số lượng người lành nghề còn khá nhiều và sản phẩm võng gai của người Thổ cũng đạt chất lượng cao nên có thể sản xuất hàng hóa được. Tuy nhiên, việc tiếp cận thị trường lại là một thách thức không nhỏ đối với người dân. Họ thụ động trong việc tìm kiếm khách hàng, chủ yếu khi có ai giới thiệu thì họ mang đến bán. Việc tiếp cận thị trường hạn chế cũng làm cho mức độ sản xuất chậm lại vì không tìm được nguồn tiêu thụ sản phẩm. Trước chủ yếu họ sản xuất bán trong vùng, đưa đi các hội chợ do chính quyền tổ chức hoặc đi tham gia một số cuộc triển lãm qua đó bán được một vài cái võng. Gần đây, nhiều người trong tổ hợp tác đã biết sử dụng mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm võng gai truyền thống người Thổ đến với nhiều người và bước đầu đã bán được một số sản phẩm và nhận được một số đơn hàng nhỏ. Giá cả võng gai thường được tính theo cân, mỗi cái võng thường rơi vào trọng lượng từ 2,6 - 3kg, và được bán với giá từ 800-900 ngàn/kg. “Số lượng võng bán được đã tăng so với trước, nhưng nhìn chung vẫn còn ít, chưa được như một số sản phẩm thủ công nghiệp ở các cộng đồng phát triển du lịch. Vậy nên bà con đến tập trung đan võng mang tính giải trí nhiều hơn là hoạt động kinh tế. Họ gặp gỡ nhau, cùng đan võng, cùng trò chuyện, rồi cùng giao lưu văn nghệ như là một nhu cầu văn hóa. Nhưng trường hợp khi có đơn hàng nhiều mà cần gấp thì người dân vẫn đáp ứng được. Tiếc là việc tiếp cận thị trường để mở rộng buôn bán võng gai của người dân vẫn còn khó lắm”. Bà Nguyễn Thị Quê - Tổ trưởng Tổ Hợp tác đan võng gai chia sẻ.

Cũng như nghề đan võng gai của người Thổ, nghề đan lát tre mây cũng là một nghề thủ công truyền thống của người Khơ Mú ở miền Tây Nghệ An. Hầu như ở bản Khơ Mú nào cũng có những người đàn ông giỏi nghề đan tre mây. Nhưng hiện nay, số người này đang ít dần và nghề đan tre mây cũng đang gặp những khó khăn. Ở bản Minh Tiến (xã Lượng Minh, huyện Tương Dương), hầu hết những người đàn ông lớn tuổi đều biết đan lát tre mây. Nhưng hiện nay chỉ còn 4 người thỉnh thoảng hành nghề, trong đó có một người thường xuyên đan các sản phẩm tre mây như mâm, ghế, ép xôi,… để bán. Có nhiều nguyên nhân, trong đó, quan trọng nhất là không tiếp cận được thị trường và không cạnh tranh được với các sản phẩm khác. Sản phẩm đan lát của người Khơ Mú vốn nổi tiếng nhưng cũng gặp khó khi mà đối tượng sử dụng chủ yếu vẫn là trong cộng đồng tộc người họ. Trong các nghi lễ quan trọng thì người ta phải dùng đồ đan lát tre mây để làm lễ nhưng trong cuộc sống hàng ngày họ sử dụng khá phố biến các đồ nhựa, đồ kim loại mua ngoài chợ. Chỉ một số khu vực mà du lịch phát triển hay được các tổ chức hỗ trợ để tiếp cận thị trường thì các sản phẩm thủ công truyền thống của họ mới phát triển khá hơn. Như ông Moong Văn Tuyền ở bản Minh Tiến cho biết: “Việc đan lát đồ tre mây truyền thống khá phổ biến ở các bản Khơ Mú. Nhưng càng ngày càng ít người làm bởi làm xong cũng không bán được. Còn để dùng trong nhà thì phải mấy năm nó mới hỏng nên cũng thỉnh thoảng mới phải đan. Hoặc đi mua cho nhanh vì cũng không đắt lắm. Trong mỗi gia đình cần có một bộ để sử dụng trong các nghi lễ là được. Cũng vì vậy mà những người trẻ cũng chẳng muốn học nghề truyền thống của cha ông nữa. Hiện chỉ còn ít người già biết đan và thích đan lát mà thôi”.

Ông Moong Văn Tuyền, một trong số vài người Khơ Mú ở bản Minh Tiến, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương còn hành nghề đan lát tre mây truyền thống

Đan võng gai của người Thổ hay đan lát tre mây của người Khơ Mú dù khó khăn nhưng vẫn còn tồn tại và còn cơ hội để phát triển. Trong khi đó, có nhiều nghề truyền thống của một số cộng đồng khác lại không được may mắn như vậy. Ví dụ như nghề dệt may thổ cẩm của người Tày Poọng chẳng hạn. Từng có một thời, nghề này phát triển mạnh mẽ, sản phẩm chất lượng và thẩm mỹ không hề thua kém các cộng đồng bên cạnh và có những lúc đã trở thành hàng hóa để mang đi trao đổi. Nhưng gần hai thập kỷ nay, nghề dệt may truyền thống của người Tày Poọng gần như đã bị biến mất. Ở bản Phồng, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương - nơi tập trung người Tày Poọng đông nhất hiện nay cũng chẳng còn lại một khung dệt nào. Một vài sản phẩm còn lại cũng đã được sản xuất từ vài chục năm trước và do vài người lớn tuổi giữ lại làm kỷ niệm. Như bà Vi Thị Huệ, một phụ nữ Tày Poọng đã ngoài 80 tuổi, nguyên Chủ tịch Hội phụ nữ xã Tam Hợp chia sẻ khi lục lại một phần còn sót lại của khung dệt nhà mình: “Từng biết dệt, tự dệt may trang phục cho mình rồi chứng kiến nghề truyền thống bị mất dần trong sự bất lực, nên tôi luôn trăn trở về việc sẽ khôi phục nghề này. Nhưng nhiều năm nay, muốn tìm một vài bạn trẻ để truyền dạy nghề cũng khó. Với lại, giờ sản phẩm may mặc nhiều, dệt ra để dùng thì không cần nhiều, còn để bán thì khó vì chẳng biết bán cho ai”. Cũng vì vậy mà cho đến hiện tại, ở bản Phồng, nghề dệt may thổ cẩm chỉ còn trong ký ức của vài người lớn tuổi.

 

Bà Vi Thị Huệ ở bản Phồng, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương với một chút di cảo sót lại của nghề dệt may thổ cẩm truyền thống của người Tày Poọng

Nghề thủ công truyền thống là một yếu tố văn hóa cơ bản và quan trọng của nhiều cộng đồng. Nó cũng là một nguồn lực quan trọng trong quá trình phát triển. Các cộng đồng dân tộc ở miền Tây Nghệ An có nhiều nghề thủ công độc đáo, là nguồn nội lực quan trọng để phát triển nếu có quyết sách phù hợp. Nhưng để bảo tồn và phát huy được nghề thủ công truyền thống không phải là vấn đề đơn giản. Kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ, một mặt tạo ra nhiều thách thức cho các nghề thủ công truyền thống khi mà hàng hóa công nghiệp ngày càng nhiều thêm, mẫu mã đa dạng, chất lượng khá cao mà giá thành lại rẻ. Những hàng hóa này tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm thủ công nghiệp. Mặt khác, kinh tế thị trường cũng đưa lại những cơ hội cho các nghề thủ công truyền thống nếu họ có thể tiếp cận thị trường một cách phù hợp. Nhưng để làm được điều đó, từ kinh nghiệm của nhiều cộng đồng đi trước và gặt hái được một số thành công nhất định cho thấy phải có sự nỗ lực từ những người trong cuộc và sự giúp đỡ, hỗ trợ đến từ các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và cả các nhà nghiên cứu. Như ông Vi Văn Sơn - Trưởng ban Dân tộc tỉnh nhận định: “Chúng ta đang có một nguồn nội lực quan trọng để phát triển. Đó là các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc ở Nghệ An. Nhưng làm sao để giữ gìn và phát huy được các giá trị văn hóa dân tộc, như các nghề thủ công truyền thống của các cộng đồng hay các lễ hội, nghệ thuật trình diễn… vào phát triển kinh tế lại là bài toán khó. Và đó cũng là một thách thức lớn trong công tác dân tộc hiện nay”./.

 

(Bài đã đăng VHTT Nghệ An, Số 11 - Tháng 11/2023)

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443960

Hôm nay

2211

Hôm qua

2307

Tuần này

21773

Tháng này

219134

Tháng qua

112676

Tất cả

114443960